Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Pháp : Vấn nạn cho thuê nhà không đủ tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn

Đăng ngày:

Theo tổ chức hỗ trợ nhà ở cho người có hoàn cảnh khó khăn, Abbé Pierre, hiện toàn nước Pháp có 600.000 ngôi nhà, căn hộ không đủ điều kiện an toàn, vệ sinh nhưng vẫn được cho thuê. Chỉ tính riêng Paris và vùng phụ cận đã có 180.000 ngôi nhà, căn hộ như vậy.

Đống đổ nát sau khi một tòa nhà cũ kỹ đổ sụp tại thành phố miền Marseille, miền nam nước Pháp, hồi đầu tháng 11/2018.
Đống đổ nát sau khi một tòa nhà cũ kỹ đổ sụp tại thành phố miền Marseille, miền nam nước Pháp, hồi đầu tháng 11/2018. HO, Loic AEDO / BMPM/SM Aedo / AFP
Quảng cáo

Cuộc khủng hoảng nhà ở, cung không đủ cầu, giá nhà cho thuê leo thang khiến nhiều người, nhất là những người có hoàn cảnh sống khó khăn, thu nhập thấp, người nhập cư không giấy tờ … phải chấp nhận thuê những căn phòng, căn hộ chật chội, cũ nát, bẩn thỉu để sinh sống.

Và mỗi khi xảy ra một vụ hỏa hoạn, tai nạn ở một khu phố nào đó, người ta lại phát hiện thêm những “marchand de sommeil”, tạm dịch là “nhà buôn giấc ngủ”, có nghĩa là những người chủ nhà cho thuê những căn phòng, căn hộ không hợp vệ sinh và không đảm bảo an toàn, người thuê nhà thường là người nghèo khó. Nhiều người không thể tưởng tượng hiện nay, ở Pháp, nhất là tại những thành phố lớn, vẫn còn tồn tại tình trạng nhà ở tồi tệ mà nhiều người ngỡ là chỉ tồn tại ở những thế kỷ trước.

Mới đây, dư luận Pháp xôn xao về vụ thảm họa 3 tòa nhà ở Marseille, miền nam nước này đổ sụp, khiến ít nhất 17 người thiệt mạng hồi đầu tuần trước. Chỉ 2 ngày sau đó, tại vùng Grand Est, Charleville-Mézière, một tòa nhà cũng đổ ập, người dân sống trong tòa nhà may mắn được sơ tán kịp thời nên tòa nhà dù bị sụp nhưng không gây chết người.

Vụ việc ngay lập tức làm dấy lên những tranh luận, chỉ trích gay gắt về tình trạng nhà ở xuống cấp ở Pháp và vấn nạn cho thuê nhà không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, vệ sinh … Cùng với Paris, Marseille là một thành phố bị chỉ trích rất nặng nề về tình trạng nhiều nhà cho thuê không đảm bảo tiêu chuẩn. Theo ông Christian Nicol, từng là chánh thanh tra về phát triển bền vững và tác giả báo cáo về tình trạng nhà ở tại thành phố Marseille năm 2015, thành phố này có tới 40.000 nhà ở cũ nát, bẩn thỉu.

Tại vùng Paris, một trong những thành phố ngoại ô tiêu biểu về tình trạng cho thuê nhà ở không đủ điều kiện là Aubervilliers. Bà Sofia Attek, chuyên trách theo dõi, giám sát tình trạng nhà ở không hợp vệ sinh, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân ở thành phố Aubervilliers ngoại ô Paris, cho biết: “Từ vài năm nay, chúng tôi thấy có nhiều chỗ được cải tạo thành nơi ở, tầng hầm được cải tạo thành chỗ ở, ga ra ô tô được sửa thành phòng. Có không ít trường hợp như vậy”.

Nhưng ông Soizig Nédélec, trợ lý thị trưởng về nhà ở tại thành phố Aubervilliers, giải thích : “Vì đó là những nhà ở thuộc sở hữu tư nhân, nên nhiều khi chúng tôi không thể biết điều gì đang diễn ra phía sau những bức tường … Cho dù đó là chỗ ở nguy hiểm, nhưng vì sợ mất chỗ ở và sợ không tìm được nơi ở mới, nhiều người giữ im lặng về điều kiện sống của họ …”.

Theo luật hiện hành tại Pháp, một căn hộ cho thuê phải rộng ít nhất 9m2, nhưng có không ít trường hợp người chủ cho thuê những căn phòng chỉ rộng 2-3m2. Thậm chí cả tầng hầm, ga ra ô tô, lán đựng dụng cụ làm vườn, phòng đặt máy giặt, phòng đặt thùng rác, mái hiên … cũng được nhiều chủ nhà cho thuê làm chỗ ở. Nhiều chủ nhà kê thật nhiều giường tầng trong phòng để cho được càng nhiều người độc thân thuê càng tốt. Nhiều căn nhà xuống cấp, dột nát, hệ thống điện, nước đều rò gỉ, có thể gây nguy hiểm, nhưng chủ nhà vẫn để nguyên, không sửa chữa, rồi cho thuê với giá không hề rẻ.

Nhiều người thuê nhà chia sẻ về tình trạng nhà tồi tệ mà họ đang phải chịu đựng : “Thực ra thì từ khi chúng tôi ở đây, chúng tôi mắc nhiều bệnh hơn. Ban đêm nhiều khi trời rất lạnh, tường buốt giá, nhiều khi nước còn tràn cả ra” ; “Căn hộ này không thể ở được. Chúng tôi thấy điện bị hở, có nhiều nấm mốc. Thực sự là không thể ở được” ; “Chúng tôi sống ở nhà ổ chuột, thật thê thảm” ; “Tôi đã dỡ lò sưởi ra, bởi vì nó đã bắt đầu bị chập điện”, “Ngay trên trần nhà, có những con chuột chết. Chúng tôi đã lấy băng dính dán hết các vết nứt trên trần, nếu không các con dòi sẽ rơi xuống qua các khe nứt”.

Ngay trong trung tâm Paris, có những người phải sống trong những căn gác sát mái, rộng chỉ 2-3m2, mùa đông thì lạnh buốt vì không có lò sưởi, mùa hè thì nóng như thiêu, thậm chí không có cửa sổ. Không chỉ là vấn nạn ở các thành phố lớn như Paris, Marseille, tình trạng cho thuê nhà không đảm bảo điều kiện còn lan rộng ra nhiều thành phố nhỏ hay các thành phố ngoại ô. Chẳng hạn, ở Saint-Denis, đại lộ Président-Wilson còn bị gọi là “phố của các nhà buôn giấc ngủ”. Trong trung tâm thành phố, 40% các khu nhà ở xuống xấp trầm trọng và bị xếp vào diện không đủ điều kiện vệ sinh, an toàn.

Ở ngoại ô của các thành phố lớn, nhất là ngoại ô Paris, cải tạo, chia nhỏ trái phép một ngôi nhà lớn thành nhiều căn hộ, hay ngăn nhà thành thật nhiều phòng để cho thuê, trong những năm qua, đã trở thành hoạt động kinh doanh bất hợp pháp mang lại nhiều lợi nhuận cho “các nhà buôn giấc ngủ”. Dường như hình thức này kín đáo, khó phát hiện hơn là việc cho thuê căn hộ tại các chung cư cũ nát ở trung tâm thành phố.

Trả lời phỏng vấn báo Le Figaro ngày 09/11/2018, bộ trưởng Nhà Ở Julien Denormandie cho biết : “Liên quan tới những người kinh doanh giấc ngủ, tôi đã cho thông qua trong luật nhà ở các biện pháp xử lý họ như xử lý những người buôn lậu ma túy. Tôi sẽ đánh vào túi tiền của họ, bằng cách tịch thu tài sản của họ hoặc cấm họ mua bất động sản khác. Ngay cả khi họ đã thu xếp trước là không có khả năng chi trả, chúng tôi vẫn có thể tịch biên tài sản của họ. Đây là một cuộc chiến thực sự và tôi đã tuyên chiến với họ”.

Cho đến nay, để tuyên bố một ngôi nhà không đảm bảo điều kiện an toàn, vệ sinh, thủ tục của chính quyền cần qua 13 bước, mất rất nhiều thời gian. Chẳng hạn, tại thành phố Argenteuil, ngoại ô Paris, có một ngôi nhà rộng 200m2 được ngăn thành 6 căn hộ để cho tới 20 người thuê mà không xin phép chính quyền. Đô chính Argenteuil phải mất tới 3 năm, bắt đầu từ năm 2016 và dự kiến đến năm 2019 mới có thể hoàn tất thủ tục xử lý chủ nhà về tội “chia nhỏ nhà thành nhiều căn hộ mà không được phép của chính quyền”.

Cá biệt, chính quyền thành phố ngoại ô Paris, Gennevilliers, đã từng mất tới 14 năm mới có thể xử lý được các chủ nhà cho thuê các căn hộ trong một khu nhà cũ kỹ, hư nát. Để khắc phục tình trạng chậm chễ này, bộ trưởng Nhà Ở Julien Denormandie đã quyết định cho đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính để các đô trưởng có thể phản ứng mau lẹ và hiệu quả hơn trong cuộc chiến chống những “kẻ buôn bán giấc ngủ”.

Cùng với nỗ lực của chính phủ Pháp, chính quyền nhiều thành phố cũng vận động người dân báo cáo về sự hiện diện của các “nhà buôn giấc ngủ” trong khu phố, chẳng hạn nếu thấy có quá nhiều người hàng ngày ra vào một ngôi nhà, hay trước cửa một ngôi nhà lẽ ra chỉ có một hộp thư thì nay lại có quá nhiều hòm thư. Đồng thời, nhiều thành phố tăng cường nhân lực đi kiểm tra, giám sát tình trạng nhà ở tại các khu phố.

Bà Eveline Yonnet, trợ lý Nhà ở cho thị trưởng Aubervilliers, chuyên trách về các biện pháp vệ sinh, an toàn và phòng chống tình trạng nhà ở không đảm bảo, gọi vấn nạn cho thuê nhà ở không đủ điều kiện an toàn, vệ sinh là hoạt động “kinh doanh nỗi khốn khổ” của người khác. Để phát hiện ra những ngôi nhà như vậy, bà Yonnet tăng cường đi kiểm tra vào buổi tối. Có nhiều dấu hiệu giúp bà nhận biết chủ nhà là “nhà buôn giấc ngủ”, chẳng hạn, bên ngoài nhà có những chai đựng nước tiểu vứt bừa bãi, cửa ga ra ô tô được bịt kín bằng những tấm ván, tầng hầm được thắp sáng, nhà đang có sửa chữa nhưng chủ nhà không khai báo … Tiêu thụ điện, nước tăng vọt bất thường cũng là một dấu hiệu khả nghi đối với nhà chức trách.

Theo luật mới về nhà ở Elan được thông qua gần đây, các nhà buôn giấc ngủ bị kết án sẽ bị cấm cho thuê nhà và mua bất động sản. Ông Gilles Poux, thị trưởng thành phố La Courneuve nhấn mạnh : “Chúng tôi đã quyết định phải làm họ cho ngưng chuyện này, cấm họ cho thuê nhà trở lại và có các biện pháp gần như mang tính quyết định, có nghĩa là chúng tôi sẽ xây tường bịt lại để chủ nhà không thể cho ai vào thuê nữa, để họ không thể ngăn vách, chia nhỏ ngôi nhà ra thành nhiều căn hộ, để cho những người bất hạnh không có lựa chọn thuê với giá rất cao”.

Theo luật hình sự của Pháp, “các nhà buôn giấc ngủ” khi bị phát hiện sẽ bị xử phạt tiền rất nặng, tới vài trăm ngàn euro, thậm chí là phải chịu án tù giam về tội “đưa những người có hoàn cảnh khó khăn vào điều kiện sống không phù hợp với nhân phẩm”“đẩy người khác vào nguy hiểm”. Chính quyền thành phố cũng yêu cầu chủ của những ngôi nhà đã bị ngăn thành nhiều căn hộ trái phép khôi phục lại tình trạng ban đầu của ngôi nhà.

Bà Eveline Yonnet, trợ lý Nhà ở cho thị trưởng Aubervilliers giải thích : “Nếu họ không làm tất cả những gì chúng tôi đã yêu cầu, chúng tôi sẽ bắt đầu các thủ tục pháp lý cần thiết. Họ có nguy cơ phải ngồi tù. Vậy đấy. Nếu chúng tôi theo pháp lý tới cùng, nhà tù sẽ là hồi kết cho họ”.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.