Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Công nghệ cao : Start-up Pháp làm sao để bắt kịp Mỹ và Trung Quốc ?

Đăng ngày:

Mỹ có Google, Facebook hay Microsoft. Trung Quốc có WeChat, Baidu hay Alibaba. Vậy còn châu Âu ? Sau nhiều năm chần chừ, năm 2018 Ủy Ban Châu Âu đã có một bước nhẩy vọt: dành 1,5 tỷ euro phát triển trí thông minh nhân tạo cho 28 nước thành viên. Nhưng đấy chỉ là một giọt nước so với ngân sách của Washington và Bắc Kinh cho công nghệ số.

Tổng thống Pháp khai mạc hội chợ Công nghệ cao VivaTech- Paris 2017.
Tổng thống Pháp khai mạc hội chợ Công nghệ cao VivaTech- Paris 2017. Reuters
Quảng cáo

Bruxelles cần làm những gì để cũng có được những « con kỳ lân » trong công nghệ cao, để bắt kịp hai ông khổng lồ là Trung Quốc và Mỹ ? RFI đặt câu hỏi với một số nhà sáng lập công ty khởi nghiệp của Pháp tham gia Hội Chợ Công Nghệ Cao VivaTech Paris.

Tại gian triển lãm của AWADAC, đại diện cho vùng Occitanie, miền nam nước Pháp, Jérémy Cazalas, giám đốc đặc trách khâu tiếp thị-marketing của công ty khởi nghiệp giới thiệu về hoạt động của hãng :

"Hãng được lập ra và bắt đầu hoạt động từ năm 2014, trụ sở được đặt tại thành phố Montpellier, miền nam nước Pháp trong vùng Occitanie. Để tóm tắt có thể nói AWADAC là một trung gian giữa các nhà hàng và thực khách. Công ty khởi nghiệp này có nhiệm vụ  số hóa thực đơn của nhà hàng, của nhiều dây chuyền khách sạn. Qua đó cho phép thực khách đặt món ăn trước khi đến nhà hàng, hay vào phòng ăn của khách sạn.

Mục tiêu nhằm rút ngắn thời gian thực khách phải đợi khi đến hiệu ăn, cho phép nhân viên phục vụ có thêm thời gian để chuẩn bị chu đáo hơn các món ăn cho những vị thực khách khó tính.

Đương nhiên là mọi người phải đặt thức ăn qua điện thoại di động, máy tính bảng, đồng hồ kết nối hay từ những chiếc cột thông minh đặt không xa nhà hàng."

Sau 5 năm hoạt động, công ty khởi nghiệp có tham vọng kết nối các nhà hàng với thực khách này đã ký hợp đồng với dây chuyền nhà hàng ăn nhanh KFC, với khu trung tâm giải trí CenterParc… Hãng hiện có khoảng 20 nhân viên thường trực.

Jérémy Cazalas, giải thích vì sao công ty khởi nghiệp này đã chọn đặt trụ sở tại thành phố Montpellier :

"Ngay từ đầu chúng tôi chọn về vùng Occitanie hoạt động, bởi vì đây là một trong những khu vực năng động nhất ở Pháp. Hơn nữa, chúng tôi lại được chính quyền cấp vùng quan tâm hơn. Ở Paris và vùng phụ cận có quá nhiều công ty khởi nghiệp.

Vùng Occitanie tạo điều kiện cho AWADAC tiếp cận với các doanh nghiệp khác, là nhịp cầu giúp chúng tôi gặp gỡ nhiều đối tác và kể cả giúp chúng tôi tìm người có kinh nghiệm để cố vấn cho AWADAC trong những bước ban đầu. Kế tới là mảng hỗ trợ tài chính. Nhờ có trợ cấp của vùng, mà chúng tôi đến được hội chợ công nghệ cao VivaTech hôm nay."

RFI : Châu Âu chậm chân trong lĩnh vực công nghệ số cũng như là dụng cụ kết nối và gần như đã nhường sân chơi cho Mỹ và Trung Quốc. Anh nghĩ sao về sự chậm trễ này trong những lĩnh vực được coi là « nền tảng của hệ thống kinh tế trong tương lai » ?

"Chúng tôi nhận thấy Liên Âu quan tâm nhiều hơn đến các công nghệ mới. Đúng là tới nay châu Âu chưa có được những ông khổng lồ trong các lĩnh vực công nghệ cao và kỹ thuật số như Mỹ hay Trung Quốc. Nhưng ngày càng có nhiều chương trình của châu Âu hỗ trợ cho các công ty khởi nghiệp như là trường hợp của chúng tôi với AWADAC. Đừng quên rằng high tech là một nguồn tạo công việc làm tại châu Âu".

RFI : Cử tri châu Âu sắp bầu lại Nghị Viện và cả một thế hệ lãnh đạo tại Bruxelles chuẩn bị ra đi. Vậy với tư cách là chủ doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ mũi nhọn, anh chờ đợi gì ở chính sách của châu Âu trong 5 năm sắp tới ? Liên hiệp Châu Âu cần làm những gì để bắt kịp những cơ hội đã bỏ lỡ ?

"Với tư cách là chủ doanh nghiệp, Liên Hiệp Châu Âu đối với tôi là một cơ hội lớn, là một thị trường lớn, là một sân chơi thú vị mà ở đó các nhà đầu tư đến từ khắp mọi nơi. Tuy nhiên, chúng ta cần một luật chơi chung, cần có một chính sách chung về phát triển doanh nghiệp, cần có một chính sách chung về thuế doanh nghiệp. Đó là những gì mà Liên Hiệp Châu Âu đến nay vẫn chưa có được.

Riêng trong lĩnh vực chuyên môn của tôi, thì tôi mong là Nghị Viện Châu Âu trong nhiệm kỳ tới chịu đầu tư nhiều vào công nghệ số, để chúng ta cũng có được những Facebook hay Amazon… Cũng cần nhắc lại là các tập đoàn này đã chịu lỗ nhiều năm trước khi trở thành những ông khổng lồ trong thế giới high tech. Bởi vì thị trường cần có thời gian để tiếp thu những sản phẩm mới, những dịch vụ mới. Tôi mong là châu Âu có chiến lược nhìn xa để khuyến khích những tập đoàn trong ngành công nghệ rô-bôt hay trí thông minh nhân tạo … ra đời ».

Theo một báo cáo của Ủy Ban Châu Âu được công bố tháng 3/2019, trong số 50 tập đoàn hàng đầu thế giới về công nghệ cao, có 22 hãng của Mỹ, 22 hãng của châu Á, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Châu Âu chiếm vị trí khiêm tốn với 5 công ty. Mà nhà vô địch của châu lục này chỉ xếp hạng thứ 32 trong số 50 ông khổng lồ high tech của thế giới. Ý thức được về nhược điểm này, Liên Hiệp Châu Âu năm 2018 đầu tư 1,5 tỷ euro vào trí thông minh nhân tạo. Để so sánh thì tại Mỹ, ngân sách của riêng viện công nghệ MIT đã là 1 tỷ đô la Mỹ.

Nhìn đến khoản vốn đầu tư vào các công ty khởi nghiệp của châu Âu, Pháp đứng hạng thứ ba, sau Anh và Đức. Tại Pháp, tính đến cuối 2017 đã có tất cả 10.000 start-up đang hoạt động. Hãng Kaligo ở vùng Bretagne là một trong số 10 ngàn công ty đó. Khác với AWADAC, Kaligo hoạt động trong lĩnh vực giáo dục.

Hãng của Amélie Le Roux đã phát minh ra một ứng dụng dậy trẻ em tập viết. Được hình thành từ năm 2016 tại thành phố Rennes, vùng Bretagne, Kaligo đã nhanh chóng được sở giáo dục của vùng sát cánh hỗ trợ. Tại Hội Chợ Công Nghệ Cao VivaTech, bà Le Roux cho biết bà đã được chính quyền của vùng và của châu Âu hậu thuẫn như thế nào.

Amélie Le Roux : "Một cách rất cụ thể thì chính quyền vùng Bretagne đã cho chúng tôi mượn các phòng thí nghiệm có trang bị ống kính camera, máy nghe… để quan sát cách mỗi em học sinh cầm bút, vẽ, viết hay nhận mặt chữ cái... Từ đó Kaligo mới soạn ra phần mềm phù hợp với những đứa trẻ gặp khó khăn khi bắt đầu tập viết. Khó khăn ở đây đôi khi chỉ là vì các em nhỏ này chậm chạp hơn các bạn cùng lớp và cần tập dợt nhiều hơn, nhưng tập viết một cách có hệ thống và hiệu quả.

Hiện tại chúng tôi được hai quỹ của Liên Hiệp Châu Âu hỗ trợ và thực lòng thì tôi hy vọng rằng Nghị Viện sắp tới đây sẽ quan tâm nhiều hơn nữa đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đến các công ty khởi nghiệp, vì chính những công ty nhỏ này hoạt động rất hiệu quả và có khả năng sáng tạo rất lớn. Pháp nói riêng, châu Âu nói chung có rất nhiều sáng kiến hay, có kỹ thuật cao, nhưng cần có phương tiện để phát huy những dự án đó".

Với Liên Âu, Kaligo đang phát triển hai dự án, một là trong lĩnh vực giáo dục như vừa trình bày. Dự án thứ nhì là NADINE, nhắm vào việc giúp người tị nạn hội nhập qua các kênh từ học tiếng, cho đến tập đọc, tập viết, và cả học về nếp sống của nơi họ đến định cư. Hai dự án này nhận được trợ cấp từ hai quỹ khác nhau của Liên Âu, đó là FEDER và H2020.

Trong số những start-up tại Pháp, The Goosebumps Factory, có trụ sở tại Bỉ và có một chi nhánh tại vùng Hauts de France thuộc dạng « tân binh ». Vừa bắt đầu hoạt động được hơn sáu tháng, công ty do Augustin Grillet điều hành thuộc lĩnh vực giải trí. The Goosebumps Factory dùng công nghệ máy tính để tạo môi trường ảo.

Với ứng dụng của hãng này, ta có thể đắm mình vào một môi trường riêng biệt. Đấy có thể là môt tòa nhà sắp sửa được xây dựng hay thế giới của những con khủng long nay không còn tồn tại nữa. Điểm mới ở đây là The Goosebumps Factory có thể tổ chức những cuộc du ngoạn ảo cho nhiều người cùng một lúc.

Trả lời RFI Việt ngữ, chủ tịch tổng giám đốc The Goosebumps Factory đi thẳng ngay vào vấn đề : ông hy vọng Nghị Viện sắp tới của châu Âu sẽ đơn giản hóa các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.

Augustin Grillet : "Châu Âu ngày càng tiến bộ trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào Nghiên cứu và Phát triển, vào các lĩnh vực công nghệ mới. Ngoài những giúp đỡ về tài chính, Liên Hiệp Châu Âu còn tạo điều kiện để các công ty khởi nghiệp hợp tác với các trường đại học, các trung tâm nghiên cứu, các hãng lớn trong toàn khối.

Đối với tôi đây là một sự trợ giúp hết sức quý giá và quan trọng. Ngoài ra, tôi thực sự mong muốn, trong những năm tới đây, châu Âu đơn giản hóa các thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp. Cụ thể là hiện tại hãng của chúng tôi đăng ký bằng sáng chế tại Pháp và Bỉ do hoạt động ở vùng Hauts de France và Flandre bên Bỉ.

Nhưng nếu muốn làm ăn tại Đức thì lại phải đăng ký thủ tục về bằng phát minh lại từ đầu … và như vậy, nếu mở chi nhánh ở 28 nước trong Liên Hiệp Châu Âu, chúng tôi phải lập 28 hồ sơ khác nhau … Điều này đòi hỏi nhiều thời gian và thủ tục luôn rườm rà và khá tốn kém. Thành thử hy vọng là Nghị Viện sắp tới đơn giản hóa hộ chúng tôi khâu này. Đây thực sự là điều tôi mong đợi nhất ! "

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.