Vào nội dung chính
PHÁP - Ý

Quan hệ Pháp – Ý: Khi giọt nước dân túy làm tràn ly

Quan hệ láng giềng Pháp – Ý bùng lên căng thẳng chưa từng thấy hôm 07/02/2019, khi Paris gọi đại sứ về nước sau một loạt những tuyên bố và những động thái của quan chức chính phủ Ý bị đánh giá là « thái quá » và « can thiệp » vào chuyện nội bộ Pháp. Vì đâu mà quan hệ giữa hai nước láng giềng vốn vẫn gắn bó khá khăng khít trên các mặt tại châu Âu này bỗng nhiên bị đe dọa đổ vỡ ?

Bộ trưởng Nội Vụ Ý Matteo Salvini trong một buổi họp báo ở Roma, ngày 17/01/2019.
Bộ trưởng Nội Vụ Ý Matteo Salvini trong một buổi họp báo ở Roma, ngày 17/01/2019. AFP/Alberto Pizzoli
Quảng cáo

Việc Paris gọi đại sứ về với lý do là để « tham vấn tình hình » là một động thái ngoại giao chưa từng xảy ra trong quan hệ giữa Pháp và láng giềng Châu Âu kể từ năm 1945, cũng như việc hai thành viên trong Liên Hiệp Châu Âu đối đầu trực tiếp.

Nhà nghiên cứu về Ý, chuyên gia Marc Lazar, trả lời RFI, nhận định những bất đồng  giữa hai chính phủ hiện nay thì có nhiều, nhưng quan hệ Pháp - Ý đã có những hiềm tị từ trước đó trên nhiều vấn đề. Đó là năm 2011 Pháp can thiệp quân sự vào Lybia, nơi mà tại Roma nhiều người vẫn coi là sân sau, trong vòng ảnh hưởng của Ý. Rồi đến việc Pháp đơn phương đóng cửa biên giới kiểm soát người tị nạn, bỏ mặc nước Ý đơn độc đối phó với làn sóng di dân đến từ châu Phi.

Các bất đồng đôi lúc đã xảy ra trong quá khứ với mức độ nghiêm trọng khác nhau, nhưng hai bên vẫn tìm được cách nói chuyện chưa bao giờ phải chỉ mặt, lên giọng chỉ trích nhau như lần này.

Những bực bội âm ỉ chỉ thực sự bùng lên kể từ khi Phong trào 5 Sao, dân túy, thắng cử lên lãnh đạo nước Ý. Các tuyên bố từ xa của lãnh đạo hai nước cũng bắt đầu không còn ý tứ gì nữa. Hôm 21/06/2018, trong một bài phát biểu, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã gay gắt lên án điều mà ông gọi là « bệnh hủi dân túy » đang lây lan khắp nơi, đồng thời ông cũng không ít lần nhắc đến tên Matteo Salvini, bộ trưởng Nội Vụ Ý.

Vị quan chức chính phủ Ý này, nhân lúc chính phủ Macron đang lâm vào khủng hoảng Áo Vàng, đã tung ra những phát ngôn mang tính kích động phong trào chống chính phủ Pháp, kêu gọi lật đổ tổng thống Macron.

Mới đây nhất, hôm 05/02, ông Luigi Di Maio, lãnh đạo Phong trào 5 Sao và là bộ trưởng Lao Động Ý, trong cuộc tiếp xúc các đại diện những nhóm Áo vàng Pháp, đã có những tuyên bố ủng hộ phong trào phản kháng chính phủ Pháp.

Hành động này có thể coi là giọt nước làm tràn ly. Phát ngôn viên Ngoại Giao Pháp lập tức lên tiếng gọi « những hành động can thiệp đó là một sự khiêu khích thêm nữa không thể chấp nhận được ». Chuyên gia Marc Lazar lý giải việc bùng phát căng thẳng Pháp – Ý:

« Di Maio và Mateo Salvini, đối thủ chính của Emmanuel Macron. Họ có rất nhiều lý do để bất đồng với nhau, khi có căng thẳng trong nội bộ chính phủ, thì không gì dễ dàng hơn là nhằm vào tổng thống Pháp. Đây sẽ còn là lá bài tiếp tục được chơi cho tới cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu sắp tới. Vì thế tôi nghĩ, trên phương diện chính trị, sẽ còn có những thời điểm rất căng thẳng trong quan hệ hai nước. »

Các nhà quan sát đều nhận ra mục tiêu tranh cử trong các động thái hằn học với Pháp của các quan chức Ý gần đây.  Cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu vào ngày 26/05 đang đến gần. Mateo Salvini đã cố gắng tổ chức một mặt trận cực hữu rộng rãi ở châu Âu chống lại những người ủng hộ Liên Hiệp Châu Âu, mà tổng thống Pháp là một trong những đại diện tiêu biểu.  

Bất đồng với nhau là một chuyện, nhưng sử dụng bất đồng đó như là một công cụ vì mục đích vụ lợi cho tranh cử lại là một chuyện khác, như phát ngôn viên Ngoại giao Pháp đã cảnh cáo.

Điều nghiêm trọng hơn là những căng thẳng quan hệ Pháp - Ý  được thổi bùng bằng những lập luận dân túy còn có nguy cơ làm dấy lên tư tưởng chống Pháp đầy hiềm khích trong dư luận Ý.

Quan hệ Roma-Paris căng thẳng sẽ làm phức tạp thêm khó khăn cho ý tưởng hoàn thiện Châu Âu của tổng thống Pháp Emmanuel Macron, vốn đang gặp trục trặc do sự rút lui sắp tới của bà Angela Merkel khỏi chính trường và do Brexit.

Vượt ra ngoài những va chạm, khiêu khích, chắc chắn quan hệ Pháp – Ý đang hỏng về căn bản. Điều này sẽ làm cho công cuộc xây dựng Châu Âu thiếu đi một  đồng minh”, nhà quan sát Sébastien Maillar, giám đốc Viện chính trị Jacques Delors nhận định.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.