Vào nội dung chính
PHÁP - XÃ HỘI

Khủng hoảng "Áo Vàng": TT Pháp phải chạy đua với thời gian

Trong vòng ít tuần lễ, phong trào đòi giảm giá xăng dầu, thoạt tiên chỉ có vài chục nghìn người tham gia, bất ngờ trở thành khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất ở Pháp trong vòng nhiều thập niên trở lại đây. Trước viễn cảnh những người Áo Vàng tiếp tục tuần hành lần thứ tư, thứ Bảy 08/12/2018, tại Paris, nhiều nhà quan sát cảnh báo nguyên thủ Pháp phải có quyết định đúng trong những giờ tới, trước khi quá trễ.

Tổng thống Emmanuel Macron và thủ tướng Edouard Philippe trong cuộc họp khẩn cấp ngày 02/12/2018
Tổng thống Emmanuel Macron và thủ tướng Edouard Philippe trong cuộc họp khẩn cấp ngày 02/12/2018 STEPHANE MAHE / POOL / AFP
Quảng cáo

Phong trào chống thuế carbon đánh vào xăng dầu lan rộng tại Pháp - nhưng tiêu điểm là các cuộc tuần hành ngày thứ Bảy hàng tuần tại thủ đô Paris, bắt đầu từ ngày 17/11/2018, kèm theo bạo động dữ dội bên lề - đặt chính quyền Macron trước áp lực phải hành động khẩn cấp. Nếu các giải pháp chính phủ đưa ra không được chấp thuận, cuộc tuần hành thứ Bảy tới tại Paris, cùng nhiều biện pháp phản kháng mới, dự báo sẽ để lại những tổn thất vô cùng lớn cho xã hội, đe dọa tính chính đáng của tổng thống - mà uy tín đang xuống thấp chưa từng có, sau 18 tháng cầm quyền.

Hôm qua thứ Hai 3/12, chính quyền Pháp đã quyết định không ban bố tình trạng khẩn cấp, cho dù nhiều cuộc biểu tình Áo Vàng cho đến nay, đã không tuân thủ các quy định pháp lý. Chính phủ cũng đồng thời tìm cách thương lượng với các đảng phái chính trị, nghiệp đoàn, để tìm giải pháp. Thế nhưng, phản ứng được đánh giá là « quá chậm trễ » của tổng thống Macron, trước một số đòi hỏi được đông đảo người dân Pháp xem là chính đáng, đang ngày càng đặt chính quyền trước áp lực phải có được giải pháp đúng, ngay trong thời hạn vài ngày tới.

Càng phản ứng chậm, giá trả càng cao

Càng phản ứng chậm, giá phải trả sẽ càng cao. Hôm nay, thứ Ba 4/12, thủ tướng Edouard Philippe tuyên bố chính phủ sẽ đình chỉ việc tăng thuế xăng dầu, yêu sách chủ yếu mà phong trào Áo Vàng nêu ra từ cuối tháng 10/2018. Chính phủ hy vọng biện pháp này sẽ giúp tháo gỡ ngòi nổ, giải tỏa được lý do căn bản khiến hàng triệu người dân Pháp tức giận. Thế nhưng, trong hiện tại chưa có gì cho thấy đề xuất này có thể khiến phong trào Áo Vàng sẽ không tiếp tục xuống đường ngày thứ Bảy tới.

Cuộc họp dự kiến hôm nay - giữa thủ tướng và các đại diện của một nhóm những người Áo Vàng tự nhận là « ôn hòa », lo lắng cho tình hình đất nước - rốt cuộc cũng đã không diễn ra, do nhiều người trong nhóm bị « đe dọa sát hại ». Phong trào Áo Vàng thoạt tiên chỉ có mục tiêu chống lại việc tăng thuế xăng dầu bất hợp lý, mà nạn nhân trước hết là những người thu nhập thấp ở các vùng ngoại vi, nơi xe hơi là phương tiện đi lại duy nhất. Với thời gian, phong trào này đã trở thành một làn sóng phản kháng xã hội rộng lớn, đòi hỏi hàng loạt mục tiêu hết sức khác biệt, thậm chí « không tưởng ». Từ đòi chính phủ tăng lương tối thiểu, tăng đầu tư cho các dịch vụ xã hội, đến giải tán Quốc Hội, tổng thống từ chức, cử quân đội lên lãnh đạo…

Phản ứng càng chậm, chính phủ Pháp sẽ càng phải đối mặt với một phong trào ngày càng rộng lớn, với các yêu sách ngày càng quyết liệt hơn, thậm chí hết sức mâu thuẫn, trong lúc bản thân phong trào cho đến nay đã không hề có được các đại diện được ủy nhiệm để thương lượng với chính phủ. Cuộc đối đầu giữa một chính phủ - vốn được coi là ít có năng lực đối thoại với dân chúng - với một phong trào phản kháng muôn hình, muôn vẻ, « không người đại diện », khó hứa hẹn điều gì tốt lành, một kết thúc có hậu, một thỏa hiệp chấp nhận được với các bên.

Cho đến nay, các cuộc tuần hành tại Paris nói riêng và phản kháng nói chung trên khắp nước Pháp gây thiệt hại kinh tế ước tính hơn 10 tỉ đô la. Bên cạnh đó, phản kháng chống thuế xăng dầu có xu hướng lan sang nhiều lĩnh vực khác. Hôm qua, gần 200 trường trung học đã đóng cửa hoàn toàn hoặc một phần, để ủng hộ những người Áo Vàng và chống lại các cải cách giáo dục.

« Một khẩu súng với một viên đạn »

Vừa phải chịu áp lực về thời gian, tổng thống Pháp cũng đứng trước áp lực phải có giải pháp chính xác. Theo nhiều nhà quan sát, Emmanuel Macron còn rất ít phương tiện trong tay. Kể từ khi lên cầm quyền đến nay, chính phủ đã đưa ra nhiều biện pháp giảm thuế. « Chúng tôi chỉ còn một khẩu súng với một viên đạn », như lời tâm sự của một người thân cận với tổng thống Macron.

Cho đến nay, tổng thống Pháp được coi là người luôn chủ động về thời gian. Tuy nhiên, kể từ cuộc biểu tình tại Paris thứ Bảy 01/12/2018, tình hình đã thay đổi. Ông Macron phải hủy chuyến công du Serbia và nhiều hoạt động dự kiến, để tập trung tìm giải pháp trong ít giờ tới. Liệu tổng thống Pháp có kịp tìm ra đáp án ?

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.