Vào nội dung chính
Tạp chí đặc biệt

Xây lại nhà thờ Đức Bà Paris : Một bài toán khó?

Đăng ngày:

Nhà thờ Đức Bà Paris ngày 15/04/2019 bị « bốc hỏa ». Toàn bộ mái nhà và tháp nhọn mang tên nhà kiến trúc Viollet-le-Duc bị thiêu rụi và sập đổ. Trong những giây phút tràn đầy xúc động, tổng thống Pháp tuyên bố cho xây lại tòa thánh đường nổi tiếng nhất thế giới này trong vòng năm năm. Một bài toán khó ?

Một cảnh Nhà thờ Đức Bà Paris sau hỏa hoạn. Ảnh 16/04/2019.
Một cảnh Nhà thờ Đức Bà Paris sau hỏa hoạn. Ảnh 16/04/2019. LUDOVIC MARIN / AFP
Quảng cáo

Phải mất đến 200 năm để hoàn thành và trải qua nhiều biến động và thăng trầm lịch sử đất nước, nhưng hơn 850 năm ngôi thánh đường nổi tiếng nhất hành tinh này đã trụ vững với thời gian. Vậy mà ngày ngày 15/04/2019, chỉ vì một sự cố có phải do « bất cẩn » hay không hiện các chuyên gia vẫn đang điều tra đã thiêu rụi toàn bộ phần mái của tòa nhà.

Bà Odile Pinard, sử gia và hướng dẫn viên tình nguyện tại nhà thờ Đức Bà, trên kênh truyền hình France 24, đau xót cho rằng một phần lớn lịch sử nước Pháp đã bị bốc theo khói bụi:

« Toàn bộ cột kèo và xà nhà có từ thế kỷ XIII được làm bằng các loại gỗ có tuổi đời còn xưa hơn bởi vì vào thời kỳ đó người ta đã biết cách xử lý và dùng các loại gỗ được sấy rất kỹ. Người ta có thể hình dung cả một rừng cây ngàn năm tuổi đã bị biến mất. Người ta gọi là « rừng xà » vì người xưa phải dùng đến rất nhiều cây để thiết kế, do vậy người ta có cảm giác như đang đi vào rừng khi lên xem tầng áp mái ».

Tháp nhọn Viollet-le-Duc : Tân thời hay Cổ điển ?

Giọt lệ chưa kịp ráo, tranh cãi đã nổ ra. Khi hình ảnh chiếc tháp nhọn Viollet Le Duc bốc cháy rồi đổ sụp khiến những ai chứng kiến cảnh tượng không khỏi đau lòng. Những hình ảnh đó thúc đẩy ý tưởng phải dựng lại tháp nhọn.

Bởi vì, theo ông Jean-Marie Henriquet, 76 tuổi và cháu 3 đời của kiến trúc sư chiếc tháp nhọn Viollet-le-Duc, đây chính là một trong những điểm độc đáo mang lại dáng vẻ hiện đại của nhà thờ Đức Bà Paris vào thời ấy. « Ngọn tháp này, cao 93m được dựng lên nhằm làm giảm nhẹ cảm giác nặng nề sừng sững từ hai tháp chính khi nhìn trực diện nhà thờ Đức Bà. Còn nếu nhìn từ bên hông và phía sau nhà thờ, người ta có cảm giác như có một cái gì đó vươn cao hơn và tháp nhọn này góp phần làm cho tòa nhà nhẹ nhàng và thanh thoát hơn ».

Tháp nhọn được dựng lên vào năm 1860 để thay thế chiếc tháp đầu tiên có từ năm 1250 đã bị hư hỏng nặng. Bao bọc quanh tháp là các bức tượng 12 vị tông đồ. Điểm nổi bật đáng chú ý là trong số các bức tượng xung quanh tháp, bức tượng ông Saint-Thomas lại có những đường nét của Viollet-le-Duc, đang ngước mắt nhìn chóp ngọn tháp. Một hình thức để lại dấu ấn riêng độc đáo của nhà kiến trúc. Một niềm tự hào cho hậu thế của Viollet-le-Duc.

Giờ đây, ngọn tháp kiêu hãnh đã bị biến mất dưới ngọn lửa « hung dữ ». Việc tái thiết là lẽ tất nhiên. Nhưng với hình dạng như thế nào, theo nguyên mẫu hay là phóng tác như chính bản thân ông Viollet-le-Duc đã từng làm với chiếc tháp đầu tiên ? Đây chính là một trong những điểm tranh luận lớn giữa một bên là theo trường phái cổ điển và bên kia là hiện đại.

Do vậy, vẫn theo ông Jean-Marie Henriquet, « (…) nếu không dựng lại chiếc tháp nhọn này, bất kể là kiểu hiện đại hay là của thế kỷ XVIII, việc không dựng lại chiếc tháp này chẳng khác gì làm mất đi một yếu tố của nhà thờ. Do vậy, cần phải làm chiếc tháp này và nó phải là một tuyệt tác nghệ thuật ».

« Rừng » kèo nhà : Gỗ, Thép hay Bê-tông ?

Một cuộc tranh luận khác cũng không kém phần gay gắt : Bộ khung xà nhà bị cháy, nếu làm lại sẽ phải được làm bằng vật liệu gì : Gỗ, Bê-tông hay là Thép ? Để có được khu « rừng » xà nhà có một không hai, cách đây hơn 8 thế kỷ, người xưa đã phải dùng đến 1300 cây sồi có tuổi đời từ hơn trăm năm tuổi, tương đương với « ít nhất 3000m3 gỗ ». Để có thể tái hiện lại « khu rừng năm xưa » này, các nhà thiết kế cũng phải dùng đến ngần ấy cây sồi trăm tuổi, được trồng trễ nhất là vào thế kỷ XIX và về mặt kỹ thuật, không dễ gì thực hiện do quy mô và trọng lượng của cả khu rừng.

Ở đây có một câu hỏi mà ông Félix Bulcourt, giám đốc trường đào tạo thiết kế mẫu ENS ở Paris, rất đam mê kiến trúc nhà thờ Đức Bà, nêu lên với France 24 :

« Việc sử dụng các nguyên vật liệu và kỹ thuật cũ xưa có thể đòi hỏi nhiều thời gian hơn là dựa vào các phương pháp hiện đại. Vấn đề chính ở đây nên biết đến để bảo vệ toàn bộ khu di tích, liệu người ta có thể chấp nhận gìn giữ một nhà thờ nằm ngay giữa lòng Paris mà không thể đón khách trong nhiều năm liền hay không ? »

Nhưng cũng không có gì bảo đảm là cấu trúc mái nhà thờ sẽ phải được « sao y bản chính ». Bị phá hủy năm 1914, bộ khung xà nhà thờ Đức Bà Reims được tái thiết lại bằng bê-tông gia cố sau 20 năm thi công. Nhà thờ Đức Bà Chartes bị hỏa hoạn năm 1836, cột kèo nhà bị thiêu rụi và được xây lại hai năm sau đó bằng thép và mái nhà lợp đồng. Gần đây nhất là tại Anh Quốc, khung xà tòa nhà Nghị Viện xây từ thế kỷ XVII cũng được làm lại bằng thép sau một trận hỏa hoạn năm 1994. Tất cả đều bị thay đổi so với cấu trúc ban đầu nhưng không vì thế mà làm mất đi dáng vẻ lộng lẫy, uy nghiêm và nét thời gian của những tòa nhà cổ kính đó.

Thời gian tu sửa : Năm, mười hay hai mươi năm ?

Thách thức cuối cùng cho công trình « thế kỷ » này chính là vấn đề thời gian. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngay hôm sau ngày xảy ra thảm họa tuyên bố muốn xây lại nhà thờ Đức Bà chỉ trong vòng 5 năm. Mục đích cũng là để kịp đón Thế Vận Hội Mùa Hè năm 2024. Liệu thời hạn nêu lên đó có khả thi hay không ?

Về điểm này, bà Catherine Tricot, kiến trúc sư và quản lý nhà xuất bản Les Editions Regards, trước khi có tuyên bố của tổng thống Pháp, trên đài RFI có lưu ý rằng còn quá sớm để có thể xác định thời gian để thực hiện do vẫn còn chưa biết rõ tầm mức thiệt hại.

« Chúng ta còn chưa biết chắc là tòa nhà có còn trụ được hay không, bởi vì khu nhà thờ này vừa trải qua một đợt thử thách quá lớn, nghĩa là chịu sức nóng, các cú sốc rồi sau đó là một lượng nước quá lớn. Các tảng đá xây gần như chạm đến ngưỡng sức chịu đựng, vì thế tòa nhà cũng tương đối yếu hơn. Chúng ta hoàn toàn chưa thể biết được sự tàn phá đã đến mức độ nào. Do vậy, còn quá sớm để mà nói đến ».

Một quan điểm cũng được nhiều nhà thiết kế đồng chia sẻ. Chỉ riêng khâu kiểm tra độ an toàn cũng đã mất hết nhiều tháng và ít nhất là 17 tháng để hoàn tất việc chẩn đoán với điều kiện « có đủ nhân lực » để tiến hành. Do vậy, theo ước tính của nhiều chủ doanh nghiệp chuyên về hồi phục các công trình lịch sử thì thời gian ít nhất để tu sửa và tái thiết nhà thờ Đức Bà Paris là từ 10-15 năm.

Nhưng cũng có ý kiến cho rằng thời hạn này cũng có thể thực hiện với điều kiện « phải có một sự chọn lựa đúng đắn về mặt công nghệ » như giải thích của kiến trúc sư Jean-Michel Wilmotte trên đài France Inter. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc công tác trùng tu sẽ phải sử dụng các loại nguyên vật liệu tổng hợp. Và đây cũng chính là phần tranh cãi chính giữa các chuyên gia như nêu ở trên.

Nhà thờ Đức Bà Paris và Vatican: Một mối quan hệ lịch sử

Giờ tạm gác lại một bên các cuộc tranh cãi để nhìn lại một góc lịch sử khác của nhà thờ Đức Bà Paris. Tòa thánh này không chỉ là một công trình mang đậm dấu ấn lịch sử kiến trúc, lịch sử nước Pháp mà còn là nơi có một mối quan hệ đặc biệt với các đời giáo hoàng từ ngàn xưa. Thông tín viên Eric Senanque từ Roma tường thuật :

« Chính vị giáo hoàng Alexandre III là người đã đặt viên đá đầu tiên cho nhà thờ Đức Bà năm 1163, theo lời mời của giám mục thành Paris, Maurice de Sully. Trong những thế kỷ gần đây, nhiều vị giáo hoàng cũng đã đến thăm nhà thờ này. Chính tại thánh đường này ngài Piô VII (đọc là đệ thất) vào ngày 02/12/1804 đã làm chủ lễ đăng quang tôn giáo cho Napoleon.

Gần đây nhất, giáo hoàng Phao Lô II đã chủ trì một lễ cầu nguyện nhân chuyến thăm Paris năm 1980. Ngài phát biểu « Nơi đây, chúng ta thấy được thiên tài của nước Pháp. Một công trình nguy nga, một báu vật của nghệ thuật gôtic, kính dâng đức Mẹ của Chúa Trời ». Giáo hoàng Phao Lô II đã quay lại thăm nhà thờ Đức Bà lần thứ hai vào năm 1997. Tại đây, ngài đã tuyên phúc cho Frederic Ozanam, một trong những gương mặt công giáo xã hội của Pháp.

Chuyến thăm cuối cùng của một giáo hoàng là ngày 12/09/2008 : Giáo hoàng Benedicto XVI đã có một buổi lễ đọc kinh chiều tối với sự tham gia của 3000 vị linh mục, trợ tế, nam và nữ tu. Vị giáo hoàng người Đức này nhắc nhở : « Chúng ta ở đây tại nhà thờ chính giáo phận Paris, nhà thờ Đức Bà Paris, được dựng lên ngay giữa lòng thành phố như là một tín hiệu sinh động cho sự hiện diện của đấng Chúa Trời giữa dòng người ». Giáo hoàng Benedicto đã kính viếng thánh tích vòng gai của đức chúa Giêsu. »

Vẫn theo thông tín viên Eric Senanque, giữa Tòa thánh Vatican và nhà thờ Đức Bà Paris luôn có một mối quan hệ gần gũi rất đặc biệt. Ví dụ, khu khuôn viên phía ngoài nhà thờ mang tên Gioan XXIII, vốn dĩ chưa bao giờ đến thăm thánh đường với tư cách là giáo hoàng, nhưng thường xuyên đến đây khi ông còn là sứ thần tòa thánh ở Paris. Cũng tại khuôn viên này người ta còn đặt tượng giáo hoàng Phao Lô II.

Thánh đường này còn giúp cho các tín đồ Paris theo dõi cuộc bầu chọn giáo hoàng mới. Năm 2013 chẳng hạn, hàng trăm tín đồ đã có mặt ngay khi làn khói trắng bay lên trên nóc nhà nguyện Sistina tại Roma và tham gia buổi cầu nguyện được tổ chức để chào mừng ông Jorge Maria Bergoglio đắc cử giáo hoàng hiện nay.

Một cách mầu nhiệm hơn, ngay dưới chân nhà thờ Đức Bà Paris, bức tượng sáp giáo hoàng Phanxicô đã được khánh thành vào tháng 04/2015 trước khi được đưa về bảo tàng Grévin.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.