Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Khôi phục nhà thờ Đức Bà Paris : Thà chậm mà chắc

Đăng ngày:

Không thể nào xây dựng lại nhà thờ Đức Bà Paris chỉ trong vòng 5 năm như tuyên bố của tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Trong những ngày qua, giới chuyên gia đã nhiều lần cảnh báo chính phủ là không nên vội vã trong việc tái thiết di sản kiến trúc biểu tượng của Paris đã bị cháy một phần trong vụ hỏa hoạn ngày 15/04 vừa qua.

Bên trong nhà thờ Đức Bà Paris ngày 16/04/2019 sau vụ hỏa hoạn tối hôm trước.
Bên trong nhà thờ Đức Bà Paris ngày 16/04/2019 sau vụ hỏa hoạn tối hôm trước. Reuters
Quảng cáo

Biết rằng nhà thờ Đức Bà Paris có ý nghĩa biểu tượng rất lớn trong lịch sử nước Pháp, ngay sau xảy ra vụ hỏa hoạn, tổng thống Macron đã long trọng hứa là ngôi giáo đường này sẽ được xây lại  , trước khi diễn ra Thế vận hội 2024, tức là chỉ trong vòng 5 năm.

Nhưng ngay từ đầu, các chuyên gia đã không tin rằng có thể tái thiết nhà thờ Đức Bà Paris trong thời gian ngắn như thế. Giới khảo cổ học nhấn mạnh là phải cần rất nhiều thời gian để phục chế các khối đá cũ. Giới chuyên môn cũng đã tranh cãi với nhau về việc có nên xây lại các khung sườn bằng gỗ sồi, sẽ mất rất nhiều thời gian, hay xây lại bằng bê tông hoặc bằng sắt, nhanh hơn nhiều. Họ cũng tranh cãi với nhau về việc chính phủ Pháp thông báo tổ chức một cuộc thi quốc tế cho dự án khôi phục tháp hình mũi tên đã bị thiêu rụi hoàn toàn trong vụ hỏa hoạn vừa qua.

Giới chuyên gia còn bị phân hóa thành hai phe : một bên muốn tôn trọng những ý đồ tâm linh của những người xây dựng nhà thờ Đức Bà Paris trước đây, và bên kia thì muốn ra khỏi những ý đồ đó, để tạo ra một cái gì đó mới hơn.

Trong một khuyến nghị được công bố trên trang mạng nhật báo Pháp Le Figaro ngày 28/04/2019, hơn một ngàn chuyên gia về bảo tồn di sản văn hóa đã khẩn thiết yêu cầu tổng thống Pháp Emmanuel Macron đừng « nóng vội » trong việc phục hồi nhà thờ Đức Bà, mà xem nhẹ các quy tắc căn bản về bảo vệ di sản.

Những người ký tên vào kiến nghị đã chỉ trích quyết định của chính phủ Pháp sẽ thông qua một dự luật cho phép công trình tái thiết miễn tuân thủ một số chuẩn mực hiện hành trong lãnh vực bảo tồn di sản. Hai gương mặt tiêu biểu trong lãnh vực văn hóa Pháp là nhà báo truyền hình Stéphane Bern và cựu bộ trưởng Văn Hóa Jack Lang cũng đã bày tỏ thái độ lo ngại trước các biện pháp đặc miễn này.

Là một trong những người ký tên vào kiến nghị nói trên, ông Rémi Desalbres, chủ tịch Hiệp hội các kiến trúc sư di sản, giải thích lý do vì sao ông tham gia :

« Có nhiều lý do. Bản kiến nghị của hơn 1000 chuyên gia ( gồm các nhà sử học, kiến trúc sư, chuyên gia về bảo tồn di sản ) nêu lên tính chất quan trọng của vấn đề khôi phục, cũng như những hạn chế của các chính sách bảo vệ di sản được thực hiện tại Pháp từ nhiều năm qua. Theo tôi, rất cần liên kết các chuyên gia đó vào công trình khôi phục nhà thờ Đức Bà. Nước Pháp có một truyền thống rất dài, từ gần 200 năm qua, về trung tu và bảo vệ các công trình lịch sử.

Ngoài ra, từ nhiều năm qua, chúng tôi vẫn thường xuyên cảnh báo về trình trạng thiếu ngân sách trầm trọng cho việc bảo tồn các di sản kiến trúc, những ngân sách này không ổn định, đến mức năm nào chúng tôi cũng sợ là ngân sách năm nay sẽ lại sụt giảm nữa. Hậu quả là chúng tôi buộc phải tiến hành các công trình tu bổ khẩn cấp, ngay cả trước khi có một chính sách dài hạn, hợp lý.

Lẽ ra chính phủ phải lắng nghe một số chuyên gia lớn về bảo tồn di sản kiến trúc để ra được những quyết định chín chắn. Có nghĩa là sự vội vã sẽ khiến ta đưa ra những quyết định không thể đảo ngược được. Đó là điều mà ai trong chúng tôi cũng đều muốn tránh.

 Như tôi đã nói ở trên, nước Pháp có một truyền thống rất lâu đời về bảo tồn di sản kiến trúc. Trong tuần qua , chúng ta đã nghe rất nhiều ý kiến rất khác biệt nhau, kể cả của những người hoàn toàn không hiểu về vấn đề bảo tồn các công trình kiến trúc lịch sử, chẳng biết gì về truyền thống lâu đời của Pháp, một truyền thống mà rất nhiều nước thèm muốn. »

Nói chung, theo lời ông Rémi Desalbres, còn rất nhiều điểm mù mờ trong kế hoạch của chính phủ về tái thiết nhà thờ Đức Bà Paris :

« Dự luật này cho phép miễn tuân thủ nhiều chuẩn mực về bảo tồn các di sản kiến trúc quốc gia. Dĩ nhiên là chúng tôi có thể chấp nhận cho miễn trừ đối với một số điểm, để công trình khôi phục nhà thờ Đức Bà được thực hiện một cách hiệu quả hơn. Nhưng ngược lại, có một số lo ngại rất lớn về khu vực chung quanh nhà thờ. Tại sao dự luật có những miễn trừ đối với khu vực chung quanh nhà thờ Đức Bà ? Đó là điều mà toàn bộ các chuyên gia về bảo tồn di sản kiến trúc không hiểu nổi.

Ngoài ra còn rất nhiều điểm mù mờ, chúng tôi cần được nhanh chóng trấn an những ý định cũng như phương pháp thực hiện của chính phủ và tổng thống. » 

Tuy Quốc Hội trên nguyên tắc sẽ thông qua dự luật nói trên, và cho dù chính nhà nước sẽ quyết định về dự án chung cuộc, nhưng theo lời bộ trưởng Văn Hóa Franck Riester, chính phủ cũng sẽ tham khảo ý kiến của người dân. Kết quả một cuộc thăm dò được công bố vào cuối tháng tư, có đến 54% dân Pháp mong muốn nhà thờ Đức Bà Paris được xây lại giống y như cũ. Chỉ có 25% là chấp nhận sửa đổi một ít về cấu trúc.

Bộ trưởng Văn Hóa Riester cho biết chính phủ sẽ nghiên cứu mọi phương án và dựa theo kết quả cuộc thi kiến trúc quốc tế, nhà nước sẽ quyết định có xây lại tháp nhọn giống như xưa hay xây một công trình khác mang tính hiện đại hơn. Ông Riester nhắc lại là tại Pháp khi khôi phục các giáo đường, bao giờ cũng có những cái mới được thêm vào.

Trước mắt, các kiến trúc sư, các nhà điều tra và các chuyên gia đang ráo riết xác định những tác động của lửa và nước lên cấu trúc của nhà thờ Đức Bà Paris, cũng như xác định nguyên nhân của vụ cháy, cho dù hiện giờ nhiều dấu hiệu cho thấy đây chỉ là một vụ sơ ý gây hỏa hoạn. Giả thuyết được nêu lên nhiều nhất là cháy do chập điện.

Theo lời một đại diện của nhóm các công ty chuyên về trung tu các di sản kiến trúc, việc bảo đảm an toàn cho khu vực nhà thờ Đức Bà sẽ mất đến khoảng 4 tháng. Chỉ sau khi kết thúc các công trình bảo đảm an toàn này, các chuyên gia mới bắt tay vào việc để « chẩn đoán » những hư hại của nhà thờ Đức Bà. Hiện giờ, đại diện của nhóm công ty nói trên không thể đưa ra một thời hạn cụ thể nào cho việc « chẩn đoán » đó. Tóm lại, đối với đa số các chuyên gia, rất khó mà hoàn tất việc tái thiết nhà thờ Đức Bà Paris chỉ trong vòng 5 năm.

Trong những ngày qua đã có nhiều dự án được đưa ra để tái thiết nhà thờ. Kiến trúc sư của công viên giải trí Futuroscope, gần thành phố Poitiers, Denis Laming, đề nghị xây một mái nhà bằng kiến, có thể được phủ với các tấm bằng carbone và titane khi trời xấu. Theo ông Laming, đây chính là một cách để « dung hòa cái cũ và cái hiện đại », vừa tôn trọng nét truyền thống, nhưng đưa vào đó tính chất đương đại. Vị kiến trúc sư này khẳng định dự án mà ông đề nghị tốn chưa tới 200 triệu euro, tức là xây vừa nhanh, vừa rẻ.

Tờ nhật báo Le Parisien đã tổ chức lấy ý kiến độc giả trên mạng về 10 trong số các dự án do nhiều kiến trúc sư đề nghị chỉ vài ngày sau vụ hỏa hoạn. Nhận được nhiều ý kiến tán đồng nhất ( 16% )  là dự án của Christophe Pinguet, nhà đồng sáng lập một công ty chuyên tổ chức các sự kiện. Ông Pinguet đưa ra một đề xuất độc đáo để « tân trang » nhà thờ Đức Bà Paris, đó là lắp đặt những đèn chiếu cực mạnh, một cách tạm thời, tức là lấp đặt mỗi năm trong khoảng thời gian từ 25/11 đến 15/01, để chiếu sáng bầu trời bên trên nhà thờ.

Dự án thu được nhiều phiếu thứ hai ( 15% ) do nghệ sĩ Brazil Alexandre Fantozzi đề nghị, đó là xây một mái nhà toàn bằng kính nhiều màu, để ánh sáng tự nhiên chiếu vào bên trong nhà thờ, tạo ra vô số  màu sắc. Đứng thứ ba là hai dự án đồng hạng : dự án « vườn treo » trên nóc nhà thờ của studio NAB và dự án « Trồng lại rừng », với nhiều cây cối được trồng trên nóc nhà thờ. Dự án điên rồ nhất, cho nên nhận được ít phiếu nhất, đó là đề xuất của nhà thiết kế Mathieu Lahanneur, mang tên « Ngọn lửa khổng lồ ». Như tên gọi của nó dự án này xây một công trình điêu khắc mô tả ngọn lửa đặt ngay trên nóc nhà thờ để ghi dấu vĩnh viễn lúc mà công trình biểu tượng của Paris và nước Pháp chìm trong khói lửa trong suốt nhiều tiếng đồng hồ trước sự bất lực của mọi người. 

Chưa biết nhà thờ Đức Bà Paris sẽ được xây dựng lại như thế nào, nhưng trước mắt, có một thông tin an ũi phần nào dân Pháp : chiếc đàn organ ống của nhà thờ, có từ đầu thế kỹ 18, một trong đàn organ ống đẹp nhất thế giới, đã không bị hư hại trong vụ hỏa hoạn, chỉ cần chùi rữa lại, chứ không cần phải tháo ra để sửa chữa.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.