Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Thời tiền sử trong các tác phẩm nghệ thuật hiện đại

Đăng ngày:

« Thời tiền sử : một ẩn ngữ hiện đại » là cuộc triển lãm về các tác phẩm nghệ thuật thời hiện đại lấy cảm hứng từ thời tiền sử, được tổ chức tại Trung Tâm Văn Hóa Pompidou, Paris từ ngày 08/05 đến ngày 16/09/2019. Nghệ thuật và lịch sử đan xen, gắn kết vào nhau ! Đến triển lãm, người xem không chỉ được phiêu du trong không gian nghệ thuật hiện đại từ thế kỷ 19 đến nay, mà còn được đắm chìm trong cuộc hành trình « lội ngược thời gian » trở về thời tiền sử, từ khi con người chưa xuất hiện trên Trái đất, cho đến khi chữ viết xuất hiện …

« Vòng tròn - con rắn », một tác phẩm tạo hình bằng chất liệu đá của nghệ sĩ Richard Long, năm 1991.
« Vòng tròn - con rắn », một tác phẩm tạo hình bằng chất liệu đá của nghệ sĩ Richard Long, năm 1991. RFI/Vietnam
Quảng cáo

Bước chân vào triển lãm, người xem sẽ phải bất ngờ khựng lại một chút trong căn phòng tối đen, chỉ với một chiếc hộp được chiếu sáng, trong đó bày … một chiếc sọ người Cro-Magnon. Nổi bật trên nền tường đen là dòng chữ viết về sự bất tận của thời gian, sức nặng của quá khứ. Gần đó là bức tranh của Paul Klee vẽ chiếc đồng hồ quả lắc, được đặt tên rất đơn giản : « Thời gian ». Hành trình ngược về thời tiền sử bắt đầu. Triển lãm được chia thành 8 không gian theo chủ đề : bề dày thời gian, Trái đất trước khi có con người, Con người và động vật, cử chỉ và công cụ, hang động, thời đồ đá mới, …

Tranh sơn dầu « Đại Ngàn ». Họa sĩ Max Ernst vẽ năm 1927.
Tranh sơn dầu « Đại Ngàn ». Họa sĩ Max Ernst vẽ năm 1927. RFI/Vietnam

Trả lời phỏng vấn của RFI Việt ngữ, giáo sư nghệ thuật Rémy Labrusse, một trong ba chuyên gia phụ trách công tác tổ chức và giám sát triển lãm « Thời tiền sử : một ẩn ngữ hiện đại », giải thích : « Các tác phẩm, cũng giống như trong mọi cuộc triển lãm lớn ở Trung tâm Pompidou, tới từ nhiều nguồn khác nhau, ở Pháp cũng như từ nước ngoài, và được chia thành ba nhóm. Nhóm chính gồm những tác phẩm nghệ thuật hiện đại và đương đại có giá trị, từ thế kỷ 19 cho tới nay, đầu thế kỷ XXI.

Nhóm thứ hai có các tài liệu, sách, ảnh, bản khắc kể lại lịch sử, cách chúng ta giới thiệu về thời tiền sử ; bao gồm các tài liệu khoa học về khảo cổ và lịch sử. Nhóm cuối cùng, có số lượng ít nhất, nhưng lại là những tác phẩm quan trọng nhất, gây ấn tượng mạnh nhất, là các hiện vật đúng là từ thời thời tiền sử. Hoặc đó là những hóa thạch, bởi vì chúng tôi cũng có ý định lồng các yếu tố về lịch sử tự nhiên vào các ý tưởng về thời tiền sử, hoặc đó là các tác phẩm nghệ thuật do con người ở thời đồ đá cũ, hoặc sau này là ở thời đồ đá mới, tạo ra ».

« Đêm đen », « Cấu trúc thời gian », « Dòng chảy vạn vật », « Đại ngàn », « Kỷ niệm về một thế giới đã mất », « Gốc gác của những miền đất », « Sự im lặng vĩnh cửu của những không gian vô hạn làm tôi khiếp sợ » …, chỉ qua tên gọi của các tác phẩm, công chúng dường như cũng có thể cảm nhận mình đang được các nghệ sĩ thời hiện đại dẫn dắt đi khám phá thế giới thời sơ khai.

Paul Cézanne vẽ tranh sơn dầu « Núi Sainte-Victoire nhìn từ đường Bibémus », năm 1898-1900.
Paul Cézanne vẽ tranh sơn dầu « Núi Sainte-Victoire nhìn từ đường Bibémus », năm 1898-1900. RFI/Vietnam

Pablo Picasso và Paul Cézanne là hai trong số các họa sĩ nổi tiếng có tác phẩm được trưng bày. Khoảng 400 hiện vật đa dạng, từ tranh vẽ chì, tranh sơn dầu, phim tài liệu, mẫu hóa thạch, những bản khắc, tượng, sách cổ, tác phẩm tạo hình … từ nhiều chất liệu khác nhau như đá vôi, đá cẩm thạch, gỗ, giấy, bìa, thạch cao, cát, chì, đồng … cho thấy các nhà tổ chức đã rất kỳ công chọn lọc tác phẩm, cho ra đời một cuộc triển lãm rất phong phú.

Nhà giám sát triển lãm Rémy Labrusse khẳng định : « Đúng là chúng tôi muốn đây là một cuộc triển lãm phong phú, đa dạng. Đây là một cuộc triển lãm vừa mang tính thẩm mỹ, vừa mang tính lịch sử. Triển lãm đã diễn ra đúng theo quan điểm này, theo đúng truyền thống của trung tâm Pompidou là cung cấp cho người xem một câu chuyện văn hóa thực sự, một cách phản chiếu bản sắc riêng của chúng ta ở thế kỷ XX, XXI.

Một điều khác khiến triển lãm này đa dạng, là nó gắn kết hai thời kỳ rất khác nhau : thời tiền sử trải từ khi con người chưa xuất hiện trên Trái đất cho đến khi xuất hiện chữ viết, rồi tiếp đến là thời hiện đại, ngắn hơn thời tiền sử rất nhiều nhưng lại tạo thành chủ đề thực sự của cuộc triển lãm, kéo dài từ thế kỷ 19 cho đến nay. Hành trình tham quan triển lãm xuôi dọc theo hai thời kỳ đó và nhằm kết nối hai thời kỳ với nhau. Triển lãm bắt đầu với thời Trái đất chưa có loài người, với các họa sĩ cuối thế kỷ 19, nhất là Paul Cézanne. Và sau đó là đến các thời gần đây hơn, như thời đồ đá cũ, đồ đá mới … với các tác phẩm nghệ thuật gần thời chúng ta sống hơn, thậm chí là những tác phẩm nghệ thuật đương đại, nghệ thuật thời hiện tại do các nghệ sĩ đương thời sáng tác ».

Tranh sơn dầu « Trong rừng ». Họa sĩ Alberto Savinio vẽ năm 1928.
Tranh sơn dầu « Trong rừng ». Họa sĩ Alberto Savinio vẽ năm 1928. RFI/Vietnam

Nhưng ý tưởng tổ chức triển lãm về nghệ thuật hiện đại và thời tiền sử xuất phát từ đâu ? Nhà giám sát triển lãm Rémy Labrusse giải thích :

« Triển lãm này ra đời từ một ý tưởng rất đơn giản : khái niệm thời tiền sử phát triển đồng thời với cái mà người ta gọi là nghệ thuật hiện đại, từ nửa sau thế kỷ XVIII. Bản thân từ « thời tiền sử » cũng thực sự được đưa vào các ngôn ngữ của châu Âu vào khoảng năm 1860. Đó cũng chính là thời điểm trong nghệ thuật có những thay đổi sâu sắc và nhiều cách thức mới để miêu tả thế giới đã ra đời. Chúng tôi muốn xem hai hiện tượng quan trọng đặc trưng cho nền văn hóa hiện đại đã tác động, tương tác với nhau như thế nào ».

Những mẫu hóa thạch có niên đại vài chục ngàn năm.
Những mẫu hóa thạch có niên đại vài chục ngàn năm. RFI/Vietnam

Một triển lãm quy mô và đa dạng như vậy chắc hẳn phải được chuẩn bị kỹ lưỡng trong một thời gian dài ? Giáo sư nghệ thuật Rémy Labrusse của trường Đại học Paris 10 - Paris Nanterre giải thích :

« Triển lãm này được một tập thể chuẩn bị. Nhóm tổ chức gồm 3 người, Cécile Debray, Maria Stavrinaki và tôi. Chúng tôi đã phối hợp với nhau rất chặt chẽ, trước tiên là để xác định dự án mà nền tảng là một câu chuyện. Chúng tôi kể về quá trình phát triển của khái niệm về thời tiền sử và cách người nghệ sĩ thể hiện vai trò của mình, như một người diễn viên đang diễn xuất trên sân khấu.

Có thể nói, người nghệ sĩ đóng vai rất trong trọng trong câu chuyện này. Chúng tôi muốn cho thấy họ không chỉ đơn giản là chịu ảnh hưởng của thời tiền sử, mà họ góp phần tạo nên cách mà chúng ta giới thiệu về thời tiền sử, trong đó có cách thức mà chúng ta hướng tới phương trời đó, cho nó một hình hài, một gương mặt. Để làm được điều đó, đầu tiên chúng tôi phải suy nghĩ rất nhiều. Việc này chiếm rất nhiều thời gian. Chúng tôi bắt đầu công việc cách nay 5 năm. Còn việc chuẩn bị cụ thể ở Trung tâm Pompidou thì là trong 3 năm. Như vậy, tôi có thể nói là việc lên ý tưởng được thực hiện trong 5 năm, còn công tác chuẩn bị là 3 năm. »

Năm năm chuẩn bị kỳ công của ban tổ chức đã được đền đáp xứng đáng.Ngay từ những ngày đầu, triển lãm đã thu hút rất đông khách, không chỉ người Pháp mà còn có rất nhiều du khách ngoại quốc, cũng dành thời gian đến cảm nhận về thời sơ khai, nhưng qua góc nhìn của nghệ thuật hiện đại, khám phá thời kỳ cách nay hàng triệu, hàng trăm ngàn năm được tái hiện sống động, mới lạ trong các tác phẩm từ thế kỷ XIX. Họ bị chinh phục bởi những hiện vật quý giá, những mẫu hóa thạch có niên đại hàng chục ngàn năm, những cuốn sách xuất bản từ những năm 1700-1800, viết về thời kỳ cổ xưa, những tác phẩm ấn tượng được lấy cảm hứng từ thời tiền sử …

Tác phẩm “Cấu trúc thời gian” được Jeseppe Penone sáng tác năm 1991-1992.
Tác phẩm “Cấu trúc thời gian” được Jeseppe Penone sáng tác năm 1991-1992. RFI/Vietnam

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.