Vào nội dung chính
Tạp chí đặc biệt

Châu Âu : Các tập đoàn đa quốc gia ‘‘trốn’’ gần một nửa thuế

Đăng ngày:

Một điều tra của các nghị sĩ châu Âu tố cáo việc các tập đoàn đa quốc gia trốn gần một nửa số thuế so với nghĩa vụ chính thức. Tại Bỉ, hơn 30.000 sinh viên, học sinh bãi khóa đòi chính quyền thực sự và khẩn cấp chống biến đổi khí hậu. Nhà báo nước ngoài tại Trung Quốc bị sách nhiễu, khống chế nhiều hơn trong năm 2018. Nhà soạn nhạc Michel Legrand qua đời gây xúc động tại Pháp. Trên đây là các chủ đề chính của Tạp chí Thế Giới Đó Đây tuần này.

Đảo Man, trực thuộc quyền quản lý của nữ hoàng Anh, từng được coi là một thiên đường "trốn" thuế.
Đảo Man, trực thuộc quyền quản lý của nữ hoàng Anh, từng được coi là một thiên đường "trốn" thuế. Paul ELLIS / AFP
Quảng cáo

Tính trung bình tại châu Âu, các tập đoàn đa quốc gia phải nộp thuế 23% lợi nhuận thu được, nhưng trên thực tế, nhờ nhiều thủ pháp tối ưu hóa về thuế, họ chỉ phải trả có 15%. Nhóm các nghị sĩ đảng Xanh của Nghị Viện Châu Âu vừa nêu bật thực trạng này qua một điều tra được công bố hôm 22/01/2019. Thông tín viên Joana Hostein tường trình từ Bruxelles :

« Chính tại Luxembourg mà khoảng cách giữa tỉ lệ đánh thuế chính thức và tỉ lệ thuế thu được thực sự từ các doanh nghiệp là cao nhất. Trên giấy tờ, tỉ lệ thuế mà các tập đoàn đa quốc gia phải nộp tại Đại công quốc chiếm 29% lợi nhuận. Nhưng trên thực tế, các tập đoàn này chỉ phải trả có 2%.

Còn tại Pháp, tỉ lệ nộp thuế của các doanh nghiệp là 33%, nhưng các công ty lớn trả thuế ít hơn hai lần. Trên đây là các thông tin trong báo cáo của nhóm các nghị sĩ đảng Xanh tại Nghị Viện Châu Âu.

Một vấn đề khác nữa là doanh nghiệp càng lớn thì lại càng trả ít thuế, nhờ ở các biện pháp ‘‘tối ưu hóa việc nộp thuế’’. Các nghị sĩ đảng Xanh nhấn mạnh, các biện pháp này rõ ràng là hợp pháp, nhưng việc các tập đoàn đa quốc gia phải trả thuế thấp làm tăng ấn tượng về tình trạng thuế khóa bất công.

Hiện tại có nhiều đề xuất đang được thảo luận ở cấp độ châu Âu để hướng tới việc đánh thuế doanh nghiệp phù hợp hơn với các hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, các nước như Ailen hay Luxembourg đang ngăn chặn việc Liên Âu thông qua một số quyết định mới trong lĩnh vực này. Mà, trong hồ sơ thuế, một đề xuất để được thông qua phải nhận được sự đồng thuận của 28 quốc gia thành viên ».

Theo Nghị Viện Châu Âu, thiệt hại do lậu thuế đối với 28 nước thành viên ước tính 1.000 tỉ euro hàng năm. Riêng thủ thuật « tối ưu hóa về thuế » gây thiệt hại từ 50 đến 70 tỉ, theo Ủy Ban Châu Âu. Trên quy mô toàn cầu, một số tính toán ước đoán thiệt hại có thể lên tới 20, 30 nghìn tỉ (tức hơn cả GDP của nước Mỹ).

Riêng đối với các tập đoàn tin học lớn thuộc nhóm GAFA, trong tuần lễ cuối tháng 1/2019, 127 quốc gia thành viên Tổ Chức Phát Triển và Hợp Tác Kinh Tế (OCDE), trong đó có Hoa Kỳ, đã đạt đồng thuận trong việc chuẩn bị có một giải pháp tổng thể và dài hạn, vào năm 2020. Một đồng thuận được đánh giá là bất ngờ, sau tình trạng bế tắc từ nhiều năm nay. Tình hình được khai thông một phần do quyết tâm của một số nước như Pháp, Anh, Tây Ban Nha, quyết định đánh thuế đơn phương, không chờ sự nhất trí tập thể.

Để hậu thuẫn cho một giải pháp công bằng về thuế đối với các tập đoàn đa quốc gia, một liên minh hơn 150 hiệp hội dân sự từ 16 nước châu Âu vừa khởi sự một cuộc lấy chữ ký, mang tên « Stop impunité ! / Không chấp nhận tình trạng làm sai mà không bị phạt ! ». Ngày 29/01, sau một tuần kêu gọi, phong trào đã nhận được sự ủng hộ của gần 300.000 người.

Giới trẻ tại Bỉ bãi khóa chống biến đổi khí hậu

Tại Bỉ, giới trẻ tuần hành và bãi khóa đông đảo vào ngày thứ Năm 31/01/2019, để chống biến đổi khí hậu. Khoảng 12.500 người tham gia vào tuần hành riêng tại thủ đô Bruxelles, cũng là thủ phủ của châu Âu. Điều đáng chú ý nữa là phong trào dự kiến sẽ còn tiếp tục đều đặn vào mỗi thứ Năm, cho đến khi nào tiếng nói của giới trẻ được chính quyền lắng nghe.

Phong trào tại Bỉ và một số nơi trên thế giới bùng lên sau lời kêu gọi của một nữ sinh người Thụy Điển. Cô Greta Thunberg 15 tuổi hình dung cô sẽ sống đến 100 tuổi, cô sẽ sống đến đầu thế kỷ 22. Từ nay đến đó, nếu không hành động, cái thế giới mà các thế hệ đi trước để lại cho con cháu sẽ thật khủng khiếp. Thông tín viên Pierre Benazet tường trình từ Bruxelles :

« Hãy cứu lấy Trái đất ! Chúng ta sẽ không có một hành tinh khác ! Hãy hành động cho tương lai ngay từ hôm nay ! Các khẩu hiệu đều hướng về cùng một mục tiêu.

Các sinh viên, học sinh Bỉ muốn duy trì phong trào chống biến đổi khí hậu, được khởi sự cách nay một tháng. Đối với anh Victor, một sinh viên năm thứ hai, thì thông điệp của phong trào sẽ phải được nhắc lại vào mỗi thứ Năm hàng tuần :

‘‘Người ta phải ngừng hủy hoại tương lại, phải đưa ra một quyết định để cho thế giới có một tương lai… Bởi trong hiện tại, mọi không gian xanh đều suy thoái’’.

Còn đối với cô Martine, một sinh viên ngành sư phạm gốc Luxembourg, thì giới trẻ không thể buông tay. Theo cô, đây là lúc tất cả mọi người phải tham gia. Thật là tuyệt vời khi rất nhiều người trẻ đã đổ về đây. Và đây là lúc chính quyền bắt đầu phải lắng nghe.

Mỗi thanh thiếu niên xuống đường tại Bruxelles chống biến đổi khí hậu, đều với những lý do rất thiết thân. Lille, một thiếu nữ năm cuối bậc học phổ thông, chia sẻ : ‘‘Tôi không muốn chết. Tôi hy vọng mình sẽ sống thật lâu, thật lâu. Tôi sẽ còn tiếp tục tuần hành mỗi ngày thứ Năm hàng tuần’’.

Cho dù số lượng người tham gia không đông đảo bằng thứ Năm tuần trước, nhưng phong trào bắt đầu lan rộng. Cũng cùng ngày thứ Năm này, 15.000 người trẻ tuần hành tại Liège, một thành phố lớn khác của nước Bỉ ».

Học sinh, sinh viên bãi khóa, biểu tình để yêu cầu chính phủ hành động khẩn cấp hạn chế biến đổi khí hậu, Bruxelles, 24/02/2019.
Học sinh, sinh viên bãi khóa, biểu tình để yêu cầu chính phủ hành động khẩn cấp hạn chế biến đổi khí hậu, Bruxelles, 24/02/2019. REUTERS/Yves Herman

Trung Quốc : Phóng viên nước ngoài ngày càng bị chính quyền khống chế

Bị thẩm vấn hàng giờ tại trụ sở công an, buộc phải xóa bỏ các dữ liệu trong điện thoại cầm tay, máy quay phim máy tính, và bị công an theo dõi hàng ngày : Điều kiện làm việc của các phóng viên nước ngoài tại Trung Quốc ngày càng tồi tệ hơn trong năm 2018. Trên đây là kết quả một thăm dò vừa được Câu Lạc Bộ các Phóng Viên Nước Ngoài tại Trung Quốc (FCCC) thông báo hôm 29/01/2019.

Theo người phụ trách văn phòng Đài tiếng nói Hoa Kỳ nói đến các hành động sách nhiễu của chính quyền. Thị thực nhập cảnh của một nhà báo của đài phát thanh Mỹ đã bị giảm xuống 6 tháng, thay vì một năm như thường lệ. Theo Câu Lạc Bộ các Phóng Viên Nước Ngoài, biện pháp trừng phạt này ngày càng được sử dụng nhiều hơn nhằm bịt miệng những phóng viên nào đưa các tin bài gây khó chịu cho chính quyền.

Theo một thăm dò mới của Câu lạc bộ này, cứ hai nhà báo thì có một người khẳng định là điều kiện làm việc của họ trở nên tồi tệ hơn trong năm 2018. 91% người trả lời lo ngại là điện thoại của họ bị nghe lén, một nửa trong số họ cho biết bị công an theo dõi trong khi tác nghiệp. Phòng khách sạn của một số nhà báo bị lục soát khi họ vắng mặt.

Tình hình đặc biệt đặc biệt căng thẳng tại khu tự trị Tân Cương. Khoảng một triệu người thuộc sắc tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi có thể đang bị chính quyền giam giữ, nhân danh cuộc chiến chống khủng bố. Các phóng viên làm việc tại Tân Cương để điều tra về việc giam giữ võ đoán phải đối mặt với các biện pháp thường rất cứng rắn từ phía công an, ngăn cản họ làm việc hoặc buộc họ phải xóa bỏ các bức hình và ghi âm thu được.

Tác giả « Les Moulins de mon cœur » qua đời

Nhà soạn nhạc Pháp Michel Legrand tạ thế trong đêm 25 tháng Giêng qua ngày 26, tại Paris, ở tuổi 86. Michel Legrand để lại nhiều tác phẩm được đánh giá là tuyệt tác, trong đó có giai điệu nhạc phim đoạt giải Oscar năm 1968 trong bộ phim « The Thomas Crown Affair », với lời hát tiếng Anh « Windmills Of Your Mind » (hai ca sĩ Noel Harrison và Dusty Springfield thường được cho là thể hiện thành công nhất). Phiên bản tiếng Pháp mang tên « Les Moulins de mon cœur », do Eddy Marney tạo lời.

Nhà soạn nhạc người Pháp Michel Legrand.
Nhà soạn nhạc người Pháp Michel Legrand. AFP PHOTO / TIZIANA FABI

Tang lễ của « người làm nên các giai điệu đầy quyến rũ » được cử hành tại nhà thờ Chính thống giáo Saint-Alexandre-Nevsky, ở Paris, trên nền « Peau d’âne / Da lừa », một trong những nhạc phim nổi tiếng nhất của ông.

Michel Legrand sáng tác cho hơn 200 bộ phim. Nhạc phim của ông ba lần đoạt giải Oscar [The Thomas Crown Affair (1968), Summer 42 (1971) và Yentl (1983)]. Michel Legrand nhận giải Liên hoan phim Cannes năm 1964 cho nhạc phim « Les Parapluies de Cherbourg / Những chiếc dù của Cherbourg », do Jacques Demy thực hiện. Bộ phim hát đầu tiên, mở ra một cuộc cách mạng trong môn nghệ thuật thứ bảy. Hơn nửa thế kỷ hết mình vì âm nhạc trong rất nhiều thể loại, Michel Legrand để lại dấu ấn sâu sắc trong tâm tưởng của giới yêu nhạc.

Về phản ứng tại Pháp, buổi tối ngày 26/01, đúng vào ngày ông qua đời, phóng viên RFI Capucine Japhet phỏng vấn một số công chúng trước cửa Philharmonie de Paris, nơi tổ chức triển lãm sự nghiệp nhạc phim của Michel Legrand.

« Một em nhỏ cho biết cha cháu nói là Michel Legrand đã qua đời. Cháu biết một số bài hát của ông ấy qua một triển lãm về Michel Legrand, cháu rất thích. Một người phụ nữ nói triển lãm này gây ấn tượng, giúp bà hình dung lại rõ ràng về con người ông : Một thời đã qua đầy kỉ niệm. Một người đàn ông tâm sự : Cái chết của Michel Legrand gây xúc động, nhưng điều quan trọng là những tác phẩm mà ông ấy để lại sẽ còn sống rất lâu trong lòng người ».

« Les Moulins de mon cœur » đã được một số nghệ sĩ chuyển dịch sang tiếng Việt, với tựa đề « Những mảnh hồn hoang » (Duy Thơ) hay « Ngõ ngách hồn tôi » (Việt Đường)... Trong nhạc phẩm dưới đây, Michel Legrand vừa đệm đàn, vừa hát cùng nữ nghệ sĩ Natalie Dessay. Gần nửa thế kỷ sau khi tác phẩm ra đời, giọng ca Michel Legrand như càng thắm thiết với thời gian.

03:02

Michel Legrand và Nathalie Dessay trình diễn "Les Moulins de mon coeur"

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.