Vào nội dung chính
PHÁP - XÃ HỘI

"Áo Vàng" biểu tình lần 3 ở Paris : Báo chí nước ngoài mô tả "bạo lực leo thang"

Cuộc biểu tình lớn tại Paris lần thứ ba hôm thứ Bảy 01/12/2018 của phong trào « Áo Vàng », phản đối sắc thuế xăng dầu tăng cao, kèm theo bạo động tại một số khu vực trung tâm thủ đô, là chủ đề thời sự hàng đầu của truyền thông nước ngoài. Cùng với tình trạng bạo lực leo thang, báo chí quốc tế cũng chú ý đến phong trào Áo Vàng như một cuộc phản kháng chống lại tình trạng bất bình đẳng xã hội gia tăng nghiêm trọng, không chỉ tại Pháp mà khắp nơi trên thế giới.

Cảnh biểu tình Áo Vàng ở chung quanh Khải Hoàn Môn, Paris, ngày 1/12/2018.
Cảnh biểu tình Áo Vàng ở chung quanh Khải Hoàn Môn, Paris, ngày 1/12/2018. Alain JOCARD / AFP
Quảng cáo

Ấn tượng nhất là tình trạng bạo lực chưa từng có. « Bạo lực leo thang tại Paris » (báo Đức Die Welt), « Cuộc biểu tình của những người "Áo Vàng" reo rắc hỗn loạn tại Paris » (báo Tây Ban Nha El Pais), « Paris bị hành hung và cướp phá » (báo Ý Corriere della Sera). « Một trong các cuộc biểu tình chống chính phủ bạo lực nhất tại Paris từ nhiều thập niên » (báo Mỹ The Wall Street Journal). Báo chí quốc tế nhìn chung đều dành những hàng tít đầy ấn tượng để mô tả cuộc biểu tình lần thứ ba trong vòng hai tuần lễ của phong trào Áo Vàng tại thủ đô nước Pháp.

Hàng loạt xe hơi bị đốt cháy, đá lát đường bị cậy lên để biến thành vũ khí, hay búa xẻng được dùng để đập phá cửa hàng tại nhiều đại lộ là những hình ảnh được rất nhiều báo thuật lại. Đặc biệt là đại lộ Kléber, gần Khải Hoàn Môn, nơi tập trung « nhiều khách sạn sang trọng bậc nhất nước Pháp », bị coi là thiệt hại nặng nề nhất. Báo Anh Times khẳng định thủ đô nước Pháp đã biến thành « một bãi chiến trường ». Hàng nghìn hiến binh và cảnh sát dùng hơi cay, lựu đạn gây choáng, vòi rồng chống lại những người biểu tình mang mũ bảo hiểm hay mặt nạ trượt tuyết. Ấn tượng nhất với Times là Khải Hoàn Môn - « biểu tượng cho vinh quang quân sự của nước Pháp » - cũng trở thành đối tượng đập phá.

Không đồng nhất biểu tình với bạo động

Hai kênh truyền hình Nga, RT và Sputnik, đặc biệt tập trung mô tả các cảnh bạo động, đồng thời ghi nhận tình trạng lực lượng an ninh bất lực trong việc ngăn chặn những kẻ phá phách. Tuy nhiên, kênh truyền hình Anh BBC, cũng như nhiều phương tiện truyền thông nước ngoài khác, rất thận trọng khi nhấn mạnh là : « Đa số người biểu tình giữ thái độ ôn hòa ». Theo BBC, lực lượng phá phách phần lớn thuộc « các băng nhóm cực tả vô chính phủ và cực hữu dân tộc chủ nghĩa ».

Báo chí Pháp cũng chú ý đến một thông điệp được chia sẻ phổ biến trên nhiều mạng xã hội của người Ả Rập : « Salamtek Baris ! » (Có nghĩa là : Mong sao Paris được bình an !).

Nhìn chung, báo Mỹ New York Times nhận định đây là « cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất mà tổng thống Emmanuel Macron phải đối mặt » cho đến nay. Tờ báo Tây Ban Nha El Pais, nhân dịp này, lưu ý là cuộc phản kháng của phong trào Áo Vàng có cội rễ trong bản sắc và truyền thống « cách mạng » của nước Pháp. El Pais ghi nhận sự bất lực của tổng thống Pháp, cho đến nay đã không tìm được giải pháp để tháo ngòi nổ của « cuộc nổi dậy ». Đài Đức Deutsch Welle đặc biệt lưu ý là phong trào Áo Vàng, cho đến nay, vẫn nhận được sự ủng hộ của đa số người dân Pháp, theo một thăm dò mới nhất trước cuộc biểu tình lớn hôm thứ Bảy 1/12.

Gốc rễ sâu xa

The Wall Street Journal khẳng định tình trạng một tổng thống bị cử tri Pháp quay lưng vào đầu nhiệm kỳ, là điều xảy ra khá thường xuyên, nhưng tình trạng hiện nay tại Pháp là thực sự khẩn cấp. Báo Mỹ dẫn lời nhiều nhà xã hội học, ghi nhận : Lý do sâu xa đằng sau phong trào phản kháng chưa từng có này là nỗi thất vọng kéo dài từ nhiều thập niên qua, với « các rạn nứt xã hội » giữa nông thôn và thành thị ngày càng lớn, rất nhiều người dân thuộc tầng lớp trung lưu hay công nhân vừa bị khủng hoảng tài chính, kinh tế đe dọa cuộc sống hàng ngày, vừa mất niềm tin vào tương lai.

Về phần mình, nhiều phương tiện truyền thông Canada coi phong trào Áo Vàng tại Pháp chỉ là biểu hiện cho một thực tại rộng lớn hơn nhiều, mang tính toàn cầu. Tờ báo Anh ngữ The Globe and Mail nói đến các điểm chung giữa Pháp và « gần như tất cả các quốc gia phát triển khác », nơi « tầng lớp tinh hoa tại đô thị có đời sống khá giả tìm cách áp đặt (gánh nặng của) các chương trình chống biến đổi khí hậu cho một bộ phận lớn dân cư đang phải vật lộn với cuộc sống hàng ngày ». Devoir, một tờ báo Pháp ngữ Canada, trong một bài viết với tiêu đề « Thế giới mang sắc Vàng », khẳng định là Pháp hoàn toàn không phải là một nước nghèo, thế nhưng một vấn đề lớn gây bức bối tại Pháp là « bất công xã hội ». Nỗi phẫn uất của rất nhiều người Pháp tham gia phong trào Áo Vàng hiện nay là tương tự với người dân tại nhiều quốc gia phát triển hay đang phát triển, vốn đang phải đương đầu với hàng loạt các thách thức vô cùng lớn, như biến đổi khí hậu, môi trường bị hủy hoại, hay bất bình đẳng tăng vọt, trong bối cảnh các định chế dân chủ tự do truyền thống đang ngày càng mất đi sự tin cậy của xã hội.

(Tổng hợp theo Le Monde, La Croix, Libération, Le Figaro et Courrier International)

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.