Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Chợ Rungis : từ "Bụng của Paris" đến chợ đầu mối lớn nhất thế giới

Đăng ngày:

Cách nay tròn 50 năm, vào những ngày cuối tháng Hai đầu tháng Ba 1969, khu chợ thực phẩm Les Halles, vốn nổi tiếng với tên gọi« le ventre de Paris » (bụng của Paris), được chuyển vềRungis, vùng ngoại ô Val de Marne, cách cửa ngõ Paris khoảng 7 km về hướng nam.

Trải rộng trên 234 ha, chợ Rungis có diện tích rộng hơn công quốc Monaco.
Trải rộng trên 234 ha, chợ Rungis có diện tích rộng hơn công quốc Monaco. © RFI/Clémence Denavit
Quảng cáo

Hiện giờ, chợ Rungis, với tên gọi đầy đủ là Chợ Quốc Tế Rungis, là chợ đầu mối thực phẩm tươi sống lớn nhất thế giới, cung cấp thực phẩm không chỉ cho người dân Paris và vùng phụ cận, mà còn cho nhiều vùng của nước Pháp và một số nước khác.

Ký ức về chuyến di dời chợ lớn nhất thế kỷ XX

Được vua Louis VI mở hồi thế kỷ XII ở trung tâm Paris trên diện tích 7 ha để cung cấp thực phẩm cho người dân thành phố, đến giữa thế kỷ XX, chợ Les Halles trở nên quá chật chội, nhếch nhác, thường làm tắc nghẽn giao thông … Vào thập niên 1960, chính quyền của tổng thống De Gaulle quyết định di dời chợ Les Halles ra ngoại ô Paris.

Dự án xây chợ Rungis khi đó có giá tới hơn 1,1 triệu franc (gần 170 triệu euro).Kiến trúc sư Jean Bourcin-Gonin, từng tham gia quy hoạch chợ Rungis, hồi tưởng :

« Chúng tôi bắt đầu từ khu chợ hải sản, vì nó nằm trong tòa nhà rất dài, dài khoảng 270 mét và nằm dọc xa lộ nên khi đó người ta trông thấy rõ. Và vì mọi người hồi đó không tin rằng chợ Rungis sẽ được hình thành, khi người ta nhìn thấy những chiếc cần trục, máy cẩu, khi người ta thấy có sự đầu tư, có một tấm pa-nô lớn về chợ quốc tế của vùng Paris ở chỗ này, họ bắt đầu suy nghĩ và tự nói với nhau là đang có điều gì đó diễn ra, họ dè chừng nhưng vẫn phải dõi theo ».

Mỗi người một suy nghĩ, nhiều người phản đối chuyện phải di dời khỏi trung tâm thành phố. Một số khác lại ủng hộ, với hy vọng ở chợ mới sẽ có điều kiện làm việc tốt hơn. Ngày 27/02/1969, các nhà buôn ở chợ Les Halles bắt đầu thu dọn chuyển đi.

Đài France 2 (ngày 27/02/2019) phát lại một số hình ảnh lưu trữ của Viện Nghe nhìn Quốc gia Pháp INA về sự kiện được báo chí Pháp khi đó gọi là « đợt chuyển chợ lớn nhất thế kỷ XX ».

Một người chuyển hàng chia sẻ : « Cá nhân tôi, tôi nghĩ là có thể tôi hiện đại hơn những người khác một chút. Tôi chờ đợi việc chuyển chợ. Điều kiện làm việc tại chợ này thực sự là không thể chịu đựng được nữa, xét về mọi mặt ». Một người chuyển hàng khác nói với phóng viên : « Đây là chuyện nghiêm túc. Lịch sử đang sang một trang mới ».

Trong vòng vài ngày, 30.000 nhân viên của 1.000 doanh nghiệp, với 1.500 xe chở 5.000 tấn hàng nhằm hướng ngoại ô Val de Marne thẳng tiến. Ngày 02/03/1969, chợ Les Halles chính thức đóng cửa. Đó cũng là ngày phiên đầu tiên ở chợ Rungis bắt đầu !

Trong một phóng sự trên đài France 3 (ngày 27/02/2019), cụ Maurice Desailly, 82 tuổi, vốn nhà một nhà buôn phô mai ở chợ Rungis, vẫn giữ nguyên ký ức về những ngày đầu khi mới chuyển từ chợ Les Halles về chợ Rungis. Cụ Desailly nhớ lại :

« Khi đó chúng tôi chỉ có một nửa số phòng lạnh so với bây giờ. Chúng tôi là những người duy nhất có điện thoại trong tòa nhà này. Khi đó chỉ có rất, rất ít nhà hàng mở cửa, trong suốt hai tháng đầu, chúng tôi chỉ ăn bánh sandwich và uống bia ». Kể từ đó, khu chợ Rungis không ngừng phát triển.

Chợ Rungis, « thành phố không bao giờ ngủ đêm »

Trải rộng trên 234 ha, chợ có diện tích rộng hơn công quốc Monaco. Quy mô lớn của chợ, với hơn 1.200 doanh nghiệp, 12.500 lao động và nhiều nhà hàng, quán bar và lượng thực phẩm tươi sống khổng lồ bán ra với đủ chủng loại, đã đưa Rungis trở thành « khu chợ ngoại hạng ». Báo Le Parisien ngày 17/02/2019 cho biết mỗi năm có hơn 3 triệu tấn thực phẩm tươi sống được bán ra, trước khi tới tay gần 20 triệu người tiêu dùng, chủ yếu ở vùng Paris. Doanh thu năm 2018 của chợ đạt 9,4 tỉ euro.

Là chợ đầu mối thực phẩm, chợ Rungis hoạt động từ đêm đến gần trưa. Thời điểm mọi người đã chìm sâu vào giấc ngủ lại là lúc chợ Rungis bắt đầu hoạt động nhộn nhịp, với 26.000 xe chở hàng ra vào chợ mỗi đêm. Không phải vô cớ mà chợ Rungis được ví như một « thành phố không bao giờ ngủ đêm ». Chợ không phục vụ khách hàng mua lẻ, cũng không mở cửa tự do cho khách tham quan. Muốn đi thăm chợ, khách phải đăng ký tham quan vào ban đêm, với giá 80 euro/người.

Khách hàng của chợ là chủ các nhà hàng, những người buôn bán thực phẩm, từ thịt, hải sản, phô mai, tới rượu, gia vị, đặc biệt là rau và trái cây và cả hoa tươi, cây cảnh… Khoảng 70% số hàng bán ở chợ Rungis là rau củ và trái cây.

Rau quả là sản phẩm được nhiều người kinh doanh nhất. Khu vực bán rau quả gồm hàng chục tòa nhà. Cứ hai ngày lại có hai đoàn tàu chở rau quả từ miền nam nước Pháp tới chợ hoặc từ Tây Ban Nha chở sang. Chợ Rungis cũng là nguồn cung cấp rau quả cho các nhà buôn nhiều nước, đặc biệt là Anh Quốc. Vào mùa Giáng Sinh, 1/3 số cây thông bán ra trên toàn nước Pháp được trung chuyển qua chợ Rungis.

Rau và trái cây là mặt hàng được bán nhiều nhất ở chợ Rungis.
Rau và trái cây là mặt hàng được bán nhiều nhất ở chợ Rungis. RFI/Clémence Denavit

Mô hình được « xuất khẩu » ra nhiều nước

Không chỉ là nơi buôn bán, chợ Rungis còn là nơi những người làm việc trong lĩnh vực thực phẩm, kinh doanh nhà hàng, ăn uống tới học tập. Công ty quản lý chợ Rungis, Semmaris, tổ chức nhiều chương trình học cho đầu bếp chuyên nghiệp, hay các khóa đào tạo cho những người muốn theo nghề bán buôn, bán sỉ thực phẩm. Chợ Rungis cũng là nơi người ta đến để học cách xử lý, đóng gói, bảo quản hàng hóa, thậm chí tìm hiểu về « nghệ thuật mặc cả, trả giá »

Sau 50 năm phát triển, Rungis cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là vì thói quen, nhu cầu ăn uống của người dân đã có nhiều thay đổi. So với thời trước, khi lượng hàng bán được có thể dễ dàng đạt tới 70 tấn/ngày, hiện giờ trung bình mỗi ngày, các nhà buôn« chỉ »bán được khoảng 10 tấn hàng. Do khách hàng ngày càng chú ý đến chất lượng thực phẩm, nhất là thực phẩm sạch, nên kể từ năm 2015, chợ Rungis có một khu chuyên bán thực phẩm sạch.

Phương thức mua sắm cũng thay đổi nhiều, nhất là với thương mại điện tử. Chợ Rungis hiện đang phải chuẩn bị dự án để cạnh tranh trong bối cảnh B to B, sàn thương mại điện tử về thực phẩm tươi sống, đã được triển khai hồi cuối năm 2018 với số tiền đầu tư lên tới 4 triệu euro. Đã hết thời các nhà buôn ở chợ Rungis lúc nào cũng ghi chép bằng giấy, bút, giờ đây, họ đều phải biết sử dụng máy tính bảng.

Trả lời phỏng vấn trên kênh France 2 ngày 27/02/2019, ông Didier Loli, nhà buôn rau quả, giải thích : « Nhờ máy tính bảng này mà chúng tôi bán được hàng trực tiếp theo cách mà hồi trước chúng tôi không thể làm được. Cũng nhờ máy tính bảng, chúng tôi biết được trong kho còn những hàng gì và số lượng bao nhiêu. Nhờ thế, khi khách hàng đến, chúng tôi sẵn sàng trả hàng cho khách, biết chính xác lượng hàng chúng tôi còn để bán cho họ. Sử dụng máy tính bảng cho phép tiết kiệm thời gian, tiết kiệm tiền và nhất là nó cho phép hạn chế số tiền hàng mà khách nợ, thời hạn họ trả nợ và nhờ đó chúng tôi chắc chắn được là khách không nợ chúng tôi quá nhiều tiền thì mới phục vụ họ ».

Tuy công ty Semmaris, doanh nghiệp quản lý chợ Rungis, đang đối mặt với nhiều thách thức, nhưng có một điều không thể phủ nhận là mô hình tổ chức, hoạt động của chợ đang là hình mẫu của nhiều nhà quản lý nước ngoài. Theo RFI, nhiều nước, trong đó có Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Nga, Hungary, Ai Cập, Bénin, Kazakhstan… đã và đang hợp tác với Semmaris để nhập khẩu mô hình quản lý chợ Rungis, từ công tác kiểm dịch, bảo quản thực phẩm, tới giải quyết hàng tồn đọng, quản lý kho bãi, xử lý rác thải…

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.