Vào nội dung chính
CHÂU ÂU - BREXIT

Brexit : Đoàn kết làm nên sức mạnh của châu Âu

Thời sự trong nước là chủ đề lớn trang nhất nhiều báo Pháp. Le Figaro chạy tựa : « Chính phủ rung chuyển bởi phong trào ‘‘Áo vàng’’ được lòng dân ». Le Monde dành trọng tâm cho vấn đề thuế thu nhập đang ngày càng gây bất bình. Libération đưa hình ảnh nhiều phụ nữ giương cao khẩu hiệu chống bạo lực tình dục, và loan báo phong trào #NousToutes kêu gọi biểu tình khắp nước Pháp ngày mai, để bảo vệ các nạn nhân. Các thương lượng cuối cùng trước thượng đỉnh lịch sử về cuộc ly dị giữa Liên Âu và Anh Quốc, dự kiến Chủ Nhật 25/11/2018, là một trọng tâm khác.

Ông Michel Barnier, trưởng đoàn đàm phán Liên Âu về Brexit (P) và người phụ trách Brexit của Anh, ông Dominic Raab, Bruxelles, ngày 31/08/2018.
Ông Michel Barnier, trưởng đoàn đàm phán Liên Âu về Brexit (P) và người phụ trách Brexit của Anh, ông Dominic Raab, Bruxelles, ngày 31/08/2018. REUTERS/Eric Vidal
Quảng cáo

Sau hơn một năm rưỡi đàm phán và ít tháng trước hạn chót, 27 thành viên Liên Hiệp Châu Âu và nước Anh rốt cuộc gần đạt được thỏa thuận, cho phép cuộc ly dị diễn ra trong trật tự. Cho dù đến tận thời điểm hiện tại khả năng Brexit suôn sẻ chưa phải hoàn toàn được bảo đảm, thế nhưng việc chính phủ Anh và Liên Âu đã có được một thỏa thuận sơ bộ cho phép lạc quan. Và có thể coi đây là một thành công. Nhật báo kinh tế Les Echos có bài xã luận mang tựa đề « Brexit : Đoàn kết làm nên sức mạnh ».

Con đường cheo leo, hai bên là vực thẳm

Bài viết của Les Echos mở đầu với ghi nhận đầy hình ảnh ví cuộc hành trình của 27 quốc gia thành viên Liên Hiệp Châu Âu hiện nay như « đi trên đỉnh núi », hai bên bờ là vực thẳm. Cho đến giờ, cộng đồng châu Âu vẫn tiếp tục con đường khổ ải này, bất chấp sự công kích, lôi kéo của nhiều thế lực bên ngoài, mà một trong các ví dụ tiêu biểu là chính quyền Mỹ của Donald Trump. Trong bầu không khí thù địch này, Liên Âu đã tỏ ra hết sức gắn bó.

Trong vấn đề Brexit, có một sự tương phản nổi bật giữa một bên là các phân hóa, mâu thuẫn trong nội bộ nước Anh, và bên kia là ý thức đoàn kết tập thể của châu Âu, cho đến nay được thể hiện một cách chuẩn xác qua vai trò của trưởng đoàn đàm phán, chính trị gia người Pháp Michel Barnier. Les Echos nhấn mạnh là một số đòi hỏi quá cứng rắn như của Tây Ban Nha trong vấn đề chủ quyền tại Gibraltar, hay trong vấn đề đánh cá chung tại vùng biển nước Anh…, đã không cản trở toàn bộ các thành viên Liên Âu giữ vững tinh thần kỷ luật và đoàn kết chặt chẽ. Ưu tiên hiện tại là tránh mọi động thái có thể gây thêm khó khăn cho thủ tướng Anh Theresa May, có thể dẫn đến một cuộc ly hôn không thỏa thuận.

Ngày Chủ Nhật tới, những điều kiện cho cuộc ly hôn sẽ chính thức được chính phủ các nước thông qua. Điều mà cách nay ít tuần còn bị coi là điều không tưởng. Giai đoạn còn lại đầy rẫy chông gai. Cụ thể là Quốc Hội Anh có thể bỏ phiếu chống. Tuy nhiên, nếu mọi việc diễn tiến thuận lợi, Liên Âu và Anh sẽ chia tay theo giải pháp « Brexit mềm », và các nước châu Âu sẽ đứng ở thế mạnh.

Les Echos cũng nhấn mạnh đến « một hồ sơ nóng bỏng khác » cho thấy đoàn kết và sự kiên định làm nên sức mạnh của Liên Âu. Đó là hồ sơ ngân sách nước Ý. Trong hồ sơ này, Ủy Ban Châu Âu cũng đứng ở một vị thế hết sức khó khăn, như đi bên bờ miệng vực. Les Echos đánh giá Liên Âu tiếp tục đoàn kết, tỏ ra mềm dẻo, để ngỏ cánh cửa cho nước Ý điều chỉnh lại dự kiến ngân sách, chứ không đe dọa trừng phạt tức thời. Cách xử lý của Liên Âu nhận được hưởng ứng tích cực từ phía thị trường.

Thêm một hồ sơ thứ ba nữa cho thấy Liên Hiệp Châu Âu đang đi đúng hướng. Đó là tiến một cách từ từ nhưng vững vàng nhắm đến cái đích củng cố khu vực đồng euro, với dự án ngân sách của vùng, vừa được cặp Pháp-Đức đề xuất, và dự kiến sẽ được khối 27 nước phê chuẩn vào tháng tới. Les Echos khép lại bài viết với nhận định của ủy viên kinh tế Liên Âu, chính trị gia Pháp Pierre Moscovici : « Tranh đấu và thuyết phục sẽ là công việc phải làm thường xuyên… Nhưng đó cũng chính là lịch sử của Liên Hiệp Châu Âu ».

Brexit : Thương lượng cuối cùng trước thượng đỉnh lịch sử

Cho dù viễn cảnh thỏa thuận Brexit có nhiều khả năng sẽ được thông qua hôm Chủ Nhật, khả năng đổ bể là rất nhỏ, nhưng đàm phán giữa Luân Đôn và Bruxelles vẫn tiếp tục trong những giờ cuối. Hôm qua, thứ Năm 22/11, hai bên đạt được thêm một bước tiến nữa, đó là thông qua dự thảo « Tuyên bố chính trị » cho phép xác định quan hệ tương lai giữa Liên Âu và Anh Quốc, sau khi cuộc ly hôn chính thức có hiệu lực vào ngày 30/03/2019. Một bất đồng khác đã có được giải pháp. Đó là hai bên có thể kéo dài giai đoạn chuyển tiếp, vốn hết hạn vào 31/12/2020. Thời gian được thỏa thuận là 2 năm, từ tháng Giêng 2021 đến tháng Giêng 2023 (Dự thảo « Tuyên bố chính trị » Brexit dài 26 trang được tranh luận quyết liệt là nội dung một bài viết khác trên La Croix).

Một điểm gai góc hàng đầu còn lại là số phận của vùng đất hẹp tại eo biển Gibraltar, cửa ngõ vào Địa Trung Hải, mà Tây Ban Nha mong muốn mọi quyết định về tương lai của vùng đất này phải có tiếng nói của Madrid. Một số vấn đề khác như quyền đánh cá chung tại các vùng biển Anh Quốc, đổi lại nước Anh được bán hải sản ở lục địa, được tách riêng và sẽ tiếp tục được thương lượng cho đến ngày 20/07/2020.

Le Monde dành một hồ sơ dài mô tả kỹ lưỡng các điểm chính của dự thảo thỏa thuận dài 585 trang, với nhiều phụ lục và ba phần riêng dành cho ba vùng địa lý Ailen, Gibraltar và Chyprus. Ba ưu tiên được nhấn mạnh. Thứ nhất là tránh để lập lại đường biên giới giữa Ailen và vùng Bắc Ailen (thuộc Anh), kết quả của thỏa thuận hòa bình năm 1998. Thứ hai là bảo vệ quyền lợi của các kiều dân Anh và Liên Âu, với tổng số ước tính 4 triệu người. Và thứ ba là Luân Đôn bảo đảm toàn bộ các cam kết về tài chính đối với Liên Hiệp Châu Âu.

Le Monde lưu ý, thỏa thuận với Anh Quốc, nếu đạt được, là một sự kiện chưa từng có trong lịch sử của Liên Hiệp Châu Âu : Vừa cắt đứt vô số các quan hệ giữa hai bên trong lịch sử 46 năm nối kết, nhưng cũng vừa phải bảo đảm được nhiều quan hệ không đứt đoạn giữa Anh với Liên Âu. « Tuyên bố chính trị » nói trên sẽ đảm nhiệm vai trò này.

Trưởng đoàn đàm phán châu Âu Michel Barnier thường xuyên nhắc lại là Anh Quốc « vẫn luôn là bạn, là đối tác, là đồng minh của chúng ta ». Tuy nhiên, kể từ nửa đêm ngày 29/03/2019, Luân Đôn sẽ mất toàn bộ các quyền hạn của một thành viên Liên Hiệp Châu Âu, như nước này vẫn có từ gần 50 năm qua.

Pháp : Phong trào chống tăng thuế xăng được ủng hộ mạnh

Cuộc khủng hoảng về thuế xăng dầu tiếp tục dâng cao tại Pháp thách thức uy tín của chính phủ là một chủ đề lớn khác của các báo Pháp hôm nay. Theo một thăm dò dư luận của Odoxa cho Le Figaro, 77% người Pháp được hỏi đánh giá là phong trào « Áo vàng », phản đối chính sách tăng giá xăng, dầu của chính phủ, là « có cơ sở ». Hồi thứ Bảy tuần trước phong trào Áo vàng đã phong tỏa nhiều trục đường tại Pháp để phản đối, và tiếp tục kêu gọi một lần xuống đường tương tự vào ngày mai thứ Bảy.

Trong vòng một tuần, tỉ lệ ủng hộ phong trào Áo vàng đã tăng thêm 3 điểm. Bên cạnh đó, hai phần ba người Pháp cho rằng phong trào cần phải tiếp tục sau ngày hành động dự kiến vào ngày mai. Vẫn theo điều tra dư luận nói trên, 60% người Pháp cho rằng phong trào xã hội này không mang tính bạo lực, 77% cho họ là « dũng cảm », 78% cho rằng họ tranh đấu vì « lợi ích chung ». 82% người trả lời hy vọng tổng thống Pháp hủy bỏ sắc thuế này. Le Figaro nhấn mạnh là những con số nói trên cho thấy chiến lược bôi nhọ phong trào của chính phủ đã thất bại.

Theo Les Echos, đối mặt với phong trào phản đối dâng cao, phủ tổng thống Pháp hứa hẹn « các biện pháp mạnh ». Hôm thứ Ba tới, tổng thống Emmanuel Macron sẽ thông báo « một kế hoạch mới », cho phép cuộc chuyển đổi sang Kinh tế Xanh với cái giá hợp lý khiến xã hội « có thể chấp nhận được ». Nhà nước sẽ đầu tư thêm tiền để hỗ trợ những gia đình khó khăn, bị việc tăng thuế ảnh hưởng, đồng thời sẽ thảo luận rộng rãi với các công dân, về những vấn đề gây bất đồng.

Tổng thống Macron bỏ lỡ cuộc cải cách thuế các-bon như thế nào ?

Le Figaro có bài phân tích « Tổng thống Pháp đã bỏ lỡ cuộc cải cách thuế các-bon như thế nào ? ». Le Figaro so sánh cách làm của tổng thống Macron với các tổng thống tiền nhiệm để cho thấy đương kim tổng thống đã đốt cháy giai đoạn, bỏ qua những lời tư vấn của các chuyên gia, để khiến cho cuộc cải cách, vốn là điều cần thiết, đang phải hứng chịu các phản đối dữ dội từ phía xã hội. Theo Le Figaro, trước khi đắc cử ứng cử viên Macron đã được tư vấn về việc cần phải lập ra một ủy ban để xây dựng một cơ sở khoa học cho cuộc chuyển đổi sang kinh tế Xanh hết sức phức tạp và khó khăn này. Tuy nhiên, sau khi đắc cử tổng thống Macron đã làm ngược lại, không lập ủy ban khoa học, không ủy ban tư vấn. Lộ trình tăng giá xăng dầu được quyết định một cách đơn giản ngay tại bộ Tài Chính trong mùa hè 2017, với mục tiêu bù đắp cho việc giảm thuế dự kiến trong nhiệm kỳ 5 năm.

Le Figaro cũng thừa nhận là tổng thống Pháp có làm theo lời khuyên của một số chuyên gia bộ Tài Chính, theo đó, cần dành một phần của khoản tiền này để hỗ trợ những người gặp khó khăn do giá tăng. Tuy nhiên, số tiền được chi ra chỉ vào khoảng vài trăm triệu euro, và chỉ đến khi gặp phải áp lực của phong trào Áo vàng, chính phủ mới quyết định chi thêm 500 triệu euro.

Về chủ đề này, La Croix có bài phóng sự dẫn lại trực tiếp tiếng nói của hai công dân Pháp, bị chính sách tăng thuế xăng dầu, ảnh hưởng nặng nề.

Đài Loan : Cuộc bỏ phiếu dưới áp lực

Về thời sự châu Á, Les Echos giới thiệu với độc giả cuộc bầu cử giữa kỳ Đài Loan ngày mai, với tựa đề « Đài Loan, hòn đảo dưới áp lực ». 19 triệu cử tri Đài Loan được kêu gọi đi bầu các lãnh đạo từ cấp phường xã, đến vùng. Đây được coi là một trắc nghiệm quan trọng đối với tổng thống Thái Anh Văn, đảng Dân Tiến, chủ trương giữ nguyên trạng, không đòi độc lập, nhưng cũng không siết chặt quan hệ với Bắc Kinh. Đảng Dân Tiến hiện nắm 13 trên tổng số 22 vùng. Một số thành phố lớn như Cao Hùng (Kaohsiung) hay Đài Chung (Taichung) có thể bị mất vào tay đảng đối lập Quốc Dân Đảng, thân Bắc Kinh.

Bên cạnh bầu cử lãnh đạo địa phương, cử tri Đài Loan cũng bỏ phiếu trong nhiều cuộc trưng cầu dân ý khác. Bắc Kinh theo dõi sát diễn biến bỏ phiếu ở Đài Loan. Phẫn nộ với chính quyền Trung Quốc, cử tri Đài Loan có thể bỏ phiếu thông qua nhiều biện pháp mang tính biểu tương, như chấm dứt tên gọi « Trung Hoa – Đài Bắc » của đoàn thể thao, để thay bằng « Đài Loan ».

Les Echos cũng cho biết, với tình trạng tăng trưởng kinh tế chững lại hiện nay, tổng thống Thái Anh Văn đang ở trong tình thế khó khăn. Bên cạnh đó, chính quyền Trung Quốc không ngừng có các biện pháp cô lập hòn đảo về ngoại giao.

Cũng Les Echos có bài phỏng vấn ngoại trưởng Đài Loan – mang tựa đề « Đất nước tôi không thuộc Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa » - khẳng định vùng lãnh thổ này trên thực tế là một nhà nước độc lập, có tổng thống được bầu lên bằng con đường dân chủ, có quân đội, có đồng tiền riêng. Bộ trưởng Ngoại Giao Đài Loan một mặt khẳng định « không tuyên bố độc lập », sẵn sàng đối thoại với Trung Quốc, để bảo vệ hòa bình và ổn định hai bên bờ eo biển, nhưng mặt khác kêu gọi các quốc gia dân chủ hậu thuẫn Đài Loan. Ngoại trưởng Joseph Wu cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của phong trào đòi độc lập đang sôi động tại Đài Loan.

Mỹ : Lời qua tiếng lại giữa TT Trump và lãnh đạo Tòa Án Tối Cao

Về Hoa Kỳ, La Croix có bài xã luận đáng chú ý về chuyện « Lời qua tiếng lại giữa tổng thống Trump và chánh án Tòa Án Tối Cao », điều chưa từng xảy ra. Hôm thứ Tư vừa qua, sau khi bị tổng thống chỉ trích, chánh án Tòa Án Tối Cao Hoa Kỳ John Roberts - một người vốn được coi là cùng phe với ông Trump - đã phản ứng mạnh mẽ, khi khẳng định Tòa Án Tối Cao có một dàn thẩm phán tuyệt vời và tận tụy hết mình vì việc công. Và không thể có các thẩm phán thân tổng thống, dù trong bất kỳ nhiệm kỳ nào.

Chánh án Tòa Án Tối Cao Hoa Kỳ cũng tái khẳng định là một nền dân chủ không thể chỉ được quy về các cuộc bầu cử, mà còn phải dựa trên nguyên tắc căn bản, đó là tam quyền phân lập, tách biệt giữa hành pháp, tư pháp và lập pháp.

Khí hậu : Quốc gia đầu tiên dọa kiện các tập đoàn dầu lửa

Trong lĩnh vực môi trường, Les Echos cho hay, đảo quốc Vanuatu đang xem xét kiện các tập đoàn dầu lửa, các định chế tài chính và chính phủ nhiều nước, vì các thiệt hại do nước biển dâng cao và thiên tai bất thường gia tăng, mà Vanuatu phải gánh chịu. Quần đảo Vanuatu có 260.000 dân, sinh sống tại 82 đảo nhỏ. Đây là lần đầu tiên một quốc gia đe dọa khởi kiện các doanh nghiệp, bị coi là thủ phạm của biến đổi khí hậu.

Hôm thứ Tư 21/11 vừa qua, ngoại trưởng Vanuatu, đảo quốc nam Thái Bình Dương thông báo tin trên trong cuộc họp qua mạng của Diễn đàn các quốc gia dễ tổn thương với biến đổi khí hậu (Climate Vulnerable Forum), bao gồm 48 nước.

Gần hai tuần trước thượng đỉnh Khí hậu COP24 tại Ba Lan, nhóm các nước dễ bị tổn thương muốn rung thêm một tiếng chuông cảnh báo để đánh động cộng đồng quốc tế. Theo thông báo của Tổ Chức Khí Tượng Thế Giới, mức độ khí thải năm 2017 tiếp tục tăng so với năm trước 2016.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.