Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Sức thu hút đầu tư nước ngoài, bước nhảy vọt của Pháp

Đăng ngày:

Sau gần ba mươi tuần lễ đối chọi với phong trào xã hội Áo Vàng, Pháp được một tin vui : vượt trội Đức và thu hẹp khoảng cách với Anh về sức hấp dẫn đầu tư ngoại quốc (FDI). Đâu là những yếu tố giải thích thành công đó và chính phủ cần làm những gì để thành tích vừa đạt được không là một ngoại lệ ?

Trạm F ở Paris, vườn ươm khởi nghiệp lớn nhất Paris.
Trạm F ở Paris, vườn ươm khởi nghiệp lớn nhất Paris. AFP/Bertrand Guay
Quảng cáo

Vào lúc châu Âu kém hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư, vì kinh tế Đức bị chựng lại, vì Brexit – một cuộc ly dị kéo dài giữa Anh Quốc và Liên Hiệp Châu Âu, Mỹ và Trung Quốc lao vào một cuộc đọ sức thương mại dài hơi, Pháp được coi là một bãi đáp an toàn, là cửa ngõ chiến lược để đưa hàng ra khắp thế giới.

Căn cứ vào báo cáo được cơ quan tư vấn Ernerst &Young (EY) công bố tuần trước, năm 2018, Pháp thu hút 1027 dự án đầu tư nước ngoài, con số này tăng 1 % so với 2017. Trong số hơn một ngàn dự án đầu tư nói trên, có 144 dự án được dành cho lĩnh vực nghiên cứu và đầu tư, hơn 300 dự án hướng về công nghiệp.

Các tập đoàn lớn như IBM của Mỹ, công ty phần mềm lớn nhất châu Âu SAP của Đức hay ông tập đoàn Nhật Bản trong lĩnh vực bán dẫn và máy tính, Fujitsu, trong những tháng gần đây đã thông báo nhiều dự án đầu tư lớn tại Pháp. Thành phố Paris và các vùng phụ cận dẫn đầu trong số những điểm đến của các nhà đầu tư. Ngoài ra những thành phố lớn như Lyon (miền Đông), Toulouse (miền nam), Bordeaux (tây nam) hay Nantes, Rennes (miền tây bắc) cũng là những mảnh « đất lành, chim đậu ».

Nhìn đến "nguồn gốc" của các dự án đầu tư nước ngoài vào Pháp, có một sự thay đổi quan trọng trong năm 2018 so với 2017 : hai năm trước, Mỹ dẫn đầu bảng. Ngược lại, năm ngoái, 61 % các dự án đầu tư vào Pháp là của châu Âu ; Mỹ và Canada là 21 % và 11 % đến từ châu Á. Đáng chú ý nhất là Đức hăng hái bỏ vốn vào Pháp hơn cả với 180 trên tổng số hơn 1000 dự án.

Trả lời nhà báo Agniezka Kumor đài RFI Pháp ngữ, Marc Lhermitte, thuộc cơ quan tư vấn EY, phân tích về thành quả vừa có được :

« Trong những năm gần đây, Pháp đã bị Anh và Đức bỏ lại xa phía sau. Giới đầu tư có một cái nhìn không mấy tốt đẹp về nước Pháp và nước này bị chê vì khả năng cạnh tranh kém cỏi. Thế nhưng, từ ba năm trở lại đây, Pháp càng ngày càng được các doanh nghiệp nước ngoài quan tâm hơn. Điều này đã được khẳng định rất rõ trong năm 2018. Đáng chú ý hơn nữa là các dự án đầu tư không chỉ tập trung ở Paris và các vùng phụ cận mà đã trải đều ra nhiều thành phố, nhiều vùng khác nhau. Như vậy sức thu hút đầu tư của Pháp đứng thứ nhì châu Âu. Đó là một tin vui.

Đáng mừng hơn nữa theo tôi là nếu xét về các dự án đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, Pháp là số 1 và đây mới là khoản đầu tư quan trọng cho tương lai. Nói như vậy có nghĩa là Pháp có khả năng sáng tạo rất lớn và trong rất nhiều lĩnh vực. Có nhiều công ty nước ngoài đến Pháp mở trung tâm nghiên cứu, qua đó cùng với chúng ta xây dựng và đầu tư cho tương lai ».

Trong số 1027 dự án đầu tư vào Pháp đã được thực hiện năm 2018, giới đầu tư nước ngoài đặc biệt quan tâm đến công nghệ cao, công nghệ dược phẩm của Pháp và đồng thời không lơ là với công nghiệp truyền thống, như ngành sản xuất xe hơi. Các dự án mới về FDI trong năm qua cho phép bảo đảm việc làm cho trên 30000 người lao động, trong đó có gần 12000 chỗ làm trong ngành công nghiệp. Vậy đâu là những lợi thế của Pháp ? Marc Lhermitte, tổ hợp Ernert Young, trả lời :

« Theo tôi môi trường đã được cải thiện đáng kể. Thêm vào đó, từ chính phủ đến tư nhân, từ các công ty khởi nghiệp đến những đại tập đoàn của Pháp đều dành hẳn một ngân sách lớn cho khâu nghiên cứu và phát triển (R&D). Chính phủ đã có những biện pháp ưu đãi thuế khóa cho các doanh nghiệp. Đó là những lợi thế giúp chúng ta qua mặt Đức và cả Anh Quốc nếu chỉ tính về các dự án đầu tư vào nghiên cứu và phát triển.

Cũng cần nói thêm, sức thu hút của nước Anh giảm sụt vì Brexit và kèm theo đó là tương lai chưa biết ra sao. Còn về phía Đức, khả năng xuất khẩu của nước này đã bị chựng lại trong năm vừa qua, đà tăng trưởng cũng bị chậm lại. Đó là chưa kể gần đây, có thêm cả dấu hiệu bất ổn về chính trị. »

Như Marc Lhermitte vừa giải thích, thành công của Pháp năm 2018 là sự kết hợp từ hai yếu tố. Một là Pháp đã có những nỗ lực để thu hút các doanh nghiệp quốc tế, và hai là yếu tố « hoàn cảnh » : đầu tầu số 1 của Liên Hiệp Châu Âu là Đức gây lo ngại. Lần đầu tiên, từ chỉ số xuất khẩu đến tăng trưởng của Đức đều bị chựng lại. Trong khi đó thì thị trường châu Âu được giới đầu tư quốc tế ưa chuộng nhất là vương Quốc Anh, thì từ giữa năm 2016, viễn cảnh Brexit là đám mây đen đe dọa nước này.

Là một trong ba nền kinh tế lớn nhất châu Âu, Pháp nổi lên như một vùng đất an toàn, đặc biệt là trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đang muốn xếp đặt lại trật tự kinh tế và thương mại thế giới. Dù vậy, để những thành tích đã đạt được trong hai năm liên tiếp 2017 và 2018 không chỉ là những ngoại lệ, để củng cố vị trí số 1 hay số 2 về sức thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của Pháp, chính quyền của tổng thống Macron và thủ tướng Philippe còn phải vượt qua nhiều trở ngại. Marc Lhermitte, cơ quan tư vấn Ernest Young, phân tích :

« Còn phải điều chỉnh trong nhiều lĩnh vực để thực sự đem lại một bộ mặt mới cho kinh tế Pháp. Tôi muốn nói đến các lĩnh vực như là công nghệ số, trong ngành dịch vụ (nhất là dịch vụ tài chính). Đó là những lĩnh vực mà chúng ta còn thua kém so với Anh chẳng hạn. Pháp hiện nay vẫn phải cạnh tranh rất mạnh với nhiều nước châu Âu khác. Thí dụ như Paris sẽ phải nỗ lực hơn nữa mới có thể bắt kịp Luân Đôn để thu hút các tập đoàn ngân hàng.

Đúng là các doanh nghiệp ngoại quốc tin tưởng vào Pháp trong ba năm sắp tới, nhưng viễn cảnh 2019 không tươi sáng bằng so với 2018. Đấy là thời điểm Emmanuel Macron liên tục cho ra đời các đạo luật mới, cởi trói thị trường lao động, cải tổ về thuế khóa.

Khi được hỏi ,các nhà đầu tư quốc tế cho rằng Pháp cần tiếp tục cải tổ trên ba phương diện. Một là về chính sách thuế khóa, hai là giảm chi phí lao động và ba là phải đơn giản hóa thêm nữa luật doanh nghiệp. Tất cả thân chủ của chúng tôi đều nhấn mạnh trên ba điểm này. Cho dù 80 % những người được hỏi cho biết họ hài lòng, hoặc rất hài lòng về môi trường làm ăn tại Pháp. »

Cuộc chạy đua việt dã

Thực ra hình ảnh của nước Pháp trong mắt các doanh nhân nước ngoài đã được cải thiện từ năm 2017, khi một loạt các chỉ số từ tăng trưởng đến thất nghiệp được cải thiện. Xu hướng này lại càng rõ rệt hơn sau khi nước Pháp bầu một vị tổng thống mới là Emmanuel Macron. Ngay trong những tháng đầu nhiệm kỳ, vị tổng thống trẻ tuổi nhất của nước Pháp đã lập tức tiến hành các biện pháp cải tổ. Quan trọng nhất đối với các nhà đầu tư là hai biện pháp cải tổ về lao động và thuế khóa. Có điều đà cải tổ đó đã phần nào bị chậm lại từ mùa thu năm 2018, trước sự chống đối mạnh mẽ của một bộ phận công luận Pháp. Phong trào Áo Vàng liên tục xuống đường vào mỗi ngày Thứ Bảy hàng tuần trong vòng 30 tuần lễ liên tiếp, kèm theo theo đó là hình ảnh những người Áo Vàng đập phá ở Paris, ở Bordeaux hay Toulouse... phần nào làm sứt mẻ uy tín mà nước Pháp dầy công xây đắp.

Theo nghiên cứu của Ernest &Young, trước cuộc nổi dậy của phe Áo Vàng, 55 % chủ doanh nghiệp đánh giá cao về « sức thu hút của Pháp ». Bước sang đầu năm 2019, tỷ lệ này rơi xuống còn 30 %. EY không loại trừ khả năng, từ nay đến cuối năm và thậm chí là sang đến tận năm 2020, sức hấp dẫn này còn « sẽ bị bào mỏng thêm một chút nữa ».

Tuy nhiên, theo báo cáo của Business France, cơ quan trực thuộc nhà nước Pháp, các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Pháp vì họ xem đây là cánh cổng mở ra thị trường châu Phi và nhất là địa bàn thuận lợi nhất để bắt rễ vào thị trường hơn 500 triệu dân của Liên Hiệp Châu Âu.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.