Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Giảm giờ làm việc: Một cuộc chiến dài hơi của công nhân Pháp

Đăng ngày:

Ngày 23/04/1919, Nghị Viện Pháp thông qua dự luật lao động giảm số giờ làm việc trong ngày từ 10-12 tiếng xuống còn tám giờ mỗi ngày. Một trăm năm sau, chủ đề « thời gian làm việc » trong tuần vẫn luôn là tâm điểm thời sự trong các cuộc tranh luận chính trị và các phong trào đấu tranh của công nhân.

Công nhân ngành luyện kim đình công tháng 5/1936.
Công nhân ngành luyện kim đình công tháng 5/1936. Wikipedia by BnF
Quảng cáo

Vào đầu thế kỷ XIX, một người công nhân phải làm việc từ 10-15 giờ mỗi ngày, chưa tính quãng thời gian di chuyển mất từ 2-3 giờ, phần lớn là đi bộ. Tiền lương dao động mạnh tùy theo từng vùng, ngành nghề, giới tính và tuổi tác. Nhưng không có một văn bản pháp lý nào đưa ra các quy định lao động.

Phải đợi đến tận ngày 18/11/1814, mới có đạo luật quy định Chủ Nhật và những ngày lễ công giáo là ngày nghỉ. Ngày 22/03/1841, nước Pháp dưới thời vua Louis-Philippe quy định cấm doanh nghiệp có 20 lao động tuyển dụng trẻ em dưới 8 tuổi.

Thế rồi cuộc cách mạng 1848 xảy ra. Những người biểu tình đòi bầu cử theo phổ thông đầu phiếu đồng thời yêu cầu giảm giờ làm việc trong ngày : 10 giờ tại Paris và 11 giờ ở các tỉnh. Đến cuối thế kỷ XIX, số giờ làm việc đối với phụ nữ được giảm xuống còn có 11 giờ mỗi ngày. Cũng vào thời điểm này, công nhân bắt đầu đấu tranh đòi giảm giờ làm việc trong ngày xuống còn 8 tiếng.

Rồi Chiến Tranh Thế Giới lần thứ nhất nổ ra. Cả một thế hệ trẻ Pháp bỏ mình nơi xa trường. Hòa bình trở lại, người lính lại khoác áo công nhân và tiếp tục lao vào cuộc chiến « ngày làm việc 8 tiếng ». Các cuộc đình công bùng phát tại nhiều nơi ở châu Âu và tiếng vang của cuộc cách mạng Nga 1917 đã thúc đẩy nhanh tiến trình bỏ phiếu thông qua dự luật nhằm tránh một cuộc khủng hoảng xã hội, thậm chí một cuộc cách mạng.

Ngày 23/04/1919, chính phủ thủ tướng Georges Clemenceau, tin vào những lợi ích kinh tế từ việc « chia sẻ công việc » đã cho thông qua dự luật, giảm giờ làm việc mà không bị giảm tiền lương theo một nguyên tắc được gọi là « 888 » : Tám giờ làm việc, tám giờ nghỉ ngơi – giải trí và tám giờ ngủ. Đạo luật được áp dụng cho mọi người làm công ăn lương. Luật cũng quy định tổng số giờ làm việc trong tuần là 48 tiếng. Dự luật này được thông qua đã khẳng định vai trò hàng đầu của nghiệp đoàn CGT trong công cuộc đấu tranh bảo vệ quyền lợi của người lao động.

Mùa xuân năm 1936 sôi sục

Các cuộc đấu tranh tưởng chừng đã ngưng bỗng lại bùng lên ngay trước khi xảy ra Đệ Nhị Thế Chiến. Cuộc khủng hoảng chứng khoán năm 1929 mang lại cơ hội cho liên minh cánh tả Pháp lên cầm quyền. « Chúng tôi muốn mang lại cho nước Pháp cần cù sự tự tin vào chính bản thân mình ». Câu nói này đã đưa lãnh đạo đảng Xã Hội Pháp, Leon Blum ứng cử viên liên minh cánh tả Mặt trận Dân tộc trở thành thủ tướng nước Pháp vào tháng 4/1936.

Niềm vui chưa trọn, chính phủ còn chưa kịp thành lập, các cuộc đình công nổ ra trên khắp cả nước. Trong vòng hai tháng 5-6/1936, hai triệu công nhân đã ồ ạt xuống đường. Lần đầu tiên trong lịch sử, công nhân chiếm lĩnh các nhà xưởng đòi tăng lương trong bối cảnh kinh tế khủng hoảng. « Cuộc đình công đang lan rộng ra nhiều ngành nghề khác, làm cho Paris có một sắc thái không ai ngờ tới. » Một phóng viên truyền hình đã bình luận như trên khi đưa tin về các cuộc đình công của công nhân.

Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, đại diện công đoàn đối thoại trực tiếp với giới chủ dưới sự chủ trì của chính phủ. Một lần nữa để hạ nhiệt căng thẳng xã hội, chính phủ Blum buộc phải thông qua một loạt các cải cách xã hội ngoại lệ có thể được tóm gọn trong một trích đoạn một bộ phim được phục chế về thời kỳ này :  

« Lương của công nhân được tăng, từ 80 xu lên 3 franc mỗi giờ. Các ngày đình công vẫn được trả lương toàn bộ. Và chúng ta đã đạt được một thỏa thuận tập thể, quy chế đại diện của công nhân, mỗi tuần làm việc 40 giờ, mỗi năm có 15 ngày nghỉ được trả lương, áp dụng cho tất cả mọi người. »

Một cách cụ thể : Người lao động được hai tuần nghỉ phép có lương và Tuần làm việc 40 giờ nhưng lương vẫn giữ nguyên, tức làm 40 tiếng nhưng trả lương 48 giờ. Thế nhưng, đến năm 1938, chính phủ Mặt Trận Dân Tộc tan rã. Chính phủ mới được thành lập đã xóa bỏ nhiều thành quả đạt được, quay trở lại với tuần làm việc 48 giờ trong vòng ba năm, để rồi sau đó tuần 60 tiếng được áp dụng rộng rãi. Hàng ngàn công nhân thành viên nghiệp đoàn bị sa thải, đặt dấu chấm hết cho một giai đoạn « tươi đẹp » ngắn ngủi.

Ngay sau khi Chiến Tranh Thế Giới lần 2 kết thúc, chính phủ tướng De Gaulle xóa bỏ các văn bản thời Vichy, trở lại với thời gian làm việc 40 giờ/tuần. Nhưng đồng thời giới chủ được phép vượt quá thời gian quy định « để tăng năng suất » với điều kiện không vượt quá 48 tiếng/tuần và tăng thêm 50% lương.

Dù rằng người lao động được tăng thêm số ngày nghỉ phép, ba tuần trong năm theo điều luật ban hành năm 1956, nhưng không vì thế mà các cuộc đấu tranh công nhân đòi giảm giờ bị suy giảm. Cuộc nổi dậy của phong trào sinh viên và nhất là các cuộc biểu tình của công nhân năm 1968 đòi giảm giờ làm việc trong tuần dẫn đến việc ký kết thỏa thuận Grenelle giữa các nghiệp đoàn và chính phủ ngày 07/06/1968. Tuy không làm giảm số giờ làm việc trong tuần nhưng cho phép tăng mức lương cơ bản và được bốn tuần nghỉ phép có trả lương.

Nhưng điều đó không làm chùn bước đòi hỏi giảm số giờ làm việc. « Tôi làm việc 45 giờ/tuần. Nếu bớt được ba giờ thì đỡ quá, tôi có thêm nhiều giờ để giải trí nhưng nếu họ giảm hẳn đi một ngày thì tốt hơn nữa. » Công nhân thứ hai : « Chế độ làm việc mỗi tuần 40 giờ sẽ cho phép tôi có thời gian để làm thêm nhiều hơn, ngoài ra, tôi sẽ sớm được nghỉ hưu, điều này cho phép tôi tiến hành sửa sang lại cái nhà bé nhỏ của tôi » Hai công nhân làm việc trả lời kênh truyền hình France 3 thời ấy.

Năm 1972, nghiệp đoàn, chính phủ và giới chủ đạt được đồng thuận bớt số giờ lao động trong ngành luyện kim từ 45 xuống còn 42 rồi 40 giờ.

« Giảm giờ làm việc » : Lá bài chính trị ưa thích của cánh tả

Chính sách xã hội « giảm giờ làm việc nhưng không giảm lương » của Leon Blum sau này được nhiều chính khách cánh tả tiếp nối. Trong một cuộc vận động tranh cử tổng thống năm 1981, François Mitterand, ứng viên đảng Xã Hội, đã rút chiêu bài cũ 1936. Trong số 110 đề nghị của ông, có đề xuất giảm giờ làm việc xuống còn có 35 giờ.

« Tôi muốn người lao động làm việc 35 giờ mỗi tuần, để chia sẻ công việc mà không bị giảm lương, qua đó, các doanh nghiệp phải thúc đẩy sản xuất và nâng cao năng suất, có thêm thu nhập và như vậy sẽ  tuyển dụng thêm nhân công để doanh nghiệp tiếp tục hoạt động ».

Ngày 10 tháng Năm năm 1981, François Mitterand đắc cử tổng thống. Các cuộc thương lượng về việc giảm số giờ làm việc trong tuần đã được khởi động vào trung tuần tháng 7 cùng năm.  Trước khi bước vào cuộc thương thuyết, ông Henri Krasucki đại diện công đoàn CGT cho biết :

« Câu hỏi của Tổng liên đoàn những người lao động Pháp (CGT), như sau : Chúng ta hiện có khoảng gần 2 triệu người thất nghiệp. Do vậy, cần phải có biện pháp đầu tiên là giảm đáng kể thời gian lao động để có thể tạo ra thêm việc làm. Và cũng phải có những bảo đảm, các biện pháp đi kèm để có thể thật sự tạo ra các việc làm mới. Do vậy, chúng tôi nhấn mạnh là trong giai đoạn đầu tiên, cần áp dụng chế độ làm việc 38 giờ mỗi tuần, đối với những ngành nghề nặng nhọc là 35 giờ mỗi tuần. Như vậy, nhóm thứ năm sẽ tạo ra việc làm và từ nay đến mùa đông, áp dụng chế độ nghỉ tuần thứ năm ».

Vào thời điểm này, người ta bắt đầu nghi ngờ về hiệu quả sản xuất và kinh tế của chính sách giảm giờ làm việc. Do các cuộc thương lượng với các nghiệp đoàn vẫn bị dậm chân tại chỗ, tổng thống Mitterand ban hành sắc lệnh áp đặt luật mới quy định số giờ làm việc trong tuần là 39 giờ nhưng trả lương là 40 giờ. Đồng thời tăng số tuần nghỉ phép có trả lương từ 4 lên thành 5 tuần.

Nếu như lời hứa tuần làm việc 35 giờ của vị tổng thống đảng Xã hội đầu tiên bị tạm gác qua một bên, thì cam kết này lại được ông Lionel Jospin, thuộc đảng Xã Hội trong cuộc vận động tranh cử quốc hội năm 1997 một lần nữa đem ra sử dụng. « Giảm giờ làm việc mà lương không bị giảm vừa là một sự tiến bộ kinh tế, có thể tạo ra nhiều việc làm, vừa là một tiến bộ xã hội ». Ông Lionel Jospin phát biểu trước Quốc Hội ngày 19/06/1997 trong cương vị thủ tướng chính phủ.

Lời cam kết này đã được bộ trưởng Lao động thời ấy là bà Martine Aubry thực hiện qua đạo luật Aubry 1 thông qua năm 1998. Theo đó, tổng số giờ làm việc trong tuần của người lao động là 35 giờ nhưng vẫn hưởng lương như làm việc 39 giờ. Ngược lại, giới doanh nghiệp cũng được giảm bớt phần đóng góp xã hội.

Thành quả xã hội : Cho rồi khó đòi lại

« Tuần làm việc 35 giờ » : Một tiến bộ xã hội hay là chiếc bẫy kềm hãm kinh tế ? Đây là câu hỏi gây nhiều tranh cãi nhất hiện nay. Theo nhận định của giới chuyên gia, luật « 35 giờ » không tạo ra việc làm cũng không làm giảm thất nghiệp một cách bền vững. Nhiều chuyên gia kinh tế chỉ trích quy định « 35 giờ » đã làm suy yếu tính cạnh tranh của nước Pháp.

Trong bối cảnh thất nghiệp không suy giảm, tổng thống Pháp Emmanuel Macron hiện nay muốn làm điều ngược lại : bớt một ngày nghỉ lễ và bỏ quy định « 35 giờ » nhằm cải thiện tính cạnh tranh cho các doanh nghiệp Pháp. Vấn đề đặt ra là người dân Pháp hai mươi năm qua đã quen với quy định có một không hai trên thế giới này, liệu rằng họ có chấp nhận từ bỏ « thành quả đạt được » đó hay không ?

Theo một thăm dò mới nhất của Ifof thực hiện cho tờ Journal du Dimanche, 54% số người dân Pháp được hỏi cho biết không đồng tình với ý định nguyên tắc « Làm việc nhiều hơn » của tổng thống Pháp sau cuộc tranh luận Toàn quốc.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.