Vào nội dung chính
Tạp chí đặc biệt

Báo cáo Úc: Văn minh nhân loại lụi tàn năm 2050

Đăng ngày:

Một báo cáo của Úc báo động « văn minh nhân loại » sẽ lụi tàn vào năm 2050 do biến đổi khí hậu ; tại Triển lãm hàng không quốc tế Bourget ở Pháp, giới chuyên gia rầm rộ quảng bá cho « Hàng không Xanh » ; di dân tại Mêhicô nổi loạn, chính quyền điều Vệ binh ngăn chặn ; một nghiên cứu Nga-Mỹ dự báo Siberi sẽ trở thành nơi tị nạn khí hậu cho hàng trăm triệu người trong nửa thế kỷ tới. Trên đây là các chủ đề chính của Tạp chí Thế Giới Đó Đây.

Cháy rừng California, ảnh chụp lúc rạng đông ngày 14/11/2018.
Cháy rừng California, ảnh chụp lúc rạng đông ngày 14/11/2018. Reuters
Quảng cáo

Không khí chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, căng thẳng leo thang tại vùng Vịnh dẫn các bên liên quan đến bờ xung đột vũ trang… có xu hướng che lấp những đe dọa của biến đổi khí hậu, thường được ví như là hiểm họa lớn thứ hai của nhân loại, sau chiến tranh hạt nhân.

Ngày Tận Thế không chỉ là trong chuyện viễn tưởng, như trong bộ phim « 2012 » của Roland Emmerich. Xứ sở băng giá Nam Cực biến mất, hơn một nửa dân cư Trái đất phải sống thường xuyên trong bầu không khí nắng nóng vượt quá sức chịu đựng, hai tỉ người thiếu nước, sản lượng lương thực sụt giảm một phần năm, đại dịch xảy ra thường xuyên, hơn một tỉ người phải tị nạn vì khí hậu…

Một báo cáo mới của viện tư vấn Úc Breakthrough-National Centre for Climate Restoration, được công bố ngày 30/05, dự đoán văn minh nhân loại sẽ lụi tàn vào năm 2050, tức là chỉ trong vòng 30 năm nữa, do biến đổi khí hậu vượt tầm kiểm soát của con người. Điểm đáng chú là tác giả của bản báo cáo này là ông Ian Dunlop, cựu chủ tịch Hiệp hội than đá nước Úc.

Trong báo cáo 10 trang này, các tác giả khẳng định : « Hành tinh và nhân loại sẽ đi đến cái điểm không thể vãn hồi trong vòng nửa thế kỷ nữa. Viễn cảnh rất nhiều vùng trên Trái đất sẽ không còn là nơi con người có thể sinh sống dẫn đến sự sụp đổ của các dân tộc và trật tự thế giới […] ».

Báo cáo của viện tư vấn Úc trước hết có mục tiêu đánh động công luận nước này, sau chiến thắng của Liên minh hai đảng Tự Do và Dân Tộc (The Liberal–National Coalition) của thủ tướng Morrison, chủ trương khuyến khích khai thác than đá, trong cuộc bầu cử Nghị Viện cuối tháng trước.

Úc là quốc gia đứng thứ tư về sản lượng than đá (sau Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ) và nằm trong số 10 quốc gia phát thải CO2 theo đầu người cao nhất thế giới. Khoảng 80% sản lượng điện của Úc phụ thuộc vào than đá.

Với thắng lợi của Liên đảng Tự Do – Dân Tộc, hàng loạt dự án than đá đang bị đình chỉ, do sự phản đối mạnh mẽ của giới bảo vệ môi trường, rất có thể sẽ được khai trương, đe dọa trực tiếp chính đời sống của người dân Úc. Nước Úc đang phải trả giá rất đắt do biến đổi khí hậu, với nhiệt độ mỗi năm một tăng (nhiều khu vực xấp xỉ 50°C đầu năm nay), cháy rừng xảy ra thường xuyên trên quy mô lớn, mưa lớn cùng đất lở...

Báo cáo Úc tuy với mục tiêu trước hết là công chúng trong nước, đã trở thành một hiện tượng truyền thông quốc tế, bởi thông điệp chấn động. Truyền thông Pháp đăng tải rộng rãi cảnh báo của viện Breakthrough-National Centre for Climate Restoration. Đài France Info mở mục thảo luận với giới chuyên gia về bản báo cáo này.

Theo nhiều chuyên gia, cho dù cách diễn đạt « văn minh nhân loại lụi tàn » có thể gây ấn tượng bi quan, nhưng một hình ảnh báo động mạnh mẽ như vậy là cần thiết. Bản thân báo cáo này cũng chỉ dẫn lại nhiều dữ liệu trong các kịch bản tồi tề nhất về biến đổi khí hậu, đã được giới khoa học quốc tế đúc kết.

Vấn đề chủ yếu là không được để cho báo động này dẫn đến nỗi lo sợ trước một định mệnh không thể tránh khỏi. Để tránh được kịch bản tồi tệ nhất này, cần những thay đổi triệt để, trong cách tiêu thụ, trong các cách sản xuất. Giới trẻ hiện nay đang cho thế giới thấy họ không khuất phục.

Siberi có thể là nơi lánh nạn cho hàng trăm triệu người ?

Trong một nghiên cứu được công bố đầu tháng 6/2019, các nhà khoa học Mỹ thuộc trung tâm NASA và trung tâm nghiên cứu Nga Krasnoyarsk dự báo vùng Siberi từ đây đến 2080 có thể thành mảnh đất lánh nạn cho hàng trăm triệu dân tị nạn khí hậu.

Vùng Siberi, rộng khoảng 13 triệu km², với khí hậu hết sức khắc nghiệt, mới chỉ có khoảng 39 triệu người sinh sống. Nhiệt độ trung bình hàng năm ở đây là -5°C. Toàn bộ gần như bị băng tuyết bao phủ. Nông nghiệp gần như không tồn tại. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu có thể khiến tình hình thay đổi. Nhiệt độ trung bình của Siberi có thể sẽ tăng từ 3,4° đến hơn 9°C.

Vấn đề là Siberi sẽ không phải là vùng đất hứa với dân tị nạn khí hậu. Tại khu vực này thiếu đất đai màu mỡ để trồng trọt. Biến đổi khí hậu cũng khiến nhiều giống loài diệt vong, lũ lụt hủy diệt nơi cư trú. Chưa kể tầng đất đóng băng vĩnh cửu bị tan ra, giải phóng khí mê-tan, cùng nhiều virus, vi khuẩn nguy hiểm.

Tị nạn khí hậu chưa được Liên Hiệp Quốc thống kê

Ngày hôm qua 20/06/2019 là ngày Tị Nạn Thế Giới. Phủ Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc vừa công bố con số kỷ lục, hơn 70 triệu người di cư, tị nạn trên thế giới trong năm ngoái 2018. Tuy nhiên, trong thống kê nói trên, không có di dân do thảm họa thiên nhiên hay biến đổi khí hậu. Trả lời RFI, chuyên gia François Gemenne, Đại học Liège (Bỉ) và Học viện Chính trị Siences-Po Paris, giải thích lý do :

« Họ rất ít được chú ý đến trong các thảo luận được truyền thông đăng tải rộng rãi. Điều này có ba lý do. Lý do thứ nhất là : biến đổi khí hậu đối với nhiều người chỉ là một vấn đề môi trường, chỉ tác động đến các hệ sinh thái, nhưng không ảnh hưởng đến các cộng đồng dân cư. Hiện tượng tị nạn khí hậu cho thấy quan điểm này hoàn toàn sai trái.

Lý do thứ hai là chưa có được những con số thống kê đáng tin cậy. Ngược lại với số lượng người tị nạn về chính trị được ghi nhận, được thống kê hàng năm. Hiện tại, chúng ta không có được số lượng người tị nạn do khí hậu đáng tin cậy.

Và cuối cùng, theo tôi, có một nguyên do chính trị, và đây là điều tôi cho là quan trọng nhất : Đó là rất nhiều người coi việc tị nạn khí hậu là vấn đề xa xôi, chỉ ảnh hưởng đến các quốc gia đang phát triển, trong lúc những người tị nạn chính trị mang lại ấn tượng là những người tìm đến châu Âu để lánh nạn ».

Về số lượng người tị nạn khí hậu, nhà nghiên cứu François Gemenne cho biết thêm :

« Chúng ta có thể nói rằng, hàng năm khoảng 25 triệu người phải lánh nạn vì lý do các thảm họa môi trường, ví dụ như môi trường sống của họ đột ngột bị hủy hoại, như lũ lụt, bão tố, hạn hán… Nguyên nhân trực tiếp khiến 86% trong số đó phải lánh nạn là do biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, điều mà chúng ta không biết là số lượng người phải lánh nạn vì những hệ quả diễn ra từ từ hơn, do biến đổi khí hậu, như mực nước biển dâng cao, hay đất đai bị suy kiệt. Ở đây chúng ta ghi nhận hiện tượng, các đợt di cư diễn ra rải rác hơn nhiều, và đôi khi chỉ ở khoảng cách gần. Những trường hợp này hoàn toàn không được thống kê ».

Triển lãm Pháp: Giới chuyên gia rầm rộ quảng bá cho ‘‘Hàng không Xanh’’

Giới hàng không quốc tế họp mặt tại triển lãm Bourget, Pháp, lần thứ 53 (diễn ra từ ngày 17 đến 23/06/2019), đứng trước áp lực chưa từng có từ phía các đòi hỏi bảo vệ môi trường. Hàng không bị điểm mặt như một trong các thủ phạm tạo khí thải nhiều nhất. Phong trào « Flygskam » (hay « Đi máy bay là điều hổ thẹn »), bùng lên tại Thụy Điển cách nay ít tháng, khiến tỉ lệ hành khách đi máy bay giảm hơn 4% trong quý một).

Các tập đoàn công nghiệp hàng không đồng loạt lên tiếng quảng bá cho việc cách tân công nghệ để giảm khí thải. Giới bảo vệ môi trường tỏ ra dè dặt. Phóng sự của thông tín viên Christine Siebert :

« Đưa ngành hàng không dân sự cất cánh hướng đến một tương lai xanh, nhờ các tiến bộ công nghệ, máy bay tiêu thụ ngày càng ít năng lượng hơn, đây là điều mà những người tham dự cuộc họp bàn tròn lần lượt khẳng định.

Ông Xavier Tytelman, tư vấn hàng không tại CGI Business Consulting nhận định : “Cách nay 50 năm, để vận chuyển một hành khách, phải tiêu tốn 10 lít xăng cho 100 km, với các máy bay xuất xưởng giờ đây, chỉ còn mất 2 lít.

Các công nghệ hàng không hứa hẹn sẽ giảm lượng khí thải, vào năm 2050, xuống chỉ còn một nửa so với năm 2005. Tiến bộ này là nhờ ở các phương tiện kết nối cho phép có được các lộ trình trực tiếp hơn, cùng với việc tối ưu hóa các tính năng của phi cơ. Và với việc vận tải ít hành lý hơn.

Ông Eric Prévost, cơ trưởng của Air France giải thích : ‘‘ Chúng tôi cố gắng làm giảm trọng tải của máy bay, ví dụ như qua việc bố trí ghế ngồi tiện lợi hơn, nhẹ hơn, cũng như hướng đến việc hành khách mang ít hành lý hơn, theo công thức : một kilô tải trọng ít hơn với một máy bay, sẽ khiến ngành hàng không giảm được 69 tấn khí thải CO2 một năm’’.

Tuy nhiên, đối với các tổ chức bảo vệ môi trường, các biện pháp của ngành hàng không đưa ra không đủ để giảm lượng khí thải, mà chỉ để đánh bóng hình ảnh của một ngành gây ô nhiễm nặng nề. Bà Celia Gautier, Quỹ môi trường Nicolas Hulot, giải thích :

‘Vận tải hàng không là ngành vận tải gây ô nhiễm nhiều nhất, với 5% lượng khí thải toàn cầu, vượt rất xa các lĩnh vực khác. Gấp đến 40 lần so với các phương tiện ít gây ô nhiễm nhất. Các tập đoàn hàng không muốn làm cho mọi người tin tưởng là, một số biện pháp lẻ tẻ như vậy có thể hóa giải được thách thức của biến đổi khí hậu. Đây là điều hoàn toàn không khả thi’’.

Bà Anne Bringault, thuộc mạng lưới Réseau Action Climat, nhận định là : cho dù các công ty hàng không có nỗ lực, thì điều này cũng không đủ : ‘‘Máy bay sẽ phát ít khí thải hơn, bởi tiêu thụ ít xăng dầu hơn, nhưng nếu khối lượng vận tải hàng không tăng gấp đôi, mà nhiều người dự đoán điều này sẽ xảy ra trong 10 năm tới, thì toàn bộ nỗ lực sẽ bị vô hiệu hóa. Như vậy, cần phải có các phương tiện giao thông thay thế, như tầu hỏa. Cần làm sao để giá đi tàu rẻ hơn giá máy bay, và phải có một sắc thuế môi trường thực sự đánh vào vé máy bay, hoặc đánh vào xăng dầu’’ ».

Mêhicô : Dân di cư nổi loạn vì không chịu nổi điều kiện tạm giữ

Đầu tuần này, tại một trung tâm tạm giữ di dân miền nam Mêhicô đã xảy ra một vụ nổi loạn. Vệ binh quốc gia được điều tới can thiệp. Tường trình của thông tín viên Patrick John Buffe từ Mêhicô :

« Bị dồn vào một trung tâm tạm giữ mới ở phía nam thành phố Tapachula, nhiều người di cư châu Phi, châu Á và Haiti đã nổi dậy chống lại bộ phận quản lý nhập cư. Được kêu gọi đến tăng viện, khoảng 30 thành viên Vệ binh quốc gia đã can thiệp để chấm dứt cuộc nổi dậy, thiết lập lại trật tự, và bắt giữ những ai tìm cách bỏ trốn.

Nếu như dân tị nạn lên tiếng phản đối mạnh mẽ, trước hết là để báo động về điều kiện vệ sinh tồi tệ tại những nơi họ bị tạm giữ từ nhiều tuần nay. Để tố cáo tình trạng số lượng người bị giam giữ là quá nhiều so với khả năng tiếp đón của trung tâm này, khiến mọi người phải sống chen chúc. Và cũng để yêu cầu đẩy nhanh tiến trình xem xét các thủ tục, để cho phép họ có thể rời khỏi trại tạm giữ, rời khỏi miền nam Mêhicô, để tiếp tục đi về phía bắc, hướng về biên giới Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, lần này những người di cư đã vấp phải sự can thiệp của lực lượng Vệ binh quốc gia, đang được triển khai tại vùng biên giới với Guatemala, nhằm ngăn chặn dòng người di cư từ Nam Mỹ tràn sang. Khoảng 6.000 thành viên lực lượng này, bao gồm nhiều đơn vị cảnh sát vũ trang, đã được điều đến tỉnh cực nam Chiapas ».

Về tình trạng di dân tại Tapachula, linh mục Ramon Verdugo, phụ trách một cơ sở hỗ trợ di dân trong thành phố, ghi nhận tình trạng quá tải ở trung tâm do chính quyền quản lý, nơi 1.600 người bị tạm giữ, trong lúc cơ sở chỉ có khả năng tiếp nhận 900 người. Không có đủ phiên dịch để hỗ trợ di dân làm thủ tục. Nhiều người bị ngược đãi, hành hạ.

Việc chính quyền Mêhicô điều lực lượng Vệ binh quốc gia đến vùng biên giới phía nam diễn ra hơn một tuần sau khi Mêhicô và chính quyền Trump thỏa thuận tăng cường siết chặt kiểm soát luồng di dân từ Nam Mỹ hướng đến Hoa Kỳ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.