Vào nội dung chính
Tạp chí đặc biệt

Giỗ Lưu Hiểu Ba: Ra mắt phim ''Người thách thức Bắc Kinh'' tại Pháp

Đăng ngày:

Ra mắt phim « Lưu Hiểu Ba, con người thách thức Bắc Kinh » nhân ngày giỗ lần thứ hai giải Nobel Hòa bình. Một tổ chức phi chính phủ Hàn Quốc công bố bản đồ hơn 300 địa điểm hành quyết tập thể tại Bắc Triều Tiên. Trung Quốc siết chặt kiểm soát người chạy trốn chế độ Bình Nhưỡng. Vở diễn « Hiện tại tràn bờ » về người tị nạn gây ngạc nhiên tại Liên hoan quốc tế Avignon (Pháp). Phong trào « Đi máy bay là ô nhục » từ Thụy Điển lan sang Pháp gây lo ngại cho các hãng hàng không. Trên đây là chủ đề chính của tạp chí Thế Giới Đó Đây tuần này.

Trang bìa cuốn sách «Liu Xiaobo – l’homme qui a défié Pékin» của Pierre Haski.
Trang bìa cuốn sách «Liu Xiaobo – l’homme qui a défié Pékin» của Pierre Haski. Hikari Éditions
Quảng cáo

Cách nay hai năm, ngày 13/07/2017, nhà tranh đấu vì dân chủ cho Trung Quốc Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo) qua đời vì bệnh ung thư, sau 9 năm giam cầm. Ít người dân tại Trung Quốc và trên thế giới biết Lưu Hiểu Ba là ai, bởi chính quyền Bắc Kinh muốn tìm mọi cách xóa đi các hồi ức về ông, về cuộc thảm sát Thiên An Môn (1989), cũng như phong trào Hiến chương 08 (năm 2008) đòi chấm dứt chế độ độc đảng, mà ông là người khởi xướng. Chính quyền nhiều nơi ở phương Tây dường như cũng dè dặt khi nhắc đến tên tuổi của nhà tranh đấu, vì không muốn căng thẳng với Bắc Kinh.

Cuối tháng 5, đầu tháng 6 vừa qua, tại Pháp, ra mắt cuốn sách « Liu Xiaobo – l’homme qui a défié Pékin / Lưu Hiểu Ba – người thách thức Bắc Kinh » của nhà báo Pierre Haski, chủ tịch tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới và một bộ phim tài liệu cùng tên, thuật lại cuộc đời của nhà tranh đấu dũng cảm. Phim « Lưu Hiểu Ba – con người thách thức Bắc Kinh » thuật lại hành trình bi tráng của « một trong những anh hùng vĩ đại nhất của cuộc tranh đấu vì dân chủ của thời đại chúng ta » « chống lại một trong những chế độ toàn trị khủng khiếp nhất » (giới thiệu của kênh truyền hình Bỉ RTBF).

Giáo sư văn học Lưu Hiểu Ba, đang ở Mỹ, quyết định trở về nước tham gia phong trào sinh viên đòi dân chủ tại quảng trường Thiên An Môn. Ông là người có mặt đến cùng, trong cái đêm mùng 3 rạng sáng mùng 4 tháng 6, đúng vào lúc các đơn vị quân đội Trung Quốc xả súng vào sinh viên. Lưu Hiểu Ba đã tìm cách thuyết phục binh lính ngừng bắn để mở đường thoát cho sinh viên. Bị bắt, bị giam hơn một năm sau đó, ông quyết định ở lại Trung Quốc để tiếp tục cuộc chiến vì lý tưởng, trong lúc nhiều người chọn con đường lưu vong.

Nhà văn Lưu Hiểu Ba trong cuộc trả lời báo Pháp năm 2008.
Nhà văn Lưu Hiểu Ba trong cuộc trả lời báo Pháp năm 2008. Capture d'écran Arte

Bộ phim « Liu Xiaobo – l’homme qui a défié Pékin » được công chiếu trên kênh truyền hình Pháp – Đức Arte. Đây là lần đầu tiên cuộc phỏng vấn bí mật với Lưu Hiểu Ba, với nhà báo Pháp François Cauwel, chỉ ít lâu trước khi ông bị bắt, được công bố. Cuộc phỏng vấn được coi như « bản di chúc » mà nhà tranh đấu gửi đến hậu thế. Chính quyền Trung Quốc rút cuộc đã không bịt được miệng Lưu Hiểu Ba. Nhà dân chủ - chỉ có cây bút làm vũ khí - tiếp tục khiến chế độ toàn trị bất an.

Người không theo « thỏa ước của loài heo »

Trả lời RFI, nhà báo Pierre Haski tóm lược một trong các thông điệp chính mà Lưu Hiểu Ba muốn gửi đến công chúng : « Ông ấy đã không muốn tham gia vào một thỏa hiệp xã hội mà ông Đặng Tiểu Bình đòi hỏi ở người dân Trung Quốc, sau vụ thảm sát Thiên An Môn 1989. Thỏa hiệp xã hội này có thể được tóm gọn trong khẩu hiệu : Hãy làm giàu đi ! Các vị được bảo đảm là có thể làm giàu như ý muốn, nhưng để đổi lại, đừng tham gia vào chính trị ! Đây là một lằn ranh đỏ, liệu hồn đừng có mà vượt qua ! Ông đã tóm lược điều này trong tác phẩm ‘‘Triết lý của loài heo’’ (1). Loài heo muốn gì trong đời ? Được ăn no ! Một khi được ăn no, được thỏa mãn rồi thì chúng không còn đòi hỏi gì nữa ! Còn Lưu Hiểu Ba, về phần mình, ông ấy đã không chấp nhận đánh đổi tự do tinh thần lấy thứ quyền lợi ấy ».

Trong một cuộc phỏng vấn khác, tác giả cuốn sách và bộ phim tài liệu « Lưu Hiểu Ba, con người thách thức Bắc Kinh » chua xót nhận xét : « Trong khoảng 20 năm tại phương Tây, người ta từng cho rằng phát triển kinh tế tự thân sẽ tốt đối với tiến trình dân chủ hóa Trung Quốc. Rốt cuộc với Tập Cận Bình, người ta đã ngộ ra rằng đây là một sai lầm khủng khiếp ».

Thế hệ hậu Lưu Hiểu Ba

Về Lưu Hiểu Ba, nhà báo Pháp nói thêm: « Cái chết của ông đánh dấu sự chấm dứt, về mặt biểu tượng, của một thế hệ đã thất bại trong nỗ lực dân chủ hóa Trung Quốc. Cuộc chiến này sẽ tái sinh với những thế hệ mới, với những hình thức khác ».

Trong những tuần gần đây, thế giới dường như bừng tỉnh trước phong trào tranh đấu dữ dội chống dự luật dẫn độ của chính quyền đặc khu Hồng Kông, mà đằng sau là Bắc Kinh. Phong trào buộc Bắc Kinh phải lùi bước. Tại Hồng Kông, có khoảng một triệu người từng sống dưới chế độ cộng sản Hoa lục. Trong lúc đa số tỏ ra thờ ơ, thậm chí phản đối cuộc chiến vì dân chủ, đã có một số nhỏ xuống đường sát cánh với người dân sở tại.

Bắc Triều Tiên : Công bố bản đồ hơn 300 điểm hành quyết tập thể

Tháng 6/2019 vừa qua, truyền thông quốc tế loan tải rộng rãi bản báo cáo gây chấn động của một tổ chức phi chính phủ Hàn Quốc về tình trạng kết án tử hình ồ ạt, hành quyết tập thể, buộc dân chúng phải chứng kiến tại Bắc Triều Tiên. Báo cáo của tổ chức mang tên The Transitional Justice Working Group / Nhóm làm việc vì công lý trong giai đoạn chuyển tiếp (TJWG), có trụ sở tại Seoul, đã lập được một bản đồ chỉ rõ vị trí của hơn 300 địa điểm hành quyết và nhiều địa điểm chôn người bí mật, rải rác trên khắp lãnh thổ Bắc Triều Tiên, với số lượng nhiều nhất tập trung tại tỉnh miền bắc Bắc Hamgyong.

Việc phục dựng chính xác vị trí các điểm hành quyết tập thể này căn cứ trên các cuộc phỏng vấn với hơn 600 người tị nạn Bắc Triều Tiên, được phối kiểm với một số tài liệu và bằng chứng đáng tin cậy khác, cùng hệ thống định vị địa dư GIS. Cuộc điều tra được tiến hành trong bốn năm (2015-2019). Theo các nhân chứng, các vụ hành quyết thường diễn ra sau một phiên tòa xử lấy lệ. Trong số các tội dẫn đến tử hình có cả những tội kinh tế, như ăn cắp trâu bò, phá hoại tài sản…

Theo nhiều nhân chứng, mục tiêu của chính quyền Bắc Triều Tiên, khi tổ chức các cuộc hành quyết tập thể trước sự chứng kiến của công chúng, trong đó có nhiều trẻ em, là nhằm reo rắc sợ hãi. Tại các tỉnh dọc theo biên giới với Trung Quốc, nơi người dân có thể vượt biên tương đối dễ dàng, chính quyền thường tổ chức các cuộc hành quyết tập thể tại trường học, trên sân vận động, hay các khu chợ.

Trang bìa báo cáo 2019 của TJWG về các vụ hành quyết tập thể trước đám đông tại Bắc Triều Tiên
Trang bìa báo cáo 2019 của TJWG về các vụ hành quyết tập thể trước đám đông tại Bắc Triều Tiên Copy d'ecranen.tjwg.org

Trả lời RFI, nhà sáng lập và giám đốc TJWG, ông Lee Young-hwan, cho biết báo cáo này là một thông điệp mạnh gửi đến ban lãnh đạo Bắc Triều Tiên, buộc họ phải thay đổi chính sách. Trong tương lai, lãnh đạo tối cao Bắc Triều Tiên Kim Jong Un và cấp dưới sẽ phải đối mặt với công lý.

Trung Quốc gia tăng kiểm soát người trốn khỏi Bắc Triều Tiên

Người dân Bắc Triều Tiên sống trong sợ hãi. Nhiều người muốn tìm đường thoát khỏi địa ngục trần gian. Ngả chạy trốn gần như duy nhất là qua Trung Quốc. Tuy nhiên trong thời gian những tháng gần đây, con đường này ngày càng trở nên khó khăn hơn. Thông tín viên Fédéreric Ojardias từ Seoul cho biết cụ thể :

« Mục sư Tim Peter điều hành một mạng lưới từ 20 năm nay hỗ trợ hàng trăm người tị nạn Bắc Triều Tiên đến được miền Nam. Ông cho biết là các hoạt động tại Trung Quốc ngày càng khó khăn hơn. Việc tiếp cận với biên giới Trung Quốc - Bắc Triều Tiên ngày càng trở nên khó khăn hơn, bị kiểm soát chặt hơn. Nhiều tuyến đường thậm chí bị phong tỏa, nhiều nhân viên an ninh và kiểm tra hơn. Cũng có nhiều phương tiện kiểm soát với kỹ thuật tinh vi hơn, như các thiết bị nhận dạng, máy camera chụp ảnh hồng ngoại… cũng như có nhiều hoạt động nghe lén điện thoại hơn. Tại Trung Quốc, việc bị công an bắt giữ, có nghĩa là bị đưa về nước, bị nhốt trong các trại tập trung. Người Bắc Triều Tiên tị nạn là một món mồi dễ bắt.

Ông Chung Ki-wan, một mục sư ở Seoul, cũng là người thường giúp khoảng 10 người tị nạn Bắc Triều Tiên đến Hàn Quốc, cho biết số lượng người tị nạn đến được miền Nam chỉ còn khoảng một phần ba so với trước đây. Theo ông, thách thức cơ bản hiện nay chủ yếu không phải là chính quyền tăng cường an ninh kiểm soát dân tị nạn Bắc Triều Tiên nói riêng, mà là kiểm soát gia tăng đối với toàn bộ xã hội Trung Quốc. Ví dụ như muốn đi bus, hay đi tàu, hay mua điện thoại di động, phải trình chứng minh thư. Ngày càng có nhiều camere tại Trung Quốc tự động ghi hình gương mặt. Các camera này có thể nhận dạng những người lạ mặt. Trước đây, điều khó khăn là vượt qua được biên giới Bắc Triều Tiên – Trung Quốc, còn giờ đây điều khó khăn là vượt qua lãnh thổ Trung Quốc để ra ngoài.

Một người phụ nữ Bắc Triều Tiên, được mạng lưới của mục sư Chung giúp đỡ, buộc phải để lại mẹ và em trai, cho biết cô không hy vọng hai miền Nam Bắc Triều Tiên thống nhất, mà chỉ kêu gọi chính quyền Bắc Kinh ngừng trả những người tị nạn về Bắc Triều Tiên. Bởi những tra tấn, hành hạ nhắm vào những người bị cưỡng bức về nước, là khủng khiếp, không giấy bút nào tả nổi. Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc lo sợ là làn sóng di tản ồ ạt khỏi Bắc Triều Tiên khiến chế độ Kim Jong Un sụp đổ. Ưu tiên của Bắc Kinh không phải là vấn đề nhân đạo, mà là lo đồng minh láng giềng suy sụp ».

Vở diễn về người tị nạn lấy cảm hứng từ trường ca Odyssée

Liên hoan nghệ thuật quốc tế nổi tiếng Avignon lần thứ 73 năm nay đang diễn ra có chủ đề chính là trường ca Odyssée thời cổ đại Hy Lạp của đại thi hào Homere. Mỗi nghệ sĩ kể lại cuộc hành trình Ulysse của mình theo phong cách riêng. Đạo diễn, nhà làm phim người Brazil Christiane Jatahy, gây ấn tượng với vở « Le présent qui déborde - notre Odyssée II / Hiện thực tràn bờ – Cuộc phiêu bạt Odyssée lần II ».

Đạo diễn Christiane Jatahy
Đạo diễn Christiane Jatahy RFI/ M. E. Alencar

Vở diễn lấy những người tị nạn trong đời thực làm diễn viên chính. Vượt qua ranh giới truyền thống điện ảnh / sân khấu, giữa hiện thực và tưởng tượng, vở « Hiện thực tràn bờ » mời công chúng tham gia trực tiếp vào diễn biến câu chuyện, để họ cùng các diễn viên dệt nên những mối liên hệ mới, với hiện tại, với thế giới.Phóng viên Muriel Maalouf tường trình từ Festival Avignon :

« Đạo diễn Christiane Jatahy đã gặp gỡ các diễn viên là người tị nạn và quay phim về họ : tại Palestine, tại Syria, tại Liban, tại Hy Lạp, tại Nam Phi. Một màn hình lớn trên sân khấu cho người xem tiếp cận với thực tế này, trong lúc các diễn viên - ẩn mình trong công chúng - thì tương tác với người xem và với phim tài liệu.

Các câu chuyện đời thì bi thảm nhưng tâm điểm của vở diễn lại là ngày hội, bởi trong ‘‘Hiện tại tràn bờ’’, cái hiện tại chính là thời khắc hiện hữu. Hiện tại là nơi những người bị lưu đày mắc kẹt - giữa bên là một hoài niệm vô vọng về quê hương hoang tàn và bên kia là tương lai bất định.

Đại sử thi Odyssée của Homere nối liền những mảnh đời : bao chàng Ulysse và nàng Peneloppe đột ngột xuất hiện trên những chặng đường mà đạo diễn Christiane Jatahay đi qua. Run rủi của cuộc đời đã đẩy họ xô dạt đến những nơi rất xa với biển, như chàng Ulysse năm xưa từng đi qua, để hiểu được về quá khứ đời mình.

Đạo diễn Brazil cuối cùng đưa chúng ta trở về xứ sở quê hương cô ở vùng rừng Amazon Nam Mỹ, vùng đất được mệnh danh là ‘‘lá phổi của thế giới’’ đang bị tàn phá dần mòn.

‘‘Hiện tại tràn bờ’’ là một vở diễn mang tính thơ hiếm có, nơi điểm xuyết nhiều nhận xét xác đáng về sự bất công của việc xâm chiếm các vùng đất của người Palestine, về tương lai đầy rủi ro của những ai bất hạnh phải sinh ra tại miền đất Trung Đông đau đớn này ».

Phong trào ‘‘Đi máy bay là ô nhục’’ từ Thụy Điển lan sang Pháp

Phong trào « flygskam », tiếng Thụy Điển có nghĩa là đi máy bay là điều ô nhục, khởi sự tại quốc gia Bắc Âu này từ hồi năm ngoái, đã lan đến Pháp. Ngày càng nhiều người Pháp đắn đo trước khi quyết định đi máy bay, bởi lo ngại góp thêm phần vào một trong những ngành công nghiệp chịu trách nhiệm của khoảng từ 2% đến 3% lượng khí thải toàn cầu, khiến Trái đất nóng lên nhanh chóng.

Cuối tháng 5, trước thềm hội nghị thường niên của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), tổng giám đốc Alexandre de Juniac bày tỏ lo ngại trước viễn cảnh ngành vận tải hàng không tại châu Âu bị các phương tiện khác, đặc biệt là ngành xe lửa cao tốc thu hút khách. Bị tác động trước hết là các tuyến vận tải hàng không nội địa châu Âu, nơi du khách có thể lựa chọn các phương tiện thay thế (2). Dưới áp lực của công luận, một số quốc gia châu Âu muốn cắt giảm các chuyến bay đường gần, Quốc Hội Hà Lan vừa quyết định xóa bỏ tuyến bay Amsterdam – Bruxelles.

Phóng sự của nhà báo Théo Vareille từ sân bay Charles de Gaulle, ngoại ô Paris :

« Tại cửa số ba của sân bay quốc tế Charles de Gaulle, nơi hàng nghìn người chuẩn bị cất cánh, để tỏa về khắp nơi trên thế giới. Ý thức về sinh thái hiện hữu, nhưng ý tưởng đi máy bay vẫn thu hút mạnh hơn. Một hành khách giải thích : Đi máy bay tiết kiệm được nhiều thời gian, chính vì vậy mà người ta dường như ít quan tâm đến sinh thái hơn.

Một hành khách khác chuẩn bị lên đường đi Montreal, vừa cười, vừa nói : Liệu chúng tôi có thể nào vượt biển bằng thuyền hay không đây ?!

Tuy nhiên, theo một thăm dò dư luận mới đây của BVA, cứ ba hành khách đi máy bay người Pháp, thì đã có một người cố gắng thay đổi ứng xử của mình trong lĩnh vực này để ít gây ô nhiễm. Họ cố gắng gây ít ô nhiễm hơn bằng việc ít đi xa hơn, bằng cách có các biện pháp để bù lại việc đi máy bay tạo nhiều khí thải, hay đơn giản là không đi máy bay. Giám đốc nghiên cứu của Viện BVA, bà Christelle Craplet, cho biết cụ thể : ‘‘Khoảng 20% lựa chọn phương tiện ít gây ô nhiễm hơn, dĩ nhiên số lượng người không đi thì rất ít’’.

Anh Yanis Notias, sinh viên và cũng là một nhà tranh đấu môi trường đã quyết định không đi máy bay từ một năm rưỡi nay, nhưng điều đó không cản trở anh không đi Hy Lạp mùa hè này. Để đến Hy Lạp, Yanis chọn cách đi tàu hỏa, xuyên qua dãy Alpes, với tổng cộng lộ trình là 3 ngày, thay vì 3 giờ đi máy bay.

Phong trào "Flygskam"
Phong trào "Flygskam" Copy d'ecran L'express

Đối với những ai không sẵn sàng trải qua một lộ trình gian truân như vậy, nhưng rất quan tâm làm sao để việc đi máy bay không ảnh hưởng đến môi trường, một số hãng du hành đề xuất với họ một giải pháp. Công ty lữ hành Voyageur du Monde cho biết doanh nghiệp hiện nay đã đạt mức zero khí thải. Viên tổng giám đốc của hãng cho biết đề xuất với khách hàng giải pháp để bù lại lượng khí thải ra này, cụ thể bằng cách đóng góp cho việc trồng rừng. Voyageur du Monde đầu tư 1,4 triệu đô la hàng năm cho việc trồng cây sú vẹt tại Peru, Ấn Độ hay Senegal ».

Ngành hàng không – vốn được coi là một lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế hiện đại – đang đứng trước áp lực rất lớn. Một mặt phải gia tăng gấp bội số lượng máy bay, với số lượng hành khách dự kiến lên tới 8 tỉ lượt người đi máy bay / năm (với khoảng 40.000 phi cơ), vào thời điểm 2050, tức gấp 4 lần so với 2005 và 2 lần so với hiện nay. Mặt khác, hàng không buộc phải cải tiến triệt để công nghệ để giảm lượng khí thải chỉ còn một nửa so với năm 2005, từ đây đến 2050, theo các cam kết quốc tế. Trên thực tế, lượng khí thải vẫn liên tục tăng (năm 2018 tăng gấp 1/3 so với 2008). Tháng trước, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế tái cam kết tổng khí thải sẽ đạt đỉnh vào năm 2035 và sẽ giảm mạnh kể từ đó, để đạt mức một nửa so với 2005. Đây là điều mà đông đảo giới bảo vệ môi trường rất hoài nghi (3).

Ghi chú

1. « La philosophie du porc et autres essais / Triết lý của loài heo và một sổ tiểu luận khác » của Lưu Hiểu Ba được ấn hành tại Pháp năm 2011.

2. Theo cơ quan Môi trường và Năng lượng Pháp (ADEME), lượng khí thải CO2 máy bay gấp 45 lần tàu cao tốc, chưa kể nhiều loại khí thải nguy hiểm khác khiến Trái đất nóng lên, như O3 (ozone), oxydes d'azote (NOx), hay mây ti tích (Cirrus cloud).

3. Giới hàng không nhìn chung muốn thực thi cơ chế Corisa, mua « tín chỉ các-bon » để bù trừ lượng khí thải CO2 phát ra, với ước tính 40 tỉ đô la tiền mua « tín chỉ » (mục tiêu đề ra là cho phép bồi hoàn đến hơn 80% lượng khí thải trong khoảng thời gian từ 2020-2035), bên cạnh hàng trăm tỉ đô la hàng năm bỏ ra để mua sắm máy bay mới. Ngược lại, tại các nước châu Âu, đang ngày càng có nhiều đòi hỏi đánh thuế trực tiếp vào xăng máy bay (giá vé có thể tăng đến 10%), để có nhiều tiền hơn cho các phương tiện giao thông thay thế, đặc biệt là tàu cao tốc (chỉ riêng tại Pháp sắc thuế này có thể mang lại khoảng 3,5 tỉ đô la/năm). Và cũng là để xóa bỏ tình trạng bất công về thuế. Cho đến nay, xăng máy bay là nhiên liệu duy nhất từ dầu mỏ không chịu thuế, với các đường bay quốc tế (việc miễn thuế xăng cho máy bay thường bị dư luận lên án là « miễn thuế cho người giàu »). Để làm được điều này phải hủy bỏ các quy định miễn thuế xăng máy bay trong thỏa ước quốc tế của ngành hàng không năm 1944. Thỏa ước được đưa ra vào thời điểm vấn đề khí thải làm hâm nóng Trái đất chưa được đặt ra.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.