Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Kim Tự Tháp bằng kính tại Louvre : Kết quả của tình yêu và chính trị

Đăng ngày:

Ngày 29/03/1989, bảo tàng Louvre chính thức khai trương Kim Tự Tháp bằng kính, biểu tượng của sự phối hợp hài hòa giữa hai nền kiến trúc cổ điển và hiện đại. Nhưng ít ai biết được rằng, đằng sau dáng vẻ kiêu hãnh của Kim Tự Tháp, đó còn là một món quà của tình yêu mãnh liệt cũng như là dấu ấn chính trị của một đời tổng thống.

Kim Tự Tháp bằng kính tại sân bảo tàng Louvre, Paris, Pháp.
Kim Tự Tháp bằng kính tại sân bảo tàng Louvre, Paris, Pháp. RFI/Tiếng Việt
Quảng cáo

Tại Pháp, mỗi một đời tổng thống thường muốn lưu lại một hay nhiều dấu ấn văn hóa – chính trị cho hậu thế. Georges Pompidou thì có Trung Tâm Văn hóa mang tên ông – Centre Pompidou. Jacques Chirac thì có bảo tàng Musée Quai d’Orsay... Nhưng có lẽ cố tổng thống François Mitterand là người để lại nhiều dấu ấn nhất, trong số này đáng chú ý là Kim Tự Tháp bằng kính tại bảo tàng Louvre.

Một quyết định táo bạo

Người ta nói rằng nếu không có mối tình giữa cố tổng thống François Mitterand với cô quản đốc bảo tàng Anne Pingeot năm xưa, chưa chắc bảo tàng Louvre của Pháp sẽ có được tòa Kim Tự Tháp lung linh như ngày nay. Đối với những ai biết rõ về Kim Tự Tháp ở Louvre thì đều hiểu rằng đó từng là một bài toán khó, một phương trình chính trị và văn hóa cực kỳ phức tạp.

Ngược dòng thời gian, ngày 31/07/1981, vừa mới đắc cử, tổng thống François Mitterand đã nhận được một tờ trình của tân bộ trưởng Văn Hóa lúc bấy giờ là ông Jack Lang đề nghị biến Louvre thành một bảo tàng lớn nhất thế giới. Vào thời ấy, Louvre vẫn chưa được « độc quyền » chiếm hữu toàn bộ khu cung điện như ngày nay. Một phần của cung điện là trụ sở của bộ Tài Chính. Sân điện là một bãi đỗ xe đáng sợ !

Do vậy, cần phải giải phóng cho Louvre, tất cả mọi thứ khác phải chuyển đi nơi khác. Trên kênh truyền hình France 2, cựu bộ trưởng Văn Hóa nhớ lại : « Tôi tự nhủ cần phải có một giải pháp nào đó để mang lại cho Louvre một ánh hào quang. Thế là, một bộ trưởng bộ Văn hóa nhỏ bé đã dám đề xuất là bộ Tài Chính rất lớn và quan trọng phải dời đi nơi khác… »

« Ý kiến hay nhưng cũng sẽ là khó như bao ý kiến hay khác ! », tổng thống Pháp phê trên một góc bản đề xuất. Biết rằng dự án này sẽ gặp phải sự phản đối mạnh mẽ, và để cho mọi việc được xúc tiến nhanh hơn, đích thân tổng thống Mitterand quyết định chọn một trong nhà thiết kế nổi tiếng nhất thế giới lúc bấy giờ là kiến trúc sư người Mỹ gốc Hoa, ông Ieoh Ming Pei và áp đặt mọi việc cho tất cả mọi người.

Bản mẫu thiết kế đã được hai cha con kiến trúc sư bí mật trình riêng lên tổng thống Mitterand vào năm 1983 tại điện Elysée. Ông Ching Chung Pei, con trai vị kiến trúc sư, có tham gia vào dự án, thuật lại sự việc:

« Chúng tôi nhận được chỉ thị không cho bất kỳ ai biết mô hình mẫu, không một ai hết ! Mọi việc phải được giữ bí mật ! Thế là, khi gặp tổng thống Pháp, cha tôi đã rút từ trong túi áo một chiếc Kim Tự Tháp và đặt như thế này. Ông không muốn người khác biết về đề xuất kiến trúc của mình và tổng thống Pháp đã đồng ý ngay lập tức. »

Cơn bão chính trị

Nhưng không vì thế mà mọi việc « thuận buồm xuôi gió » với hai cha con nhà thiết kế. Họ không ngờ rằng sẽ phải đối mặt với những phản ứng mạnh mẽ từ các thành viên trong Ủy ban Bảo tồn các công trình kiến trúc. Đây là một thời điểm tệ hại nhất trong sự nghiệp của Ioeh Ming Pei. Đó không còn là một cuộc tham vấn mà là một sự sỉ nhục. Ông kể tiếp với France 2:

« Cha tôi không hiểu gì cả dù là có cô phiên dịch. Người này đến cuối buổi trình bày đã phải òa lên khóc. Cô ấy cũng cảm thấy bị ức trước những phản ứng dữ dội từ phía những người Pháp. Tôi nghĩ là cô ấy đã không dịch hết cho cha tôi nghe. Cô ta không muốn dịch vì những lời lẽ chỉ trích rất phũ phàng. Thật là khó hiểu ! Ở Mỹ, kiến trúc không liên quan gì đến chính trị cả. Tại Pháp, mọi thứ đều là chính trị cả ! »

« Ông đang phá hủy di sản của Pháp ! », « Ở đây không phải là Dallas đâu nhé ! » là những tiếng la ó của các thành viên trong ủy ban nhắm vào ông Pei. Tranh cãi dữ dội cũng diễn ra trong làng báo chí Pháp thời ấy : France Soir, Le Figaro, Le Monde, … kéo dài trong nhiều năm với những lời lẽ chỉ trích không kém phần cay nghiệt : « Nhà xác ! », « mụn cóc », « Louvre bị biến dạng ! »,…

Nước Pháp bị chia rẽ, giữa bên ủng hộ và bên chống. Bà Françoise de Panafieu, cựu trợ lý phụ trách văn hóa tòa thị chính Paris giai đoạn 1983-1995, từng phản đối dự án Kim Tự Pháp giải thích, « nếu ai chạm đến Louvre tức là họ đang chạm đến quyền lực. Thật là thiếu tôn kính khi nói về một tổng thống Cộng hòa như thế nhưng ông ấy thật là cả gan ! Không gọi thầu, không tham vấn, mà cũng không thông báo ! Ông ấy có quyền gì chứ ! ».

Kim Tự Tháp bằng kính tại sân bảo tàng Louvre vào lúc chiều tối, Paris, Pháp.
Kim Tự Tháp bằng kính tại sân bảo tàng Louvre vào lúc chiều tối, Paris, Pháp. RFI/Tiếng Việt

Tình yêu : Chất xúc tác cho dự án

Thế nhưng, theo France 2, sở dĩ tổng thống Mitterand kiên quyết không lùi bước chính là vì ông rất thiết tha với dự án này. Và nhất là vì người tình thầm kín của ông, Anne Pingeot, quản đốc bảo tàng, chuyên gia về điêu khắc. Bà chia sẻ niềm đam mê nghệ thuật cùng với ông cũng như là những khoảnh khắc khác trong cuộc sống.

Ông José Frèches, cố vấn của cựu thị trưởng Jacques Chirac (1986-1988) cho rằng trong dự án này, bà Anne Pingeot giữ một vai trò quan trọng :

« Ông Mitterand đắc cử tổng thống năm 1981. Anne Pingeot, người mà tôi có một mối quan hệ mật thiết bởi vì cả hai chúng tôi đều cùng tham gia kỳ thi tuyển chọn vào bảo tàng, đã bị toàn bộ các thành viên trong ủy ban bảo tồn hối thúc nên thuyết phục tổng thống sao cho dự án được hoàn thành. Bà là sợi dây nối trực tiếp với tổng thống, một cách hiển nhiên, đây là một kênh liên lạc rất kín đáo nhưng đồng thời cũng rất hiệu quả để chuyển thông điệp tới tổng thống Pháp.

Tôi nghĩ là tất cả mọi người đều cho rằng việc đề xuất dự án với Mitterrand là bình thường và mọi người cũng đã nói đến vấn đề này trước khi diễn ra bầu cử tổng thống. Tôi tin rằng ông Mitterand đã chấp nhận ngay lập tức.

Giả như không có mối quan hệ này giữa ông Mitterand và bà Pingeot, tôi không chắc là sẽ có một viện bảo tàng Louvre lớn như ngày nay. Bình thường ra, quyết định đầu tiên của một vị tổng thống vừa được bầu lên chắc không phải liên quan đến một viện bảo tàng. Quả thật là phải rất bạo dạn thì mới dám đề xuất như vậy với tổng thống. Từ góc nhìn này, rõ ràng Anne Pingeot đóng một vai trò chủ chốt ».

Trong cuộc chiến này, còn có một người khác có một vai trò quyết định: Thị trưởng Paris thời ấy, ông Jacques Chirac. Cựu bộ trưởng Jack Lang hồi tưởng lại: « Jacques Chirac nói : Tôi muốn các ngài cho xem thử một mô phỏng về cái gọi là Kim Tự Tháp sắp được trình làng ! »

Và mong muốn này của ông Jacques Chirac đã được cha con nhà thiết kế đáp ứng. « Chúng tôi thực hiện một mô phỏng bằng sợi thừng buộc túm trên cao và kéo dài xuống bốn góc, cho thấy rõ bộ khung xương của Kim Tự Tháp và kích cỡ thực sự của Kim Tự Tháp ra sao ! »

« Nó thật là nhỏ ! », ông Jacques Chirac đã thốt lên như thế sau khi xem xong mô phỏng của hai cha con kiến trúc sư Pei nhằm hạ nhiệt cuộc tranh luận.

Tiến độ công trình được thúc đẩy nhanh hơn nữa. Cuộc bầu cử quốc hội 1986 sắp đến gần, đảng cánh tả của tổng thống Mitterand được cho là thua cuộc. Dù vậy, việc hai đảng tả - hữu cùng chia nhau quyền lực điều hành đất nước cũng không ngăn cản được tổng thống Mitterand cắt băng khánh thành Kim Tự Tháp. Một dấu ấn cho nhiệm kỳ hai của ông. Một món quà cho tình yêu của mình. Và một bài toán khó đã có lời giải, đối với các nhà thiết kế.

Ngày vui của tổng thống Pháp Mitterand cũng là ngày hạnh phúc đối với ông Ching Chung Pei, con trai kiến trúc sư Ieoh Ming Pei. « Tôi may mắn gặp được vợ tương lai của tôi trong quá trình thực hiện dự án. Kim Tự Tháp bằng kính được khai trương vào ngày 31/03/1989. Và đám cưới của chúng tôi được tổ chức một ngày sau đó. »

Giờ đây, sau ba mươi năm tồn tại, Kim Tự Tháp bằng kính vẫn sừng sững giữa sân điện Louvre, vẫn uy nghi lộng lẫy như lúc ban đầu. Tác phẩm của nhà kiến trúc Ieoh Ming Pei được nhất trí ca tụng là một thành công lớn. Năm 2018, bảo tàng Louvre vui mừng cho biết đã vượt ngưỡng 10 triệu lượt khách đến tham quan.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.