Vào nội dung chính
PHÁP- ÁO VÀNG

Khủng hoảng Áo Vàng tại Pháp : "Bế tắc"

Hình ảnh một sạp báo bốc cháy trên đại lộ Champs-Elysées, khói đen ngút trời chiếm gần một nửa trang nhất báo Le Figaro. Libération đăng ảnh một nhóm người bịt mặt với y phục đen đập phá rào cản an ninh bao quanh Khải Hoàn Môn. Bạo lực trong cuộc xuống đường của phe Áo Vàng (Gilets Jaunes) tại Pháp hôm thứ Bảy 16/03/2019 là chủ đề chính được báo chí Paris đem ra mổ xẻ.

Một sạp báo trên đại lộ Champs-Elysées bị đốt cháy trong cuộc xuống đường của phe Áo Vàng ngày 16/03/2019.
Một sạp báo trên đại lộ Champs-Elysées bị đốt cháy trong cuộc xuống đường của phe Áo Vàng ngày 16/03/2019. Reuters
Quảng cáo

Tờ báo cánh tả Libération chơi chữ : "Gilets Jaunes trở lại điểm khởi đầu của bạo lực". "Lực lượng an ninh mệt mỏi" sau 18 tuần lễ liên tiếp phải chống chọi với những màn đập phá, cướp bóc cửa hàng, và bạo lực nhắm vào cảnh sát, vào những biểu tượng của nền Cộng Hòa, những biểu tượng của nước Pháp. Cuộc đối đầu "rơi vào bế tắc", "chính phủ không kiểm soát nổi tình hình". Các cuộc tham khảo ý kiến ở quy mô toàn quốc, những nhượng bộ về thuế xăng dầu, những hứa hẹn tăng mãi lực cho người dân của tổng thống Macron vẫn không hóa giải được "Cơn phẫn nộ" của một phần công luận Pháp như xã luận của tờ báo cho thấy.

Báo La Croix cũng nói đến sự bất lực của chính quyền hay đúng hơn là một thách thức chờ đợi hành pháp trước một "phong trào với những đòi hỏi rất tản mạn và một hình thức đấu tranh đứt quãng" chỉ bùng lên vào mỗi thứ Bảy hàng tuần. Nhưng hiện tượng đó đã kéo dài từ hơn bốn tháng qua.

Một sự bất lực ?

Trước cảnh tượng các vụ đập phá tàn bạo "chưa từng thấy" tờ báo kinh tế Les Echos cho rằng áp lực "ngày càng lớn" đang chờ đợi tổng thống Macron. Không thể để những hình ảnh con lộ đẹp nhất Paris bị đốt phá từ tuần này sang tuần khác tràn ngập trên các phương tiện truyền thông. Chính phủ đã giải quyết khủng hoảng bằng con đường đối thoại qua các cuộc thảo luận trên toàn quốc nhưng đồng thời, theo Les Echos, cũng đến lúc tổng thống Emmanuel Macron và thủ tướng Edouard Philippe cần "đưa ra những biện pháp mạnh" để ngăn chận bạo lực, để vô hiệu hóa các băng đảng trà trộn vào hàng ngũ người biểu tình Áo Vàng đập phá, cướp bóc.

Le Figaro bồi thêm : "Hành pháp lúng túng tìm cách đối phó" với một tình huống mới. Hồi thứ 18 của phong trào phản kháng Áo Vàng rơi đúng vào thời điểm khép lại chiến dịch tranh luận trên toàn quốc. Phe Áo Vàng báo trước "dốc toàn lực" vào cuộc xuống đường Thứ Bảy 16/03/2019, đe dọa "Một ngày Thứ Bảy Đen", tiếc rằng chính phủ để lộ nhiều sơ hở.

Về mặt hình thức, tổng thống đi trượt tuyết ở một nơi rất xa Paris trong hai ngày nghỉ cuối tuần. Bộ Nội Vụ thì "không lường trước được" những gì sẽ xảy ra và "bất lực ngăn cản những kẻ quậy phá" hành động.

Thứ Bảy vừa rồi theo Le Figaro là một ngày nhân viên an ninh bị dồn vào chân tường, gặp khó khăn về đủ mọi phương diện. Tờ báo kết luận điều này làm lộ rõ " những thiếu sót về mặt chiến thuật" của bên hành pháp. Đã đến lúc chính phủ cần xét lại chính sách an ninh nội địa.

Áo Vàng đồng lõa với các băng đảng hung hăng

Nhưng chỉ trích chính quyền không có nghĩa là Le Figaro khoan nhượng hơn với phe Áo Vàng. Xã luận của tờ báo nhấn mạnh : "Nước Pháp không lâm vào cảnh đói kém, không là một chế độ độc tài. Không thể tha thứ cho những hành động bạo lực. Những người Áo Vàng mà nghĩ rằng cần phải đập phá thì chính phủ mới lắng nghe đã thực sự đi lầm đường". Bởi "bạo lực đang làm mất đi tính chính đáng của những đòi hỏi rất chính đáng của một thành phần trong xã hội". Đó là những đòi hỏi được tăng mãi lực, được sống trong những điều kiện tử tế hơn.

Sai lầm thứ hai của những người Gilets Jaunes là vô hình chung họ "đã tạo cơ hội cho những kẻ đập phá thuộc cánh cực tả luôn sẵn sàng tấn công vào những biểu tượng của giới tư bản" ra tay.

Trở lại với Les Echos, xã luận của tờ báo mang tựa đề "Kẻ thù của nhân dân" bất bình trước cảnh tượng vài trăm người quậy phá, đập tan nát các cửa hàng sang trọng ở Champs Elysées, đốt phá nhà hàng nổi tiếng Fouquet's. Tác giả bài xã luận viết "khi một nhóm người đằng đằng sát khí tự cho mình là tầng lớp tiêu biểu của nhân dân, đó là điểm khởi đầu của bạo ngược. Cái đám đập phá đó không đại diện cho một ai cả, mà họ là đối thủ của dân, là kẻ thù của dân chủ".

Giáo hoàng Phanxicô và Tập Cận Bình

Vài ngày trước chuyến công du Ý của chủ tịch Trung Quốc, báo công giáo La Croix chú ý đến quan hệ giữa Tòa Thánh Vatican và Bắc Kinh. Ngày 21/03/2019 ông Tập Cận Bình chính thức viếng thăm nước Ý. Đây là cơ hội để Trung Quốc và Vatican xích lại gần nhau hơn nữa sau khi đã ký hiệp định tạm thời về việc bổ nhiệm giám mục hồi tháng 09/2018.

Theo đức hồng y Pietro Parolin người được coi là nhân vật số 2 của Tòa Thánh, Vatican đang đẩy mạnh quyết tâm hợp tác với "nhân dân và chính quyền Trung Quốc". Theo ghi nhận của phóng viên báo La Croix từ Roma, cho dù ông Tập Cận Bình và giáo hoàng Phanxicô sẽ không dự trù gặp nhau lần này nhưng "chưa bao giờ" hai nhân vật ấy lại "gần nhau" đến như vậy. Cuối tháng 2/2019 báo Ý Corriere della Sera tiết lộ Bắc Kinh kín đáo ngỏ ý muốn tổ chức một buổi làm việc giữa ông Tập Cận Bình với Đức Thánh Cha và dường như Vatican không bác bỏ kịch bản này nhưng rồi chính Trung Quốc đã thoái lui vì "thời gian không cho phép". Tuy nhiên vẫn theo La Croix, dường như Trung Quốc đã muốn tránh để cuộc hội kiến giữa lãnh đạo Bắc Kinh và của Tòa Thánh Vatican làm lu mờ thỏa thuận về Con Đường Tơ Lụa thế kỷ 21 sẽ chính thức được ký kết với Roma nhân chuyến công du Ý của ông Tập lần này. Hơn nữa Bắc Kinh cũng muốn tránh mọi cử chỉ có thể làm phía Mỹ bực mình trong bối cảnh Bắc Kinh đang hy vọng giải quyết xung khắc thương mại với Washington. Dù vậy tờ báo công giáo của Pháp không loại trừ khả năng sẽ có những "thay đổi vào giờ chót" và nhất là tại Roma một số nguồn tin thông thạo bắt đầu nói đến "một chặng dừng tại Trung Quốc của đức giáo hoàng vào mùa thu năm nay, nhân chuyến tông du Nhật Bản".

New Zealand chấn động vì vụ thảm sát Christchurch

Ba ngày sau loạt xả súng tại Christchurch báo chí Paris dành nhiều bài viết về New Zealand. La Croix trên trang nhất đăng ảnh hai phụ nữ ôm nhau khóc, một người da trắng và một người đội khăn quàng theo truyền thống Hồi Giáo. Ở bên trên là hàng tựa "New Zealand, cả một xã hội bị chấn động" bởi đây là một quốc gia yên bình, với 5 triệu dân, nhiều tôn giáo và cộng đồng sắc tộc khác nhau nhưng họ luôn chung sống một cách hòa bình và luôn thuận thảo với nhau.

New Zealand nổi tiếng là một mảnh đất lành với người nhập cư. Phóng sự trên tờ Libération cho thấy, cả một đất nước, bất luận tuổi tác hay màu da đều dốc lòng hỗ trợ thân nhân những người đã bị cướp đi mạng sống hôm 15/03/2019. Nhiều người nói với đặc phái viên của tờ báo rằng họ có mặt tại Christchurch và thậm chí còn mang cả con em mình đến gần đền thờ Hồi Giáo nơi hung thủ đã ra tay, để "cảm nhận được tình người bao la, cho phép vượt lên trên mọi thử thách, để cảm nhận được thế nào là một cuộc chung sống hài hòa" giữa các cộng đồng với những nét văn hóa khác nhau. Le Figaro nói đến một đất nước New Zealand sau bàng hoàng bắt đầu "băng bó vết thương". Còn Le Monde phác họa lại "hành trình" đưa hung thủ, một công dân Úc đến tận Christchurch.

Năm năm Ukraina mất Crimée

Đúng 5 năm sau ngày Matxcơva thôn tính bán đảo Crimée của Ukraina, tổng thống Nga Vladimir Putin chiều nay khánh thành một nhà máy điện tại Crimée. Tại thủ đô nước Nga, nhiều sinh hoạt văn hóa dự trù diễn ra mừng sự kiện này. Có điều, Le Figaro ghi nhận 5 năm sau khi đem được Crimée về với "đất mẹ", Vladimir Putin đã "đánh mất hào quang trong lòng người dân Crimée".

Từ mùa xuân 2014 tới nay "là những chuỗi dài thất vọng" đối với dân cư Crimée. Ngành khai thác than đá sau nhiều năm thoi thóp đã bị khai tử năm 2015. Một thợ mỏ đã bị mất việc nói với thông tín viên Pháp, khi được trở về với nước Nga, ông "không ngờ nên nông nỗi này". Căng-tin nhà máy nơi ông làm việc, xưa kia là nơi tổ chức liên hoan cho công nhân, nay đã hoang tàn, đổ nát. Năm 2018 khi tổng thống Putin khánh thành cây cầu dài 18 cây số, nối liền bán đảo Crimée với nước Nga rộng lớn, tốn kém 3 tỉ euro, nhiều người dân ở đây đã chán ngán cho rằng, "nhẽ ra Kremlin nên dành số tiền đó để giúp họ thì hơn".

Không chỉ có dân ở Crimée, ngay cả ở những vùng lân cận, công luận Nga cũng hoàn toàn thất vọng. Năm năm trước đây, có đến 88 % những người được hỏi tán thành tổng thống Putin giành lại được bán đảo Crimée, tỉ lệ đó giờ đây chỉ còn 64 %. Tệ hơn nữa "không mấy ai tin vào kết quả các cuộc thăm dò dư luận đó" như ghi nhận của Le Figaro.

Vậy điều gì đã làm sứt mẻ uy tín của chủ nhân điện Kremlin ? Nhật báo Pháp đưa ra một vài yếu tố để trả lời cho câu hỏi trên : Mùa hè năm ngoái, ông Putin quyết định đẩy lùi tuổi về hưu, thuế địa phương không ngừng gia tăng trong thời gian gần đây khiến công luận ở hai đầu cây cầu Kertch cùng chán ngán. Một người về hưu cho biết 1/3 thu nhập của bà là để đóng thuế.

Bên cạnh tâm trạng chán trường đó là những lời đồn thổi : "Putin dành hết ngân sách của Nhà nước để can thiệp vào Syria, vào miền đông Ukraina và giờ đây là vào Venezuela, không còn tiền đâu để lo cho dân". Miễn bình luận về tính thực hư của những lời đồn này, chỉ biết là 55 % người Nga đang nghĩ rằng đời sống cơ cực của họ, những khó khăn của đất nước là "do lỗi Vladimir Putin gây ra".

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.