Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Nước Pháp mở cánh cửa trường đại học cho người tị nạn

Đăng ngày:

Ngày 14/06/2019, trường đại học Paris Nord, Paris 13, tổ chức lễ trao bằng « Diplôme universitaire - Français langue étrangère » cho các học viên là người tị nạn hoặc đang xin quy chế tị nạn tại Pháp. Đây là những học viên ít nhất đã tốt nghiệp phổ thông trung học tại đất nước họ trước khi tới Pháp xin tị nạn. Với tấm bằng tiếng Pháp do trường cấp, họ có thể tiếp tục học đại học tại Pháp, hoặc học để có bằng thạc sĩ, tiến sĩ.

Một số học viên trong lễ trao bằng tiếng Pháp tại trường đại học Paris 13, ngày 14/06/2019.
Một số học viên trong lễ trao bằng tiếng Pháp tại trường đại học Paris 13, ngày 14/06/2019. RFI
Quảng cáo

Được tổ chức tại trung tâm ngoại ngữ Espace Langues, thuộc trường Paris 13, buổi lễ trao bằng « Diplôme universitaire - Français langue étrangère » diễn đơn giản nhưng trang trọng, với sự hiện diện của giám đốc Đại học Paris 13, đại diện cơ quan liên bộ phụ trách công tác đón nhận người tị nạn và giúp người tị nạn hòa nhập vào cuộc sống tại Pháp, giám đốc trung tâm ngoại ngữ Espace Langues và nhiều giáo viên, cán bộ của trường, và các nhân vật trung tâm chính là những học viên trong hai niên khóa 2017-2018 và 2018-2019.

Có mặt tại buổi lễ, phóng viên RFI Việt ngữ cảm nhận được không khí phấn khởi của tất cả mọi người, với những tiếng cười, ánh mắt rạng ngời niềm vui, những lời chúc mừng, cảm ơn, những tiếng vỗ tay hoan hô, và cả những giọt nước mắt xúc động của cô Evelyne Marques, trợ lý giám đốc trung tâm ngoại ngữ Espace Langues, trước thành công của hai khóa đào tạo mà cô đã tham gia triển khai.

Sinh viên chụp ảnh lưu niệm với giám đốc đại học Paris 13, đại diện cơ quan liên bộ phụ trách công tác đón nhận người tị nạn, giám đốc Espace Langues và các khách mời, tại lễ trao bằng tiếng Pháp, ngày 14/06/2019.
Sinh viên chụp ảnh lưu niệm với giám đốc đại học Paris 13, đại diện cơ quan liên bộ phụ trách công tác đón nhận người tị nạn, giám đốc Espace Langues và các khách mời, tại lễ trao bằng tiếng Pháp, ngày 14/06/2019. RFI

Nỗ lực của chính quyền Pháp và các trường đại học

Bà Frédérique Pharaboz, giám đốc Espace Langues, giải thích với RFI Việt ngữ về tấm bằng tiếng Pháp do trường Đại học cấp : « Tấm bằng này là thành quả của cả một tập thể nhân sự tại trường đại học, bao gồm tất cả mọi nhóm nhân lực, từ giảng viên, nhân sự quản lý hành chính, sinh viên … Sau khi xảy ra điều mà người ta gọi là « cuộc khủng hoảng di dân » năm 2015, cũng là một cuộc khủng hoảng về các giá trị của châu Âu, ý tưởng giúp đỡ những người phải sống lưu vong đã nảy sinh.

Vì thế, chúng tôi đã suy nghĩ xem trường đại học có thể mang lại điều gì không và cuối cùng thì chúng tôi quyết định mở khóa học tiếng Pháp đặc biệt dành riêng cho sinh viên là người sống lưu vong. Chúng tôi nghĩ rằng đây là cách trường đại học thể hiện vai trò một tác nhân xã hội. Sau một vài tháng diễn ra khóa học tiếng Pháp không chính thức, Đại học Paris 13 đã quyết định hợp thức hóa khóa học và cho ra đời Diplôme universitaire - một bằng do trường đại học cấp. Năm nay là khóa đào tạo thứ hai của chúng tôi.

Các sinh viên theo học để lấy tấm bằng này mỗi tuần học 14 giờ tiếng Pháp - ngoại ngữ, ngoài ra họ còn tham gia nhiều hoạt động được tổ chức tại thư viện trường đại học (chẳng hạn các buổi hướng dẫn về tin học, tham quan thư viện, tìm hiểu cách xắp xếp sách trong thư viện, phương pháp nghiên cứu ở bậc đại học … ), hoặc các buổi sinh hoạt do ban hướng nghiệp tổ chức nhằm giới thiệu hệ thống đào tạo đại học của Pháp, rồi sau đó họ đồng hành với từng sinh viên trong các hoạt động hướng nghiệp hoặc hội nhập nghề nghiệp. Các ban phụ trách văn hóa và thể thao của Đại học Paris 13 cũng đề xuất rất nhiều hoạt động văn hóa và thể thao phong phú cho các sinh viên này ».

Giám đốc trung tâm Espace Langue - Đại học Paris 13 trả lời phỏng vấn của RFI Việt ngữ, trong buổi lễ trao bằng tiếng Pháp cho người tị nạn, ngày 14/06/2019.
Giám đốc trung tâm Espace Langue - Đại học Paris 13 trả lời phỏng vấn của RFI Việt ngữ, trong buổi lễ trao bằng tiếng Pháp cho người tị nạn, ngày 14/06/2019. RFI

Vậy các học viên được tuyển chọn thế nào ? Giám đốc Pharaboz giải thích : « Chúng tôi tuyển các học viên ít nhất là đã có bằng tú tài hoặc bằng tương đương. Một số đang học dở đại học tại nước của họ, một số khác thậm chí đã tốt nghiệp đại học và đã đi làm. Còn về nguồn gốc địa lý, chủ yếu họ tới từ Syria, Aghanistan, Sudan và có độ tuổi trung bình là 28 tuổi.

Mục đích của tấm bằng đại học này là cho phép sinh viên là người sống lưu vong tại Pháp được tiếp tục học đại học sau một năm học tiếng Pháp. Chúng tôi tuyển các học viên mà ít nhất là đã tốt nghiệp phổ thông trung học và chúng tôi tổ chức các khóa học tiếng Pháp cấp tốc, để họ có đủ trình độ để học đại học tại Pháp. Các sinh viên học 4 buổi chiều mỗi tuần, từ 14 giờ đến 17 giờ với 4 giáo viên tiếng Pháp. Các khóa học bắt đầu từ trình độ A2 theo Khung tham chiếu của châu Âu về chuẩn ngôn ngữ CECRL và mục tiêu là giúp sinh viên đạt được trình độ B1 ».

Thực ra, đại học Paris 13 không phải là trường duy nhất đào tạo tiếng Pháp cho người tị nạn. Giám đốc Espace Langues cho biết thêm : « Đa phần các trường đại học và các cơ sở đào tạo bây giờ đều có chương trình dành cho sinh viên là người sống lưu vong. Chúng tôi tập hợp thành một mạng lưới và thường xuyên có các cuộc họp dưới sự bảo trợ nhiệt tình của Conférence des Présidents d'Universités (tức là tổ chức gồm lãnh đạo của các trường đại học và các cơ sở đào tạo ở bậc đại học). Họ giúp đỡ chúng tôi triển khai các hoạt động trợ giúp người tị nạn và người đang xin tị nạn.

Mạng lưới của chúng tôi có tên gọi là MEnS : Migrants de l'Enseignement Supérieur. Mạng lưới MEnS đã trình lên văn phòng bộ trưởng bộ Đại Học, Frédérique Vidal, một dự án về Bằng của đại học nhằm cho phép mở chế độ trợ giúp của CROUS (Trung tâm quản lý chỗ ở và đời sống của sinh viên cấp vùng của Pháp) dành cho các sinh viên là người tị nạn hoặc đang xin tị nạn. Hôm 12/04/2019, trong một thông cáo, bộ trưởng đã thông báo điều này. Tôi xin đọc cho quý vị nghe một trích đoạn :

« Ngay từ dịp khai giảng năm học tới đây, các khóa đào tạo để lấy « Bằng của trường đại học cấp cho sinh viên sống lưu vong », dành cho các sinh viên là người tị nạn và được hưởng chính sách bảo trợ, sẽ được ghi vào danh mục các chương trình đào tạo được hưởng chính sách trợ giúp xã hội. Và như vậy, các sinh viên đăng ký chương trình học này có thể được hưởng Bourses sur Critères Sociaux (tức là học bổng dựa trên các tiêu chí xã hội như thu nhập của phụ huynh, số con trong gia đình, nơi học gần hay xa nhà). Họ cũng sẽ có quyền có chỗ ở trong hệ thống ký túc xá sinh viên của CROUS, được các khoản trợ giúp khác và được ăn tại nhà ăn sinh viên của CROUS ».

Giám đốc Đại học Paris 13 (trái), giám đốc trung tâm ngoại ngữ Espace Langues (giữa) và và đại diện cơ quan liên bộ phụ trách công tác đón nhận người tị nạn phát biểu trong lễ trao bằng tiếng Pháp, ngày 14/06/2019.
Giám đốc Đại học Paris 13 (trái), giám đốc trung tâm ngoại ngữ Espace Langues (giữa) và và đại diện cơ quan liên bộ phụ trách công tác đón nhận người tị nạn phát biểu trong lễ trao bằng tiếng Pháp, ngày 14/06/2019. RFI

2.000 suất học bổng với tổng số tiền 8 triệu euro cho năm học 2019-2020

Có mặt tại buổi lễ trao bằng tại trường Paris 13, ông Alain Régnier, đại diện cơ quan liên bộ phụ trách công tác đón nhận người tị nạn và giúp người tị nạn hòa nhập vào cuộc sống tại Pháp, phát biểu với các học viên : « Tôi rất vui khi có mặt tại đây để nói với các bạn là nước Pháp vui mừng được đón tiếp các bạn trong một bối cảnh quốc tế phức tạp. Như các bạn biết đấy, trên thế giới hiện đang có rất nhiều xung đột và nhiều người đang sợ hãi. Thời gian gần đây, các nước phát triển rất sợ đón nhận người nước ngoài.

Ngay từ sau khi đắc cử, tổng thống Pháp đã chỉ định tôi làm đại diện cơ quan liên bộ phụ trách công tác đón nhận người tị nạn và giúp người tị nạn hòa nhập vào cuộc sống tại Pháp, bởi vì ông Macron muốn nước Pháp vẫn là quốc gia tuân thủ luật pháp quốc tế và đặc biệt là công ước quốc tế năm 1951 về quy chế người tị nạn. Điều này không đơn giản, vì các bạn thuộc nhiều quy chế khác nhau, một số người đã được quy chế người tị nạn và được quốc tế bảo vệ, một số thì đang xin quy chế tị nạn. Nhưng dù thuộc trường hợp nào thì khi sống tại Pháp, các bạn cũng là những người được đón chào.

Suốt hơn một năm nay, chính phủ Pháp đã tìm cách giúp các bạn hòa nhập, để các bạn được học tiếng Pháp, có cơ hội đi làm, có chỗ ở. Điều này không đơn giản ! Các bạn đang theo học ở trường đại học Paris 13 và trường dành chỗ ở cho các bạn. Đối với nhiều người trong số các bạn, cũng như đối với mọi người Pháp và người sống ở Paris và vùng phụ cận, thì tìm được nhà ở là điều vô cùng khó khăn ».

Quan chức Alain Régnier cũng nhấn mạnh là chính phủ Pháp vẫn đang tiếp tục nỗ lực hành động nhằm đảm bảo là những sinh viên là người tị nạn hoặc đang xin tị nạn tại Pháp đều có những quyền lợi và bổn phận như tất cả những người sống hợp pháp trên lãnh thổ Pháp, bất kể đó là người Pháp hay người nước ngoài. Trong khi các nước châu Âu, các nước phát triển đều có mối lo ngại trước vấn đề người tị nạn, cuộc sống bấp bênh, thì việc những sinh viên này được chính quyền Pháp cho hưởng những quyền lợi giống tất cả mọi người khác là điều rất quan trọng. Đại diện cơ quan liên bộ về người tị nạn nói tiếp :

« Tại Pháp, có nhiều người thất nghiệp, nhiều thanh niên ra trường vẫn chưa tìm được việc làm. Trường đại học mang lại cho các bạn cơ hội nắm vững tiếng Pháp hơn và tiến xa hơn nữa. Chính phủ đồng hành với các trường đại học. Cách nay vài tuần, bộ trưởng bộ Đại Học đã thông báo nhiều giải pháp, công nhận bằng « Diplôme universitaire passerelle » (tức là tấm bằng tiếng Pháp do trường đại học cấp và công nhận học viên đủ trình độ tiếng Pháp để học đại học tại Pháp). Bộ đại học như vậy công nhận giá trị của tấm bằng mà các trường đã lập ra từ trước khi chính phủ tham gia hành động.

Bộ Đại Học cũng sẽ cấp học bổng cho nhiều người trong số các bạn (…). Bộ đã quyết định trao 2.000 suất học bổng với tổng số tiền 8 triệu euro cho năm học tới. Ngoài ra, CROUS và các trường đại học cũng có ngân sách riêng của họ để trợ giúp cho các sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt (…)

Mục tiêu của chúng tôi, mục tiêu của chính quyền, là mang lại cho các bạn một cuộc sống như tất cả những người khác đang có tại Pháp, để các bạn có thể tìm được việc làm và sống được nhờ vào công việc đó và thực hiện được ước mơ của các bạn. Tôi xin chúc các bạn gặp nhiều may mắn trên chặng đường tới đây ! »

Ông Alain Régnier, đại diện cơ quan liên bộ phụ trách công tác đón nhận người tị nạn và giúp người tị nạn hòa nhập vào cuộc sống tại Pháp, trao bằng cho các học viên, ngày 14/06/2019.
Ông Alain Régnier, đại diện cơ quan liên bộ phụ trách công tác đón nhận người tị nạn và giúp người tị nạn hòa nhập vào cuộc sống tại Pháp, trao bằng cho các học viên, ngày 14/06/2019. RFI

Cơ hội hướng tới tương lai

Nhiều học viên chia sẻ với phóng viên RFI về chặng đường đã qua tại đại học Paris 13. Họ nói rằng tấm bằng tiếng Pháp mở ra cánh cửa tương lai cho họ. Một thanh niên đến từ Bangladesh xúc động phát biểu khi nhận bằng tiếng Pháp: « Tôi xin cảm ơn tất cả quý vị. Chúng tôi đã có những khoảng thời gian rất tuyệt vời với tất cả các thầy cô giáo. Điều này thật tuyệt. Chúng tôi đã đạt được bằng tiếng Pháp do trường đại học cấp và cũng đã lấy được bằng tiếng Pháp DELF. Chúng tôi rất hài lòng vì tất cả những điều này. Sống tại Pháp thì điều quan trọng là nói được tiếng Pháp. Đây là rào cản vì chúng tôi mới tới đây. Những điều chúng tôi đạt được thì rất là tốt cho chúng tôi. Tôi xin cảm ơn ! Xin cảm ơn ! »

Học viên này là một trong số các học viên trúng tuyển học thạc sĩ trong năm học 2019-2020. Anh vui mừng chia sẻ thêm với RFI : « Chúng tôi rất hài lòng là đã học xong khóa học ở trường Paris 13. Chúng tôi là sinh viên tới từ nhiều nước như Bangladesh, Pakistan, Nam Phi, Syria, Afghanistan. Chúng tôi rất hài lòng vì có tấm bằng trường cấp. Điều này rất quan trọng đối với chúng tôi. Ban đầu, chúng tôi gặp khó khăn khi nghe hiểu, nhất là vì lúc nào các thầy cô cũng nói bằng tiếng Pháp. Nhưng bây giờ thì chúng tôi hài lòng là đã hiểu được những điều thầy cô nói. Bây giờ mọi chuyện tốt rồi.

Trước đây, tôi không thể nói tiếng Pháp, nhưng bây giờ tôi có thể giao tiếp, tôi có thể theo các khóa đào tạo hoặc có thể bắt đầu đi làm. Khóa học ở trường Paris 13 rất có ích. Điều tuyệt vời là tôi đã được 3 trường nhận vào học thạc sĩ trong năm học tới. Tôi sẽ tiếp tục học về tiếp thị và quản lý ngành thời trang và hàng cao cấp ».

Hy vọng rằng với những nỗ lực của chính quyền và các trường đại học Pháp, các học viên là người tị nạn hoặc đang xin tị nạn tại Pháp sẽ có thêm nhiều cơ hội được học hành và thành công trong cuộc sống như đại diện cơ quan liên bộ phụ trách công tác đón nhận người tị nạn đã phát biểu trong buổi lễ.

Các sinh viên chụp ảnh lưu niệm với giám đốc Frédérique Pharaboz và trợ lý giám đốc, cô Eveline Marques, trung tâm Espace Langues, đại học Paris 13, ngày 14/06/2019.
Các sinh viên chụp ảnh lưu niệm với giám đốc Frédérique Pharaboz và trợ lý giám đốc, cô Eveline Marques, trung tâm Espace Langues, đại học Paris 13, ngày 14/06/2019. RFI

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.