Vào nội dung chính
Tạp chí đặc biệt

Bầu cử Nghị Viện Châu Âu: Cuộc chiến truyền thông đã bắt đầu

Đăng ngày:

Chiến dịch vận động bầu cử châu Âu đã khởi động. Cuộc chiến chống tin giả cũng đã bắt đầu. Phải chăng nghị sĩ châu Âu là « vô ích » và đã bị « mua chuộc » ? Truyền thông Ý là mang tính bè phái và dối trá ? Liệu Liên Hiệp Châu Âu có can dự vào ngành tư pháp Ba Lan hay không ? RFI giải đáp các thông tin sai lệch. Và sau cùng, Paris vinh danh hơn 40 đầu bếp trứ danh của nước Pháp. Trên đây là những nội dung chính mục tạp chí Thế giới Đó Đây tuần này.

Các nghị sĩ châu Âu trong một phiên họp ngày 13/11/2018.
Các nghị sĩ châu Âu trong một phiên họp ngày 13/11/2018. FREDERICK FLORIN / AFP
Quảng cáo

Bỉ: Nghị sĩ châu Âu là « vô tích sự » và bị « mua chuộc » ?

Tại Bỉ, nhiều thông tin loan truyền tố cáo nghị sĩ châu Âu là « vô ích » và đã bị giới vận động hành lang « mua chuộc ». Nhận định này không phải không có cơ sở khi nhìn vào tỷ lệ có mặt của các nghị sĩ tại các cuộc thảo luận hay bỏ phiếu dao động trong khoảng từ 42-99%. Thực hư ra sao ? Thông tín viên Laxmi Lota tại Bruxelles giải thích :

« 30% trong số họ còn làm nghề khác cùng lúc với nhiệm kỳ nghị sĩ. Điều đó có thể gây ra những xung đột lợi ích và khó tham dự đầy đủ các kỳ họp. Họ là luật sư, chủ doanh nghiệp, nhưng cũng có những công việc không rõ ràng như « cố vấn » hay « nghề tự do ». Là nghị sĩ châu Âu, trước khi bỏ phiếu, họ phải nghiên cứu các hồ sơ, tiếp phóng viên, thương lượng trong phòng làm việc, hay cả trong các hành lang ! »

Phải chăng các nghị sĩ châu Âu không có một quyền hạn nào hết ?

« Phần lớn các đạo luật của Liên Hiệp Châu Âu phải được cả Nghị viện và Hội đồng châu Âu cùng thông qua. Từ năm 2009, các nghị sĩ biểu quyết ngân sách châu Âu. Kể từ năm 1979, họ được bầu theo thể thức phổ thông đầu phiếu trực tiếp. Thể thức bầu này nay tròn 40 năm.

Ví dụ, công việc của họ cho phép thông qua một chỉ thị về bảo vệ dữ liệu cá nhân RGPD hay như hủy bỏ việc phải trả phí chuyển dữ liệu hay chuyển vùng các cuộc gọi điện thoại. »

Liệu các nghị sĩ châu Âu có bị giới vận động hành lang mua chuộc hay không ?

« Điều này đã từng xảy ra vào năm 2011. Tờ báo Anh Sunday Times, đã cài bẫy ba nghị sĩ châu Âu. Những người này đã bị kết án tù giam tại những nước của họ : Áo, Rumani và Slovakia vì tội tham nhũng. Kể từ giờ, khi họ là chủ tịch hay là báo cáo viên các dự án tại ủy ban, các nghị sĩ châu Âu phải công bố các cuộc gặp của họ với các nhà vận động hành lang. »

Vậy lương tháng của các nghị sĩ châu Âu là bao nhiêu ?

« Nếu chưa trừ các khoản đóng góp xã hội và thuế, mỗi tháng, họ được trả 8.611 euro. Họ còn được nhận mỗi tháng một khoản phụ cấp cho các chi phí chung là 4.416 euro. Tổ chức phi chính phủ Minh Bạch Quốc Tế Transparency International chỉ trích khoản phụ cấp này bởi vì các nghị sĩ châu Âu không có nghĩa vụ phải chứng minh cho các khoản chi tiêu của họ ! Thêm vào đó, hàng tháng họ còn được nhận 24.526 euro để có thể tuyển dụng thêm tối đa là ba trợ lý cho nghị sĩ. Đây chính là điều dẫn đến các cuộc điều tra về việc làm ảo. »

Ý: Truyền thông bị tố là bè phái và dối trá ?

Tại Ý, hai đảng trong liên minh cầm quyền tại Ý, Liên đoàn phương Bắc và Phong trào 5 Sao, cho rằng truyền thông đồng nghĩa với tinh hoa tức cũng đồng nghĩa với dối trá. Do vậy, kể từ khi hai đảng này lên cầm quyền, kênh truyền thông nhà nước RAI và nhiều tờ báo lớn đã trở thành hai mục tiêu tấn công chính của chính phủ. Phóng viên đài RFI, Olivier Bonnel giải thích :

« Mục tiêu tấn công đầu tiên hết là RAI – Phát thanh – Truyền hình Ý. Vào cuối tháng 10/2018, trên các trang mạng xã hội, Phong trào 5 Sao la to PAZZESCO ! (Không thể nào tin nổi !). Bởi vì, thời gian phát biểu cho các đảng chính trị của phe đối lập dường như nhiều hơn gấp ba lần thời gian dành cho các đảng cầm quyền.

Trên thực tế, khi xem xét lại, cơ quan điều tiết nhận thấy rằng chiểu theo quy định về thời gian, thì tỷ lệ phân bổ thời gian không phải như vậy, thậm chí là ngược lại. Để sửa chữa đường hướng biên tập của tập đoàn nghe nhìn N hà nước RAI, tháng 9/2018, chính quyền Ý đã bổ nhiệm một người của mình làm lãnh đạo RAI. Đó là một nhà báo gây tranh cãi, chống tiêm chủng ngừa và rất ngưỡng mộ Vladimir Putin. Người này còn đề tựa cho một quyển sách, nghi ngờ CIA đứng sau vụ tấn công khủng bố nhắm vào tòa soạn báo trào phúng Charlie Hebdo tại Pháp.

Đích ngắm thứ hai là những tờ báo lớn. Theo các vị bộ trưởng mang tư tưởng dân túy, báo chí đang trong hồi cáo chung vì chỉ truyền tải « fake news » (tin giả). Báo chí Ý vẫn chưa chết. Những tờ báo của tập đoàn Gedi, hãng tin ưa thích của chính phủ, vẫn sống khỏe.

Hơn nữa, với hơn 20 triệu người xem mỗi tháng, trang mạng của nhật báo thiên trung tả la Repubblica.it, vẫn là nhật báo được đọc nhiều nhất trên mạng Internet của Ý. Nhưng trong vòng 10 năm, ấn bản phát hành báo tờ của La Repubblica đã bị giảm một nửa như bao tờ nhật báo lớn khác. Bất chấp các chỉ trích của chính phủ, chưa có hình phạt nào vì tội vu khống đưa ra trừng phạt báo chí kể từ tháng 6/2018 và từ khi cặp đôi Liên đoàn/5 Sao lên cầm quyền. »

Vẫn theo phóng viên Olivier Bonnel, mạng Internet lại là một sân chơi nguy hiểm.

« Ngay từ lúc ban đầu, đảng dân túy đã giao bộ phận giao tế của mình cho một văn phòng tiếp thị Internet. Lợi điểm của ban quân sư này, vốn cũng là đồng sáng lập viên Phong trào 5 Sao là chuyên phát tin giả trên mạng và thuyết phục công chúng rằng tầng lớp chính trị đang che giấu họ sự thật. Tụ tập xung quanh các trang mạng chính thức là cả một dải thiên hà các trang mạng đáng ngờ, sử dụng tên và logo của Phong trào 5 Sao, nhưng hoàn toàn « sặc mùi » thuyết âm mưu hay thân Nga. »

Liên Hiệp Châu Âu can thiệp tư pháp Ba Lan ?

Chính phủ Ba Lan lên án Liên Hiệp Châu Âu can thiệp vào chuyện nội bộ nước này. Trên thực tế, Bruxelles vì quan ngại cho tính độc lập của nền tư pháp Ba Lan nên đã nhiều lần tiến hành thủ tục vi phạm chống lại các chương trình cải cách tư pháp của Ba Lan. Tính độc lập của các thẩm phán được luật châu Âu bảo đảm nên tòa án Châu Âu có vai trò buộc các nước thành viên phải tuân thủ quyền này.

Ủy Ban Châu Âu đã từng khởi động một thủ tục bất thường: Điều khoản số 7, còn được mệnh danh là « vũ khí hạt nhân ». Theo đó, nếu cứ tiếp tục, Ba Lan rất có thể sẽ bị tước quyền bỏ phiếu tại các định chế của Liên Hiệp Châu Âu. Nhưng điều này ít có khả năng xảy ra.

Vậy thì những cải cách tư pháp nào khiến Liên Hiệp Châu Âu EU lo ngại ? Thông tín viên Thomas Giraudeau cho biết thêm :

« Đó là quyền hạn của bộ trưởng Tư Pháp. Từ tháng 7/2017, bộ trưởng cũng là viện trưởng viện công tố. Ông có quyền bổ nhiệm hay bãi chức các chánh án. Hội đồng Thẩm phán cấp cao, bình thường phải bảo đảm tính độc lập cho các thẩm phán, nhưng từ hơn một năm qua, hầu như toàn bộ các thành viên của hội đồng 23 trong tổng số 25 đều có liên hệ với chính phủ. Đó là những nghị sĩ hay như các vị quan tòa do các nghị sĩ bầu lên. Sau cùng là Tòa án Tối cao, định chế tư pháp cao nhất của Ba Lan, cơ quan tư pháp có tiếng nói quyết định sau cùng.

Hàng ngàn người dân Ba Lan đã xuống đường biểu tình để bảo vệ định chế này. Bởi vì chính phủ muốn cho về hưu 1/3 số thẩm phán trước khi hết nhiệm kỳ. Dưới áp lực của tư pháp châu Âu, chính quyền Vacxava buộc phải lùi bước. Các thẩm phán đã có thể quay lại làm việc.

Nhưng kể từ giờ còn có một ủy ban kỷ luật ở Tòa án Tối cao để trừng phạt, thậm chí loại trừ các thẩm phán. Ít nhất có 200 thủ tục kỷ luật đang được tiến hành. Những thủ tục này là nhằm chống lại những vị thẩm phán hay công tố viên nào chỉ trích các chính sách cải cách của chính phủ trên truyền thông hay trong các buổi hội thảo. »

Festival của các nhà đầu bếp lớn Paris

Cuối cùng, xin tạm gác sang một bên những phiền muộn chính trị. Trong bốn ngày từ mồng 9 đến 12/05/2019, đại điện Grand Palais, quận 8 Paris trở thành khu ẩm thực cao cấp. Hơn 40 đầu bếp nổi tiếng hoạt động tại Pháp trổ tài trong khuôn khổ chương trình Taste of Paris- Hương vị Paris. Đây vừa là tủ kính giới thiệu những đặc sản của Pháp với khách tham quan, vừa là dịp để các nhà hàng hạng sang đến gần với đại chúng.

Đặc phái viên Thanh Hà tường thuật từ Grand Palais :

« Hội chợ ẩm thực tại Grand Palais 2019 là cơ hội hiếm có để ai cũng có thể tiếp cận với 17 nhà hàng trứ danh của Pháp, tận mắt trông thấy hơn 40 "ông vua bếp" cùng trổ tài. Phần lớn trong số này phục vụ trong những khách sạn 5 sao như Ritz, Plaza Athénée, Four Seasons Hotel George V ... hay tại những nhà hàng với những ngôi sao vàng của Guide Michelin.

Điều thú vị nhất là mỗi món ăn thuộc dòng nghệ thuật ẩm thực cao cấp này đều phục vụ với giá rất phải chăng từ 6 đến 12 euro. Các ông vua bếp khi thì dùng những vật liệu rất quý như nấm Truffe đen, gan ngỗng béo, hoa hạnh nhân, rau củ quả trồng từ vườn thượng uyển của lâu đài Versailles... khi thì tạo ra những món ăn vừa đẹp mắt, vừa ngon miệng từ những vật liệu tầm thường nhất, như hoa ác ti sô, rau cải, cà chua hay bánh mì làm bằng bột ngũ cốc ...

Các nhà đầu bếp có mặt tại Grand Palais trong khuôn khổ chương trình Taste of Paris năm nay có khuynh hướng đưa thực khách du lịch vòng quanh thế giới. "Bánh bao" quen thuộc với người Việt Nam chúng ta được nhà nấu ăn Fauchon chế thành một món tráng miệng dưới tên gọi "BaoFiterole" : một lớp bột bánh bao mỏng, với mật có thoảng vị mè đen, nhân kem va-ni được phục vụ với sốt sô-cô la nóng.

Một nhà hàng ba sao Michelin khác là Le Pré Catelan ướp cá hồi với mù tạt wasabi của Nhật. Đầu bếp của khách sạn Ritz Paris thì phục vụ món thịt cừu non với khoai tây xào vỏ chanh cùng một thoáng hạt thìa là của Ai Cập. Đĩa cá hồi khai vị dưới tay đầu bếp phục vụ tại nhà hàng trên tháp Eiffel Thierry Max là một cuộc viễn du giữa Nhật Bản và vùng Bretagne của Pháp. Thierry Max chế ra món cá hồi ướp tương miso của Nhật và rong biển vùng Bretagne của Pháp. »

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.