Vào nội dung chính
QUỐC TẾ - PHÁP

Công nghệ số tại Pháp: Con đường đến bình đẳng giới còn xa

Trong vòng 30 năm, tại Pháp, số lao động là nữ trong lĩnh vực tin học đã giảm từ khoảng 33% xuống còn 15%. Điều đáng lo ngại hơn nữa là sự sụt giảm nói trên lại diễn ra trong bối cảnh Nhà nước Pháp những năm qua đã có nhiều chính sách khuyến khích phụ nữ tham gia vào lĩnh vực này.

(Ảnh minh họa) - Tổng thống Pháp Francois Hollande (giữa) đi thăm các sinh viên hôm khai trương mạng lưới Grande Ecole du Numérique tại Kremlin-Bicetre, gần Paris, ngày 03/10/2016.
(Ảnh minh họa) - Tổng thống Pháp Francois Hollande (giữa) đi thăm các sinh viên hôm khai trương mạng lưới Grande Ecole du Numérique tại Kremlin-Bicetre, gần Paris, ngày 03/10/2016. Reuters
Quảng cáo

Theo Quỹ Femmes@numérique, cho dù phụ nữ chiếm 33% nhân lực trong lĩnh vực tin học, nhưng chỉ có 15% số này đảm nhiệm các công việc liên quan đến kỹ thuật trong sản xuất hoặc khai thác các dự án tin học. 75% làm về nhân sự, hành chính, marketing, truyền thông … Rất ít phụ nữ là kỹ sư phát triển phần mềm.

Báo Le Monde ngày 05/03/2019 cho biết ngay từ năm 2002, theo điều tra của nhà xã hội học Mỹ Jane Margolis và kỹ sư tin học Allan Fisher, thì từ năm 1980, trong xã hội đã lan truyền một chuyện mà họ xem là « hoang đường », theo đó những « người hùng » trong lĩnh vực tin học đều là nam giới, vốn đam mê công nghệ. Máy tính được bày bán như đồ chơi cho các bé trai. Trên phim ảnh, máy tính được xem như công cụ quyền lực gắn liền với nam giới.

15 năm sau đó, theo khảo sát của Cécile Favre, nhà nghiên cứu về tin học và giới thuộc đại học Lyon II của Pháp, thì quan niệm rập khuôn, những định kiến như vậy đã ăn sâu bám rễ vào các gia đình và nhất là các trường học. Nhiều học sinh phổ thông kể lại là các nhà tư vấn hướng nghiệp nói là ngành tin học không dành cho nữ giới.

Tuy nhiên, theo Le Monde, tình trạng trên chỉ diễn ra nhiều ở châu Âu và Mỹ, còn tại các khu vực khác trên thế giới như châu Á và Bắc Phi, tình hình khả quan hơn nhiều.

Nữ giới và trí thông minh nhân tạo

Nhà xã hội học Thierry Benoit, tác giả cuốn sách « Cuộc sống của phụ nữ, cuộc sống bấp bênh» dự báo trí thông minh nhân tạo phát triển mạnh sẽ đe dọa những ngành nghề nữ giới thường tham gia, khiến cuộc sống của nhiều phụ nữ càng trở nên bấp bênh hơn. Ngoài ra, công nghệ trí thông minh nhân tạo sẽ tạo ra những công việc đòi hỏi trình độ cao, hiện chủ yếu do nam giới đảm nhiệm.

Bà Marie-Anne Magnac, người sáng lập công ty nhiếp ảnh For Company lo ngại là nếu phụ nữ không tham gia tích cực vào lĩnh vực này, họ sẽ bị gạt ra ngoài lề thế giới tương lai. Marie-Anne Magnac đã cùng blogger Olivier Ezratty thực hiện một bộ ảnh về phụ nữ trong lĩnh vực công nghệ số để tạo cảm hứng cho các nữ sinh hướng tới ngành tin học.

Chia sẻ kinh nghiệm, đỡ đầu, định hướng, trao học bổng cho các nữ sinh … Những năm gần đây, có rất nhiều ý tưởng như trên được thực hiện để đảo ngược xu hướng « nhiều nam, ít nữ » trong các ngành nghề thuộc lĩnh vực công nghệ số. Nhiều nhóm tập hợp phụ nữ như « Duchess France », « Women on rails », « Les hackeuses », « Girl in Tech » cũng phát triển nhằm giúp phát huy năng lực của các thành viên và trao đổi các thông tin tuyển dụng.

Nhà nghiên cứu đại học Isabelle Collet ủng hộ các ý tưởng trên, xem đó là điều cần thiết : « Trong các doanh nghiệp, sự thăng tiến của nhiều người thường được quyết định ngoài giờ làm việc, khi nam giới cùng nhau uống bia, chơi bóng … Mạng lưới xã hội của chị em phụ nữ tạm thời bù khuyết cho việc họ không tiếp cận được thông tin ở những nơi mà nam giới thường tụ tập ».

Về phía doanh nghiệp, các chủ doanh nghiệp là nữ cũng tập hợp với nhau. Chẳng hạn từ hai năm nay, hiệp hội Femmes Business Angels tập hợp 150 nhà đầu tư là nữ giới, mỗi năm tổ chức một cuộc gặp để tìm kiếm nguồn tài chính cho các start up do phụ nữ đứng đầu. Theo số liệu của hiệp hội StartHer chuyên đấu tranh cải thiện vị thế của nữ giới trong ngành tin học, thì trong năm 2017, giới đầu từ chỉ dành 14,5 % nguồn tài chính cho các doanh nghiệp khởi nghiệp do phái nữ lãnh đạo. Trong khi đó, các chủ doanh nghiệp là nữ tham gia mạng lưới Sista tố cáo là phải chịu nạn bất bình đẳng trước nam giới khi kêu gọi nguồn vốn đầu tư và điều này là một thiếu sót không thể tiếp diễn trong hệ thống kinh tế - xã hội.

Nếu những ý tưởng nói trên phát huy tác dụng, thì cũng không đủ để thay đổi mọi chuyện. Thibault Luret, giám đốc truyền thông của Cigref, mạng lưới các doanh nghiệp lớn về tin học, thành viên của Tổ chức Femmes@numérique, hy vọng hoạt động hỗ trợ nữ giới trong ngành công nghệ thông tin sẽ vươn lên tầm mức cao hơn. Được sự hỗ trợ của chính phủ Pháp, tổ chức Femmes@numérique tập hợp 196 cơ quan nhà nước và 42 doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ.

Làm thế nào để tăng tỉ nệ nữ trong ngành công nghệ số ?

Tại đại học Khoa học và Công nghệ Trondheim, Na Uy, số cán bộ nghiên cứu giảng dạy và nhân viên nữ đã tăng từ 7% lên thành 40% sau khi áp dụng chỉ tiêu nam - nữ. Nước Pháp có Grande Ecole du Numérique, mạng lưới do chính phủ thành lập, gồm 750 chương trình đào tạo các ngành nghề trong lĩnh vực công nghệ số, nhằm đáp ứng nhu cầu tuyển dụng tin học trên thị trường. Grande Ecole du Numérique có tham vọng 30% người được tuyển là nữ. Con số này là 24% vào năm 2017. Grande Ecole du Numérique cũng có chính sách ưu tiên tài trợ cho phái nữ.

Theo Le Monde, nhiều nhà quan sát xem đó là « thái độ phân biệt đối xử » tích cực và cần thiết cho nữ giới, cho dù việc áp đặt chỉ tiêu tuyển dụng nam - nữ có thể khiến có thể khiến nhiều phụ nữ trúng tuyển phải băn khoăn vì không biết họ được doanh nghiệp tuyển vì năng lực hay chỉ vì họ thuộc phái nữ.

Liệu có thể thay đổi định kiến xã hội rằng công nghệ chỉ dành cho nam giới ?

Để xóa bỏ định kiến là lĩnh vực công nghệ chỉ dành cho nam giới, bà Salwa Toko, tân chủ tịch của Hội đồng quốc gia về công nghệ số (CNNum), đang khởi động công tác vận động để làm thay đổi suy nghĩ của xã hội về vấn đề này. Là một nhà đấu tranh về bình đẳng nam - nữ trong lĩnh vực công nghệ số, vào năm 2014, bà Salwa Toko đã thành lập Wi-Filles, một chương trình đào tạo về lập trình dành cho nữ sinh phổ thông và trung học ở vùng Seine-Saint-Denis, ngoại ô Paris. Bà cũng là lãnh đạo hiệp hội Becomtech hoạt động vì sự bình đẳng giới trong các ngành nghề tin học.

Rất có thể năm 2020 sẽ là năm bước ngoặt, với việc đưa vào trường trung học chứng chỉ nghề nghiệp về tin học và khóa học nhập môn về các thuật toán cho học sinh lớp 12, không phân biệt nam - nữ. Bà Cécile Favre, nhà nghiên cứu về tin học và giới thuộc Đại học Lyon 2, đánh giá đây là một ý tưởng hay, với điều kiện giáo viên không có định kiến về giới. Hiện nay, ở trường học, các em học sinh vẫn thường nghe thấy giáo viên nam nói : « Các em nữ phải thật chú ý, sẽ khó lắm đấy ! » Le Monde kết luận con đường đi đến bình đẳng giới trong lĩnh vực công nghệ tại Pháp vẫn còn xa !

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.