Vào nội dung chính
PHÁP - VĂN HOÁ

Paris : Triển lãm 100 năm phim "đồng tính"

Nhân dịp tuần lễ của cộng đồng LGBT tại Paris, với cuộc tuần hành La Marche des Fiertés (Paris Pride) vào hôm thứ Bảy 29/06/2019, Tòa Đô chính Paris đã cùng với Viện lưu trữ phim ảnh Pháp tổ chức cuộc triển lãm miễn phí nhìn lại ‘‘100 năm điện ảnh cầu vồng’’.

Triển lãm miễn phí "100 năm điện ảnh cầu vồng" tại Toà Đô chính Paris
Triển lãm miễn phí "100 năm điện ảnh cầu vồng" tại Toà Đô chính Paris Tuấn Thảo / RFI
Quảng cáo

Mang tựa đề "Champs d'amours, 100 ans de cinéma arc-en-ciel", cuộc triển lãm diễn ra từ 25/06 đến 28/09/2019 tại phòng Saint Jean ở Tòa Đô chính Paris quận 4, tập hợp ảnh chụp, trang phục sân khấu, dụng cụ hóa trang, bên cạnh các video clip, 10 bộ phim ngắn nguyên tác cũng như các trích đoạn từ 95 bộ phim. Ngoài ra, còn có các văn bản như kịch bản phim thời được phát hành, áp phích chính gốc, sách báo và các tài liệu lưu trữ chưa từng được công bố …..

‘‘100 năm điện ảnh cầu vồng’’ nhìn lại đề tài đồng tính trong suốt quá trình phát triển của nghệ thuật thứ bảy. Đâu là điểm chung giữa các bộ phim Thelma & Louise của Ridley Scott, La Ley del Deseo của Pedro Almodovar, Billy Elliott của Stephen Daldry hay là La vie d’Adèle của Abdellatif Kechiche. Ngoài là các tác phẩm điện ảnh xuất sắc, các bộ phim này trong tuyến truyện chính đều ít nhiều đề cập đến chủ đề ‘‘đồng tính’’ (hiểu theo nghĩa rộng nhất trong thuật ngữ LGBT, gồm cả lưỡng tính và chuyển đổi giới tính) tiêu biểu qua bộ phim ‘‘The Crying Game’’ của đạo diễn Neil Jordan.

Fasbinder, Visconti hay Pasolini đều là những tên tuổi lớn phổ biến phim LGBTQ+
Fasbinder, Visconti hay Pasolini đều là những tên tuổi lớn phổ biến phim LGBTQ+ Tuấn Thảo / RFI

Với thời gian, những tác phẩm này trở nên tiêu biểu cho giới đồng tính nói riêng, cộng đồng LGBT nói chung (giờ đây gọi là LGBTQ+), do nội dung thể hiện sự đa dạng của các định hướng giới tính, chỉ bắt đầu phổ biến qua phim ảnh cũng như văn hóa dòng chính (mainstream) trong những thập niên gần đây. Sở dĩ cuộc triển lãm chọn 100 năm làm cột mốc tiêu biểu, bởi vì các tác phẩm đầu tiên đề cập đến đề tài đồng tính là những bộ phim truyện thực hiện vào năm 1919.

Cuộc triển lãm chọn điểm khởi hành là bộ phim ‘‘Autre que les Autres’’ của hai đạo diễn Đức Richard Oswald et Magnus Hirschfeld. Bộ phim này tựa như một bản tuyên ngôn chống lại điều 175 trong Bộ luật hình sự của Đức thời bấy giờ, phạt án tù giam đối với những ai có quan hệ đồng tính. Thời Đức Quốc Xã, các nhà đạo diễn buộc phải sống lưu vong, hầu hết các thước phim đều bị thiêu hủy, ngoại trừ một phiên bản bị thất lạc rồi được tìm thấy tại Ukraina.

Triển lãm tại Paris ‘‘100 năm điện ảnh cầu vồng’’
Triển lãm tại Paris ‘‘100 năm điện ảnh cầu vồng’’ Tuấn Thảo / RFI

Cũng vào khoảng thời kỳ 1918-1919, đạo diễn Đức Ernst Lubitsch thực hiện bộ phim mang tựa đề ‘‘I don’t want to be a man ’’. Tác phẩm này cũng chìm vào quên lãng sau khi đạo diễn Ernst Lubitsch rời nước Đức sang Hoa Kỳ lập nghiệp, nhưng sau đó bản gốc đã được tìm lại và nay Viện lưu trữ phim ảnh Pháp (Cinémathèque Française) có cất giữ một phiên bản. Một bộ phim khác ‘‘Viktor und Viktoria’’ của đạo diễn Đức Reinhold Schunzel cũng đã thành công vào năm 1933 và mãi tới hơn nửa thế kỷ sau, tác phẩm mới được đạo điễn Mỹ Blake Edwards phóng tác thành bộ phim ca nhạc ‘‘Victor & Victoria’’ từng đoạt Oscar và nhiều giải thưởng lớn vào năm 1982.

Tuy nhiên, ngoại trừ càc trường hợp này ra, trong một thời gian dài ít nhất là nửa thế kỷ, đề tài đồng tính đã bị kiểm duyệt gắt gao, nhất là vào thời Hollywood áp dụng triệt để các quy tắc đạo đức trong phim ảnh thông qua bộ luật ‘‘Hays Code’’, các nhân vật đồng tính hay lưỡng tính bị cấm hẳn trên màn ảnh. Đề tại này chỉ bắt đầu xuất hiện rồi phát triển qua phim ảnh từ giữa những năm 1960, phần lớn nhờ vào cuộc ‘‘cách mạng tình dục’’ tại các nước Âu Mỹ từ thập niên 1960 đến 1970.

Bức tưởng niệm các đạo diễn đóng góp cho nền điện ảnh LGBTQ+
Bức tưởng niệm các đạo diễn đóng góp cho nền điện ảnh LGBTQ+ Tuấn Thảo / RFI

Cũng như các quyển tiểu thuyết văn học, các tác phẩm điện ảnh có thể tác động mạnh mẽ đến công chúng. Tuy nhiên, trong vòng 50 năm, đề tài đồng tính vẫn ở trong bóng tối, các kịch bản điện ảnh bị giấu kín trong ngăn tủ. Vào tháng 6 năm 1969, tức cách đây đúng 50 năm, vụ cảnh sát Mỹ đàn áp giới gay, đã châm ngòi cho vụ nổi loạn Stonewall, sự kiện này đánh dấu bước khởi đầu của phong trào đấu tranh đòi quyền bình đẳng cho cộng đồng LGBT qua các cuộc tuần hành lần lượt diễn ra tại các thành phố lớn ở Âu Mỹ. Phong trào này nhiều thập niên sau đó, mới lan rộng ra các châu lục khác.

Tuy nhiên, màn ảnh lớn không phản ánh đầy đủ những biến chuyển này, ngoại trừ các tác phẩm như Teorema của Pasolini (1968), Mort à Venise của Luchino Visconti (1971) hay là The Rocky Horror Picture Show của Jim Sharrman (1975), phim đồng tính thời ấy chỉ được đếm trên đầu ngón tay, như thể các nhà làm phim vẫn còn rất rụt rè, còn giới sản xuất thì vẫn lúng túng khi phải đề cập tới những đề tài nhạy cảm.

Bộ phim nổi tiếng La Cage aux Folles với cặp diễn viên Poiret Serrault
Bộ phim nổi tiếng La Cage aux Folles với cặp diễn viên Poiret Serrault Tuấn Thảo / RFI

Bộ phim Pháp ‘‘La Cage aux Folles’’ (The Bird Cage) ở Pháp vẫn là một trường hợp ngoại lệ. Tuy rất thành công, nhưng phim vẫn không phản ánh các vấn đề thiết thực của cộng đồng LGBT, một lối tiếp cận khác hẳn với các tác phẩm sau này như ‘‘L'inconnu du Lac’’ (Kẻ lạ bên bờ hồ) của tác giả Pháp Alain Guiraudie hay là ‘‘Cuộc đời của Adèle’’ (Blue is the warmest color) của dạo diễn Abdellatif Kechiche.

Bước ngoặt trong lãnh vực này đến từ những năm 1980 qua dòng phim của Pedro Almodovar mà ngay từ bộ phim ‘‘Tiếng gọi của dục vọng’’ (La Ley del Deseo 1986) đã chọn giấc mơ đi tìm hạnh phúc của các cộng đồng thiểu số làm sợi chỉ đỏ xuyên suốt các tác phẩm của ông. Nụ hôn của Nàng Nhện (The Kiss of Spider Woman 1985) của đạo diễn Brazil gốc Argentina Hector Babenco cũng là một cú sốc điện ảnh, với lối nhập vai xuất thần của Willliam Hurt. Tại Anh, nếu như Ken Loach muôn thuở đưa ‘‘đấu tranh giai cấp’’ vào phim của mình, thì các tác giả khác như Stephen Frears, Neil Jordan, Stephen Daldry và gần đây hơn nữa là Matthew Warchus đều ít nhiều đề cập tới chủ đề đồng tính.

Làn sóng điện ảnh châu Á từ những năm 1990 cũng xuất hiện trên bảng vàng của các liên hoan phim quốc tế đặc biệt là Toronto, Berlin, Venise hay Cannes và trong số các tác phẩm đoạt giải, một vài bộ phim cũng đặc biệt nói về đề tài đồng tính như ‘‘Hạng Võ biệt Ngu Cơ’’ (Farewell my concubine) của Trần Khải Ca, ‘‘Memento Mori’’ của đạo diễn Hàn Quốc Kim Tae-yong, ‘‘Bangkok Love Story’’ của đạo diễn Thái Lan Poj Arnon hay là phim cổ trang ‘‘Tabou’’ của đạo diễn Nhật Bản Nagisa Oshima.

Bộ phim Brokeback Mountain của đạo diễn Lý An chinh phục dòng chính
Bộ phim Brokeback Mountain của đạo diễn Lý An chinh phục dòng chính Tuấn Thảo / RFI

Về điểm này, người đã thực hiện cú đột phá ngoạn mục vẫn là đạo diễn gốc Đài Loan Lý An (Ang Lee). Vào năm 1993, ông đoạt giải Gấu vàng tại liên hoan Berlin nhờ bộ phim với đề tài đồng tính ‘‘Tiệc cưới’’ (The Wedding Banquet). Hơn một thập niên sau, vào năm 2006, ông lại đưa chủ đề này vào trong phim ‘‘Brokeback Mountain’’. Sau khi thành công trên toàn thế giới, gây tiếng vang lớn với nhiều giải thưởng điện ảnh cực kỳ ấn tượng, bộ phim ‘‘cao bồi gay’’ đã tạo ra một tác động tích cực, được nhiều người xem như là tác phẩm đã đưa đề tài đồng tính vào dòng chính.

Hollywood sau nhiều năm khép kín cuối cùng đã mở rộng cánh cửa. Hai năm sau (2008), đến phiên Sean Penn giành giải Oscar dành cho Nam diễn viên xuất sắc nhất nhờ vai chính trong bộ phim tiểu sử "Harvey Milk" của đạo diễn Gus Van Sant, kể lại cuộc đời và sự nghiệp của nhà đấu tranh đòi quyền bình đẳng cho giới gay nói riêng, cho cộng đồng LGBT nói chung.

Phòng chiếu phim và video trong cuộc triển lãm 100 năm điện ảnh cầu vồng
Phòng chiếu phim và video trong cuộc triển lãm 100 năm điện ảnh cầu vồng Tuấn Thảo / RFI

Gần đây hơn nữa, bộ phim về đề tài đồng tính ‘‘Moonlight’’ của đạo diễn Barry Jenkins đoạt cùng lúc các giải thưởng Quả cầu vàng và Oscar dành cho tác phẩm chính kịch xuất sắc nhất, trong khi bộ phim ‘‘120 Battements Par Minute’’ của đạo diễn Robin Campillo nói về quá trình đấu tranh của hiệp hội Act Up giành lấy 4 giải César cũng như giải thưởng của ban giám khảo liên hoan Cannes.

Cuộc triển lãm tại Tòa Đô chính Paris diễn ra song song với chương trình chiếu phim ‘‘Libérations sexuelles, révolutions visuelles’’ (Giải phóng tình dục, Cách mạng hình ảnh) tại Viện lưu trữ phim ảnh Pháp Cinémathèque Française, từ ngày 19/06 cho tới 11/07/2019 tại Paris quận 12. Cả hai sự kiện này được tổ chức song song do năm 2019 đánh dấu mùa kỷ niệm 50 năm Stonewall. Mọi chuyện bắt đầu từ cuộc nổi dậy ở Manhattan, New York để dẫn tới cuộc đấu tranh của một cộng đồng, hy vọng tự do cuộc sống, lá cờ muôn sắc cầu vồng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.