Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Triển lãm "Đỏ" ở Paris: Dân Pháp khám phá nghệ thuật Cộng Sản Xô Viết

Đăng ngày:

Triển lãm « Đỏ, nghệ thuật và điều không tưởng tại đất nước Xô Viết » mở cửa đón chào công chúng tại Đại Điện Grand Palais, Paris từ ngày 20/03/2019 đến ngày 01/07/2019. Hơn 400 tác phẩm hội họa, điêu khắc, nhiếp ảnh, họa hình … đã tái hiện bối cảnh xã hội - chính trị đặc biệt từ Cách Mạng Tháng Mười Nga 1917 đến khi Staline qua đời, vào năm 1953. Các tác phẩm, đa phần lần đầu tiên được trưng bày tại Pháp, giới thiệu với công chúng cuộc song hành 35 năm giữa nghệ thuật và quyền lực Cộng Sản thời Xô Viết.

Triển lãm "Đỏ" diễn ra từ ngày 20/03 đến ngày 01/07/2019 tại Đại Điện Grand Palais, Paris.
Triển lãm "Đỏ" diễn ra từ ngày 20/03 đến ngày 01/07/2019 tại Đại Điện Grand Palais, Paris. Grand Palais
Quảng cáo

Triển lãm được Hiệp hội bảo tàng quốc gia - Grand Palais và Bảo tàng quốc gia về nghệ thuật hiện đại - thuộc Trung tâm văn hóa nghệ thuật Pompipou phối hợp tổ chức. Các tác phẩm trưng bày được nhiều bảo tàng Nga cho mượn, một số tác phẩm thuộc sở hữu của Trung tâm văn hóa nghệ thuật Pompipou. Nhưng tại sao các nhà tổ chức lại chọn hai mốc thời gian 1917 và 1953 ?

Giai đoạn lịch sử 1917-1953

Trong bài viết giới thiệu triển lãm trên trang web của Đại điện Grand-Palais, ông Nicolas Niucci-Goutnikov, quản đốc bảo tàng quốc gia Pháp về nghệ thuật hiện đại - người quản lý công tác tổ chức triển lãm « Đỏ », giải thích là Cách Mạng Tháng Mười Nga 1917 đã mang lại niềm hy vọng về một xã hội mới, nhưng thực tế dưới bộ máy quyền lực mới đã nhanh chóng cho thấy điều trái ngược. Còn năm 1953, cái chết của Staline khép lại 20 năm chế độ độc tài.

Triển lãm được trưng bày trong hai tầng, tương ứng với hai giai đoạn, giai đoạn thứ nhất là từ Cách Mạng Tháng Mười Nga 1917 đến hết thập niên 20. Giai đoạn thứ hai là từ năm 1930 đến khi Staline qua đời.

Đọc bảng giới thiệu trong các phòng trưng bày, người xem hiểu được rằng nghệ thuật, trong những năm đầu sau Cách mạng, mang tính đa dạng, bởi vì chính quyền Bolchevik cho phép nhiều trường phái nghệ thuật đồng hành và không áp đặt giáo điều những nguyên tắc thẩm mỹ chính thức, cho dù chính quyền cũng kêu gọi hợp nhất nghệ thuật với cuộc sống, sử dụng đường phố làm « bút vẽ » và các quảng trường làm « bảng màu », chủ trương nghệ thuật phải lan tỏa trong cuộc sống, tại các đô thị và vùng nông thôn, trên tường các công trình và cả trên tàu lửa …. Vẫn có nhiều họa sĩ vẽ tranh tĩnh vật, chân dung, phong cảnh. Giới nghệ sĩ không bị ép sáng tác để tuyên truyền, nhưng một số nghệ sĩ làm nghệ thuật để cổ động, tuyên truyền vì niềm tin hoặc cơ hội tiến thân.

Nhưng rồi, chính quyền Bolchevik thấy rằng nghệ thuật vẫn mang tính hình thức quá cao, xa rời thị hiếu của số đông, họ ủng hộ các hình thức nghệ thuật mang tính hiện thực cao hơn, có khả năng vươn tới đại chúng. Đến thập niên 30-40, Nhà nước can thiệp ngày càng mạnh mẽ vào các sáng tác nghệ thuật. Nói cách khác, nghệ thuật thành cỗ máy tuyên truyền cho chính quyền Cộng Sản. Nhất là dưới thời Staline, nghệ thuật có nhiệm vụ mô tả lý tưởng hóa cuộc sống trong mơ dưới chế độ Xã hội chủ nghĩa.

Bolchevik - Tranh sơn dầu của Boris Koustodiev.
Bolchevik - Tranh sơn dầu của Boris Koustodiev. RFI

Cảm nhận của khách tham quan

Những nét đặc thù chính trị, xã hội giai đoạn 1917-1953 đều được tái hiện dần trong các phòng trưng bày tại triển lãm « Đỏ », trong đó có rất nhiều tác phẩm hội họa xoay quanh các công trình kiến trúc mới hoành tráng, thể hiện sự đổi thay mới mẻ, hiện đại trong xã hội, giới công nhân, công nhân làm việc tại các nông trường, những người lính, các vận động viên cho thấy nét tươi mới, khỏe mạnh, rắn rỏi, căng tràn sức sống và tràn đầy lạc quan. Đương nhiên là những gương mặt lãnh đạo của chính quyền Xô Viết, nhất là Staline đặc biệt được đề cao.

Sắc màu chủ đạo trong nhiều tác phẩm đương nhiên là màu đỏ, phản ánh đúng tên gọi của triển lãm. Ánh sáng trắng dịu nhẹ hắt xuống từ trần nhà càng làm nổi bật sắc đỏ trên các tác phẩm trưng bày. Trong tiếng nhạc du dương, du khách chăm chú đọc bài giới thiệu chi tiết bối cảnh lịch sử, xã hội và phong cách nghệ thuật trong thời kỳ đó, chiêm ngưỡng các tác phẩm hội họa, điêu khắc, họa hình, xem lại những đoạn phim cổ động …

Điều gì thu hút công chúng tại Pháp tới tham quan triển lãm về nghệ thuật tuyên truyền của Liên Xô giai đoạn 1917-1953 và họ cảm nhận được những điều gì khi xem triển lãm?Ông Gérald, một người thích tìm hiểu về lịch sử giải thích :

« Điều dẫn tôi đến đây là sự hiếu kỳ về nghệ thuật và lịch sử. Tôi hiểu biết về Liên Xô cũng như những người quanh tôi thôi. Tôi có thể nói là tôi biết một chút và tôi cũng đọc nhiều tạp chí về lịch sử. Vì thế tôi cũng hiểu biết phần nào, nhưng không phải là tôi biết được tất cả mọi điều, vì tôi không phải là một sử gia.

Giai đoạn mở cửa về nghệ thuật này diễn ra sau Cách mạng tháng Mười Nga và có liên quan tới lịch sử ở chỗ có nhiều nghệ sĩ hoạt động hồi đầu cuộc Cách Mạng dần dần đã bị loại trừ. Sự chệch hướng về phía cái gọi là Chủ nghĩa hình thức khiến người ta phải cảm thấy sửng sốt, ngỡ ngàng. Không cụ thể, không rõ ràng nhưng Chủ nghĩa hình thức lại làm cho những sáng tạo của con người trở nên nghèo nàn.

Tôi chưa xem hết triển lãm, như tôi nói rồi đấy, nhưng chẳng hạn với nghệ sĩ Rodtchenko, đặc biệt là với khả sáng tạo tràn đầy năng lượng, như có một phép lạ đã thoát khỏi các đòn thanh trừng của Staline, trong khi rất nhiều nghệ sĩ khác mà tên tuổi được giới thiệu trong triển lãm đã nhanh chóng biến mất vào cuối những năm 1930. Thật là bất thường. »

Lắp đặt công xưởng. Tranh sơn dầu Piotr Wiliams vẽ năm 1932.
Lắp đặt công xưởng. Tranh sơn dầu Piotr Wiliams vẽ năm 1932. RFI

Cũng giống như ông Gérard, anh Alexandre Le Doyen, dù còn trẻ nhưng cũng rất ham tìm hiểu về lịch sử. Alexandre Le Doyen đến xem triển lãm cùng mẹ là Laurence Martin và cậu bạn Daniel de Paula. Alexandre Le Doyenhào hứng chia sẻ :

« Cá nhân mà nói, thì tôi và Daniel, chúng tôi quan tâm đến lịch sử, đặc biệt là lịch sử của thế kỷ XX, trong đó có Liên Xô - một phần rất quan trọng về lịch sử quan hệ quốc tế cũng như là chính trị. Chúng tôi quan tâm đến cách người ta truyền bá một hệ tư tưởng, một điều không tưởng, một chế độ Cộng Sản không tưởng và cách truyên truyền. Ở đây, có sự tương hợp giữa nghệ thuật của đại chúng với học thuyết cộng sản. Vì thế, chúng tôi đến để đây khám phá, chúng tôi khám phá những điều mà bản thân chúng tôi chưa được biết.

Khi xem triển lãm, thì không hẳn là chúng tôi hiểu hơn về Liên Xô mà là chúng tôi hiểu hơn về mối liên hệ của Xô Viết với nghệ thuật, đó là điều đặc biệt thú vị trong một chế độ độc tài. Chúng tôi thấy dẫu sao thì cũng có tính đa dạng trong nghệ thuật, có nhiều trường phái dưới thời Lenin. Sau đó thì chế độ độc tài hơn. Qua triển lãm, chúng tôi thấy được có nhiều biến động về chính trị. Nghệ thuật và chính trị trong một chế độ độc tài thì được gắn với nhau nhiều hơn là trong một chế độ dân chủ và sự gắn kết đó cũng quan trọng hơn là so với ở nền dân chủ ».

Anh Danel de Paula, bạn của Alexandre Le Doyen, cho biết thêm : « Vâng, đúng như vậy, tôi nghĩ rằng khi chúng tôi biết khá nhiều về lịch sử và lịch sử về Liên Xô, về chế độ Cộng Sản, thì thật thú vị là được mở mang kiến thức về giai đoạn này ở khía cạnh nghệ thuật. Thật thú vị khi được thấy sự tiến triển của nghệ thuật. Vì thế tôi rất hài lòng về cuộc triển lãm này. »

Mít-tinh ở làng quê. Họa sĩ David Chterenberg vẽ năm 1927.
Mít-tinh ở làng quê. Họa sĩ David Chterenberg vẽ năm 1927. RFI

RFI Việt ngữ cũng có may mắn được trao đổi với một khách thăm quan từng có thời gian dài sống tại Nga và có những hiểu hiểu về văn hóa, lịch sử về đất nước này. Đó là bà Marie Vacherand. Bà đặc biệt quan tâm đến nghệ thuật dưới thời Staline :

« Tôi đã sống nhiều năm ở Nga. Vì thế tôi biết khá nhiều về nghệ thuật của Nga, có thể nói như vậy, và nhất là về nghệ thuật Nga hồi đầu thế kỷ XX, rồi sau đó là giai đoạn đầu Cách Mạng. Đúng là tôi biết ít hơn về giai đoạn thứ hai, tức là giai đoạn từ khi Staline lên nắm quyền. Ban đầu, tôi đã nghĩ rằng ở giai đoạn này, nghệ thuật không có được nhiều tính sáng tạo cho lắm. Vì thế, khi tôi đến đây, điều thu hút tôi nhiều nhất chính là nghệ thuật trong thời kỳ của Staline. Có rất nhiều thông tin hay và những bức tranh thú vị tại triển lãm.

Quả thực, có một điều khá thú vị là chúng ta thấy là giai đoạn này mang tính cách mạng khá cao về khía cạnh nghệ thuật. Nó đã có những ảnh hưởng rất lớn đến những điều được thực hiện sau này ở nhiều nơi khác. Chẳng hạn về tranh vẽ, hay nghệ thuật thiết kế. Ngay từ phần đầu triển lãm đã có những hiện vật khá thú vị, chẳng hạn về đồ đạc bầy trong nhà, trang phục, quần áo. Điều thú vị ở đây là cách mà cuộc cách mạng nghệ thuật này tạo ra những ảnh hưởng tại những châu lục khác, trong đó có châu Âu và cả các lục địa khác nữa. »

Nói về những cảm nhận khi xem triển lãm Đỏ, « phong phú » là từ nhiều người xem nhắc tới khi trả lời phỏng vấn của RFI Việt ngữ, ngay cả đối với những người vẫn chưa đi đến phòng trưng bày cuối của triển lãm. Ông Gérard chia sẻ :

« Tôi thấy là triển lãm này rất phong phú, có rất nhiều tác phẩm, rất nhiều nghệ sĩ được giới thiệu. Người ta nêu bật những trải nghiệm, những điều đã diễn ra. Rất phong phú ! Chúng ta có thể nói rằng ban tổ chức đã khai thác sâu những điều mà mọi người ở nơi khác biết đến nhưng ở đây thì chúng tôi chưa từng biết. Tôi thì chưa xem hết triển lãm. Tôi mới chỉ xem đang xem được 1/3, nhưng tôi thấy triển lãm đặc biệt thú vị. Đây là một triển lãm rất phong phú, mọi thứ được giới thiệu rất rõ ràng. Mọi lời giới thiệu được minh họa qua tranh vẽ, kiến trúc, kịch … »

Bà Marie Vacherand cũng khẳng định là sự phong phú của các tác phẩm tại triển lãm giúp bà hiểu thêm về nghệ thuật ở giai đoạn này : « Có chứ, rõ ràng là như vậy, nhưng mà tôi cũng biết về nước Nga từ trước. Tôi nói được tiếng Nga, tôi đã từng sống tại Nga. Tôi có nhiều mối liên hệ với nước Nga. Tôi đã học về nước Nga. Có những nghệ sĩ mà tôi đã biết, nhưng cũng có những cái tên mà tôi chưa từng biết. Rất phong phú. Đây là một cuộc triển lãm rất phong phú ».

Mỗi người đến triển lãm với một mối quan tâm riêng và ra về với những cảm nhận riêng về nghệ thuật dưới chính quyền Xô Viết. Xin khép lại tạp chí bằng lời chia sẻ của một khách tham quan tên là Laurence Martin : « Tôi thì lại quan tâm đặc biệt đến nghệ thuật và kiến trúc. Tất cả những băng vidéo chúng tôi xem cũng rất thú vị, mặc dù có nhiều đoạn băng hình chỉ là đen trắng nhưng cũng có một số băng vidéo màu. Tôi thấy như thế rất hay. Vì thế, quý vị hãy đến xem triển lãm thật đông vào nhé ! »

Trước linh cữu của lãnh tụ (Lenin). Isaac Brodsky vẽ năm 1925.
Trước linh cữu của lãnh tụ (Lenin). Isaac Brodsky vẽ năm 1925. RFI

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.