Vào nội dung chính
PHÁP - VĂN HÓA

Cannes : Một tỷ euro để nâng cấp các khách sạn

Thành phố Cannes chỉ có khoảng 70.000 dân, nhưng lại có đến gần 140 khách sạn đủ mọi cấp, với tổng cộng hơn 5.000 phòng. Xét về mật độ, Cannes là nơi có nhiều phòng khách sạn nhất tính theo dân số. Trong một thập niên qua, ngành khách sạn tại Cannes đã chi một tỷ euro (1,15 tỷ đô la) cho việc trùng tu, nâng cấp.

Từ trái sang phải, các khách sạn nổi tiếng Carlton, Miramar và Martinez (Grand Hyatt) tại Cannes 2019
Từ trái sang phải, các khách sạn nổi tiếng Carlton, Miramar và Martinez (Grand Hyatt) tại Cannes 2019 REUTERS/Regis Duvignau
Quảng cáo

Cách đây đúng 10 năm, hai khách sạn 5 sao J.W Marriott và Radisson Blu đã mở cửa đón khách trở lại sau một thời gian sửa chữa. Kể từ thời điểm ấy, ngành công nghiệp khách sạn tại Cannes, vốn bị xem như đang ‘‘ngủ quên’’, nếu không nói là ‘‘lỗi thời’’, đã đảo ngược xu hướng trong vòng một thập niên liền.

Theo ông Michel Chevillon, Chủ tịch nghiệp đoàn các nhà quản lý khách sạn Cannes (gồm 133 thành viên), trong vòng mười năm, đã có tới khoảng một tỷ đô la được đầu tư vào khâu tân trang và nâng cấp các khách sạn 4 sao hoặc 5 sao, các khách sạn đắt tiền nhất là nơi đón tiếp các ngôi sao màn bạc quốc tế nhân mỗi kỳ liên hoan điện ảnh Cannes, trong trung tuần tháng 5.

Mặt tiền khách sạn Carlton được thiết kế theo kiểu ‘‘Belle Époque’’ đầu thế kỷ XX. Khách sạn này đã tròn 100 tuổi vào năm 2011
Mặt tiền khách sạn Carlton được thiết kế theo kiểu ‘‘Belle Époque’’ đầu thế kỷ XX. Khách sạn này đã tròn 100 tuổi vào năm 2011 REUTERS/Regis Duvignau

Một trong những trường hợp tiêu biểu là khách sạn Carlton, với mặt tiền lộng lẫy thiết kế theo kiểu ‘‘Belle Époque’’ đầu thế kỷ XX. Toàn bộ ‘‘diện mạo’’ của toà nhà này đã được tân trang, bên cạnh đó còn có dự án mở rộng diện tích, xây thêm các căn hộ để rao bán. Khách sạn Carlton thuộc tập đoàn InterContinental gồm gần 350 phòng, đã ăn mừng sinh nhật 100 tuổi vào năm 2011. Chi phí nâng cấp toàn bộ công trình (dự trù kết thúc vào năm 2022) lên tới 300 triệu euro.

Kể từ năm 2009 trở đi, hầu hết các tập đoàn khách sạn lớn trên thế giới đều tái tạo cấu trúc hoặc là mở rộng xây thêm để tăng số phòng. Sau Mariott và Radisson Blu vào năm 2009, đến phiên các khách sạn như Majestic 2010 và Gray d’Albion 2017 (tập đoàn Barrière), khách sạn Martinez (tập đoàn Hyatt) năm 2018, và MGallery Croisette Beach (tập đoàn Accor) vừa mới khai trương trở lại đầu tháng 5 năm 2019 để đón tiếp kịp thời liên hoan Cannes.

Sở dĩ các tập đoàn chịu chi nhiều như vậy, là vì ngành này tiếp tục hái ra tiền, đặc biệt là tại một địa điểm thuận lợi và có nhiều uy tín như Cannes. Khách sạn là ngành tuyển dụng nhiều nhân viên nhất tại thành phố này : tạo ra 2.750 việc làm trực tiếp và tính chung là tạo thêm 20.000 việc làm trong những ngành có liên quan như nhà hàng và các dịch vụ.

Sau một thời gian dài trùng tu, Martinez, khách sạn lớn nhất tại Cannes với hơn 400 phòng, đã mở cửa trở lại vào năm 2018. Đây là một dự án khổng lồ, chi phí lên tới 150 triệu euro, khách sạn Martinez với lối kiến trúc Art Déco đã đầu tư để nâng cấp lại toàn bộ các cơ sở và thiết bị, không phải chỉ có mặt tiền và bề ngoài mà ngay cả các đường ống và hệ thống thoát nước ngầm.

Mặt tiền Majestic với giá phòng đắt nhất 34.000€ cho một phòng suite
Mặt tiền Majestic với giá phòng đắt nhất 34.000€ cho một phòng suite REUTERS/Regis Duvignau

Về phần Majestic, khách sạn này đã mướn thêm 40 nhân viên phục vụ, sau khi xây thêm một toà nhà mới. Majestic vẫn là nơi có cho mướn phòng suite với giá đắt nhất 34.000 euro mỗi đêm vào những mùa cao điểm kể cả mùa hè, cũng như nhân kỳ liên hoan Cannes. Cũng trong cùng một giai đoạn 2008-2018, Majestic đã nhân lên gần gấp đôi doanh thu, từ 45 triệu tăng lên 82 triệu euro hàng năm.

Đối với các công đoàn bảo vệ quyền lợi của người lao động, sự kiện các khách sạn đầu tư nâng cấp cơ sở hoạt động, cũng ảnh hưởng tới chính sách chung của thành phố trong việc giữ gìn các thắng cảnh và làm đẹp các công trình xây dựng công cộng. Đó là điểm tích cực đáng ghi nhận, nhưng về mặt đời sống xã hội, giá sinh hoạt cũng như bất động sản gia tăng đều đặn, người dân địa phương sống tại thành phố Cannes quanh năm suốt tháng cũng phải chịu đóng thuế nhiều hơn cho các nỗ lực làm đẹp khu vực Croisette dọc bờ biển.

Theo lời ông Ange Romiti, một trong những đại diện công đoàn lao động : các khách sạn được hưởng lợi đầu tiên, đổi lại các nhân viên được tuyển dụng ‘‘nhân mùa liên hoan’’ sẽ phải chịu một số thiệt thòi : áp lực công việc cao hơn nhiều so với mức bình thường, nhưng đồng lương chưa chắc gì là tương xứng. Bên cạnh thành phần nhân viên làm việc theo hợp đồng dài hạn, ngành dịch vụ tại Cannes còn tuyển thêm rất nhiều nhân viên chỉ trong một thời gian rất ngắn. Trong vòng 10 năm, doanh thu các khách sạn tăng gần gấp đôi, nhưng theo các hợp đồng, nhân viên không được trả thêm gì nhiều (nhất là trong ngành nhà hàng).

Cành cọ vàng do Chopard thiết kế nhân kỳ liên hoan Cannes 2019
Cành cọ vàng do Chopard thiết kế nhân kỳ liên hoan Cannes 2019 REUTERS/Regis Duvignau

Trước nhịp độ đầu tư đều đặn của ngành khách sạn, Tòa thị chính Cannes cũng nỗ lực đề ra một chương trình sự kiện dày đặc hơn. Ngoài liên hoan điện ảnh quốc tế hàng năm, Cannes còn khá nổi tiếng trên thế giới nhờ liên hoan Midem của ngành công nghiệp giải trí và festival quốc tế có trao giải cho các bộ phim quảng cáo. Hội đồng thành phố Cannes dự trù vào năm 2024 nâng cấp Cung liên hoan (Palais des Festivals) mở thêm một phòng chiếu phim cũng như một khu vực lễ tân nhìn ra biển. Lịch sự kiện trở nên dày đặc vẫn nhằm mục đích thu hút thêm giới chuyên môn cũng như du khách. Điều đó cũng dự báo sự gia tăng của giá phòng các khách sạn hạng trung bình và hạng sang.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.