Vào nội dung chính
IRAK - PHÁP - DAECH

Irak sẽ xét xử 13 nghi phạm tham gia thánh chiến người Pháp

Nhận hay không nhận trở lại các công dân từng tham gia tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo tại Trung Đông là một thách đố khó giải đối với chính quyền Pháp và nhiều quốc gia châu Âu. Irak vừa tránh cho nước Pháp bài toán hóc búa này. Tổng thống Irak trong chuyến công du Paris hôm 25/02/2019, khẳng định Bagdad sẽ xét xử các nghi phạm thánh chiến ngay trong nước.

Lực lượng Dân Chủ Syria (SDF) tham gia tấn công căn cứ cuối cùng của Daech tại Baghouz, tỉnh  Deir Al Zor ngày 11/02/2019.
Lực lượng Dân Chủ Syria (SDF) tham gia tấn công căn cứ cuối cùng của Daech tại Baghouz, tỉnh Deir Al Zor ngày 11/02/2019. REUTERS/ Rodi Said
Quảng cáo

Theo AFP, sau buổi hội kiến với tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại điện Elysée, trả lời báo giới nguyên thủ Irak Barham Saleh thông báo sẽ xét xử « 13 phần tử Daech », được lực lượng Ả Rập-Kurdistan (FSD) tại Syria trao trả, theo luật pháp của Irak. Cũng trong buổi họp báo nói trên, tổng thống Pháp nhấn mạnh là việc xét xử các công dân Pháp mà lực lượng FSD chuyển cho Irak là thuộc thẩm quyền quốc gia của Bagdad.

Theo chuyên gia về Irak, ông Hicham al-Hachemi, 13 người Pháp nói trên từng chiến đấu trong hàng ngũ Daech chống lại các lực lượng Irak, và việc dẫn độ sang Irak để xét xử là hoàn toàn hợp lý. Vào thời cao điểm, nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn của Irak từng bị « vương quốc » tự xưng của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo xâm chiếm.

Lo ngại của giới bảo vệ nhân quyền

Tuy nhiên, giới bảo vệ nhân quyền có nhiều lo ngại về việc xét xử các nghi phạm thánh chiến tại Irak. Tổ chức bảo vệ nhân quyền HRW đòi hỏi minh bạch trong việc xét xử và chống lại việc lạm dụng đối với các nghi phạm bị giam giữ trong các nhà tù ở Irak.

Ông Nadim Houry, một chuyên gia về khủng bố, tỏ ra rất nghi ngờ về quá trình dẫn độ, giam giữ cũng như xét xử các nghi phạm. Theo ông, trong các vụ xét xử tại Irak, các thủ tục tố tụng thường xuyên bị vi phạm, và các phiên tòa nhìn chung không cho phép lập lại công lý đối với các nạn nhân, cũng như cho biết rõ ràng hơn về các tội ác đã xảy ra.

Vị chuyên gia nói trên cho rằng có rất nhiều khả năng là nhiều nước phương Tây muốn nhờ cậy chính quyền một nước khác để « trút bỏ cái gánh nặng » của việc xét xử các nghi phạm thánh chiến, không cần quan tâm đến thực chất diễn biến của các vụ xét xử.

Theo AFP, cho đến nay, tư pháp Irak đã xét xử hàng trăm nghi phạm tham gia thánh chiến, trong đó có ba công dân Pháp bị kết án tù chung thân. Khoảng 100 chiến binh thánh chiến nước ngoài thậm chí bị kết án tử hình.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.