Vào nội dung chính
PHÁP - XÃ HỘI

Chính phủ Pháp đối phó với nạn bài Do Thái

Việc nhiều thành viên chính phủ và đại diện nhiều chính đảng tại Pháp hôm nay tham gia các cuộc tập hợp chống các hành vi bài Do Thái cho thấy tệ nạn này đang gia tăng một cách đáng ngại, khiến chính phủ Pháp phải tìm cách ngăn chận.

Một khu nghĩa trang của người Do Thái  tại Strasbourg, Pháp bị bôi bẩn ngày 19/02/2019.
Một khu nghĩa trang của người Do Thái tại Strasbourg, Pháp bị bôi bẩn ngày 19/02/2019. Fuente: Reuters.
Quảng cáo

Theo số liệu thống kê do chính phủ vừa công bố, trong năm 2018 đã xảy ra 541 hành vi bài Do Thái, tăng đến 74% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy con số này thấp hơn nhiều so với đỉnh điểm của những năm 2014 (851) và năm 2004 (974), nhưng nó cho thấy là nạn bài Do Thái lại đang gia tăng đáng kể tại Pháp trong bối cảnh bất mãn xã hội đang dâng cao, thể hiện qua phong trào Áo Vàng.

Chính là bên lề một cuộc biểu tình tại Paris hôm thứ Bảy tuần trước mà nhà triết học gốc Ba Lan và cũng là viện sĩ Viện Hàn Lâm Alain Finkielkraut đã bị nhiều người, trong đó có một số người Áo Vàng, chửi rủa thậm tệ, với thái độ thù hằn và những lời lẽ như « Cút đi, tên sioniste bẩn thỉu như cứt », đến mức cảnh sát phải lao đến bảo vệ cho ông.

Toàn bộ chính giới Pháp, trong đó có tổng thống Emmanuel Macron, đã đồng loạt lên án vụ việc trên. Viện Công tố Paris hôm Chủ nhật thông báo mở điều tra về tội chửi rủa một người trước công chúng do nguồn gốc, sắc tộc hay tôn giáo của người đó.

Vào cuối tuần qua, nhiều vụ phá hoại mang tính bài Do Thái cũng đã xảy ra. Nhiều bức chân dung cố bộ trưởng Y Tế gốc Do Thái Simone Veil bị vẽ trên đó những chữ thập ngoặc, biểu hiện của Đức Quốc Xã. Cây trồng tưởng niệm Ilan Halimi, thanh niên đã bị bắt cóc và tra tấn đến chết vào năm 2006 chỉ vì anh là người Do Thái, thì bị cưa đứt. Ấy là chưa kể nhiều dòng chữ mang nội dung bài Do Thái được vẻ trên nhiều bức tường ở Paris.

Ngay từ năm ngoái, tổng thống Macron đã thông báo chính phủ sẽ gia tăng chống thù hận sắc tộc và bài Do Thái trên mạng Internet, với một dự luật buộc các công ty Internet trong thời hạn ngắn nhất phải gỡ bỏ những nội dung mang tính thù hận. Dự luật này theo dự kiến sẽ được trình Quốc Hội trước mùa hè năm nay.

Tuy nhiên, sau vụ xảy ra với nhà triết học Finkielkraut, đại diện các tổ chức Do Thái đòi tổng thống Macron có những hành động cụ thể hơn để ngăn chận những hành vi bài Do Thái. Họ yêu cầu phải có một kế hoạch riêng để chống nạn bài Do Thái, với những xử phạt mạnh hơn, về mặt hình sự, để trừng trị những hành vi và lời lẽ hận thù đối với người Do Thái.

Một số dân biểu Quốc Hội Pháp cũng đã đề nghị hình sự hóa hành vi bài Do Thái, tuy nhiên nhiều thành viên chính phủ đã bày tỏ dè dặt về đề nghị này, vì họ chủ trương là phải dựa nhiều hơn vào giáo dục, vào thảo luận để dần dần xóa tan những tư tưởng hận thù sắc tộc, bài Do Thái.

Thật ra đối với những nhà trí thức được hãng tin AFP trích dẫn hôm 13/02 vừa qua, sự gia tăng trở lại các hành vi, các biểu hiện bài Do Thái là không có gì đáng ngạc nhiên. Theo nhà văn và nhà triết học Pascal Bruckner, hiện đang có sự hội tụ giữa ba dòng tư tưởng thù hận : Hồi giáo cực đoan, cực hữu và cực tả chống Israel. Ông Bruckner cũng ghi nhận một đặc điểm của Pháp là quốc gia có cả hai cộng đồng Hồi Giáo và Do Thái đông nhất châu Âu.

Theo nhà văn này, trong nữa sau thế kỷ 20, tư tưởng bài Do Thái đã được thể hiện một cách tương đối kín đáo, vì châu Âu vừa trải qua thời kỳ lò thiêu của Đức Quốc Xã, nhưng từ đầu thập niên 2000, đây không còn là điều cấm kỵ nữa và nó đã được thể hiện công khai hơn kể từ cuộc chiến tranh ném đá intifada lần thứ hai vào năm 2002.

Và bây giờ, khi nước Pháp lâm vào khủng hoảng thì người ta thường quy trách nhiệm vào một nhóm nào đó, mà đầu tiên là người Do Thái. Hơn nữa, nhiều người dân Pháp vẫn xem người Do Thái là thành phần nắm nhiều quyền lực và tiền của, chi phối mọi mặt đời sống ở Pháp.

Đối với nhà văn Emilie Frèche, đã 15 năm rồi, mọi người chỉ biết lên án, nay đã đến lúc chính quyền phải có hành động khẩn cấp và nước Pháp phải quay trở lại với chủ nghĩa đại đồng, thông qua việc tăng cường giáo dục và văn hóa.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.