Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

500 năm ngày Leonardo Da Vinci qua đời: Kỷ niệm và tranh cãi

Đăng ngày:

Năm 2019 là kỷ niệm 500 năm ngày danh họa người Ý Leonardo Da Vinci qua đời tại Pháp. Đây là một sự kiện văn hoá lớn đối với cả hai nước Pháp và Ý, nhưng lễ kỷ niệm 500 năm ngày giỗ nhà danh họa này lại đang gây bất hòa giữa hai nước láng giềng.

Bức tranh "Mona Lisa" (La Joconde) của Leonardo Da Vinci tại viện bảo tàng Louvre, Paris. Ảnh chụp ngày 3/12/2018.
Bức tranh "Mona Lisa" (La Joconde) của Leonardo Da Vinci tại viện bảo tàng Louvre, Paris. Ảnh chụp ngày 3/12/2018. REUTERS/Charles Platiau/File Photo
Quảng cáo

Sinh năm 1452 tại Toscana, Ý, Leonardo Da Vinci không chỉ là một nghệ sĩ, mà ông còn là nhà thiên văn học, kiến trúc sư, nhà sáng chế thiên tài, nhà triết học, nhà khoa học có tầm nhìn sâu rộng. Nhưng vào năm 64 tuổi, nhà danh họa đã rời bỏ quê hương để sang Pháp sống những ngày cuối đời. Trên lưng lừa băng qua dãy núi Alpes, ông mang theo những bức tranh nổi tiếng của ông, trong đó có bức  Mona Lisa ( La Joconde – Tên đầy đủ là Chân dung Lisa Gherardini, vợ của Francesco del Giocondo ). Leonardo Da Vinci đến vùng sông Loire vào năm 1516, nơi có nhiều lâu đài nổi tiếng, trong đó có lâu đài Chambord.

Trả lời RFI Pháp ngữ, ông Jean d’Haussonville, giám đốc Domaine de Chambord, tức là cơ quan quản lý lâu đài Chambord, giải thích:

“ Ông đã được vua François Đệ nhất, lúc đó còn là công tước Milano, mời đến Pháp. Leonardo Da Vinci đang tìm đường kiếm sống. Thậm chí ông đã dự trù đến khả năng sang tận đế quốc Ottoman. Vào thời đó, vua François Đệ nhất, vừa mới lên ngôi, vẫn rất ngưỡng mộ các nghệ sĩ Ý. “

Vua François Đệ nhất tuy mới 22 tuổi nhưng rất say mê nghệ thuật và xem nghệ sĩ già người Ý Leonardo Da Vinci như một bậc cha chú. Mà bản thân Leonardo Da Vinci cũng cảm thấy nhẹ nhõm khi được sống trong một nước Pháp thanh bình, trong khi bên Ý, chiến tranh diễn ra triền miên giữa các quận công.

Chính là qua nước Ý của Leonardo Da Vinci mà nước Pháp đã khám phá một nghệ thuật sống mới, một quan điểm thẩm mỹ mới, rồi du nhập chúng vào vùng sông Loire. Đó cũng là khởi đầu của thời kỳ Phục Hưng, với việc tu bổ hai lâu đài hoàng gia Blois và Amboise, nơi mà Leonardo Da Vinci yên giấc ngàn thu. Cũng chính danh họa Ý đã gợi cảm hứng cho các nhà thiết kế lâu đài Chambord. Ông Jean d’Haussonville cho biết:

“ Ngoài Paris, chúng tôi là nơi duy nhất lưu trữ các bản vẽ gốc của Leonardo Da Vinci, các họa đồ kiến trúc của ông. Nghiên cứu các bản vẽ ấy cũng giống như một cuộc điều tra trinh thám để xem Leonardo Da Vinci cụ thể đã có ảnh hưởng như thế nào đối với việc thiết kế lâu đài Chambord.”

Hiện là lâu đài thời Phục Hưng lớn nhất thế giới, Chambord dĩ nhiên sẽ tham gia tổ chức các lễ kỷ niệm 500 năm ngày Leonardo Da Vinci qua đời tại Pháp. Trả lời RFI, ông François Bonneau, chủ tịch vùng Centre-Val de Loire, tức là vùng có các lâu đài sông Loire, cho biết:

“ Đây không phải là lúc mà chúng ta biến các lâu đài, các công viên, các khu vườn thành những viện bảo tàng. Mỗi ngôi làng, mỗi địa phương dọc theo sông Loire sẽ tham gia sáng tạo. Sẽ có các buổi hòa nhạc, các cuộc triển lãm và các cuộc hội thảo. Bên cạnh đó, Leonardo Da Vinci còn là một nhà khoa học vĩ đại, đã nghiên cứu để tạo ra các vật thể bay, là người đã sáng chế cho tương lai. Cách làm việc của ông rất cởi mở, mang đậm dấu ấn châu Âu và điều đó ngày nay rất có ý nghĩa. »

Nhưng 500 năm sau khi ông qua đời, các tác phẩm của người nghệ sĩ mang đậm dấu vết châu Âu lại đang gây chia rẽ giữa hai nước láng giềng Pháp,Ý.

Ngày 17/11/2018, Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa của Ý, bà Lucia Borgonzoni, thuộc đảng cực hữu Liên Đoàn (Lega), đã đòi xét lại một thỏa thuận năm 2017 về việc cho mượn tranh giữa nước Ý với viện bảo tàng Louvre của Pháp. Theo thỏa thuận này, Roma cam kết sẽ cho Pháp mượn gần như toàn bộ các bức tranh của Leonardo Da Vinci để triển lãm ở viện bảo tàng Louvre nhân dịp 500 năm ngày giỗ của nghệ sĩ Ý. Đổi lại, Viện bảo tàng Louvre cam kết cho Ý mượn các tác phẩm của danh họa Raphael để triển lãm ở Roma vào năm 2020.

Nhưng nay bà Borgonzoni cho nội dung của thỏa thuận này là “không thể chấp nhận được”. Quốc vụ khanh Ý cho rằng Leonardo Da Vinci là người Ý, ông ấy chỉ chết ở bên Pháp và theo bà, nếu cho viện bảo tàng Louvre mượn tranh của ông, nước Ý sẽ bị gạt sang bên lề một sự kiện văn hóa quan trọng.

Leonardo Da Vinci đúng là chỉ sống có vài năm cuối đời tại Pháp, nơi mà ông trút hơi thở cuối cùng vào năm 1519. Nhưng qua những tuyên bố như trên, chính phủ Ý đã phá vỡ một thông lệ giữa các viện bảo tàng hai nước, đồng thời kích động tinh thần dân tộc của người Ý, đến mức mà có người đã đòi Pháp phải trả lại bức tranh nổi tiếng La Joconde cho Ý.

Đối với ông Stéphane Bern, đại sứ đặc trách các lễ kỷ niệm Leonardo Da Vinci, trả lời RFI, không đáng có cuộc tranh cãi như vậy giữa hai nước Pháp, Ý:

“ Tranh cãi này là hơi buồn cười, bởi lẽ Leonardo Da Vinci đã bị đuổi khỏi nước Ý do ông là người đồng tính. Vua Pháp đã đón nhận ông vì đây là một vị vua có đầu óc rất cởi mở về vấn đề xã hội. Vua François Đệ nhất đã cho phép Leonardo mang theo các tác phẩm đến Pháp. Các tác phẩm đó thuộc về chúng tôi vì đã được nước Pháp mua lại. Như vậy chúng tôi coi như có giấy chủ quyền trên những tác phẩm ấy”.

Hiện nay viện bảo tàng Louvre lưu trữ bộ sưu tập tác phẩm Leonardo Da Vinci nhiều nhất thế giới. Các lễ kỷ niệm 500 năm ngày mất của Leonardo Da Vinci tại Pháp sẽ chỉ được tổ chức vào tháng 10, để không làm lu mờ các lễ kỷ niệm ở Firenze và Milano, đúng vào tháng 5, tháng mà danh họa Ý qua đời. Nhưng cho đến giờ hai nước vẫn chưa đạt được thỏa thuận nào để chấm dứt tranh cãi về chuyện vay mượn các tác phẩm của Leonardo Da Vinci.

Nhưng cho dù chuyện này có sẽ được giải quyết êm thắm giữa hai chính phủ, dân Ý vẫn không quên mối hận bị Pháp chiếm hữu bức tranh nổi tiếng nhất của Leonardo Da Vinci,La Joconde.

Số phận của bức tranh vẽ một phụ nữ với nụ cười huyền bí cũng khá là ly kỳ. Vào năm 1911, Vincenzo Peruggia, một người Ý làm việc trong viện bảo tàng Louvre đã đánh cắp bức tranh Mona Lisa, để đem tác phẩm này về phía bên kia dãy núi Alpes, quê hương của nó. Trước khi được tìm thấy và trả lại cho Pháp, bức tranh La Joconde đã có đủ thời gian để được trưng bày khắp nước Ý, từ Roma, Milano đến Firenze. La Joconde đi đến đâu cũng được dân Ý lũ lượt kéo đến chiêm ngưỡng, sùng bái như một thánh tích.

Nói chung là mỗi lần trong nước gặp khủng hoảng nội bộ thì các chính khách của Ý lại đánh lạc hướng dư luận bằng cách lôi chuyện nước Pháp giữ tranh của Leonardo Da Vinci ra để kích động tinh thần dân tộc của dân Ý. Như lời bà Sophie Chauveau, tác giả một cuốn tiểu sử Leonardo da Vinci ( Folio, 2008 ), trả lời tờ Le Parisien vào tháng trước, hơn cả dân Pháp, dân Ý rất tự hào về di sản văn hóa của họ. Cái gắn kết dân Ý thành một khối chính là mỹ thuật và Leonardo Da Vinci được ví như là xi măng.

Về phần Stefano Palombari, chủ tịch hội “L’Italie à Paris”, ông ghi nhận điều làm cho dân Ý khó chịu nhất, đó là thái độ kênh kiệu của người Pháp. Dân Ý vẫn có mặc cảm thua kém, với lịch sử của một quốc gia nghèo, bao gồm dân tứ xứ, một quốc gia từng bị chia năm sẻ bảy. Cho nên khi họ thấy báo chí Pháp viết Leonardo Da Vinci là người Pháp thì đương nhiên là họ rất phẫn nộ. Nay họ lại càng ganh tỵ khi thấy viện bảo tàng Louvre sẽ là trung tâm điểm của lễ kỷ niệm 500 ngày doanh họa người Ý qua đời.

Thật ra, như tác giả Sophie Chauveau có nhắc lại, bức tranh La Joconde đúng là đã được vua François Đệ nhất mua lại, nhưng điều mà dân Ý cho tới nay nuốt không trôi, đó là việc Leonardo Da Vinci đã sang sống lưu vong ở Pháp, như thể ông là “một chiến lợi phẩm của” vua Pháp.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.