Vào nội dung chính
Tạp chí đặc biệt

Paris ngày lễ hội La Vie Parisienne

Đăng ngày:

2019 là năm nước Pháp kỷ niệm 200 năm ngày sinh nhạc sĩ Jacques Offenbach, người mở đường cho dòng ca nhạc kịch trào phúng opéra bouffe. Trong số hơn 100 vở ca nhạc kịch của ông, La Vie Parisienne là tác phẩm có sức cuốn hút xuất chúng, gắn liền Jacques Offenbach với Paris và nghệ thuật sân khấu, âm nhạc của Pháp.

Jacques Offenbach
Jacques Offenbach @wikipedia
Quảng cáo

Chúng ta đã quá quen thuộc với điệu múa French Cancan nẩy lửa trên sân khấu Moulin Rouge, nhưng có mấy ai biết được rằng cha đẻ của giai điệu cuốn hút ấy là "ông vua" ngự trị trong làng nhạc nhẹ Paris thế kỷ thứ 19, Jacques Offenbach ?

Trước khi trở thành xứ giả của Cối Xay Đỏ ở quận 18, Paris, hay được John Houston năm 1952, rồi Baz Luhrmann năm 2001 đưa lên màn ảnh lớn, điệu nhạc này đã hai lần xuất hiện trong các vở ca nhạc kịch Orphée aux Enfers (1858) và La Vie Parisienne (1866) của nhà soạn nhạc Offenbach.

Dòng ca nhạc kịch trào phúng

Jacques Offenbach (1819-1880), sinh ra tại thành phố Köln, niềm Tây nước Đức. Năm 14 tuổi, ông theo gia đình sang định cư tại Pháp, và mãi ngoài 40, khi đã rất nổi tiếng, ông mới chính thức "vào dân Tây".

Rất sớm, Jacques Offenbach luôn xem âm nhạc và kịch nghệ sân khấu là hai mặt của cùng một đồng tiền. Ông soạn vở opéra đầu tiên năm 20 tuổi. Nhưng đó không là dòng chính kịch như Cây Sáo Thần của Mozart hay chuyện tình Tristan và Iseut của Richard Wagner. Jacques Offenbach thiên về thể loại gọi là opéra bouffe, chịu ảnh hưởng của Ý, nơi những đoạn hát, nói xen kẽ với nhau.

Đây không hẳn là những vở kịch hài hước opéra comique, bởi ở thể loại này người ta có thể đề cập tới những chủ đề hết sức nghiêm túc dưới một lăng kính hài. Khác với tên gọi của nó, một vở kịch opéra comique không nhất thiết có một hồi kết theo kiểu "happy end".

Offenbach không giam mình trong dòng opérette -thường để kể những câu chuyện tình vẩn vơ- mà ông thiên về thể loại kịch trào phúng. Ở đây, ông kết hợp âm nhạc với nghệ thuật dàn dựng sân khấu, kịch nghệ và cả vũ điệu ballet để làm mê hoặc khán giả.

Thành công rực rỡ khi đã trên đỉnh cao danh vọng

Ngược dòng thời gian, trở về với buổi ra mắt công chúng Paris đầu tiên tại nhà hát Palais Royal ngày 31/10/1866, La Vie Parisienne thành công mỹ mãn.

Do chỉ là một nhạc sĩ, Offenbach đã cộng tác với hai nhà soạn kịch là Henri Meilhac và Ludovic Halévy. Bộ ba này trên đỉnh cao danh vọng, tiếng tăm lẫy lừng không chỉ ở Paris, mà cả tại những trung tâm văn hóa khác của của châu Âu như Vienne hay Berlin, với La Belle Hélène, người đẹp của thành Troie, hay Orphée aux Enfers, chàng Orphée xuống tận cùng địa ngục tìm vợ trong truyện thần thoại Hy Lạp.

Gần như suốt thập niên 60 thế kỷ thứ 19, tối nào, một tác phẩm của bộ ba Offenbach – Meilhac và Halévy cũng được biểu diễn tại ít nhất là một rạp hát tại Kinh Đô Ánh Sáng.

Tháng 10 năm 1866, Paris chuẩn bị tổ chức Triển Lãm Hoàn Cầu vào mùa Xuân năm 1867, với không dưới 5 triệu du khách ngoại quốc dừng chân ở Paris. Đây là cơ hội bằng vàng để rạp hát Palais Royal hốt bạc. Chủ nhà hát mời Offenbach, Meilhac và Halévy cộng tác và thế là họ nẩy sinh sáng kiến soạn một vở kịch về Paris, về du khách đua nhau đổ về Paris như những con thiêu thân, để được trông thấy ánh sáng đèn màu, để được sống và biết thế nào là La Vie Parisienne.

Những con thiêu thân nộp mình cho Paris

Một anh du khách người Brazil, vàng đầy túi, đến nộp mình cho Paris, nơi có vài trăm người bạn và bốn, năm người tình đang đợi chờ. Câu chuyện mở ra với cảnh hai anh chàng lãng mạn, đứng đợi người đẹp Matella tại sân ga : La Ligne de l'Ouest. Bobinet và Raoul de Gardefeu đợi người đẹp Matella, một cô gái làng chơi luôn sánh đôi với các ông nhà giàu. Matella xuất hiện bên cạnh một người đàn ông thứ ba. Quá thất vọng, Bobinet và Raoul tìm cách "trả thù". Raoul nhận lời làm hướng dẫn viên du lịch cho vợ chồng một nhà quý tộc Thụy Điển muốn khám phá "mọi hang cùng ngõ hẻm của Paris".

Nam tước Gondremarck muốn được tan chảy dưới làn thu ba của những người đẹp Paris … Còn phu nhân thì đến kinh đô văn hóa của thế giới để thưởng thức tiếng hát của những diva trên các sân khấu Paris…

Những bộ mặt của Kinh Đô Ánh Sáng

Với nền nhạc bay bổng, nhẹ nhàng này, Offenbach và hai người bạn văn của ông đã phác họa ra một Paris phù phiếm, nông nổi, hời hợt … Nhưng Paris trong vở La Vie Parisienne cũng là mái nhà của những người thợ đóng giầy, của cô gái may găng tay cho những nhà quý tộc hay trưởng giả, của những gia nhân đầy tớ muốn hóa thân thành những nhà quý tộc, hay những kiều nữ kiêu sa.

Trong buổi ra mắt công chúng đầu tiên, Henri Meilhac và Ludovic Halévy đã rất bồn chồn, lo lắng, bởi họ đã đưa ra một cái nhìn không khoan nhượng về những người giàu có, họ đã chế nhạo không ít những kẻ "học làm sang"…

Riêng Offenbach, ông rất vững tâm vì tin chắc vào "ma lực" của âm nhạc, vào tài diễn xuất và cách dàn dựng vở ca nhạc kịch La Vie Parisienne.

Quả như rằng, Jacques Offenbach bói không sai. Từ thái tử Anh, Prince de Galle, đến sa hoàng Nga và con trai, khi đến xem Triển Làm Hoàn Cầu Paris năm 1867, đều đã phải dừng chân tại rạp hát Palais Royal. Hoàng đế Pháp Napoléon III và hoàng hậu Eugénie cũng bị Offenbach thôi miên.

Vở kịch này được diễn 265 ngày liên tiếp từ buổi đầu được trình làng và trụ tại Palais Royal lâu đến nỗi, một nhà soạn kịch thời thượng bấy giờ là Labiche đã phải sốt ruột, vì cũng muốn diễn trên sân khấu của nhà hát này. Kể từ đầu năm 1867 La Vie Parisienne được dựng tại các nhà hát lớn của thành Vienne, của Berlin, tại New York hay Alger.

Thành công đó có được nhờ Offenbach nắm rõ được một bí quyết, đó là "xen kẽ rất nhiều những bản nhạc khác nhau, không quá dài, với những giai điệu vui nhộn và dễ nhớ (…) đó có thể là một bản rondeau, là điệu polka hay tyrolienne mang âm hưởng của miền đồng quê nước Áo… một bản song ca dịu dàng, lãng mạn hay một dàn đồng ca rộn ràng và lôi cuốn (…) Offenbach đã kết hợp tất cả những yếu tố đó một cách tài tình, làm mê hoặc khán giả"…

Thêm vào đó vở opéra bouffe này của bộ ba Offenbach, Meilhac và Halévy lại là một vở tuồng có hậu. Điệu nhạc mà sau này thường được gọi là French Cancan nhẹ nhàng, bay bổng, ngọt ngào như những giọt rượu champagne đã khiến người xem khi ra về chỉ còn giữ lại những hình ảnh Paris là một ngày lễ hội, Paris est une fête, biểu tượng của tình yêu, của đam mê hay những mộng mơ.

Chỉ ngần ấy thôi, Offenbach được mệnh danh là một "tượng đài" văn hóa của nước Pháp. Ông là một trong số đông đảo những người nhập cư đã làm rạng danh nước Pháp tựa như nhạc sĩ Chopin cùng thời, hay như danh họa Chagall sau này.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.