Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Pháp: Tăng trưởng, nạn nhân của phe Áo Vàng

Đăng ngày:

Hàng chục tỷ euro không cánh mà bay sau bốn tuần lễ biểu tình của phong trào Áo Vàng, làm tê liệt một phần các hoạt động kinh tế Pháp vào mùa cao điểm nhất trong năm. Nhưng đó mới chỉ là "bề nổi của tảng băng".

Quang cảnh tan hoang trên đại lộ Champs-Elysées sau cuộc biểu tình và các màn bạo động của phe Áo Vàng ngày 25/11/2018.
Quang cảnh tan hoang trên đại lộ Champs-Elysées sau cuộc biểu tình và các màn bạo động của phe Áo Vàng ngày 25/11/2018. REUTERS/Benoit Tessier
Quảng cáo

Bộ Kinh Tế Pháp ngày 10/12/2018 hạ dự báo tăng trưởng do phong trào Áo Vàng làm xáo trộn các hoạt động trên toàn quốc. Nhiều hoạt động mua bán vào dịp lễ, Tết cuối năm bị chựng lại từ ngày 17/11/2018, ngày biểu tình đầu tiên của phe Áo Vàng.

Tiếp theo đó là những hình ảnh bạo động - Paris trong khói lửa trên đại lộ Champs - Elysées, tràn ngập các đài truyền hình quốc tế. Bất ổn về chính sách kinh tế, tài chính thuế khóa của Pháp gây lo ngại cho các nhà đầu tư quốc tế muốn đến Pháp hoạt động.

Từ đầu năm tới nay, Ngân hàng Trung ương Pháp đã hai lần giảm dự phóng tăng trưởng. Lần thứ nhất là sau đợt đình công đứt quãng trải dài trong 8 tuần lễ của một bộ phận nhân viên ngành xe lửa (từ cuối tháng 4 đến cuối tháng 6/2018) và lần này là từ khi kinh tế bị tê liệt vì các cuộc xuống đường trong 4 ngày Thứ Bảy liên tiếp của những người Áo Vàng ban đầu đòi giảm thuế xăng dầu, rồi chuyển sang chống sưu cao thuế nặng, đòi tăng mãi lực cho người dân.

Theo nghiên cứu của Ngân hàng Trung ương Pháp, GDP trong quý 4/2018 tăng 0,2% thay vì 0,4% như dự báo hồi mùa hè vừa qua, và thấp hơn rất nhiều so với mức 0,8% như đã dự phóng hồi đầu năm.

"10 tỷ không cánh mà bay"

Trả lời đài RFI, Daniel Gérino thuộc văn phòng tư vấn Carlton Selection lo ngại về hình ảnh của nước Pháp về lâu dài trong mắt các nhà đầu tư quốc tế.

"Người Áo Vàng đưa ra một hình ảnh về nước Pháp không hay đối với các nhà đầu tư quốc tế. Ở đây đặt ra vấn đề về sức hấp dẫn của Pháp nói chung, của Paris nói riêng, nhất là vào thời điểm Paris đang muốn thay thế Luân Đôn trở thành trung tâm tài chính châu Âu.

Về câu hỏi tình hình này có làm chựng lại tăng trưởng hay không, tôi nghĩ, trước mắt câu trả lời là không bởi vì, người biểu tình tập hợp vào ngày Thứ Bảy hàng tuần, khiến các hoạt động kinh tế bị tê liệt. Nhưng trong tuần, tức là từ Thứ Hai đến Thứ Sáu, may thay là sinh hoạt vẫn bình thường. Tác động đối với kinh tế là có, nhưng trước mắt, ảnh hưởng chưa đến nỗi quá nghiêm trọng với điều kiện là trật tự phải được tái lập.

Dù vậy về mặt tâm lý, các đợt biểu tình và đập phá vừa qua vô cùng tai hại. Hơn nữa, việc chính phủ phải nhượng bộ khiến một số các nhà đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài muốn đến Pháp làm ăn hoài nghi. Tình trạng bất ổn không thuận lợi chút nào cho các dự án sắp tới".

Trước mắt, lãnh đạo hiệp hội của giới chủ tại Pháp, Geoffroy Roux de Bézieux nói đến một khoản thất thu "10 tỷ euro". Thăm dò do tổ chức đại diện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Pháp thực hiện trong tuần lễ thứ nhất của tháng 12 cho thấy : 62% những người được hỏi ghi nhận "phong trào Áo Vàng đè nặng" lên các hoạt động của doanh nghiệp trên toàn quốc và 30% trong số những người được hỏi lo ngại cho sự tồn tại của doanh nghiệp nếu phong trào phản kháng này kéo dài.

Mười lăm ngày trước lễ Giáng Sinh, số lượng khách lui tới các cửa hàng lớn ở Paris, các trung tâm thương mại tại các thành phố lớn đã giảm mạnh. Một cửa hàng nổi tiếng trên đại lộ Haussmann là Printemps thông báo sau hai ngày thứ Bảy phải đóng cửa, doanh thu giảm 30%.

Cuối năm cũng là mùa cao điểm của ngành du lịch, các chuỗi nhà hàng, khách sạn trong tâm trạng lo âu. Một nhà quản trị thuộc chuỗi khách sạn Marriott trên đại lộ Champs Elysées chia sẻ lo ngại với phóng viên của đài RFI David Baché :

"Khối lượng đặt phòng ở khách sạn chúng tôi không bị chựng lại ngay lập tức sau đợt bạo động đầu tiên, nhưng mưa dầm thấm lâu : trong những ngày qua các hoạt động đã giảm hẳn và đã có khoảng từ 5 đến 6% khách hàng hủy đơn đặt phòng cho đến hết tháng 12 này. Nhưng nếu bạo động còn kéo dài, số phòng bị hủy còn tệ hơn thế nữa, nhất là đối với khách sạn của chúng tôi, cuối năm là thời kỳ cao điểm, là lúc có nhiều khách nước ngoài đến Paris".

Cũng trong khu vực tam giác vàng của thủ đô Paris gần Khải Hoàn Môn, khách sạn 4 sao Cristal trên đường Washington sát với Champs Elysées cho biết nội trong tháng này, "12% đơn đặt phòng đã bị hủy vì khách không cảm thấy an toàn tại nơi mà họ đã trông thấy khói lửa và cảnh sát phải giải tán người biểu tình bằng hơi cay".

13 tỷ thiệt hại của ngành thực phẩm

Nhưng cấp bách hơn hết là đối với ngành lương thực thực phẩm. Nhiều hãng xưởng, kho hàng bị phong tỏa, hàng bị tồn đọng. Nghiệp đoàn công nghiệp thực phẩm ANIA nói đến những thiệt hại "không thể đảo ngược". Thực phẩm bị hư, dây chuyền sản xuất và phân phối bị rối loạn. Hơn 200 công ty trong ngành đã yêu cầu chính phủ trợ giúp. Khoản thất thu lên tới 13 tỷ euro.

Kèm theo vấn đề trong hệ thống phân phối là hoàn cảnh của những người lao động theo thời vụ. Nhiều hợp đồng tuyển dụng nhân viên phục vụ trong mùa Giáng Sinh và Tết Dương lịch đã bị hủy bỏ. Bộ Lao động Pháp cho biết 19.000 người bị vạ lây và giới chủ đã hủy 300.000 giờ lao động bán thời gian. Nói cách khác, số người này năm nay coi như "không có Tết".

Nhưng ngoài những khoản thiệt hại lên tới hàng chục tỷ vừa nêu, còn phải kể đến những bước nhượng bộ của chính phủ, những biện pháp gọi là mang tính "chữa cháy".

Những biện pháp xoa dịu công luận

Sau gần bốn tuần lễ từ khi phong trào Áo Vàng bùng phát, chính phủ đã thay đổi hẳn lập trường. Hai tuần trước tổng thống Macron tuyên bố "kiên định" cải tổ. Nhưng áp lực của đường phố đã không ngừng gia tăng, khi những người Áo Vàng nói tới "hồi III, IV và có thể là hồi thứ V" của phong trào.

Chính phủ trở về điểm khởi đầu là bất mãn thuế xăng dầu tăng cao, sưu cao thuế nặng, bào mỏng mãi lực của một bộ phận dân Pháp. Hành pháp tìm cách "dập tắt đám cháy" bằng nhiều ngả.

Một là thông báo hoãn, rồi hủy bỏ hẳn thuế xăng dầu trên toàn quốc trong năm 2019. Kèm theo đó ngưng tăng giá điện và khí đốt cho tới cuối tháng 3/2019. Hai là bơm thêm mãi lực cho các hộ gia đình.

Để làm được việc này, một mặt chính phủ kêu gọi các doanh nghiệp tiếp tay, bằng cách ứng trước cho nhân viên một khoản tiền thưởng đặc biệt vào dịp cuối năm. Số tiền này sẽ không bị chính phủ đánh thuế.

Mặt khác tổng thống Macron thông báo tăng lương tối thiểu 100 euro một tháng kể từ năm tới. Song song với việc tăng mức lương tối thiểu cho người lao động, chính phủ sẽ giảm một phần các khoản đóng góp cho quỹ an sinh xã hội đè nặng lên túi tiền của các hộ gia đình có thu nhập thấp. Dưới góc độ này, chính quyền thỏa mãn phần nào đòi hỏi của những người Áo Vàng.

Thêm 15 tỷ euro đè nặng lên ngân sách Nhà nước

Các biện pháp đó có thuyết phục những thành phần bất mãn hay không ? Còn quá sớm để có được câu trả lời. Dù vậy ba yếu tố trước mắt cho thấy chính phủ Pháp đang đứng trước một cuộc khủng hoảng vô tiền khoáng hậu.

Thứ nhất phe Áo Vàng là một phong trào tự phát, không có lãnh đạo, không có tổ chức, không thuộc một đảng phái chính trị nào. Như vậy rất khó để đàm phán với phe Áo Vàng, bởi mỗi người một ý, những đòi hỏi ban đầu ngày càng được mở rộng mãi ra.

Yếu tố thứ nhì là các biện pháp cấp tốc được ban hành để xoa dịu công luận khá tốn kém mà chưa biết Nhà nước sẽ cáng đáng bằng cách nào và hiệu quả thì cũng chưa rõ sẽ ra sao.

Chính phủ thông báo tăng 100 euro hàng tháng cho những người lãnh lương tối thiểu SMIC ở Pháp. Biện pháp này còn rất mù mờ. Nếu được áp dụng như vậy thì sẽ là gánh nặng đối với giới chủ, cho dù tổng thống Macron có hứa sẽ không để các doanh nghiệp phải "tốn thêm một xu".

Paris liệu có phép lạ nào để thực hiện cam kết đó ? Khi biết rằng, ở Pháp có khoảng 2 triệu người lãnh lương tối thiểu. Tăng lương tối thiểu liệu có là giải pháp tạo thêm công việc làm cho 10% dân số Pháp trong tuổi lao động đang thất nghiệp hay không ? Về điểm này các chuyên gia liên tục tranh cãi từ hàng chục năm qua mà vẫn chưa thể giải đáp một cách thỏa đáng.

Paris cũng thông báo giảm mức đóng góp cho quỹ an sinh xã hội CSG cho người về hưu có thu nhập thấp, nhưng để bảo đảm cân bằng cán cân chi - thu, hành pháp sẽ lấy gì để lấp vào chỗ trống đó ?

Bài toán nan giải không kém sau khi chính phủ thông báo hủy kế hoạch tăng thuế xăng dầu cho cả năm tới. Thế nhưng, biện pháp này để lại một lỗ hổng ước tính trên dưới 4 tỷ euro trong ngân sách của nhà nước. Chưa kể là thuế xăng dầu được lập ra để tài trợ cho công trình chuyển đổi năng lượng, giới hạn khí thải cacbon làm hâm nóng trái đất. Xóa bỏ thuế xăng dầu, coi như chính phủ tạm gác lại tham vọng về năng lượng sạch.

Sau cùng việc huy động các doanh nghiệp tiếp tay với chính phủ tăng lương và cấp tiền thưởng cuối năm nhằm xoa dịu công phẫn trong một phần dân Pháp chỉ là một ngõ thoát nhất thời. Liệu các doanh nghiệp Pháp đã thực sự phục hồi sau nhiều năm khủng hoảng hay chưa để tăng lương cho nhân viên thay vì đầu tư để phát triển doanh nghiệp ?

Ngoài ba khó khăn vừa nêu, chính phủ Pháp còn bị các quy định của châu Âu trói tay : Bruxelles đòi các thành viên trong Liên Hiệp Châu Âu và nhất là trong khối euro phải tuân thủ các tiêu chuẩn về mức nợ công và thâm hụt ngân sách.

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu như Pháp phá rào ? Hay Paris phải đi vay tín dụng với lãi suất cao hơn ? Thêm vào đó các doanh nghiệp nước ngoài sẽ đánh giá thế nào về khả năng cải tổ của nước Pháp, khi biết rằng, có những đạo luật mới chỉ được thông qua vào tháng 10/2018 đã bị đe dọa khai tử ?

Tất cả những vấn đề đó đều không được người Áo Vàng quan tâm.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.