Vào nội dung chính
PHÁP - QUỐC TẾ - XÃ HỘI

Nhiều nước khai thác khủng hoảng Áo Vàng tại Pháp làm suy yếu TT Macron

Từ tổng thống Mỹ đến lãnh đạo các các đảng dân túy châu Âu xem cuộc nổi dậy của phong trào Áo Vàng tại Pháp là thất bại của chủ trương toàn cầu hóa. Thổ Nhĩ Kỳ và Nga mượn"cuộc nổi dậy" tại Pháp lần này để biện minh cho chính sách đàn áp mọi tiếng nói đối lập.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gặp đại diện các hiệp hội thương mại, dân biểu địa phương tại điện Elysée ngày 10/12/2018.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gặp đại diện các hiệp hội thương mại, dân biểu địa phương tại điện Elysée ngày 10/12/2018. Yoan Valat/Pool via REUTERS
Quảng cáo

Trong mắt những đối thủ của Emmanuel Macron trên trường quốc tế, tổng thống Pháp đánh mất hào quang với khủng hoảng Áo Vàng.

Từ Washington, Donald Trump qua những tin nhắn trên Twitter như đang hả dạ trước những khó khăn của "ông bạn" Macron. Nguyên thủ Mỹ chia sẻ trên mạng xã hội Twitter "một ngày và một đêm đáng buồn cho Paris" khi bình luận về bạo động tại thủ đô nước Pháp trong ngày thứ Bảy 08/12. Nhà Trắng khuyên chủ nhân điện Elysée "có lẽ nên chấm dứt thỏa thuận khí hậu Paris, lố bịch và rất tốn kém, nên giảm thuế để hoàn lại tiền cho người dân".

Emmanuel Macron là một vị lãnh đạo trẻ tuổi, được thế giới ngưỡng mộ như biểu tượng của phe cấp tiến. Ngược lại, chính sách bảo hộ và chủ trương nước Mỹ trên hết của ông Trump bị cả thế giới đả kích. Nhưng phong trào Áo Vàng đang đạp đổ hình ảnh đó.

Theo giới phân tích, khủng hoảng Áo Vàng tại Pháp là "cơ hội để Trump trả thù". Chủ nhân Nhà Trắng bị chỉ trích "đổ thêm dầu vào lửa". Paris bực mình vì thái độ của đồng minh "thân thiết" "truyền thống" này đến nỗi, ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian phải nhắc nhở Washington đừng xen vào công chuyện nội bộ của nước Pháp.

Tại Matxcơva, các phương tiện truyền thông thân cận với điện Kremlin xem các cuộc xuống đường liên tiếp tại Pháp từ bốn tuần qua là một cuộc "cách mạng màu" do Hoa Kỳ giật dây. Vẫn theo giải thích của báo chí Nga, Mỹ muốn trả thù Pháp về sáng kiến thành lập một lực lượng phòng thủ chung châu Âu. Mặt khác, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Nga, bà Maria Zakharova, mỉa mai kêu gọi Paris "tránh sử dụng vũ lực quá đáng để tuân thủ những giá trị chung trong tinh thần nhân văn".

Tại Ankara, tổng thống Erdogan cũng hài lòng không kém. Thường xuyên bị Pháp chỉ trích vi phạm các quyền tự do cơ bản, Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, trước cảnh tượng "hỗn loạn trên đường phố, xe cộ bị đốt phá, cửa hàng bị tấn công, cảnh sát trả đũa bằng bạo lực chống lại người biểu tình". Phát biểu này như thể biện minh cho chính sách đàn áp đối lập của Ankara.

Ngay bản thân các đối tác trong Liên Hiệp Châu Âu của Pháp cũng không bỏ lỡ cơ hội tấn thêm vài đòn vào Emmanuel Macron. Bộ trưởng Nội Vụ, kiêm phó thủ tướng Ý thuộc phong trào cựu hữu, Matteo Salvini, coi cuộc nổi dậy của phe Áo Vàng là thắng lợi : Phe cấp tiến gục ngã trước làn sóng dân tộc chủ nghĩa. Thủ tướng Áo, Sebastian Kurz, nhã nhặn hơn khi bình luận : "May mắn thay, trong bối cảnh nhiễu nhương hiện nay, Vienna là một ốc đảo bình yên".

Riêng chỉ có Bruxelles đang lo ngại trước hoàn cảnh khó khăn của nguyên thủ Pháp. Thứ nhất, việc tổng thống Macron phải lùi bước, nhượng bộ đường phố về mặt thuế khóa có nguy cơ đào sâu thêm thâm hụt ngân sách của Pháp. Hiệp ước ổn định châu Âu qua đó bị đe dọa. Thứ hai là chương trình cải tổ châu Âu của Paris nhằm đem lại một làn gió mới cho Liên Âu càng thêm suy yếu, trong bối cảnh Anh Quốc chuẩn bị rời châu Âu, phong trào dân túy tại Đức ngày càng lớn mạnh, còn đảng cựu hữu với chủ trương bài ngoại đã lên cầm quyền tại Ý và Áo. Châu Âu thì sắp bầu lại Nghị viện vào tháng 5/2019.

Với bản thân nước Pháp, phong trào Áo Vàng đang làm sáo trộn các hoạt động kinh tế vào cuối năm. Tổng thống Emmanuel Macron trong thế tiến thoái lưỡng nan. Pháp bị chỉ trích là quốc gia có mức thuế khóa cao nhất thế giới, và đấy là nguyên nhân ban đầu đẩy người Áo Vàng xuống đường. Nhưng cũng nhờ vào những khoản đóng góp đó mà nước Pháp có được hệ thống giáo dục, y tế, an sinh xã hội được coi là vào bậc nhất.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.