Vào nội dung chính
Tạp chí đặc biệt

Paris: Hòa âm ánh sáng-pháo hoa đón Năm 2019 trên đại lộ Champs-Elysées

Đăng ngày:

Paris đón năm mới 2019 với màn hòa âm ánh sáng và pháo hoa trên đại lộ Champs-Elysées ; Con hàu tam bội trên bàn tiệc cuối năm ; Người Pháp làm gì khi thất vọng với quà Noël ? Ông già Noël được đào tạo bài bản ở Brazil là những chủ đề chính của tạp chí Thế Giới Đó Đây, số cuối năm 2018.

Đoàn người tham gia "Carabalade" hóa trang thành ông già Noël đi qua đại lộ Champs-Elysées, Paris, ngày 20/12/2018.
Đoàn người tham gia "Carabalade" hóa trang thành ông già Noël đi qua đại lộ Champs-Elysées, Paris, ngày 20/12/2018. REUTERS/Charles Platiau
Quảng cáo

Paris: Hòa âm ánh sáng-pháo hoa đón Năm 2019 trên đại lộ Champs-Elysées

Tạm gác qua một bên những chia rẽ, rối loạn trong những ngày cuối năm 2018 vì phong trào Áo Vàng, Paris trở lại làm trung tâm của những ngày hội, đặc biệt trên đại lộ Champs-Elysées và Khải Hoàn Môn (Arc de Triomphe).

Paris không muốn im hơi lặng tiếng so với hoạt động sôi nổi đón năm mới được tổ chức ở một số thành phố lớn trên thế giới như thời khắc đếm ngược thời gian trên Quảng Trường Thời đại (Times Square) ở New York hay màn pháo hoa rực rỡ ở Sydney… Từ 5 năm nay, Kinh đô Ánh Sáng tổ chức màn hòa âm ánh sáng mà nhân vật chính là Khải Hoàn Môn và bắn pháo hoa đúng thời khắc chuyển sang năm mới.

Chương trình tối giao thừa 31/12/2018 mang chủ đề « Fraternité » (Bác ái) với hy vọng an bình và tình yêu đến với người dân Pháp, với mọi người. Từ 23h20 đến 23h40, một chiếc đồng hồ đèn néon chiếu trên Khải Hoàn Môn sẽ nhịp theo thời gian trôi và mở màn cho buổi hòa âm ánh sáng đầu tiên, kéo dài 20 phút, điểm lại những cột mốc chính liên quan đến hai sự kiện quan trọng : Tuyên ngôn Nhân Quyền và Dân quyền của Pháp tròn 230 năm (1789) và Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền tròn 70 năm (được 58 thành viên Liên Hiệp Quốc thông qua ngày 10/12/1948).

Màn chiếu thứ hai về « Bác ái », bắt đầu lúc 23h40, lần lượt với các chủ đề : Paris - thành phố đa sắc tộc, cởi mở với bên ngoài, chung sống, tôn trọng môi trường, đoàn kết, cuộc chiến chống kỳ thị, thể thao, hội hè và 2019 - Một Paris Bác ái. Cuối cùng là màn đếm ngược thời gian và pháo hoa đón chào năm mới. Dù không quen biết, nhưng những người có mặt trên đại lộ có thể ôm hôn nhau, mời nhau ly sâm banh vào thời khắc đầu năm.

Không khí Giáng Sinh vẫn trùm trên đại lộ đẹp nhất thế giới với hai hàng cây dọc đại lộ được giăng đèn từ ngày 22/11/2018 đến hết ngày 09/01/2019. Đây là năm đầu tiên, hệ thống đèn mới « Flamboyance» (Rực rỡ) thay thế cho hệ thống đèn « Scintillance » (Lấp lánh) có từ năm 2014.

Hàu tam bội trên bàn tiệc cuối năm

Con hàu là món ăn không thể thiếu trên bàn tiệc những ngày lễ cuối năm vì theo truyền thống Pháp, những tháng kết thúc bằng « re » (septembre, octobre, novembre, décembre, lần lượt là tháng 09, 10, 11, 12) là thời điểm lý tưởng để ăn hàu và con vẹm (moule). Tuy nhiên, tại Pháp, gần một nửa lượng hàu bán ra trong dịp cuối năm là hàu được nhân giống trong phòng thí nghiệm, nhờ công nghệ tứ bội.

Tại sao hàu nhân tạo ngày càng được tiêu thụ nhiều ? Phóng sự ngày 26/12/2018 của đài truyền hình LCI giải thích :

« Loài hàu tam bội không có khả năng sinh sản và điều này tạo hai lợi ích quan trọng : Có thể ăn hàu quanh năm vì chúng không sinh sản ; Vì chúng không tiêu tốn năng lượng để sinh sản nên chúng lớn nhanh hơn rất nhiều.

Một nhà nuôi hàu ở vùng Arcachon (tây nam Pháp) cho biết : « Nuôi giống hàu bình thường cần đến ba năm để đạt cỡ 3 - mức trung bình, trong khi giống hàu tam bội chỉ cần hai năm ».

Hàu tam bội kín đáo len vào mâm hải sản của khách hàng, thậm chí ngay cả nhiều người làm trong nghề cũng khó nhận ra sự khác nhau giữa hai loại. Nhà nuôi hàu ở Arcachon giải thích : « Tôi chỉ có thể nhận ra được một chút vì loài hàu tam bội to hơn nhiều và có vị ngọt hơn, ngoài ra, tôi không thấy sự khác biệt nào khác ».

Vậy hàu tam bội này được sản xuất thế nào ? Giống hàu này có được nhờ công nghệ tứ bội nhằm tạo ra một con hàu đực có 4 cặp nhiễm sắc thể, thay vì hai cặp, sau đó cho thụ tinh với trứng đơn bội của hàu lưỡng bội tự nhiên. Nhờ đó, người ta tạo ra được giống hàu có ba cặp nhiễm sắc thể, được gọi là hàu tam bội và không có khả năng sinh sản. Mỗi một con đực tứ bội giống có khả năng sinh sản hàng triệu con hàu khác ».

Giá bán mỗi một con hàu đực giống vào khoảng 1.000 euro, thậm chí chúng được cài thêm một con chíp theo dõi trên vỏ trước khi đưa đến trại nuôi cấy. Theo các nhà khoa học, hàu tam bội không phải là một sản phẩm biến đổi gen vì con người chỉ thay đổi số lượng nhiễm sắc thể, còn bản chất gen không bị biến đổi.

Tổng cục Cạnh tranh, Tiêu dùng và Trấn áp gian lận Pháp (DGCCRF) khẳng định loài hàu nhân tạo không gây nguy hiểm cho sức khỏe của con người. Tuy nhiên, giới nuôi hàu truyền thống vẫn nghi ngờ và yêu cầu ghi rõ nguồn gốc của hàu vì cả hai loại, nhân tạo và tự nhiên, được bán trộn lẫn trên thị trường. Vì vậy, Luật mới của Pháp về an toàn thực phẩm quy định kể từ năm 2023, nguồn gốc những con hàu nhân tạo sẽ phải được ghi trên bao bì.

Người Pháp làm gì khi thất vọng với quà Noël ?

Quan trọng như bữa tiệc dịp lễ cuối năm là những món quà, thế nhưng, 61% người Pháp thất vọng vì món quà Noël được tặng. Từ quần áo, sách-truyện đến đồ chơi, vừa mở quà, họ đã nghĩ ngay đến việc đăng bán trên internet. Hơn 300 triệu tiền quà Noël sẽ được giao dịch trên các trang bán hàng trực tuyến. Riêng trang Ebay đã nhận khoảng 800.000 quảng cáo mới chỉ trong hai ngày 25-26/12, cao hơn 13% so với năm 2017, và khoảng 3 triệu sản phẩm sẽ được giao bán từ giờ đến ngày 03/01/2019.

Vậy tại sao lại có nhiều người muốn bán lại quà đến như vậy ? Nhà báo Anaïs Bouïtcha của đài truyền hình BFM TV giải thích :

« Ngày nay, một món quà không còn mang ý nghĩa biểu tượng nữa, niềm vui tặng và nhận quà bị quên lãng. Chúng ta muốn những món đồ có ích dưới gốc cây thông. Hơn một nửa người dân Pháp bán lại quà cho biết là họ không cần đến những món quà đó.

Dù bán lại quà trở nên phổ biến và hàng năm người ta nói đến nhiều hơn, nhưng cách này vẫn khó được chấp nhận. Hơn 1/3 người dân Pháp sẽ phật lòng hoặc buồn vì món quà mà họ tặng cuối cùng nằm trên trang bán hàng trực tuyến ».

Để bớt bị cắn rứt lương tâm vì bán lại quà trên internet, một số người thích trao đổi để có được món đồ họ cần.

« Đổi một món đồ có cùng giá trị cũng là cách để tránh lãng phí. Ví dụ họ có thể đổi đồ trang trí, quần áo, sách-truyện lấy những món đồ có cùng giá trị mà họ cần. Hoạt động trao đổi quà đã nhộn nhịp ngay từ ngày 25/12 ở nhiều thành phố, như Paris, hoặc trên internet. Ngoài ra, một số quán bar cũng đứng ra làm trung gian trao đổi những món quà không cần đến ».

Cho thuê đồ dùng không cần thiết là cách ưa chuộng của một số người không nỡ bán hay đổi quà được tặng. Ngay chiều 25/12 đã có hơn 10.000 quảng cáo cho thuê đồ trên trang E-loue Express. Theo ông Alexandre Woog, giám đốc của website này, « con số trên tăng gần gấp ba lần so với cùng thời điểm năm 2017. Rất nhiều người Pháp cho thuê quà Giáng Sinh, và đây cũng là giải pháp đơn giản giúp họ tăng thêm chút thu nhập ».

Brazil : Trường đào tạo làm Ông già Noël

Dưới cái nóng gần 40°C ở Rio de Janeiro (Brazil), nhiều ông già Noël vẫn xúng xính trong bộ trang phục đỏ đi phát quà. Rất nhiều người trong số họ được đào tạo bài bản ở một cơ sở hoạt động từ 20 năm nay. Từ khi được thành lập, trường đã đào tạo hơn 700 người chuyên nhận thư xin quà của trẻ em tại các trung tâm thương mại và sau đó là chuyển quà cho các em vào tối Giáng Sinh.

Theo thông tín viên RFI Sarah Cozzolino, nhờ công việc này, nhiều người nghỉ hưu vẫn tiếp tục làm việc, được tiếp xúc với trẻ nhỏ, và là một giải pháp cho cuộc khủng hoảng kinh tế.

« Bộ râu trắng xóa, trang phục hai mầu đỏ-trắng, có khoảng 40 ông già Noël đang tập lại những ca khúc Giáng Sinh trong một lớp học nhỏ. Trong số họ có ông Carlos Paes, 84 tuổi, có thâm niên 7 năm làm ông già Noël :

« Tôi yêu ông già Noël và bị thu hút từ hồi bé. Vì thế, tôi biết rằng một ngày nào đó tôi sẽ trở thành ông già Noël và hiện giờ tôi đang làm việc này. Tôi thấy rất hạnh phúc, tôi thích truyền lại cho trẻ nhỏ tâm trạng này, tặng những món quà cho các cháu. Đây là một món quà đối với tôi ».

Để được tuyển làm ông già Noël trong các trung tâm thương mại của thành phố, học viên được tham gia các buổi học hát, cách ứng khẩu, chăm sóc cho bộ râu… Tất cả đều hoàn toàn miễn phí.

Ông Limachem Cherem, 62 tuổi, là người thành lập ngôi trường này cách đây hơn 20 năm, cho biết : « Ngoài việc tạo việc làm cho những người này, chúng tôi tìm cách giúp họ thoát khỏi những lo âu bộn bề. Ở đây, mọi người thường gần đến tuổi nghỉ hưu, tầm 55, 60 tuổi, và họ ở nhà, chẳng làm gì cả. Vì vậy, với ngôi trường này, họ trở lại thị trường lao động và có thêm chút thu nhập ».

Trong khi lương hưu hàng tháng ở Brazil chỉ vào khoảng 950 reais (khoảng 220 euro), các ông già Noël có thể kiếm được gấp 5 đến 15 lần khoản tiền trên tùy theo trung tâm thương mại nơi họ làm việc. Nhờ đó, họ có thể dễ thở hơn một chút và mua quà Giáng Sinh cho con cháu ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.