Vào nội dung chính
PHÁP - KINH TẾ

Pháp : Phe đối lập chống tư nhân hóa các sân bay Paris

Trong một hành động hiếm hoi trên chính trường nước Pháp, các nghị sĩ thuộc các đảng đối lập từ cánh hữu đến cực tả hôm qua, 09/04/2019, đã liên kết với nhau khởi động thủ tục trưng cầu dân ý để ngăn chận việc tư nhân hóa công ty quản lý các sân bay Paris (Aéroports de Paris-ADP).

Một thành viên của Tổng Liên Đoàn Lao Động Pháp mặc áo in hình với dòng chữ "Không tư hữu hóa ADP" trong một cuộc biểu tình trước trụ sở Quốc Hội Pháp, Paris, ngày 13/03/2019
Một thành viên của Tổng Liên Đoàn Lao Động Pháp mặc áo in hình với dòng chữ "Không tư hữu hóa ADP" trong một cuộc biểu tình trước trụ sở Quốc Hội Pháp, Paris, ngày 13/03/2019 Philippe LOPEZ / AFP
Quảng cáo

Được đưa ra thảo luận từ hơn 6 tháng nay ở Quốc Hội, dự luật mang tên Kế hoạch hành động vì tăng trưởng và chuyển đổi doanh nghiệp (Pacte) dự trù là Nhà nước không còn bắt buộc phải nắm đa số vốn của ADP (hiện nay đang nắm 50,63%). Kể từ khi luật được xem xét biểu quyết lần đầu tiên vào tháng 10/2018, việc tư nhân hóa ADP đã trở thành vấn đề chính gây bất đồng.

Trước khả năng các sân bay Paris bị tư nhân hóa, nhiều nghị sĩ ở Hạ Viện và Thượng Viện, thuộc các đảng cánh hữu Những người Cộng Hòa, Đảng Xã Hội, đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất, đảng Cộng Sản…. đã thu thập được hơn số chữ ký cần thiết để khởi động thủ tục "trưng cầu dân ý theo sáng kiến chia sẻ" ( référendum d’initiative partagée - RIP ). Thủ tục này đã được đưa vào Hiến pháp của Pháp từ năm 2008, nhưng chưa bao giờ được áp dụng. Cụm từ "sáng kiến chia sẻ" có nghĩa là trưng cầu dân ý theo đề nghị của các nghị sĩ lẫn người dân. Theo quy định của Hiến pháp, chỉ cần 185 chữ ký của các nghị sĩ là đủ để khởi động thủ tục này và cho đến nay, các nghị sĩ đã thu thập được đến 218 chữ ký của các dân biểu thuộc 10 khối nghị sĩ ở cả Hạ Viện và Thượng Viện.

Dự luật mà các nghị sĩ đệ trình chỉ có một điều khoản duy nhất ghi rằng "việc quy hoạch, khai thác và phát triển các sân bay Paris (Roissy - Charles de Gaulle, Orly và Le Bourget ) là mang tính chất dịch vụ công của quốc gia.

Dự luật còn phải chờ được Hội Đồng Bảo Hiến chuẩn y và thu thập đủ chữ ký của 10% tổng số cử tri (khoảng 4,5 triệu công dân) thì mới có thể tổ chức trưng cầu dân ý về việc tư nhân hóa các sân bay Paris.

Nhưng đối với chính phủ Pháp, hành động của các nghị sĩ nói trên chỉ là một "đòn chính trị". Còn bộ trưởng Kinh Tế Bruno Le Maire bảo vệ dự án của ông về tư nhân hóa các sân bay Paris, dưới hình thức nhượng quyền khai thác với thời hạn 70 năm.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.