Vào nội dung chính
NGA - PHÁP - XÃ HỘI

Truyền hình Nga lướt trên làn sóng Áo Vàng Pháp

Các dấu hiệu trỗi dậy trở lại của phong trào Áo Vàng tại Pháp, được thấy qua các cuộc biểu tình cuối tuần qua, dĩ nhiên đã trở thành trọng tâm khai thác của báo Pháp ra ngày đầu tuần, 07/01/2019, với các tựa lớn trang nhất trên tờ Le Figaro cánh hữu, Libération cánh tả, hay nhật báo kinh tế Les Échos. Riêng Le Monde, dù không đưa chủ đề này lên trang nhất, nhưng đã khai thác một khía cạnh bất ngờ : Đài truyền hình RT của Nga, từng bị chính quyền Macron cáo buộc về những ý đồ bất minh, đã lợi dụng phong trào Áo Vàng như thế nào.

Người Áo Vàng biểu tình ở Paris ngày 5/1/2019.
Người Áo Vàng biểu tình ở Paris ngày 5/1/2019. REUTERS/Gonzalo Fuentes
Quảng cáo

Trong bài viết mang tựa đề « Đài truyền hình Nga RT lướt trên làn sóng Áo Vàng Pháp », Le Monde đã nêu bật một thực tế : « Vào lúc những người phản kháng nghi kỵ các phương tiện cố hữu của Pháp, đứng đầu là đài BFM-TV, chi nhánh Pháp của đài truyền hình Nga RT (tức là Russia Today trước đây) đã trở thành một trong những hãng truyền thông hiếm hoi được họ chấp nhận ».

Theo số liệu của RT France, trong tháng đầu tiên của phong trào Áo Vàng, lượng lượt xem video của họ trên Facebook đã tăng gấp bốn lần, lên tới 22 triệu, và trên Youtube cũng tăng gấp ba lần. Đặc điểm của đài RT là họ chỉ phát trên mạng, chứ không phát sóng.

Céline Pigalle, giám đốc biên tập của kênh truyền hình Pháp BFM TV, đã không khỏi ngạc nhiên khi thấy rằng những người Áo Vàng mà bà tiếp xúc đã trích dẫn RT trong số các nguồn thông tin "chuẩn" của họ. Một nhà báo làm việc cho một đài truyền thống cũng thấy rằng RT đã hoàn toàn hiểu rõ cách vận hành của các mạng xã hội, đã biết cách đi theo một cộng đồng nhất định, chứ không nhắm tới quảng đại quần chúng.

Mục tiêu của RT : « Phá hoại tính chính đáng của các nền dân chủ tự do »

Thành công gần đây của RT chủ yếu là nhờ phương thức phát hình trực tiếp và liên tục ngay từ giữa các cuộc biểu tình. Hình thức phát trực tiếp liên tục này cho phép họ khẳng định rằng thông tin không hề bị cắt xén, nhà báo không hề bị kiểm duyệt.

RT đã không ngần ngại phô trương cảm tình mà những người Áo Vàng dành cho các nhà báo của họ, và bác bỏ những chỉ trích, theo đó họ được phong trào này ưa chuộng, vì có lập trường thiên vị phe Áo Vàng.

RT đôi khi bị buộc tội là chuộng lối thông tin giật gân, phục vụ ý đồ của ngoại bang. Về vấn đề này, bà Xenia Fedorova, giám đốc chi nhánh Pháp của RT, đã phản bác, cho rằng « Quy chụp một ai đó là cấu kết với một cường quốc nước ngoài thì quá dễ… Nhưng hình ảnh bạo lực mà RT truyền đi đâu có khác gì hình ảnh trên đài Pháp BFM-TV ».

Dẫu sao thì theo Le Monde, RT là đài luôn luôn tích cực đưa tin về các phong trào đấu tranh ở phương Tây, từ các cuộc biểu tình chống lại luật lao động ở Pháp, cho đến phong trào đòi độc lập ở Catalunia (Tây Ban Nha), hay chiến dịch « chiếm phố Wall » ở Hoa Kỳ...

Theo Maxime Audinet, nhà nghiên cứu tại Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI), thứ « quyền lực mềm » mà Nga thể hiện thông qua đài RT « không phải là để làm cho đất nước Nga hấp dẫn hơn đối với người phương Tây, mà là phá hoại tính chính đáng của các nền dân chủ tự do bằng cách khuếch đại sự chia rẽ trong xã hội phương Tây ».

RT và Áo Vàng có cùng đối thủ là Macron

Theo bà Fedorova, « Những người Áo Vàng cũng thừa biết rằng chúng tôi không được Emmanuel Macron ưa thích ». Vào tháng 05/2017, tổng thống Pháp đã gọi RT và Sputnik là « cơ quan tuyên truyền sai lệch », đặc biệt là vì báo Sputnik của Nga đã phát tán tin đồn về cuộc sống riêng tư của ông Macron.

Cam Bốt : Một đất nước đang lãng quên quá khứ

Riêng về châu Á, nhật báo Pháp Libération đã không quên rằng hôm nay 07/01 là ngày Cam Bốt đánh dấu tròn 40 năm chế độ diệt chủng Khmer Đỏ bị lật đổ, qua một tựa đề có vẻ chua xót : « Cam Bốt, một đất nước đang thức dậy trong sự lãng quên quá khứ ».

Đối với tờ báo, nhìn chung Cam Bốt đang chuyển mình, có tiến bộ về kinh tế, nhưng đáng tiếc là tình trạng bất bình đẳng ngày càng gia tăng, trong lúc ký ức về tội ác thời chế độ diệt chủng đã bị đẩy xuống hàng thứ yếu.

Mở đầu bài viết, phóng viên của Libération, Arnaud Vaulerin, nhìn chiếc cầu Monivong bắt qua sông Bassac, cho là người ta có thể bắt đầu từ đây lịch sử của Cam Bốt ngày nay. Cách đây 40 năm, qua đường quốc lộ số 1 này, lực lượng Việt Nam đã tiến vào thủ đô Cam Bốt. Ít nhất 110 000 chiến sĩ nhiều kinh nghiệm đã đến đánh đuổi lực lượng Khmer Đỏ chịu trách nhiệm về cái chết của ít nhất 1,7 triệu người từ tháng Tư 1975 đến tháng Giêng 1979.

Ngày 07/01/1979, một người đã trở lại đất nước trong xe của bộ đội Việt Nam : Hun Sen, một viên chỉ huy của Khờ Me Đỏ, mà một năm trước đó đã chạy trốn thanh trừng của Khờ Me Đỏ. 40 năm sau, ở tuổi 66, ông vẫn tại vị để cầm cương Cam Bốt, hầu như không gì lay chuyển được.

Hun Sen rất hãnh diện với thành quả của Cam Bốt : Tăng trưởng 7%, thế hệ thanh niên vươn lên mạnh mẽ, thành phần dưới 30 tuổi chiếm gần 70% dân số. Ông sẽ chủ trì buổi lễ kỷ niệm hôm nay với hình ảnh « cha già dân tộc » và một đất nước chuyển mình lao về phía trước, đoạn tuyệt với quá khứ.

Tác giả bài báo cho là chỉ đi dạo ở Phnom Penh thôi thì đã thấy rõ và không khỏi choáng váng trước sự thay đổi. Năm 1979, Phnom Penh đã được ví nào là với Guernica, thành phố Tây Ban Nha điêu tàn vì chinh chiến, nào là với nàng Công Chúa Ngủ Trong Rừng, nhưng theo cựu ký giả Khiêu Kanharith nay là bộ trưởng Thông Tin, hình ảnh thứ hai là đúng hơn, vì Phnom Penh chưa bao giờ bị oanh tạc, khác với thành phố Tây Ban Nha. Khmer Đỏ khi ấy đã bỏ lại một thủ đô sau khi đã lùa hết dân chúng ra khỏi thành phố, một sự kiện chưa từng thấy trong lịch sử chiến tranh.

Nhưng bây giờ, trong mắt Vaulerin thì Phnom Penh phát triển rộng ra, nâng cao lên, tự trát phấn thoa son, bán mình và quên mình. Vannek Seng, tổng thư ký thành phố, 36 tuổi, cũng kinh ngạc : « đó là một sự bùng nổ, luôn cao hơn, đắt đỏ hơn ». Ông cho biết cha mẹ ông thuộc thế hệ bị Khmer Đỏ hy sinh. Phải luôn nhớ lại điều này.

Nhưng ai nhớ lại ? Để cho thấy Cam Bốt của ông Hun Sen đang hướng về đâu, tác giả bài báo dẫn độc giả đi đến nơi gọi là « Diamond Island », bên sông Mê Kông, tên bộ phim dài của đạo diễn người Pháp-Cam Bốt Davy Chou, một vùng đầm lầy chỉ trong vỏn vẹn vài năm đã trở thành một nơi sầm uất rất được thanh niên ưa chuộng. Nơi đây có cả một Khải hoàn môn giả bên cạnh những tòa nhà 30 tầng, cửa hiệu đèn nhấp nháy, nhà hàng, quán bar… Trên đường là những loại xe đắt tiền như Rolls- Royce, Porche, Audi…

Đây được xem như một « tổng hành dinh » của thanh niên thủ đô. Một cô gái tên Meng Leng đến đây ít nhất một lần trong tuần. Đối với cô hiện tại tốt hơn trước nhiều. Về quá khứ thì cô chỉ nhớ vài năm gần đây, chưa bao giờ nghĩ đến những năm 1970. Và ngày 7 tháng Giêng không có gì là quan trọng lắm. Cô công nhận là nhiều người trong gia đình bị Khmer Đỏ giết chết, nhưng không nói đến chuyện này với gia đình và cũng không muốn đào sâu.

Thái độ này đã làm cho Serey Soun, một người thoát chết, rất khó chịu. Lúc đó Serey Soun mới 7 tuổi, ông còn nhớ lại lúc bộ đội Việt Nam vào làng, ngày 8 tháng Giêng, mọi người đã kinh ngạc, đóng của hỏi nhau, cái gì thế, ai thế, mũ đó là gì, có phải Liên Xô không ?

Và cuộc sống đã dần dần trở lại bình thường, ông và các bạn trẻ đi học, đi câu cá trở lại, điều không làm được trong cả 3 năm.

Ngày nay Serey Soun không còn ảo tưởng : « Phần đông dân chúng xem thường những chuyện này. Tôi không chịu được. Những người không có quá khứ không thể tiến tốt đến tương lai. »

Cuối cùng tác giả bài phóng sự công nhận có một sự thờ ơ lịch sử bao phủ những năm 1970, quá khứ Khmer Đỏ không đi vào hiện tại nữa. Lần cuối cùng là vào tháng 11/2018, Tòa án xét xử Khmer Đỏ từ năm 2009, đã kết án tù chung thân hai ông Nuon Chea và Khieu Samphan. Điều làm cho thế hệ nạn nhân của Khmer Đỏ hài lòng là từ « diệt chủng » đã được sử dụng.

Trong phần kết luận Vaulerin có vẻ chua xót : 40 năm sau thì chỉ có 3 lãnh đạo bị xét xử. Còn những thủ phạm khác - Pol Pot, Ieng Sary, Ta Mok, Son Sen - thì đã chết vì bệnh hay bị Angkar khử, và đã không phải trả lời trước pháp luật về hành động của họ.

Đàn áp người Duy Ngô Nhĩ : Trung Quốc giấu đầu lòi đuôi

Về Châu Á, Le Figaro nhìn sang Trung Quốc, đề cập đến các trại cải tạo người Duy Ngô Nhĩ mà Bắc Kinh thành lập ở Tân Cương, với câu hỏi : Quy mô chiến dịch đàn áp như thế nào ?

Trong mắt Le Figaro, những gì xẩy ra ở Tân Cương là một trong những mối quan ngại nghiêm trọng nhất liên quan đến quyền con người từ nhiều thập niên qua. Bài báo nhắc lại Trung Quốc đã gởi hàng trăm ngàn người, có khi ít ra một triệu người Hồi Giáo, chủ yếu là người Duy Ngô Nhĩ, đến các trại « cải tạo » tư tưởng, theo nhiều báo cáo của chuyên gia.

Những người từng bị gởi đến các trại đã mô tả cảnh tẩy não tại những nơi không khác gì nhà tù. Trước chỉ trích của phương Tây, Bắc Kinh đã bào chữa cho đấy chỉ là « trại tập huấn, dạy nghề » và những « thực tập sinh » tại đây sống rất tốt.

Le Figaro lưu ý rằng Bắc Kinh đã bị buộc phải đưa ra những lời cải chính sau khi có những hình ảnh vệ tinh về các trại, trong khi trước đó họ vẫn luôn chối cãi.

Trong giải thích của Bắc Kinh, những người đưa đến đây chỉ là để « học nghề, học tiếng Hoa, luật lệ Trung Quốc », để được giúp tìm việc làm. Họ được tôn trọng, sinh hoạt rất tốt, có đủ hoạt động thể thao, văn hóa. Mục tiêu, theo Bắc Kinh, là loại trừ mầm mống bạo lực.

Đài truyền hình Trung Quốc CCTV, cũng đã phổ biến hình ảnh một trung tâm với người Duy Ngô Nhĩ trong một cơ xưởng trước máy may. Đài truyền hình đã loại bỏ toàn bộ những yếu tố có thể gợi ra cảnh tượng một nhà tù.

Có điều là theo một tài liệu chính thức mà AFP có được, trung tâm đó đã đặt mua vào đầu năm 2.768 chiếc dùi cui, 1.367 bộ còng tay và 2.792 máy bắn hơi tiêu.

Dĩ nhiên là quốc tế đã gây sức ép yêu cầu Trung Quốc đóng các trại giam cầm này. Vấn đề người Duy Ngô Nhĩ đã được gắn thêm vào danh sách các vấn đề gây căng thẳng Mỹ-Trung, Nhà Trắng đã đưa ra trừng phạt đối vói lãnh đạo ở Tân Cương. Nhưng Le Figaro nhận thấy nhân danh ổn định ở Tân Cương, Trung Quốc có vẻ không muốn bỏ chương trình của mình.

Người Pháp quan ngại về những tiến bộ của Trung Quốc

Trong một bài khác, Le Figaro chú ý đến cảm nhận của người Pháp đối với Trung Quốc : họ vừa lo ngại trước các tiến bộ công nghệ của Trung Quốc, nhưng vừa bị mê hoặc.

Đây là kết quả một cuộc thăm dò sau hai thành công khoa học của Trung Quốc : Phi thuyền thăm dò Thường Nga - 4 đáp xuống mặt khuất của mặt trăng và một bức ảnh chụp từ trên không của Thượng Hải với độ phân giải kỷ lục.

Đã có 47% người được hỏi đánh giá là Trung Quốc tiến hơn nước Pháp trong lãnh vực kỹ thuật số và công nghệ. Chỉ có 19% là đánh giá ngược lại. Trong lúc đó, có đến 43% cảm nhận Trung Quốc như một mối đe dọa kinh tế đối với Pháp hơn là một cơ may, và 50% đánh giá tiêu cực đầu tư của Trung Quốc ở Pháp.

Chính phủ Pháp cũng rất nghi kỵ Trung Quốc. Bộ Tài Chính vừa có sắc lệnh vào đầu năm gia tăng việc bảo vệ các lãnh vực chiến lược trước đầu tư nước ngoài, và thêm vào danh sách lãnh vực thông minh nhân tạo và an ninh mạng.

Trong bài phân tích kèm theo kết quả thăm dò do viện Montaigne, Paris, thực hiện vào tháng 9/2018 mà kết quả vừa công bố, chuyên gia Philippe le Corre, nhận định là người Pháp rất chú ý đến những thông báo rầm rộ như việc mở trung tâm nghiên cứu của tập đoàn ZTE tại trung tâm Futuroscope ở Poitiers, hay khu công nghiệp Châteauroux, vùng Lorraine, nhưng trong thực tế, sau đó không thấy thực hiện gì.

Áo Vàng trên trang nhất các báo

Như đã nói ở trên, chủ đề Áo Vàng đã được hầu hết các báo đưa lên trang nhất, qua những lăng kính khác nhau.

Nhật báo thiên hữu Le Figaro đã đặc biệt chú ý đến khía cạnh trật tự trị an tiếp tục bị phong trào Áo Vàng đe dọa. Bên trên nền một tấm ảnh cho thấy bóng một nhân viên cảnh sát chống bạo động núp đằng sau tấm khiên chắn bằng nhựa trong, xa phía sau là những ngọn lửa bùng lên từ những thùng rác bị người biểu tình đốt cháy, tờ báo chạy tựa : « Áo Vàng : Bạo động trở lại, hành pháp tìm cách đối phó ».

Theo Le Figaro, sau khi tình hình căng thẳng trở lại vào hôm thứ Bảy tuần trước, tổng thống Pháp Macron đang nghĩ đến việc tăng cường các biện pháp kiểm tra an ninh nhắm vào các thành phần dữ dằn nhất của phong trào Áo Vàng. Trong bài xã luận cũng trên trang nhất, tờ báo đã nêu bật thái độ phẫn nộ trước tình trạng « Công quyền bị chà đạp ».

Libération, nhật báo thiên tả cũng dành một trong hai tựa lớn trên trang nhất cho phong trào Áo Vàng, nhưng chỉ nói đơn giản là « Áo Vàng : Sự tham gia đông đảo trở lại trong bối cảnh căng thẳng ». Tựa lớn thứ hai của tờ báo được dành cho một đề tài thời sự khác của Pháp, tiết lộ kết quả một cuộc điều tra độc quyền của Libération về « Các quan hệ bè bạn khả nghi của Benalla », cựu cộng sự viên của tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Nhật báo kinh tế Les Echos dĩ nhiên đã khai thác chủ đề Áo Vàng dưới khía cạnh kinh tế. Hàng tựa lớn trang nhất của tờ báo đề cập đến « Nghị trình cải cách (của chính phủ Pháp) bị những người Áo Vàng khuấy động ». Đối với tờ báo, cho dù bạo động trên đường phố đã vượt qua một ngưỡng mới vào thứ Bảy tuần trước, chính phủ Macron vẫn muốn duy trì hướng đi. Thế nhưng, thuế gia cư (taxe d’habitation) mà tổng thống Pháp từng chủ trương bãi bỏ, vẫn có thể được duy trì đối với những tầng lớp giàu nhất.

Phiên tòa xét xử một hồng y Pháp về tội bao che ấu dâm

Chủ đề Áo Vàng cũng được nhật báo Công Giáo La Croix nêu lên ở trang nhất dưới một tựa nhỏ : « Áo Vàng : Nỗi lo về một vòng xoáy bạo lực ». Tuy nhiên tựa quan trọng nhất ở trang nhất lại được dành cho một vấn đề thời sự nóng bỏng liên quan đến giáo hội Công Giáo Pháp : Phiên tòa xét xử hồng y Philippe Barbarin, mở ra từ hôm nay 07/01, tại tòa tiểu hình thành phố Lyon, miền nam nước Pháp.

Hồng y Barbarin, tổng giám mục Lyon, cùng với 6 người thân cận khác sẽ phải trả lời về tội danh « không tố cáo hành vi cưỡng bức tình dục trên trẻ vị thành niên » của một linh mục trong những năm 1970-1980. Trong số này có hai người còn bị buộc vào tội « không giúp đỡ người trong cơn nguy khốn ».

Báo Le Monde cũng dành một tựa chính trang nhất cho phiên tòa Barbarin, cho rằng đây là một sự kiện trong đó « Giới lãnh đạo Giáo hội đối mặt với các linh mục phạm tội ấu dâm ».

Theo Le Monde, cho dù các luật sư bên bị cáo sẽ nêu bật tính chất xưa cũ của vụ việc, xẩy ra từ những năm 1970-1980, để cho rằng thời hạn truy cứu đã hết, nhưng phiên tòa này là một sự kiện chưa từng thấy, do số lượng các chức sắc Công Giáo phải ra tòa, nhất là khi trong số này có những nhân vật cao cấp trong giáo hội : Ngoài hồng y Barbarin, còn có tổng giám mục giáo phận Auch và giám mục giáo phận Nevers.

Đối với Le Monde, khi nộp đơn tố cáo, 10 người trong số 70 nạn nhân của linh mục được bao che như muốn lên án thái độ của Giáo hội Công Giáo đã không làm gì trước tội lỗi của các linh mục phạm tội ấu dâm. Điều này lại càng nổi cộm khi một chức sắc Tòa Thánh Vatican, bị nêu tên trong đơn kiện, nhưng đã được Vatican che chở bằng quyền miễn trừ ngoại giao.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.