Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Cộng đồng Pháp ngữ Francophonie đi tìm lại bản sắc

Đăng ngày:

Tiếng Pháp là ngôn ngữ được sử dụng nhiều thứ năm trên thế giới, sau các tiếng Hoa, Anh, Tây Ban Nha và Ả Rập, đồng thời là ngôn ngữ chính thức tại 32 Nhà nước, chính phủ và các tổ chức quốc tế. Gần 60%, trên tổng số 300 triệu người nói tiếng Pháp, sống tại châu Phi (1).

Tân tổng thư ký Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ, bà Louise Mushikiwabo (T) và người tiền nhiệm Michaëlle Jean, ngày 03/01/2019, tại trụ sở của OIF ở Paris.
Tân tổng thư ký Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ, bà Louise Mushikiwabo (T) và người tiền nhiệm Michaëlle Jean, ngày 03/01/2019, tại trụ sở của OIF ở Paris. Antoine Jamonneau/OIF
Quảng cáo

Tuy nhiên, Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (Organisation internationale de la Francophonie, OIF) ít được biết đến và nội bộ đang trải qua một cuộc khủng hoảng sâu sắc. Hình ảnh của khối bị lu mờ khi mở rộng cho cả những nước không nói tiếng Pháp. Ông Thierry de Montbrial, nhà sáng lập Viện Nghiên cứu Quốc tế Pháp (IFRI), đã không ngần ngại nêu thực trạng trên với vị khách mời là tân tổng thư ký Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ, bà Louise Mushikiwabo, tại hội thảo « Tương lai châu Âu trước sự cạnh tranh Trung-Mỹ » (10/04/2019).

Thắt chặt tiêu chí kết nạp thành viên

Xem xét lại, thậm chí là phải thắt chặt, tiêu chuẩn để kết nạp một thành viên mới vào Cộng đồng Pháp ngữ là một trong những ưu tiên của tân tổng thư ký Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ tế khi bà trả lời báo chí Canada ngày 12/06/2019 nhân chuyến công du Québec ba ngày (10-12/06).

Trong vòng gần 50 năm tồn tại, những tiêu chí kết nạp vẫn được định nghĩa một cách mơ hồ, thiếu cụ thể. Ví dụ mới nhất là tại thượng đỉnh của khối Pháp ngữ ở Erevan (Armenia, ngày 11-12/10/2018), Ả Rập Xê Út xin gia nhập tổ chức. Điều ai cũng biết là vương quốc Hồi giáo này không mặn mà gì với ngôn ngữ của Molière và không tôn trọng nhân quyền trong khi đây lại là một mục tiêu hành động của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ. Trong số 84 thành viên gồm Nhà nước và chính phủ, tiếng Pháp chỉ được sử dụng trong một bộ phận rất nhỏ dân chúng, như tại Armenia, Ai Cập hoặc Việt Nam.

Bản thân bà Louise Mushikiwabo, khi chính thức nhậm chức tổng thư ký vào đầu năm 2019, đã ngạc nhiên rằng Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ rất ít được biết đến ở Paris, nơi đặt trụ sở của tổ chức. Tại hội thảo của IFRI, bà nhận xét :

« Tôi đã hỏi tất cả các đại sứ các nước thuộc Cộng đồng Pháp ngữ ở đây (Paris), cũng như hỏi tổng thống nước Cộng Hòa Pháp Emmanuel Macron khi ông đến thăm trụ sở của Tổ chức vào tháng 03/2019, về bản ngã, về định nghĩa của tổ chức. Rất nhiều nước thuộc khối Pháp ngữ, trong đó châu Phi có 30 nước, chiếm hơn nửa châu Phi, khi tôi hỏi rằng họ có biết Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ ít nổi tiếng đến mức nào không, tôi nghĩ rằng họ hơi bị cảm thấy xúc phạm ».

Làm tiếng Pháp tỏa sáng

Tiền thân của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ là Cơ quan hợp tác văn hóa và kỹ thuật được thành lập năm 1970 từ ý tưởng của bốn nhà lãnh đạo Cam Bốt (Norodim Sihanouk), Senegal (Léopold Sédar Senghor), Niger (Hamani Diori) và Tunisia (Habib Bourguiba) nhân Hội nghị Niamey (1969). Mục tiêu, theo tổng thống Senegal lúc bấy giờ là Léopold Sédar Senghor, « thành lập một cộng đồng ngôn ngữ Pháp (…) thể hiện nhu cầu của thời đại, nơi con người, bị đe dọa vì tiến bộ khoa học do chính họ làm nên, muốn xây dựng một chủ nghĩa nhân văn mới, vừa theo thước đo của chính họ và của vũ trụ ».

Tuy nhiên, theo thời gian, Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ đã không tránh được việc bị chính trị hóa, thiên về chính trị, theo nhận xét của bà Louise Mushikiwabo. Còn tổng thống Pháp Emmanuel Macron đánh giá tổ chức « mang nặng tính thể chế » và kêu gọi lãnh đạo của 84 nước thành viên « sáng tạo lại » Cộng đồng Pháp ngữ để khối « không phải là một câu lạc bộ ước lệ, một không gian rệu rã, mà là một nơi chinh phục » những giá trị chung.

Trả lại cho Tổ chức Pháp ngữ đúng chức năng « làm tiếng Pháp tỏa sáng » và quan trọng « người ta có thể làm được gì với tiếng Pháp » là một trong những mục tiêu hành động mà bà Louise Mushikiwabo đề ra cho nhiệm kỳ tổng thư ký của mình, song song với một số mục tiêu khác để « Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ được biết đến nhiều hơn và hiệu quả hơn » :

« Ở thời điểm hiện tại, năm 2019, những thách thức đã khác hẳn. Trên cả tiếng Pháp, ngôn ngữ chung của cả khối, người ta đòi hỏi những điều cụ thể hơn. Chúng tôi, đặc biệt là tôi, rất quan tâm đến thế hệ trẻ vì Không gian Pháp ngữ rất trẻ, và vấn đề kỹ thuật số vì kỹ thuật số là sự hấp dẫn, là công cụ gặp gỡ của kiến thức, giáo dục, việc làm và đổi mới ».

Trong quá khứ, Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ từng hướng theo Pháp, dựa vào mối quan hệ giữa Pháp và các thành viên còn lại của khối. Nhưng hiện giờ, khối Pháp ngữ trở nên đa dạng, những quyết định quan trọng có thể sẽ không xuất phát từ Paris, mà có thể từ Tunis, Beyrouth hay Dakar. Pháp cũng không còn là trung tâm văn hóa Pháp ngữ, nhưng tiếp tục là đối tác quan trọng trong những dự án của tân tổng thư ký Louise Mushikiwabo khi bà trả lời RFI tiếng Việt ngày 10/04 :

« Tôi cho rằng việc cần làm trước hết là ở cấp song phương giữa Pháp và Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ. Pháp là nước chủ nhà của tổ chức, nên sẽ có nhiều hoạt động chúng tôi phải tiến hành chung với Pháp để khối không chỉ được biết đến mà còn được nhìn nhận như là một tổ chức có ích cho nước Pháp.

Một điều quan trọng khác là lợi ích mà người Pháp nhìn nhận về tổ chức của chúng tôi. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến tiếng tăm của tổ chức. Và để làm được việc này, hai bên cần có những kế hoạch song phương chính thức. Nhưng tôi cũng nghĩ rằng tất cả đại sứ các nước thuộc khối Pháp ngữ đang ở Pháp cũng cần có nhiệm vụ làm tỏa sáng Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ. Và ở điểm này, ngoài những khẩu hiệu, còn cần đến những hiệu quả và lợi ích của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ ».

Châu Phi : Tương lai của tiếng Pháp

Phổ biến tiếng Pháp trong không gian kỹ thuật số, đạo tạo giáo viên, khuyến khích phụ nữ tự chủ kinh doanh và đặc biệt là giáo dục dành cho các em gái ở châu Phi là những ưu tiên trong thời gian tới của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ. Châu Phi sẽ là tương lai của tiếng Pháp vì 60% người sử dụng tiếng Pháp, dù là ngôn ngữ hành chính hay thường ngày, nằm ở châu lục này. Bà Louise Mushikiwabo giải thích tiếp :

« Châu Phi thuộc khối Pháp ngữ, cũng như những nước Pháp ngữ thực sự của tổ chức, đã đầu tư rất nhiều vào giảng dạy tiếng Pháp và lĩnh vực giáo dục. Đây là khoản đầu tư rất lớn, vừa về ngân sách vừa về mặt văn hóa. Vì thế, mối liên hệ giữa Pháp và các nước đầu tư nhiều vào chương trình đào tạo bằng tiếng Pháp này là rất quan trọng. Về phần mình, tôi nghĩ rằng không chỉ giữa Pháp và các sinh viên châu Phi mà thông qua Không gian Pháp ngữ, chúng ta phải tạo điều kiện cho việc giáo dục giới trẻ ».

Để thực hiện được những ưu tiên trên, Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ phải có thêm ngân sách. Tuy nhiên, trong chuyến thăm Québec, bà Louise Mushikiwabo cho biết muốn thống kê chi tiết tài chính của tổ chức trước khi kêu gọi các nước thành viên góp thêm tài chính để có thể thực hiện dự án vực dậy Không gian Pháp ngữ.

Pháp, một thành viên quan trọng của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ, đã cắt giảm nhiều khoản ngân sách dành cho Pháp ngữ, như số tiền 60 triệu euro dành cho chương trình « Ngoại giao văn hóa và ảnh hưởng » hoặc ngân sách dành cho các hội Alliances françaises bị giảm đến 11%... Tiếng chuông báo động này được nếu trong bức thư ngỏ của nhà văn gốc Maroc, Leïla Slimani, Giải Goncourt 2016, người được chỉ định làm đại diện cá nhân của tổng thống Pháp Macron về khối Pháp ngữ, sau khi Paris bỏ vị trí cấp bộ phụ trách về Cộng đồng Pháp ngữ.

Trước đó, chính phủ Pháp tuyên bố giảm trợ cấp chi phí đào tạo đối với sinh viên nước ngoài không thuộc Liên Hiệp Châu Âu, đồng nghĩa với việc học phí tăng hơn gấp 10 lần : 2.770 euro/năm đối với sinh viên đại học, 3.770/năm đối với nghiên cứu sinh, mà theo chính phủ Pháp là để có thể tạo thêm nhiều học bổng cho sinh viên ưu tú.

Nghịch lý ở chỗ sinh viên châu Phi chiếm đến 46% sinh viên nước ngoài ở Pháp và sẽ bị tác động nhiều hơn cả về quyết định tăng học phí trên, trong khi họ được cho là thành phần bảo đảm « tương lai của tiếng Pháp ». Trả lời thắc mắc của RFI tiếng Việt về điểm này, bà Louise Mushikiwabo nhận định :

« Pháp, với tư cách là quốc gia đón nhiều sinh viên châu Phi nhiều nhất trong cộng đồng Pháp ngữ, tôi cho rằng, quyết định của Pháp chủ yếu liên quan đến riêng Pháp với tư cách là nước tự đưa ra quyết định rằng giáo dục không nên là lĩnh vực miễn phí, đó là theo ý tôi. Và chi phí được ấn định hiện nay, theo tôi, là ở mức trung bình, là một cử chỉ đặc biệt đối với sinh viên Pháp ngữ tại Pháp. Điều này chỉ giúp tăng cường sự liên đới và ý thức của Pháp với tư cách là một nước quan trọng của Khối Pháp ngữ. Nhưng, một lần nữa, tôi hoàn toàn không tin vào việc miễn phí giáo dục ».

Tuy nhiên, « với việc tăng phí đại học, sinh viên châu Phi ít quan tâm đến nước Pháp hơn », theo một bài viết của Le Monde ngày 07/06/2019, với khả năng giảm từ 30-50% ngay trong mùa khai giảng 2019. Để có thêm thời gian điều tiết với quyết định của chính phủ, hơn một nửa số trường đại học Pháp đã hoãn tăng học phí đối với sinh viên nước ngoài không thuộc Liên Hiệp Châu Âu cho năm học 2019-2020.

----

(1) Báo cáo 2019 của Đài Quan sát Dân số và Thống kê của không gian Pháp ngữ (ODSEF), đại học Laval (Canada) và Đài Quan sát tiếng Pháp của Tổ chức Pháp ngữ Quốc tế (OIF)

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.