Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Có một Picasso Ấn tượng trong thời ‘Xanh - Hồng’ trước khi theo Lập thể

Đăng ngày:

Năm 1900, một tác phẩm của Pablo Ruiz Picasso (25/10/1881-08/04/1973) được chọn trưng bày trong gian hội họa Tây Ban Nha tại Triển Lãm Hoàn Cầu Paris. Mới 18 tuổi nhưng Picasso đã có 10 năm tuổi nghề nhờ sự hướng dẫn của người cha, một họa sĩ và giảng viên nghệ thuật, người luôn mong con trai theo nghiệp hội họa.

Yo Picasso, Paris, 1901.
Yo Picasso, Paris, 1901. RFI / Tiếng Việt
Quảng cáo

Cuộc triển lãm ở Paris đánh dấu bước đầu chinh phục trung tâm nghệ thuật châu Âu thời đó của Picasso. Trong những năm 1900-1906, Picasso thường xuyên đi về giữa Paris và Tây Ban Nha. Tranh của ông cũng dần chuyển từ trường phái cổ điển với gam mầu rực rỡ sang sắc thái tiền dã thú, tiếp theo là bị trường phái hậu ấn tượng Van Gogh, Toulouse-Lautrec ảnh hưởng, rồi chỉ sử dụng một mầu trong Thời kỳ Xanh (Période Bleue, 1900-1904) và sắc hồng yêu đời trong Thời kỳ Hồng (Période Rose, 1904-1906).

Lần đầu tiên tại Pháp, bảo tàng Orsay tổ chức một cuộc triển lãm (18/09/2018 đến 06/01/2019) chỉ gồm những tác phẩm của danh họa Picasso trong thời kỳ « Xanh - Hồng », được mượn từ bảo tàng Picasso ở Barcelona, một số bảo tàng Mỹ, Thụy Sĩ, Nga và từ nhiều bộ sưu tập cá nhân. Ông Laurent Le Bon, chủ tịch bảo tàng Picasso ở Paris, giải thích trên đài France Culture (07/09/2018) :

« Picasso, đơn giản, đó là một thiên tài nổi trội nhất thế kỷ XX, nhưng chúng ta luôn cần có một cách nhìn đương đại về ông. Chúng ta cứ nghĩ là đã khai thác cạn chủ đề, nhưng nếu tránh những điều mà tôi gọi là « sáo mòn », như Picasso với tình yêu, Picasso với phụ nữ… thì chúng ta vẫn có nhiều đề tài để tái hiện.

Tôi dám khẳng định với công chúng là từ giờ đến cuối đời, chúng ta sẽ không bao giờ được thấy lại một sự kiện như này : hơn 100 tác phẩm được tập hợp tại bảo tàng Orsay. Đây là những tác phẩm được họa sĩ vẽ trong quãng thời gian được gọi là « Xanh - Hồng », thời kỳ mà Picasso sống ở Paris, và điều ngạc nhiên là chưa bao giờ được triển lãm cho công chúng ».

Một mình giữa Paris

Mùa xuân năm 1901, Picasso trở lại Paris lần thứ hai với một số tác phẩm được ông vẽ ở Barcelona và Madrid sau khi từ Triển Lãm Hoàn Cầu 1900 về nước. Ambroise Vollard, một chủ phòng tranh nổi tiếng lúc đó, bị chàng thanh niên xứ Catalunya, không rành tiếng Pháp, thuyết phục trưng bày các tác phẩm của mình, cùng với 64 tranh sơn dầu được Picasso cấp tốc thực hiện ở xưởng vẽ trên đại lộ Clichy. Triển lãm khai trương ngày 25/06 và đóng cửa ngày 14/07/1901 với thành công ngoài sức tưởng tượng.

Công chúng Paris biết đến một Picasso tài tình sáng tạo lại phong cách và họa tiết của các nghệ sĩ lớn như Vincent Van Gogh và Toulouse-Lautrec. Điều này được thể hiện qua những bức chân dung tự họa của chàng họa sĩ trẻ quyết chinh phục thủ đô của nghệ thuật, theo giải thích của bà Claire Bernardi, quản thủ bảo tàng Orsay, trên đài Franceinfo (17/09/2018) :

« Picasso quyết định, vào thời đó, chỉ ký mỗi Picasso, chứ không ký đầy đủ họ tên Pablo Ruiz Picasso. Ông cố tình vẽ khuôn mặt mình già hơn một chút vì muốn cho công chúng thấy rằng ông là một họa sĩ giầu kinh nghiệm và ý thức được tầm quan trọng của các tác phẩm của ông. Và nghệ thuật của ông là điều gì đó sẽ đi xuyên suốt thời gian ».

« Thời kỳ Xanh » : Buồn rầu và đau khổ

Vui mừng chưa được bao lâu sau thành công tại phòng tranh Ambroise Vollard, mùa thu năm 1901 đánh dấu khởi đầu thời kỳ sống nội tâm, trăn trở nghệ thuật của chàng họa sĩ trẻ, tròn 19 tuổi. Cái chết của người bạn thân thiết Carlos Casagemas, con trai của lãnh sự Mỹ ở Barcelona, khiến Picasso, lúc đó đang ở Madrid, chìm trong u sầu.

Cùng Picasso đến Paris năm 1900, Casagemas đem lòng yêu Germaine, một cô người mẫu trẻ, nhưng không được đền đáp. Thất tình, ngày 17/02/1901, Casagemas mang súng đến một nhà hàng ở Montmartre, bắn người mình yêu nhưng bị hụt. Anh quay súng lại, chĩa nòng súng vào thái dương phải và bóp cò.

Bức tranh Picasso vẽ Casagemas nhắm mắt yên nghỉ, bên cạnh là một ngọn nến làm người xem liên tưởng đến một cái chết khác, của Vincent Van Gogh, với những vệt mầu nổi rõ, sắc đậm. Tuy nhiên, trong những bức tranh khác miêu tả lễ tang, chỉ một mầu xanh dương ngự trị (Gọi hồn - Cái chết của Casagemas). Bà Claire Bernardi, quản thủ bảo tàng Orsay, giải thích :

« Đúng là mầu xanh dương là mầu biểu tượng cho thế kỷ XIX mà chúng ta có thể nhận thấy trong rất nhiều tác phẩm của những họa sĩ thời trước Picasso. Nhưng lần đầu tiên, một họa sĩ nói về mầu đó, biến xanh dương thành mầu duy nhất trong tranh vẽ của ông ».

Đây là điểm tài tình của Picasso, biết chọn mầu sắc phù hợp với tâm trạng. Mầu xanh dương được Picasso sử dụng thường xuyên để thể hiện nỗi buồn và đau đớn. Đích thân danh họa khẳng định điều này với nhà báo Pierre Daix vào năm 1975 : « Chính vào lúc nghĩ rằng Casagemas đã chết mà tôi bắt đầu vẽ với mầu xanh dương ».

Mùa thu năm 1901, Picasso đến thăm nhà tù Saint-Lazare dành cho phụ nữ ở Paris. Tù nhân chủ yếu là gái làng chơi, trong đó có rất nhiều người sống với con nhỏ. Những nữ tù nhân bị mắc bệnh hoa liễu đội một chiếc mũ trắng để nhận biết. Chính chuyến thăm này là bước khởi đầu cho một loạt tranh về tình mẫu tử (Người phụ nữ và em bé bên bờ biển… ), nhưng trang phục của tù nhân được Picasso thay đổi : bộ áo tù trở thành những chiếc váy dài, chiếc mũ phân biệt người mắc bệnh hoa liễu trở thành những tấm khăn trắng chùm nhẹ trên tóc (Người đàn bà đội mũ (Femme au bonnet, 1901)…

Nghèo đói, khốn khổ hiện lên trong tranh của Picasso qua những khuôn mặt bất hạnh và cô độc, những thân hình gầy guộc và cứng nhắc : Phòng ngủ mầu xanh (La Chambre bleue, 1901), Thằng điên (Le Fou, 1903-1904), Bữa cơm đạm bạc (Le Repas frugal, 1904)…

Cuộc sống mầu hồng

Tháng 05/1904, Picasso chuyển từ đại lộ Clichy (quận 17 Paris) đến sống ở xưởng Bateau-Lavoir (quận 18) ngay gần đồi Montmartre nổi tiếng, nơi giới văn nghệ sĩ thường lui tới. Tụ tập cùng với chàng họa sĩ trẻ, lúc đó 23 tuổi, là những Max Jacob, Guillaume Apollinaire và André Salmon, những nhà thơ đã thổi vào tâm hồn u ám của Picasso hương vị thi ca mới. Và chính điều này đã thẩm sâu vào sáng tác của Picasso trong Thời kỳ Hồng.

Loạt tranh về gánh xiếc rong là một phần quan trọng trong những sáng tác của Picasso Thời kỳ Hồng vì đi xem xiếc là thú tiêu khiển ưa thích của « hội nghệ sĩ Montmartre ». Picasso làm quen với gia đình nghệ sĩ xiếc và một cách hoàn toàn tự nhiên, chàng nghệ sĩ vẽ họ, không phải trên sân khấu, mà sau cánh gà, trong cuộc sống hàng ngày : Những người làm trò (Les Saltimbanques, 1905), Gia đình nghệ sĩ nhào lộn và con khỉ (Famille d’acrobates avec un singe, 1905), Nghệ sĩ nhào lộn đứng trên quả bóng (Acrobate à la boule, 1905)…

Một sự kiện quan trọng khác, Picasso đang yêu. Rất nhiều tác phẩm về phụ nữ của Picasso được lấy cảm hứng từ Madeleine, người tình của chàng họa sĩ trẻ, sau đó là từ một người tình khác, Fernande Olivier, chuyên làm mẫu cho các họa sĩ và nhà điêu khắc. Những bức chân dung dần dần chuyển từ đơn sắc sang gam mầu đỏ đậm của trang phục như trong bức Người phụ nữ bên con quạ (Femme à la corneille), đến mầu trắng sữa của làn da trong Madeleine (1904).

Những chuyến du lịch (Schoorl, Hà Lan hay Gósol, Tây Ban Nha) cũng ảnh hưởng mạnh mẽ đến sáng tác của Picasso. Ông chú ý hơn đến trang phục truyền thống, thắng cảnh và… thân hình tròn trịa của người phụ nữ. Gam mầu của Picasso chuyển dần từ hồng sang mầu đất son.

Từ Gósol về Paris vào mùa thu 1906, họa sĩ tập trung gần như chủ yếu vào phân tích cơ thể người phụ nữ bằng những tác phẩm từ bỏ cách ảo tưởng thay vào đó là một ngôn ngữ biểu hiện mới. Tác phẩm khổ lớn Những cô nàng ở Avignon (Les Demoiselles d’Avignon, 1907) đánh dấu bước chuyển hướng của Picasso sang cuộc phiêu lưu lập thể, mà ông cùng với Georges Braque sáng lập.

« Tất cả mọi người hiểu ngay rằng Picasso đã khác trước, rằng Picasso là một « quái vật », rằng Picasso mạnh hơn họ và chế ngự họ và điều ngày không ngừng cho đến khi họa sĩ qua đời vào năm 1973 ».

Giám đốc bảo tàng Picasso Paris đã chọn đúng từng từ để nói về tài năng và sự nghiệp của chàng nghệ sĩ Tây Ban Nha, một mình chinh phục trung tâm nghệ thuật châu Âu và cả thế giới.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.