Vào nội dung chính
Tạp chí âm nhạc

50 năm sáng tác tình ca Moustaki

Đăng ngày:

Cách đây đúng nửa thế kỷ, ca khúc ‘‘Le Métèque’’ (Kẻ xa lạ) được tung ra thị trường Pháp và trở thành bài hát gắn liền với tên tuổi của tác giả người Hy Lạp gốc Do Thái Georges Moustaki. Bản nhạc này suýt nữa bị chìm vào quên lãng, theo lời kể của chính tác giả trong quyển hồi ký phát hành trước ngày ông qua đời.

Georges Moustaki.
Georges Moustaki. AFP PHOTO
Quảng cáo

Trong quyển sách ‘‘Chaque instant est toute une vie’’ (Mỗi khoảnh khắc là cả một cuộc đời) thực hiện với nhà văn Michel Legras, Georges Moustaki cho biết là ông chấp bút viết bài hát ‘‘Le Métèque’’ (Kẻ xa lạ) vào năm 1968, nhưng không có ý định ghi âm với giọng ca của mình. Bản nhạc này lúc đầu được tặng cho ca sĩ Pia Colombo (vợ của Maurice Fanon, tác giả này từng sáng tác cho các ca sĩ Juliette Gréco và Isabelle Aubret) nhưng bài hát lại không thành công như mong đợi.

Georges Moustaki lúc ấy mới ngỏ lời mời nam danh ca Serge Reggiani (chuyên hát nhạc của ông) ghi âm bài hát ‘‘Le Métèque’’ nhưng một lần nữa, ông lại bị từ chối. Theo lời khuyên của nhiều đồng nghiệp (kể cả Serge Reggiani), Georges Moustaki mới quyết định ghi âm bản nhạc này vào năm 1969, do bài hát là một bức chân dung tự vẽ cho nên rất khó thể nào mà phù hợp với hình ảnh của các nghệ sĩ khác cùng thời.

Về ý tưởng ban đầu làm nên bài hát, Georges Moustaki cho biết là danh từ métèque bắt nguồn từ chữ ‘‘métoïkos’’ trong tiếng Hy Lạp cổ, có nghĩa đơn thuần là người đã thay đổi chỗ ở, dân cư ngụ ở một nơi không phải là quê hương, nguyên quán của mình. Tuy nhiên, kể từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX trở đi, chữ métèque được dùng trong tiếng Pháp với nghĩa xấu. Nhiều nhà văn Pháp (trong đó có Charles Maurras) theo chủ nghĩa dân tộc và có tư tưởng cực hữu đã dùng chữ métèque với giọng điệu bài ngoại. Một khi được phổ biến trong ngôn ngữ hàng ngày, chữ này mang ý nghĩa miệt thị nhắm vào cộng đồng người nhập cư da màu và hiểu theo nghĩa rộng hơn là thành phần kiều dân nước ngoài cư trú tại Pháp.

Theo tác giả Georges Moustaki, bản thân ông cũng đã từng nghe người khác dùng chữ này đối với ông nhiều lần khi gia đình ông đến Paris lập nghiệp (1951) năm ông 17 tuổi. Sinh trưởng tại Alexandria, Ai Cập trong một gia đình người Hy Lạp gốc Do Thái, thân phụ là chủ của một hiệu sách, từ thuở thiếu thời, ông đã mê văn chương sách vở, thấm nhuần ảnh hưởng của nhiều nền văn hóa và ngôn ngữ khác nhau (tiếng Ý, tiếng Pháp, Hy Lạp, Ả Rập, Thổ Nhĩ Kỳ).

Người khác có thể cảm thấy bị khinh thường, xúc phạm khi nghe chữ métèque (kẻ xa lạ), nhưng tác giả Georges Moustaki lại quyết định dùng chữ này để làm giàu vần điệu trong lời ca, lồng nó vào một bối cảnh lãng mạn, tình tứ và thơ mộng. Bản nhạc này tạo nơi Georges Moustaki hình ảnh của một người đàn ông nặng kiếp phong trần nhưng không kém phần đào hoa, cái biệt danh khó thay đổi sau đó của một "lữ khách muôn bến", một ‘‘lãng tử da màu’’.

Theo lời kể của tác giả Georges Moustaki, nhà ông có cửa sổ nhìn ra biển, cho nên hàng ngày ông vẫn thường nhìn thấy nhiều con tàu cập bến, những chiếc du thuyền rời bến ra khơi. Từ thời còn nhỏ, ông vẫn thầm mơ trốn vào trong khoang thuyền, để được đi khắp năm châu, chu du bốn bể. Nghề sáng tác và ca hát là cách đã giúp cho ông thực hiện "giấc mộng hải hồ".

Được phát hành trên album thứ nhì cùng tên, bản nhạc ‘‘Le Métèque’’ nhanh chóng làm nên tên tuổi và sự nghiệp của Georges Moustaki. Vào những năm 1958-1959, Georges Moustaki được công chúng biết đến chủ yếu nhờ sáng tác cho nữ danh ca Édith Piaf, trong đó có bài hát nổi tiếng Milord (ông cũng một thời từng chung sống với bà, cho dù Édith Piaf lớn hơn ông gần 20 tuổi). Nhưng mãi tới 10 năm sau, sau khi thành công với nhạc phẩm ‘‘Le Métèque’’ (1969) Georges Moustaki mới thật sự nổi danh với những sáng tác do chính ông ghi âm, song song với những bài hát ông viết cho Barbara hay Juliette Gréco …

Từ năm 1969 trở đi, bài hát ‘‘Le Métèque’’ sẽ có thêm hàng trăm phiên bản qua nhiều giọng ca và trong nhiều thứ tiếng khác nhau. Tác giả người Mỹ Rod McKuen chọn ý tưởng ‘‘kiếp sống vô tư của một lãng tử’’ để đặt lời tiếng Anh cho bài này thành ca khúc "Without a Worry in the World". Trước đó, ông đã từng chuyển thể thành công nhiều bài hát của Jacques Brel, trong đó có bài "Seasons in the Sun" (Những ngày nắng đẹp / Le Moribond). Bản nhạc ‘‘Le Métèque’’ còn có thêm lời tiếng Đức (Ich bin ein Fremder), tiếng Tây Ban Nha (El Extranjero) tiếng Ý (Lo Straniero) lấy lại ý tưởng ‘‘kẻ lạ đến từ phương xa’’. Một trong những phiên bản đạt nhất là của nghệ sĩ người Ý Giovanni Nuti ghi âm bài hát này trong 4 thứ tiếng để tưởng niệm tác giả Georges Moustaki sau khi tác giả này qua đời vào năm 2013.

Bản nhạc ‘‘Le Métèque’’chẳng những vượt qua hàng rào ngôn ngữ mà còn trở nên phổ biến trong nhiều thể loại, xuyên qua các thế hệ. Bài hát tìm được hơi thở mới vào những năm 2000, khi được nhiều ca sĩ xuất thân từ làng nhạc nhẹ, nhạc folk, nhạc reggae cũng như hip hop vay mượn lại qua các phiên bản phóng tác để nói lên những vấn đề liên quan tới cộng đồng người nhập cư (Akhenaton vào năm 1995, Martial Tricoche năm 2003, JoeyStarr năm 2006, Gaël Faye năm 2017) Nhạc sĩ reggae Alpha Blondy khi ghi âm bài này vào năm 2013, đã thay đổi một phần lời ca sao cho phù hợp với mình : người chăn cừu Hy Lạp trở thành mục đồng rasta.

Dưới ngòi bút của tác giả Georges Moustaki, kẻ lạ đến từ một phương trời xa, họ mang theo những hành trang đầy kỷ niệm tình cảm như một thứ di sản quý báu. Georges Moustaki đối chiếu hai thế giới tương phản. Một bên là những kẻ có đầu óc hẹp hòi, một bên là những người có trái tim rộng mở. Vì hoàn cảnh hay vì chọn lựa, họ sống ở một nơi không phải là quê hương của mình, nhưng tâm hồn đủ phóng khoáng để học hỏi điều hay chuyện lạ, lòng yêu thương được nuôi dưỡng bởi nhiều nền văn hóa khác nhau.

Không phải ngẫu nhiên Georges Moustaki chọn sáng tác bài này theo thể điệu dân ca Hy Lạp, cho dù ông sinh trưởng ở Ai Cập trong một gia đình gốc Do thái. Bằng lời ca mộc mạc nhưng tinh tế, ông đáp trả một cách nhẹ nhàng để những ai gọi ông là “métèque”: kẻ tha hương nhưng không hề vong bản, sống lưu vong trọn kiếp nhưng chưa quên gốc rễ một ngày.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.