Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Hàng "sản xuất tại Pháp" chinh phục thị trường nội địa

Đăng ngày:

Giá cả sản phẩm không còn là tiêu chí hàng đầu của người tiêu dùng Pháp mà là nước sản xuất, dựa theo tiêu chí của 59% người được thăm dò, do hiệp hội Pro France công bố vào tháng 09/2018. Khoảng 3/4 người dân Pháp sẵn sàng chi nhiều tiền hơn để mua một mặt hàng sản xuất trong nước.

Một gian hàng trong Triển lãm "Made in France 2018", tại Paris, tháng 11/2018.
Một gian hàng trong Triển lãm "Made in France 2018", tại Paris, tháng 11/2018. RFI / Tiếng Việt
Quảng cáo

Dù vẫn còn phức tạp để sản xuất được một mặt hàng 100% Pháp nhưng rất nhiều doanh nghiệp Pháp đã chuyển cơ sở về nước, sử dụng nhân công và kỹ nghệ trong nước. Họ cũng sẵn sàng chi từ 1.000 đến 3.000 euro để có được chứng nhận Origine France Garantie (Nguồn gốc Pháp được bảo lãnh).

Theo ông Yves Jégo, chủ tịch-sáng lập viên nhãn hiệu Origine France Garantie, thành công của hàng sản xuất tại Pháp được giải thích ở ba điểm : nhu cầu truy tìm nguồn gốc, chu trình ngắn có lợi cho môi trường và tinh thần ủng hộ kinh tế nước nhà ngày càng rõ nét.

Hàng tiêu dùng đề cao kỹ nghệ Pháp

Cũng là người bảo vệ nhiệt tình hàng sản xuất tại Pháp như chính trị gia Yves Jégo, cựu bộ trưởng Kinh Tế Pháp Arnaud Montebourg, sau khi rời khỏi chính trường, quyết định nuôi ong lấy mật. Đó là một niềm đam mê của ông. Đích thân cựu bộ trưởng Pháp quảng bá và bán sản phẩm mang thương hiệu « Bleu, Blanc, Ruche » (thay chữ « Rouge » (Đỏ) trong thứ tự mầu cờ Pháp, thành chữ « Ruche » chỉ tổ ong) tại Hội chợ Made in France 2018 (MIF), được tổ chức vào đầu tháng 11 hàng năm, kể từ năm 2012.

Ông Alain Babule là một trong số vài nghệ nhân trang trí đồ sứ Limoges có tay nghề cao. Cùng với vợ, ông mang một góc cửa hàng-xưởng sản xuất ở Chalus (1), tỉnh Haute-Vienne, lên Paris để giới thiệu kỹ nghệ của vùng Limoges. Khách tham quan có thể thử độ khó và sự kiên trì của nghề này.

« Đồ sứ trắng được mua từ Limoges. Tôi đặt bản đề can với họa tiết hoặc chữ cái mà tôi vẽ trước đó, rồi dùng mũi kim rập theo đường viền để mực đen in lên đồ sứ qua lỗ nhỏ li ti. Sau khi hình ảnh hoặc chữ viết đã hiện lên đồ sứ, tôi dùng bút lông để tô mầu, chạm vàng hoặc dùng chổi vẽ uốn theo nét viền đen in trên đĩa rồi trang trí.

Công việc này cần có chút kinh nghiệm trước khi rập đường viền vì từ lúc bắt đầu đặt bút vẽ đến khi kết thúc, chúng ta không thể nhấc tấm đề can lên hoặc làm lại nhiều lần. Có nghĩa là từ lúc đặt tấm đề can đến lúc nhấc lên là đã hoàn tất ».

Nghệ nhân Alain Babule hướng dẫn khách tham quan trang trí gốm sứ Limoges.
Nghệ nhân Alain Babule hướng dẫn khách tham quan trang trí gốm sứ Limoges. RFI / Tiếng Việt

Bà Isabelle Babule cho RFI tiếng Việt biết là sản phẩm của công ty được bán khắp nước Pháp và xuất ra nước ngoài.

« Chúng tôi không sợ cạnh tranh, mà ngược lại, rất đa dạng và mang tính khích lệ. Hơn nữa, chính khách hàng là người quyết định cuối cùng. Tại Triển lãm Hàng sản xuất tại Pháp, gian hàng của chúng tôi lại rất được khách hàng châu Á quan tâm về tất cả những gì liên quan đến trang trí theo yêu cầu.

Với chúng tôi, tham gia Triển lãm Hàng sản xuất tại Pháp là điều quan trọng để đề cao và vinh danh kỹ nghệ Pháp, trong đó có sản phẩm gốm sứ cao cấp của Limoges vì mặt hàng này rất nổi tiếng trên thế giới, cũng như để giới thiệu cho công chúng biết là vẫn còn một vài nghệ nhân nắm rõ tất cả các bước trang trí theo kiểu Limoges ».

Về giá cả, cũng như đối với nhiều mặt hàng khác, bà Isabelle Babule tin vào lựa chọn của người tiêu dùng Pháp: họ sẵn sàng chi tiền nhiều hơn một chút để có chất lượng và dịch vụ tốt.

« Sản phẩm Pháp không hẳn là đắt hơn sản phẩm các nước khác. Nghệ nhân làm cách nào đó để một sản phẩm có thể đến tay công chúng với giá hợp lý mà không hạ thấp giá trị sản phẩm, cũng như thành quả trang trí. Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào người tiêu dùng Pháp. Chúng tôi rất tự hào, khi thấy ở Triển lãm Hàng sản xuất tại Pháp sự hâm mộ của người dân Pháp đối với kỹ nghệ Pháp nói chung, và gốm sứ Limoges nói riêng, cũng như kỹ năng của chồng tôi ».

Công nghệ cao phục vụ đời sống

Hơn 500 doanh nghiệp từ nhỏ đến lớn và start-up đã tham gia sự kiện năm 2018 với đủ chủng loại mặt hàng : thời trang, nghệ thuật sống, ẩm thực, di chuyển, đổi mới-sáng tạo nhưng áp dụng được trong cuộc sống hàng ngày. Người tiêu dùng có thể thử chiếc xe đạp Smoocyclette, vừa đạp xe vừa xay sinh tố trong vòng 30 giây ; bộ đồ gỗ nội thất thông minh Very Good Box cho không gian nhỏ kiêm đủ chức năng bàn ăn, giường ngủ, tủ và nơi tắm rửa, BOB - máy rửa bát mini không cần đường dẫn nước, bộ túi ngủ điều chỉnh được, « lớn » theo em bé trong suốt hai năm…

Đèn không dây mà vẫn phát sáng, vận chuyển được và có thể điều khiển từ xa là sản phẩm đặc trưng cho công nghệ Pháp. Bà Hilda Ponge, đồng phát minh đèn Paranocta, được trao Huy chương Đồng tại cuộc thi Lepine 2018 nổi tiếng của Pháp, giải thích với RFI tiếng Việt :

« Paranocta là loại đèn có một không hai, được sản xuất tại Pháp, được lắp ráp tại Angers, nơi chúng tôi có những đối tác địa phương. Hiện có rất nhiều loại đèn, hệ thống chiếu sáng không dây, nhưng giống như những cây nến nhỏ, phải đặt ở nhiều điểm để có đủ ánh sáng. Loại đèn do chúng tôi sản xuất có khả năng chiếu sáng rất hiệu quả với ánh sáng ấm cúng, trên diện tích khoảng 30 m2, ở bất kỳ nơi nào chúng ta muốn.

Loại đèn này rất dễ sử dụng vì được xạc điện như một chiếc điện thoại di động nhờ cổng USB. Một điểm mạnh khác là loại đèn này được kết nối. Có nghĩa là ngoài việc điều chỉnh bằng tay, nhưng nhờ vào một ứng dụng trên điện thoại thông minh nên có thể bật-tắt, điều chỉnh độ sáng của đèn từ xa.

Ngoài ra, đèn của chúng tôi có thể mang đi được, khác với rất nhiều loại đèn hiện nay. Cây đèn có thể gấp lại được, cho vào trong túi và chỉ nặng 2 kg. Có nghĩa là đèn có thể để trong cốp xe ô tô, theo chúng ta khắp nơi. Đây là điều rất mới ».

Bà Hilda Ponge giới thiệu đèn Paranocta tại Triển lãm Hàng sản xuất tại Pháp.
Bà Hilda Ponge giới thiệu đèn Paranocta tại Triển lãm Hàng sản xuất tại Pháp. RFI / Tiếng Việt

Người lớn lẫn trẻ nhỏ, khi đi qua gian hàng của công ty Cyberdroïd của Pháp, hoạt động từ năm 2011, đều phải dừng lại, ánh mắt tò mò lẫn ngạc nhiên nhìn một « cô robot » xoay theo tiếng nhạc. Nhưng nhiệm vụ chính của robot cao khoảng 1 mét này là tiếp đón khách hàng trong các môi trường khác nhau, như văn phòng du lịch, chi nhánh ngân hàng. Điểm độc đáo trong sản phẩm của công ty Cyberdroïd là thay vì trao đổi với một chatbot, phần mềm được lập trình trước, thì con người có thể nói chuyện trực tiếp với một robot đối diện.

Ông Grégoire d’Erceville, giám đốc Thương mại và Makerting, giải thích sự khác biệt :

« Chúng tôi nhận thấy rằng một nhân viên lễ tân có thể trả lời được 70% các thắc mắc thường gặp, nên chúng tôi tìm cách để một người máy cũng có thể trả lời tương tự, trong mỗi lĩnh vực riêng biệt, thông qua một cơ sở dữ liệu cơ bản để có thể đáp ứng được nhu cầu của công chúng trên thực địa.

Trong những năm gần đây, công nghệ robot rất phát triển, nhưng khác với những người máy có màn hình cảm biến trước ngực, điểm đặc biệt của robot của công ty... là người máy tương tác. Robot có thể tiếp đón con người một cách tự nhiên, nhận dạng khuôn mặt của họ, nói chuyện với họ và hiểu những gì họ nói. Có nghĩa là những robot này nhìn thấy, hiểu được và biết nói. Ở cấp độ này, thử nghiệm của chúng tôi mang tính tiên phong ».

Robot dịch vụ của công ty Cyberdroid tại Triển làm Hàng sản xuất tại Pháp 2018.
Robot dịch vụ của công ty Cyberdroid tại Triển làm Hàng sản xuất tại Pháp 2018. RFI / Tiếng Việt

Người máy của công ty Cyberdroïd có thể thay thế hoặc hỗ trợ nhân viên tiếp tân tại các môi trường làm việc khác nhau, như tại chi nhánh ngân hàng, phòng du lịch địa phương, điểm tham quan ...

Theo ông Grégoire d’Erceville, công ty Cyberdroïd kết hợp với ngân hàng Crédit Agricole ở Toulouse để thử nghiệm robot trên thực tế vào năm 2019 với khoảng 10 câu hỏi thông dụng như : Làm thế nào tôi chuyển tiền từ séc vào tài khoản ? Làm thế nào để mở tài khoản ? Tôi phải làm gì khi bị mất thẻ tín dụng ?

Hàng sản xuất tại Pháp bắt đầu tìm lại được chỗ đứng trong lòng người dân Pháp. Điều này được thể hiện qua số lượng khách tham quan và các nhà sản xuất Pháp ngày càng đông tại Triển lãm Hàng sản xuất tại Pháp kể từ khi được thành lập năm 2012. Nhưng không chỉ dừng trong khuôn khổ nước Pháp, công ty tổ chức sự kiện MIF Expo còn có tham vọng quảng bá kỹ năng Pháp ra khắp thế giới, bắt đầu từ thành phố New York (Mỹ) và Singapore.

***

(1) SAS Alain BABULE Design, 4 bis rue Salardine, 87230 Chalus.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.