Vào nội dung chính
PHÁP - VĂN HÓA

Vua François Đệ Nhất và thiên tài Leonardo de Vinci

Lúc sinh tiền, François Đệ Nhất (1494-1547) được xem là quốc vương đầu tiên của thời kỳ Phục Hưng ở Pháp. Nhờ biết trọng dụng nhân tài, nhà vua đã giúp cho nước Pháp phát triển mạnh mẽ về mặt văn hóa và kinh tế. Nhà vua cũng có một mối quan hệ gắn bó với thiên tài Leonardo Da Vinci.

Chân dung của vua François Đệ Nhất, một trong những kiệt tác thời Phục Hưng được trưng bày tại Louvre từ năm 1804
Chân dung của vua François Đệ Nhất, một trong những kiệt tác thời Phục Hưng được trưng bày tại Louvre từ năm 1804 Tuấn Thảo / RFI
Quảng cáo

Một trong những bức tranh được xếp vào hàng kiệt tác thời Phục Hưng chính là bức chân dung của vua François Đệ Nhất do danh họa Titien (Tiziano Vecellio 1488-1576) vẽ vào năm 1539, tức cách đây 480 năm. Bức tranh này thường được trưng bày tại bảo tàng Louvre trong gian triển lãm dành cho trường phái hội họa Ý. Hiện nay, viện bảo tàng thành phố Évreux đã mượn từ Louvre bức tranh này, song song với chương trình kỷ niệm 500 năm ngày danh họa Leonardo Da Vinci qua đời tại Pháp.

Khuôn viên bảo tàng Évreux : bức chân dung François Đệ Nhất được mượn từ bảo tàng Louvre
Khuôn viên bảo tàng Évreux : bức chân dung François Đệ Nhất được mượn từ bảo tàng Louvre Tuấn Thảo / RFI

Về mặt lịch sử, có lẽ sự kiện này không quan trọng cho lắm do sinh thời vua François Đệ Nhất chỉ đến thăm hai lần thành phố Évreux, nhưng về mặt nghệ thuật, các chuyến đi này lại quan trọng, vì dòng ‘‘tư tưởng’’ thời Phục Hưng cũng như các luồng ảnh hưởng văn hóa du nhập từ Ý, có thêm cơ hội để phát triển ở các tỉnh xa, lan rộng ra ngoài kinh thành Paris.

Cuộc triển lãm về vua François Đệ Nhất, thông qua các bản thảo chép tay, các công thư gửi đến các giám mục thời bấy giờ, cho thấy nhà vua đã lấy nhiều quyết định quan trọng trong việc thiết lập hệ thống các toà án địa phương, nhưng đồng thời củng cố quyền lực vương triều được xem như là chế độ quân chủ chuyên chế đầu tiên trong lịch sử Pháp. Về mặt văn hóa, ông từng thấm nhuần ảnh hưởng và giáo dục của hoàng hậu Louise de Savoie.

Các bản thảo chép tay của giám mục thời vua Francois Đệ Nhất
Các bản thảo chép tay của giám mục thời vua Francois Đệ Nhất Tuấn Thảo / RFI

Từ lúc còn nhỏ, ông đã thành thạo nhiều ngôn ngữ, trong đó quan trọng nhất vẫn là tiếng Ý, cho nên qua sách vở ông đã nghiên cứu say mê các trường phái nghệ thuật và từ đó sưu tầm các tác phẩm hội họa của Ý. Nhân một chuyến đi tháp tùng Đức Giáo hoàng (Lêo X), vua François Đệ Nhất từng gặp danh họa Leonardo Da Vinci tại Bologna, sau khi ông làm lễ đăng quang đầu năm 1515 tại Nhà thờ Đức Bà Reims. Do rất ngưỡng mộ các tài năng nghệ thuật của nước Ý, nhà vua tuy còn non tuổi đời (21 tuổi), nhưng không ngại ngỏ lời thuyết phục thiên tài người Ý sang Pháp.

Vào thời bấy giờ, Leonardo da Vinci đang sống cô lập trên đất Ý. Trên danh nghĩa ‘‘hợp đồng’’, ông làm việc cho dòng họ Médicis (tiếng Ý là Medici), nhưng trên thực tế ông bị thất sủng, tài năng không còn được trọng dụng. Sau một thời gian tránh tiếp xúc với Leonardo da Vinci, Giáo hoàng Lêo X (cũng xuất thân từ dòng dõi Médicis) đã chọn danh họa Raphael làm kiến trúc sư chính thức để thực hiện dự án Vương cung thánh đường Thánh Phêrô ở Roma. Trong một bức thư gửi đến các vị hồng y, Đức Giáo hoàng đã giải thích về quyết định này, theo đó Leonardo da Vinci vì quá quan tâm đến việc phát minh những ‘‘cỗ máy’’ hầu cho công việc chân tay của con người đỡ nặng nhọc, mà lại xao lãng ‘‘đại sự’’ là xây dựng mái vòm của Vương cung thánh đường Thánh Phêrô.

Bức chân dung của vua François Đệ Nhất do danh họa Titien vẽ vào năm 1539
Bức chân dung của vua François Đệ Nhất do danh họa Titien vẽ vào năm 1539 Tuấn Thảo / RFI

Trong bối cảnh ấy, lời mời sang Pháp của vua François Đệ Nhất đối với danh họa Leonardo da Vinci, chẳng khác gì một ‘‘ân huệ’’. Tuy nhiên, ông cũng thừa hiểu rằng ở tuổi 64, cuộc viễn du này cũng là chuyến đi cuối cùng của đời ông. Ông sẽ không còn cơ hội nhìn lại những ngọn đồi vùng thung lũng Tuscany, nơi ông từng được sinh ra. Ông cũng chẳng còn nghe thấy âm thanh quen thuộc của những người thợ nhuộm da giữa lòng phố Florence.

Leonardo da Vinci cũng không còn thời gian để hoàn thành bức bích họa khồng lồ ‘‘Trận chiến Anghiari’’ trong cung điện Palazzo Vecchio ở Florence (Firenze). Ông cũng không còn phải lo bị cạnh tranh bởi những tài năng như Michelangelo ở Florence, danh họa Raphael ở Roma ..... Sau ba năm gặp thất bại tại Roma, Leonardo da Vinci quyết định rời nước Ý vào mùa đông năm 1516, cùng với hai môn đệ trung thành nhất, họ vượt qua dãy núi Alpes dưới sự bảo vệ của một đội lính hộ tống theo lệnh của nhà vua Pháp. Trong hành trang, Leonardo da Vinci mang theo ba bức tranh sau này trở nên rất nổi tiếng, đặc biệt là bức chân dung "Mona Lisa" (La Joconde).

Chambord, lâu đài thời Phục Hưng lớn nhất thế giới còn tồn tại cho tới tận ngày nay
Chambord, lâu đài thời Phục Hưng lớn nhất thế giới còn tồn tại cho tới tận ngày nay © RFI/Ludovic Dunod

Đến định cư tại Pháp, Leonardo da Vinci làm việc với tư cách ‘‘họa sĩ’’ chính thức của vương triều, ông được nhà vua François Đệ Nhất cấp cho một trang viên rộng lớn tên là Clos-Lucé, nằm gần lâu đài Amboise. Ngoài ra, nhà vua còn ban nhiều bổng lộc cho ông cũng như cho các học trò và người hầu cận. Leonardo da Vinci đã sống và làm việc tại Clos-Lucé trong ba năm cuối đời. Trong thời gian này, vua François Đệ Nhất trở thành một ‘‘tri ân, tri kỷ’’.

Ngoài năng khiếu hội họa, kiến trúc, nhà vua còn đặc biệt ngưỡng mộ kiến thức uyên bác của Leonardo, xem ông như một người cha đỡ đầu, họ có thể trao đổi với nhau cả ngày mà không sợ nhàm chán. Lâu đài Chambord được xem là lâu đài thời kỳ Phục Hưng lớn nhất thế giới còn tồn tại cho tới tận ngày nay, đã được xây cất theo họa đồ của Leonardo Da Vinci (sau khi ông qua đời) với những phát minh tân tiến nhất thời bấy giờ.

Leonardo da Vinci mất tại Clos Lucé vào ngày 02/05/1519. Ông được chôn cất trong nhà nguyện của lâu đài Amboise. Theo ghi chép của nhà văn kiêm họa sĩ Giorgio Vasari (1511-1574) tác giả của bộ tự điển bách khoa sáu tập về các danh họa “Le Vite de' più eccellenti pittori” (được xem là một trong những tác phẩm quan trọng nhất về lịch sử nghệ thuật Tây phương), nhà vua đã ôm đầu Leonardo vào lòng mình trước khi thiên tài người Ý trút hơi thở cuối cùng.

La tombe de Léonard de Vinci au château d’Amboise.
La tombe de Léonard de Vinci au château d’Amboise. ©Leonard de Serres

Tuy sau này, nhiều sử sách đã chứng minh rằng, vào hôm ấy nhà vua François Đệ Nhất đang có mặt tại lâu đài Saint Germain en Laye, cho nên ông không thể nào có mặt bên thiên tài Leonardo trong giây phút lâm chung, nhưng giai thoại ‘‘hư cấu’’ ấy lại trở nên bất tử qua nhiều bức họa nổi tiếng, đặc biệt là bức tranh ‘‘Cái chết của Leonardo da Vinci’’ do danh họa François Guillaume Ménageot vẽ vào năm 1781.

Sau khi danh họa Leonardo qua đời, nhà vua vẫn tiếp tục chính sách trọng dụng nhân tài của ông qua các nghệ sĩ như Benvenuto Cellini (trường phái kiểu cách) hay là Le Primatice (sáng lập trường phái hội họa Phục Hưng của Pháp Fontainebleau). Nhờ biết ‘‘chiêu hiền đãi sĩ’’, tên tuổi của François Đệ Nhất lưu danh hậu thế như vị minh quân đầu tiên đưa nước Pháp vào kỷ nguyên sáng chói của thời Phục Hưng. Lúc sinh tiền, François Đệ Nhất đã từng có một câu nói bất hủ về danh họa Leonardo : nhà vua có thể phong tước cho bất cứ thường dân nào, nhưng không thể biến nghệ sĩ thành một thiên tài. Điều đó, chỉ có ông trời mới làm được.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.