Vào nội dung chính
PHÁP - HOA KỲ

Thuế GAFA : Pháp đơn thương độc mã chống lại Trump ?

Thượng Viện Pháp ngày 11/07/2019 thông qua dự luật đánh thuế đối với các dịch vụ kỹ thuật số của các đại tập đoàn công nghệ quốc tế tại Pháp, gọi nôm na là luật thuế GAFA, từ ghép lấy tên của bộ tứ tập đoàn thống trị thế giới công nghệ hiện nay là Google, Apple, Facebook và Amazon.

Bộ trưởng Kinh Tế Bruno Le Maire tại hội nghị "Choose France" lần 2, ngày 21/01/2019 tại Versailles.
Bộ trưởng Kinh Tế Bruno Le Maire tại hội nghị "Choose France" lần 2, ngày 21/01/2019 tại Versailles. AFP/ Geoffroy VAN DER HASSELT
Quảng cáo

Sắc thuế này không chỉ nhắm vào Hoa Kỳ, nhưng do việc đại đa số các tập đoàn bị thuế lại là tập đoàn Mỹ, cho nên Washington đã lập tức phản đối với đe dọa áp thuế trả đũa trên các sản phẩm Pháp. Câu hỏi đặt ra là liệu Paris có dám tiếp tục đơn thương độc mã lao vào cuộc đọ sức này với chính quyền Donald Trump hay không ?

Phải nói là luật về thuế GAFA của Pháp đã vấp phải sự chống đối của hầu như toàn bộ dư luận Mỹ, từ phía các tập đoàn bị đánh thuế đã đành, mà cả từ chính giới Mỹ trong cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa.

Trong bối cảnh đó, ngay từ hôm 10/07, khi Thượng Viện Pháp chuẩn bị xem xét dự luật, đại diện thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer đã tố cáo một sắc thuế nhằm « trừng phạt các công ty Mỹ một cách bất công ».

Ông còn cho biết là đã được tổng thống Mỹ Donald Trump khẩn cấp yêu cầu mở cuộc điều tra về hành vi kỳ thị đối xử của Pháp nhắm vào các doanh nghiệp Mỹ. Tương tự như đối với trường hợp của Trung Quốc, nếu luật GAFA của Pháp bị xét là phương hại đến quyền lợi của Mỹ, tổng thống Hoa Kỳ có thể áp đặt thuế quan đối với hàng hóa Pháp để trả đũa.

« Giải quyết bất đồng bằng cách khác hơn là đe dọa »

Trước sức ép của Mỹ, Pháp vẫn khẳng định quyền đánh thuế trong tư cách một nước có chủ quyền. Hôm qua, 11/07, trước lúc Thượng Viện bỏ phiếu, bộ trưởng Kinh Tế Pháp Bruno Le Maire đã không ngần ngại nhấn mạnh : « Pháp là một nước có chủ quyền, và có toàn quyền đề ra các biện pháp thuế của riêng mình ».

Không nêu đích danh nước Mỹ, nhưng ông Le Maire cho rằng : « Giữa các đồng minh, chúng ta cần nên giải quyết các bất đồng bằng cách khác hơn là đe dọa ».

Nhưng quyết định đánh thuế nhắm vào các đại gia công nghệ thế giới của chính phủ Pháp không được tất cả mọi người tại Pháp tán đồng. Theo ông Giuseppe de Martino, chủ tịch của hội ASIC, nhóm vận động hành lang ủng hộ các đại tập đoàn công nghệ đã khuyến cáo chính phủ Pháp là nên chôn vùi luật GAFA đi.

Theo nhân vật này thì « khi đơn phương đánh thuế thêm nhắm vào các tác nhân Mỹ, ông Bruno Le Maire đã khai mào một cuộc chiến thương mại và sẽ tác hại đến nhiều lĩnh vực ».

Giới quan sát đã tìm hiểu xem mặt hàng nào Pháp có nguy cơ bị chính quyền Trump áp thuế quan nhập khẩu để trả đũa. Một số nguồn tin đã nói đến áp thuế rượu vang hay ô tô. Có điều là khả năng đánh thuế rượu vang không có gì là mới lạ, từng được phía Mỹ dự trù khi bùng lên tranh chấp với châu Âu về nhôm và thép. Còn ô tô thì không có gì đáng ngại vì Pháp hầu như không xuất xe hơi qua Mỹ. Lãnh vực đáng ngại còn lại là khả năng tăng gấp đôi thuế đánh vào doanh nghiệp và cư dân Pháp tại Hoa Kỳ.

Liên kết được cả châu Âu ?

Tuy đã trở thành nước đi đầu và duy nhất áp dụng thuế GAFA, Pháp vẫn thận trọng tìm cách lôi kéo cả châu Âu cùng tham gia.

Theo giới phân tích, việc Pháp kiên quyết thông qua luật này diễn ra sau khi các nước Liên Hiệp Châu Âu hồi đầu năm, đã không nhất trí được đề án thuế GAFA chung cho toàn Liên Âu, do không được 4 thành viên Ireland, Thụy Điển, Đan Mạch và Phần Lan đồng ý.

Tuy vậy Pháp vẫn hy vọng không đơn độc. Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế OCDE, tập hợp 37 quốc gia, đang nghiên cứu hồ sơ và vào tháng Giêng vừa qua đã khẳng định rằng đã được 127 nước trên thế giới đồng ý trên nguyên tắc về việc cải tiến chế độ thuế, và một thỏa thuận quốc tế có thể đạt được vào năm 2020.

Trong khi chờ đợi, Pháp có lẽ sẽ phải gồng mình chịu đựng các đòn trả đũa từ Donald Trump. Nhưng dẫu sao thì Paris cũng đã dành cho mình một lối thoát. Luật GAFA chỉ mang tính chất tạm thời, và hết hiệu lực vào năm 2021.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.