Vào nội dung chính
Tạp chí âm nhạc

Francis Lai từ nay vĩnh biệt Chuyện Tình

Đăng ngày:

"Từ những năm tháng đầu đời bên cạnh thần tượng Édith Piaf, cho tới khi nổi danh trên khắp thế giới nhờ soạn nhạc phim Hollywood, Francis Lai vẫn y như cũ : ông luôn giữ niềm đam mê của cái thuở ban đầu, ông sống cho sáng tác âm nhạc chứ ít chạy theo danh vọng hão huyền".

Nhạc sĩ Francis Lai (trái) và đạo diễn Claude Lelouch tại Cannes 1981.
Nhạc sĩ Francis Lai (trái) và đạo diễn Claude Lelouch tại Cannes 1981. RALPH GATTI / AFP
Quảng cáo

Nhà soạn nhạc Claude Lemesle, chủ tịch danh dự của hiệp hội các tác giả Pháp Sacem đã dùng những lời lẽ như trên khi nhắc tới người bạn đồng nghiệp quá cố. Nhạc sĩ Francis Lai qua đời hôm 07/11/2018, hưởng thọ 86 tuổi. Đối với người Pháp, tên tuổi của ông gắn liền với các bộ phim của đạo diễn Claude Lelouch. Còn đối với nhiều thế hệ người Việt, ông là người đã viết lên ca khúc bất tử Love Story Chuyện Tình, bản nhạc chủ đề của bộ phim cùng tên cực kỳ nổi tiếng.

Sinh trưởng ở thành phố Nice, miền nam nước Pháp trong một gia đình nghèo gốc Ý, Francis Lai (1932-2018) tự học nhạc từ thuở nhỏ. Nhạc khí sở trường của ông là đàn phong cầm (accordéon), nhờ vậy mà ông dễ kiếm sống từ thời còn trẻ khi chơi nhạc những ngày cuối tuần trong các đêm khiêu vũ bình dân ở ngoài trời. Đến khi trưởng thành bắt đầu cuộc sống tự lập tại Paris, ông khám phá nhạc jazz, say mê sáng tác không ngừng, biến tấu tùy theo ngẫu hứng.

Đến Paris lập nghiệp, tài nghệ của Francis Lai lọt vào mắt các nhà sản xuất. Cùng với Bernard Dimey, ông tham gia nhóm nghệ sĩ chuyên sáng tác nhạc cho Édith Piaf. Nhưng Francis Lai thật sự nổi tiếng sau khi gặp nhà làm phim trẻ tuổi Claude Lelouch, vào năm 1965 (qua lời giới thiệu của ca sĩ Pierre Barouh, vào thời ấy ông vừa từ Brazil trở về Pháp). Kết hợp nhạc jazz với các giai điệu bossa nova đang trở nên thịnh hành thời bấy giờ, Francis Lai sáng tác cùng lúc nhiều giai điệu cực kỳ dễ nhớ cho bộ phim ‘‘Un Homme et Une Femme’’. Ông là một trong những người đầu tiên đưa phong cầm điện tử vào trong nhạc phim.

Nhờ vào tài hòa âm của nhạc sĩ Ivan Jullien và sau đó nữa là của Christian Gaubert, bằng cách đan xen khéo léo giọng nữ (Nicole Croisille) với giọng nam (Pierre Barouh), bản nhạc chủ đề lại càng đậm chất bossa nova. Sau khi bộ phim của Claude Lelouch đoạt Cành cọ vàng tại liên hoan Cannes năm 1966, bản nhạc chủ đề của bộ phim trở nên thịnh hành. Bài hát lại càng nổi tiếng khi có thêm phiên bản tiếng Anh ‘‘A Man & A Woman’’ ăn khách qua nhiều giọng ca hàng đầu như Ella Fitzgerald, Andy Williams hay Tom Jones …..

Cặp bài trùng Francis Lai - Claude Lelouch tiếp tục hợp tác với nhau trong vòng nhiều thập niên liền, thông qua trên dưới 35 bộ phim khác nhau. Lần hợp tác cuối cùng giữa hai nghệ sĩ này là trong năm nay cho bộ phim ‘‘Les plus belles années’’ (Những năm tháng đẹp nhất), được xem như là phần thứ ba và phần cuối cùng, kết thúc câu chuyện sau hai tập phim ‘‘Un Homme et Une Femme’’ và kế đến nữa là ‘‘Vingt ans après’’. Trong dự án này, Francis Lai hoàn tất phần sáng tác nhạc phim, nhưng ông qua đời trước khi đạo diễn Claude Lelouch kết thúc phần hậu kỳ cho bộ phim mới của ông, dự trù phát hành vào năm 2019.

Ngoài việc là tác giả chuyên viết nhạc phim cho Claude Lelouch, Francis Lai còn hợp tác với nhiều tên tuổi khác trong làng điện ảnh Pháp như René Clément, Henri Verneuil, Yves Boisset, Claude Zidi hay các đạo diễn nổi tiếng nước ngoài như Terence Young, Dino Risi hay Nikita Mikhalkov. Tổng cộng ông đã soạn nhạc cho gần 100 bộ phim, cũng như sáng tác hàng trăm ca khúc nhạc nhẹ chẳng hạn như Lữ khách dưới đêm mưa cho Nicole Croisille, La Bicyclette (Chiếc xe đạp) cho danh ca Yves Montand hay là Bonsoir Tristesse, giải nhất liên hoan ca khúc thế giới tại Tokyo năm 1977 qua tiếng hát của Nicole Martin …

Tình khúc để đời của Francis Lai, giúp cho tên tuổi này mãi mãi ngời sáng trong lòng người mến mộ vẫn là nhạc phẩm Love Story (phát hành vào năm 1971) viết cho bộ phim cùng tên của đạo diễn Arthur Hiller, lời tiếng Anh của nhạc sĩ Carl Sigman, lời tiếng Pháp của tác giả Catherine Desage. Tính tổng cộng, bản nhạc đã bán hơn 7 triệu bản, được ghi âm trong 9 thứ tiếng khác nhau, kể cả nhiều lời trong tiếng Việt.

Lời đầu tiên là của nhạc sĩ quá cố Phạm Duy, chuyển ý rất gần với lời bài hát tiếng Anh (Where Do I Begin) : ‘‘Biết dùng lời rất khó, để mà nói rõ ôi biết nói gì, cuộc tình lớn quá. Chuyện tình đáng nhớ, tuy cũ nhưng là biển già trắng xoá. Cuộc tình quí giá như những ngọc ngà, người dành cho ta, ôi biết nói gì ’’. Lời Việt thứ nhì không rõ tên tác giả có những câu như sau : ‘‘Có chuyện tình muốn nói, chuyện tình với những mộng thắm trong đời dù tình mới đến. Tình đầy chất ngất tình rất đậm đà, tình rộng bao la. Tình nồng ấm đó là chỉ chuyện tình nàng dành cho ta, cho hết đời này’’.

Nhờ nhạc phẩm "Love Story" (Chuyện Tình), Francis Lai đoạt cùng lúc giải thưởng điện ảnh Oscar và Quả cầu vàng dành cho nhạc phim xuất sắc nhất năm 1972. Thế nhưng trái với các đồng nghiệp cùng thời như Maurice Jarre (chuyên viết nhạc phim cho đạo diễn David Lean) hay Michel Legrand (tên tuổi gắn liền với dòng phim của Jacques Demy), Francis Lai ở lại Pháp chứ không sang Mỹ làm việc, bất kể các hợp đồng và những khoản thù lao kếch sù với các hãng phim Hollywood.

Theo nhạc trưởng Jean-Claude Petit, lúc sinh tiền Francis Lai thức rất khuya và chủ yếu sáng tác vào ban đêm, ông không bao giờ gặp ai hay tiếp khách vào buổi sáng như thể ông né tránh ánh sáng ban ngày... Đối với một người ‘‘sợ nắng’’, Francis Lai lại thổi vào trong những tình khúc của ông một làn hơi ấm nồng, nơi giai điệu ngàn khơi gió lộng, giữa mùa hè ngập tràn sức sống.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.