Vào nội dung chính
PHÁP - CHÂU PHI

Công du Đông Phi : Thông điệp kép tổng thống Pháp gửi đến Trung Quốc

Công du ba nước ở Đông Phi trong bốn ngày, tổng thống Emmanuel Macron muốn nhấn mạnh đến tầm quan trọng chiến lược và kinh tế của Djibouti, Ethiopia và Kenya. Đây cũng là một tín hiệu mạnh gần hai tuần lễ trước chuyến viếng thăm Paris cấp nhà nước của ông Tập Cận Bình. Chinh phục các đối tác Đông Phi nhiệm vụ khó hoàn thành của chủ nhân điện Elysée ?

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) và đồng nhiệm Kenya Uhuru Kenyatta. Ảnh ngày 14/03/2019.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) và đồng nhiệm Kenya Uhuru Kenyatta. Ảnh ngày 14/03/2019. Yasuyoshi CHIBA / AFP
Quảng cáo

Kể từ khi phong trào Áo Vàng bùng phát tại Pháp từ giữa tháng 11/2018, vòng công du ba nước Đông Phi từ ngày 11 đến 14/03/2019 là chuyến xuất ngoại thứ nhì của tổng thống Macron. Chặng dừng đầu tiên là Djibouti, nơi có căn cứ quân sự lớn nhất của Pháp tại châu Phi. 1 450 lính Pháp hiện đồn trú không xa căn cứ của Nhật, của Mỹ và mới đây nhất là của quân đội Trung Quốc.

Trung Quốc trong tầm ngắm của Paris

Về mặt chính thức căn cứ hải quân đầu tiên của quân đội Trung Quốc ở hải ngoại này là địa bàn hoạt động cho khoảng 400 quân, nhưng theo giới phân tích, từ nay đến năm 2026 sẽ có tới khoảng 10.000 lính Trung Quốc "đổ bộ" vào Djibouti. Đây là cửa ngõ của Bắc Kinh vào Đông Phi và Ấn Độ Dương.

Do vậy theo nhà nghiên cứu Pháp Sonia Le Gouriellec, chuyên gia về Djibouti và khu vực Sừng Châu Phi, Paris thực sự lo ngại về ảnh hưởng ngày càng lớn của Bắc Kinh tại quốc gia có vị trí chiến lược này. Điện Elysée nhìn nhận tổng thống Macron công du Đông Phi, bởi đây là một khu vực đang bị nhiều nước lớn tranh giành ảnh hưởng, và "đặc biệt là có một sự cạnh tranh với Trung Quốc".

Trong nhãn quan của chuyên gia Pháp, Mathieu Duchatel, thuộc viện nghiên cứu độc lập Institut Montaigne, trụ sở tại Paris, việc tổng thống Macron chọn Djibouti là chặng đầu vòng công du Đông Phi là một "thông điệp kép gửi đến Bắc Kinh". Từ năm 2015 Pháp bị chỉ trích "lơ là" với vùng thuộc địa cũ này. Cả về mặt chiến lược lẫn kinh tế Paris đã "nhường sân chơi" lại cho "một số các cường quốc" khác. Thế nhưng 12 giờ dừng chân tại Djibouti hôm đầu tuần của ông Macron theo chuyên gia Duchatel là nhằm khẳng định với Trung Quốc về "mối quan tâm của Pháp đối với vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương (...) để làm đối trọng với sự hiện diện ngày càng lớn của Trung Quốc trong khu vực".

Ngoài vế chiến lược, tổng thống Macron còn gián tiếp nhắn nhủ với ông Tập Cận Bình rằng Bắc Kinh không một mình một chợ trong vùng Đông Phi, không độc quyền đầu tư vào các dự án xây dựng hạ tầng cơ sở cho khu vực này trong khuôn khổ kế hoạch Một Vành Đai Một Con Đường.

Trong một cuộc họp báo vào tháng 7/2017 khi thông báo căn cứ tại Djibouti bắt đầu hoạt động, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc, Lục Khảng, không vòng vo : "căn cứ này cho phép Trung Quốc thực hiện tốt hơn các chiến dịch tuần tra chống cướp biển ngoài khơi Somalia đồng thời đẩy mạnh phát triển kinh tế và xã hội" của Djibouti.

Theo các con số chính thức, Bắc Kinh đã đầu tư 14 tỷ đô la để phát triển cơ sở hạ tầng cho Djibouti, các doanh nghiệp Trung Quốc hiện diện trong các lĩnh vực từ đường sắt đến văn hóa. Một nguồn tin thông thạo so sánh : vào lúc quân đội Mỹ thuê đất của Djibouti để mở căn cứ quân sự với giá 60 triệu đô la một năm, thì Trung Quốc chịu chi ra đến 100 triệu cho chính quyền của tổng thống Ismaïl Omar Guelleh.

Djibouti : "Pháp không nhiều tiền như Trung Quốc"

Tương tự như với Djibouti, Kenya và Ethiopia cũng là hai quốc gia trong khu vực mà các nhà chiến lược của Bắc Kinh đã không thể bỏ qua.

Theo nghiên cứu của viện Institut Montaigne, Trung Quốc có một tầm nhìn tổng quát cho ba quốc gia được tổng thống Macron công du lần này. Tập đoàn vận tải hàng hóa Trung Quốc China Merchant Group chẳng hạn dự trù đầu tư 15 tỷ đô la trong chưa đầy hai thập niên sắp tới vào Djibouti. Ngoài hải cảng Doraleh tập đoàn nhà nước Trung Quốc này còn bỏ vốn để trùng tu hệ thống đường sắt cho Djibouti. Năm 2016 đã cho khánh thành hệ thống đường sắt nối liền Djibouti với Addis-Abeba thay thế cho tuyến đường sắt đã hơn 100 năm tuổi do Pháp xây dựng từ năm 1917. Bắc Kinh coi đây là cổng vào để hàng của Trung Quốc đến tay trên 150 triệu dân tại ba nước Djibouti, Kenya và Ethiopia.

Để so sánh, một nguồn tin thân cận với phủ tổng thống Djibouti được viện Institut Montaigne trích dẫn cho rằng, trong lúc Trung Quốc chịu chi ra hàng tỷ đô la thì "Pháp thực sự không có phương tiện tài chính và không có được một chiến lược rõ ràng nào cho Djibouti".

Vào lúc tổng thống Emmanuel Macron báo động về "bẫy nợ Trung Quốc" và nguy cơ Bắc Kinh chi phối vùng thuộc địa đầu tiên này của Paris tại Lục Địa Đen, thì một chính khách Djibouti nói với viện nghiên cứu Pháp rằng "chúng tôi không quan tâm đến chuyện nợ nần". Quốc gia nhỏ bé của Đông Phi này đang theo đuổi mục đích "trở thành một cột mốc quan trọng trên ván cờ thương mại của khu vực và đang muốn chứng minh rằng Djibouti sẽ thành công".

Lợi thế của Pháp để không bị Trung Quốc đánh bạt ?

Theo giới chuyên gia, cơ hội của Pháp là đưa ra một số những dự án phát triển "khác với" cung cách làm ăn của Trung Quốc. Nhiều lãnh đạo các tập đoàn lớn của Pháp như France Telecom hay Orange trong ngành viễn thông, tập đoàn dầu khí Total hay công ty giao thông hàng hải CMA-CGM... đã tháp tùng tổng thống Macron trong vòng công du Đông Phi lần này. Trong chặng dừng cuối cùng kết thúc chuyến công du Đông Phi, tại Kenya hôm 14/03/2019 tổng thống Pháp đã chứng kiến lễ ký kết 2 tỷ đô la hợp đồng.

Là nguyên thủ pháp đầu tiên đến Nairobi kể từ khi Kenya dành được độc lập năm 1963, và từ sau tướng De Gaulle năm 1966 Emmanuel Macron cũng là vị tổng thống đầu tiên công du Ethiopia. Cả hai quốc gia này đều là những mục tiêu được các tập đoàn Trung Quốc quan tâm. Do vậy 2 tỷ đô la hợp đồng nói trên được ký kết trong các lĩnh vực từ quản lý hệ thống xa lộ, đến năng lượng, và dầu khí được coi là một dấu ấn quan trọng trong quan hệ kinh tế giữa Paris với Nairobi.

Kenya và Ethiopia là hai thị trường năng động, là hai nền kinh tế đứng hàng thứ tư và thứ năm ở phía nam sa mạc Sahara, với một tầng lớp trung lưu khá đông đảo. Cả Kenya lẫn Ethiopia đều có những tỷ lệ tăng trưởng cao : GDP Kenya tăng 8 % năm ngoái, với Ethiopia là 5 %. Khu vực kinh tế tư nhân của hai quốc gia này được đánh giá là "rất năng động", ngành tài chính ngày càng trở nên vững vàng hơn. Do vậy Pháp đang trông thấy ở hai quốc gia vốn không sử dụng ngôn ngữ của Molière này làm bàn đạp thâm nhập vào thị trường 300 triệu dân ở Đông Phi này.

Nhưng nếu nhìn về phương tiện, phần thắng chắc chắn thuộc về Trung Quốc và như nhiều nhà đầu tư vào Đông Phi ghi nhận : Trung Quốc lắm tiền để đầu tư vào Lục Địa Đen, qua đó có gây nên một "bẫy nợ" với châu Phi. Nhưng nợ nần có chồng chất hay không, thì đấy lại là một chuyện khác. Dù vậy, cơ hội mà tổng thống Pháp đem lại cho các đối tác từ Djibouti đến Kenya hay Ethiopia là "mở một cánh cửa để những quốc gia này có thêm một đối tác đáng tin cậy khác ngoài Bắc Kinh"

Còn nhìn từ phía nhà nghiên cứu Tony Chafer đại học Portsmouth nếu như Trung Quốc tập trung vào ngành xây dựng và nhất là cơ sở hạ tầng, thì Pháp chú trọng nhiều hơn đến ngành viễn thông, đến các dịch vụ cung cấp nước sạch và hệ thống phân phối điện lực.

Một khác biệt nữa về tầm nhìn của Paris và Bắc Kinh về Đông Phi là tổng thống Pháp trông cậy vào tầng lớp trẻ của Ethiopia và Kenya để phác họa ra chính sách đối ngoại của Paris với châu lục này. Tại thủ đô Addis-Abeba chẳng hạn hồ sơ xây dựng những thành phố sạch là một trong những hồ sơ chính nguyên thủ pháp đã đề cập tới và đây cũng sẽ là trọng tâm hội nghị Pháp và châu Phi tổ chức vào năm tới. Còn tại thủ đô Kenya, ông Emmanuel Macron đã cùng với nước chủ nhà khai mạc hội nghị về môi trường, One Planet Summit.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.