Vào nội dung chính
Tạp chí đặc biệt

Đệ Nhất Thế Chiến: 30.000 gương mặt làm sống lại ''Người lính vô danh''

Đăng ngày:

Bảo tàng Pháp dựng lại gương mặt « Người lính vô danh » của Đại Chiến Thứ Nhất ; phong trào Handicap International vận động ra một Tuyên bố quốc tế chống oanh kích thường dân (stop bombing civilians) ; dự án không tổ chức duyệt binh mừng chiến thắng 1918 của tổng thống Macron bị phản đối ; Quốc Hội Pháp cùng lúc vinh danh hai kỳ phùng địch thủ Jaurès và Clemenceau ; báo động các vùng đất hoang chỉ còn hơn 20% diện tích Trái đất và vận động cho ra đời « ngân hàng đạo lý » tại Pháp. Trên đây là các chủ đề chính Tạp chí Thế Giới Đó Đây tuần này.

Gương mặt "Người lính vô danh" Đại Chiến 1914-1918. Bảo tàng Historial de la Grande Guerre de Péronne (Somme) phục dựng dựa trên hình ảnh 30.000 nạn nhân chiến tranh
Gương mặt "Người lính vô danh" Đại Chiến 1914-1918. Bảo tàng Historial de la Grande Guerre de Péronne (Somme) phục dựng dựa trên hình ảnh 30.000 nạn nhân chiến tranh Capture d'image d'ecran
Quảng cáo

Tháng 11/2018 này là đỉnh điểm của cuộc kỷ niệm tròn một thế kỷ kết thúc Đại Chiến Thứ Nhất, được tổ chức rộng rãi tại Pháp và nhiều nơi trên thế giới suốt từ đầu năm đến nay, cũng như của đợt kỷ niệm một thế kỷ Đại Chiến kéo dài từ bốn năm nay. Trước lễ tưởng niệm chính thức ngày kết thúc chiến tranh, tại Khải Hoàn Môn, Paris, ngày Chủ Nhật 11/11, với sự tham gia của hơn 60 nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu chính phủ, có một sự kiện đáng chú ý là sáng kiến phục dựng lại gương mặt « Người lính vô danh » (1) của Bảo tàng Thế Chiến Thứ Nhất Historial de la Grande Guerre de Péronne (ở tỉnh Somme, miền bắc nước Pháp).

Cách nay một thế kỷ, ý tưởng lập một ngôi mộ người lính vô danh, để vinh danh tất cả các anh hùng thời chiến của ông Francis Simon - có hai người con ra trận, trong đó có một hy sinh - đã được chính quyền Pháp tiếp nhận. Sáng kiến sau đó đã trở thành một tập quán phổ biến khắp thế giới. Với các công nghệ hiện đại, xét nghiệm ADN, tìm ra được gương mặt của người lính mà thi hài được chôn cất tại Khải Hoàn Môn có lẽ không phải là điều khó khăn, nhưng điều đó đi ngược lại với chính ý nghĩa của việc tôn thờ « người lính vô danh ».

Tuy nhiên, giờ đây ngày càng có nhiều người khao khát nhìn thấy một gương mặt con người đại diện cho tất cả những ai đã ngã xuống. Ông Jean-Luc Dron, một nhà sưu tập về cuộc Đại Chiến, cho biết : Chúng ta vốn đã quá quen thuộc với một danh sách người đã khuất trên các tượng đài, nhưng lại thiếu một gương mặt chung để tưởng nhớ đến họ.

« Cái nhìn xuyên thấu, nhưng khoan hòa »

30.000 bức ảnh những người từng tham gia vào cuộc xung đột đẫm máu được bảo tàng ở tỉnh Somme tập hợp lại. 30.000 người thuộc về tất cả các bên, đủ các tôn giáo, đủ mọi lứa tuổi, không phân biệt giới tính. Nhiều phụ nữ, đặc biệt là các y tá có mặt trong đó. Một thuật toán đã giúp cho ra đời một chân dung, tổng hợp nét chung của tất cả các nạn nhân của cuộc chiến khủng khiếp này.

« Hình ảnh gây xúc động ghê gớm », ông Hervé François, giám đốc viện bảo tàng nhận xét. « Người lính có gương mặt khá hiền từ, cái nhìn xuyên thấu, nhưng cùng lúc mang vẻ khoan hòa ». Patrick, một sĩ quan kỹ thuật trong quân đội Pháp, tham dự buổi ra mắt hình ảnh người lính vô danh, chia sẻ :

« Từ 30.000 bức chân dung, người ta đã dựng lại được một gương mặt biểu tả cho một điều gì đó rất thuần khiết, rất đẹp, và có thể nói là rất thanh thản. Rốt cuộc là khi chúng ta nhớ đến đa số những người đã trải qua chiến tranh, đã trải qua những cảnh địa ngục trần gian, thì gương mặt ấy như đã truyền đến cho họ, đặc biệt là cho các thế hệ tiếp nối, một thông điệp tuyệt vời. ‘‘Điều quan trọng nhất, là hãy tránh chiến tranh !'’. Mà để tránh được chiến tranh, thì phải đối thoại, phải giao lưu. Và cũng phải nhớ lại những gì mà thế hệ tiền bối của chúng ta đã trải qua ».

Gương mặt chung của « người lính vô danh » - điểm hội tụ của bao nhiêu hồi ức về những người đã khuất, vô danh hay hữu danh – phải chăng chính là cơ hội cho giao lưu, đối thoại, thúc đẩy tìm kiếm các con đường phi bạo lực để giải quyết bất đồng ? Là cơ hội để vượt qua hận thù mù quáng - cội rễ của chiến tranh ?

Văn hào Paul Valéry đã tổng kết trong một câu châm ngôn cay đắng : « Chiến tranh là cuộc tàn sát lẫn nhau giữa những người không hề biết nhau, vì lợi ích của những người tuy biết nhau, nhưng lại không giết nhau ».

Đem lại « gương mặt » cho các nạn nhân thường dân

Nếu như trong Thế Chiến Thứ Nhất, đa số nạn nhân chiến tranh là binh sĩ (khoảng 40% nạn nhân là dân thường), thì trong các xung đột hiện tại như ở Yemen, Syria, Irak, Ukraina, có đến 90% nạn nhân là thường dân. Đem lại « gương mặt » cho các nạn nhân chiến tranh trong thời hiện tại, để đánh động công luận, là một sáng kiến của hiệp hội Handicap International.

Các nghị sĩ mang ảnh nạn nhân của các cuộc không kích ở nhiều nơi trên thế giới, theo lời kêu gọi của NGO Handicap International. Ảnh chụp trước Quốc Hội Pháp, ngày 7/11/2018.
Các nghị sĩ mang ảnh nạn nhân của các cuộc không kích ở nhiều nơi trên thế giới, theo lời kêu gọi của NGO Handicap International. Ảnh chụp trước Quốc Hội Pháp, ngày 7/11/2018. JACQUES DEMARTHON / AFP

Hôm 07/11/2018, 27 nghị sĩ ủng hộ sáng kiến này - mỗi người mang một tấm hình lớn nạn nhân là thường dân trong các xung đột mới đây - tập hợp trước nhà Quốc Hội Pháp, để kêu gọi chính phủ Pháp – một trong các quốc gia tham gia liên minh quốc tế chống tổ chức khủng bố Daech tại Syria và Irak - nỗ lực vận động cho một Tuyên bố chung quốc tế chống lại các oanh tạc nhắm vào các vùng dân cư, trong các xung đột đang diễn ra. Handicap International cũng tổ chức một cuộc trưng bày luân lưu khắp châu Âu 90 bức ảnh các nạn nhân.

Theo Handicap International, 500.000 công dân đã ký một bản lên án nạn oanh kích bừa bãi. 90 nghị sĩ Pháp kêu gọi chính phủ hành động theo hướng này. Trả lời RFI, bà Anne Hery giám đốc truyền thông của hiệp hội Handicap International giới thiệu về mục tiêu của cuộc vận động :

« Đây là một hoạt động quy mô mà chúng tôi phối hợp với các nghị sĩ đã từ hai năm nay, để huy động họ trong vấn đề các oanh kích nhắm vào thường dân. Điều mà chúng tôi yêu cầu là nước Pháp tham gia vào một tuyên bố chính trị, đòi hỏi các quốc gia chấm dứt sử dụng vũ khí tấn công vào các khu vực dân cư. Hiện tại, người ta nói quân khủng bố gây ra các thiệt hại cho dân thường, trên thực tế, tất cả các bên tham gia vào xung đột đều chịu trách nhiệm về thiệt hại của người dân.

Vấn đề không phải là cấm toàn bộ các vũ khí gây nổ, mà là cải thiện các chính sách và hoạt động quân sự, để bảo vệ tốt hơn thường dân và minh bạch hơn về số lượng thường dân là nạn nhân. Và lên án tất cả các quốc gia, tất cả các lực lượng gây thiệt hại cho thường dân ».

Ngay sau lễ tưởng niệm ngày kết thúc Đệ Nhất Thế Chiến, tổng thống Pháp cùng lãnh đạo nhiều quốc gia và định chế quốc tế sẽ tham dự Diễn Đàn Paris vì Hòa Bình (Forum de Paris sur la Paix). Diễn Đàn Paris vì Hòa Bình năm nay, mà tổng thống Pháp dự kiến sẽ tổ chức hàng năm để tạo thêm một lực đẩy cho nỗ lực quốc tế vì hòa bình, dự kiến sẽ là dịp dự án Tuyên bố chung nói trên thu được thêm nhiều ủng hộ quan trọng (2).

Macron không duyệt binh mừng chiến thắng : Nhiều người lên án

Trở lại với đợt tưởng niệm 100 năm kết thúc Đệ Nhất Thế Chiến, quyết định không tổ chức lễ diễn binh mừng chiến thắng 1918 bị phản đối dữ dội trong một bộ phận công luận Pháp. Theo phủ tổng thống Pháp, việc tổ chức lễ tưởng niệm không nên « mang mầu sắc quân sự quá mức », và ý nghĩa của cuộc tưởng niệm không phải là để vinh danh chiến thắng 1918.

Tờ báo thiên hữu Le Figaro đăng tải nhiều ý kiến phản đối từ phía dân chúng và giới quân nhân. Theo ông Bénédicte Chéron, một giảng viên – nhà nghiên cứu chuyên về quốc phòng, thì phủ tổng thống Pháp đã phạm sai lầm khi giảm tầm mức đóng góp của giới quân sự chuyên nghiệp, khi nhấn mạnh nhiều hơn đến phía người dân thường tham gia quân đội theo lệnh tổng động viên. Đối với nhiều bạn đọc khác của Le Figaro, việc không tôn vinh chiến thắng quân sự 1918 là « một hành vi điên rồ », một sự phủ nhận lịch sử, phủ nhận đóng góp của quân đội.

Ngược lại, tờ báo thiên tả Libération cho rằng tổ chức ăn mừng chiến thắng 1918, trong bối cảnh chủ nghĩa dân tộc đang trỗi dậy khắp nơi như hiện nay là một hành động vô cùng nguy hiểm, có thể kích động các tình cảm thù hận. Ăn mừng cho sự hòa giải, hơn là ăn mừng chiến thắng là một hành động đúng mực. Việc tổng thống Macron, nguyên thủ Pháp đầu tiên giành trọn một tuần lễ thăm lại các chiến địa thời Đại Chiến Thứ Nhất, và nghi thức long trọng trước ngôi mộ Người lính vô danh tại Khải Hoàn Môn hôm Chủ Nhật này rõ ràng là thể hiện thái độ trân trọng của toàn thể đất nước đối với sự hy sinh vô bờ bến của các binh sĩ trong cuộc Đại Chiến.

Một đỉnh điểm khác : Ngày Hòa giải 18/11

Sứ mạng hòa giải của tổng thống Pháp, đặc biệt với nước Đức, là rất lớn. Hôm thứ Bảy, 10/11 này, lần đầu tiên kể từ sau Thế Chiến Hai, hai lãnh đạo Pháp và Đức cùng đến khoảnh rừng Compiègne, địa điểm lịch sử nơi quân đội Đức ký hiệp đình chấm dứt chiến tranh ngày 11/11/1918, và cũng là nơi mà 22 năm sau đó, Hitler buộc các tướng lĩnh Pháp ký thoả thuận hạ vũ khí (xem thêm : Lần đầu tiên thủ tướng Đức đến Rethondes, nơi ký Hòa Ước 11/11/1918).

Đại Chiến Thứ Nhất đã để lại bài học cay đắng. Đó là việc kết thúc chiến tranh đã không mang lại hòa bình, mà Hòa ước với các đòi hỏi vô cùng khắc nghiệt với nước Đức chiến bại đã tạo cơ hội cho một lò lửa chiến tranh mới, cho sự trỗi dậy của các thế lực phát xít tại Đức và một số nước châu Âu khác.

Xét theo ý nghĩa hòa giải này, thì đỉnh điểm của đợt kỷ niệm 100 năm khép lại Thế Chiến I phải là chuyến công du Berlin của tổng thống Pháp, ngày Chủ Nhật 18/11 tới, nhân ngày « kỷ niệm quốc gia (của Đức) vì hòa giải, hòa hợp, hòa bình » và « tưởng niệm các nạn nhân chiến tranh » (xem thêm : Thành phố Strasbourg : Biểu tượng hòa giải Pháp - Đức). Tổng thống Macron sẽ có bài phát biểu trước Quốc Hội Đức, về tương lai hợp tác Đức-Pháp. Emmanuel Macron dự kiến sẽ thảo luận với thủ tướng Angela Merkel về chủ đề ngân sách khu vực đồng euro, theo thỏa thuận Meseberg.

Jaurès và Clemenceau : Cuộc vinh danh muộn mằn của Quốc Hội Pháp

Một sự kiện đúng chú ý khác trong cuộc kỷ niệm 100 năm Đại Chiến Thứ Nhất là việc Quốc Hội Pháp ngày 7/11/2018, đồng loạt tưởng niệm hai vĩ nhân của nền Đệ Tam Cộng Hòa, Jean Jaurès và Georges Clemenceau, từng là hai kỳ phùng địch thủ, nhưng cũng là hai lãnh đạo cánh tả. Chủ tịch Quốc Hội Richard Ferrand thừa nhận : « Phải một thế kỷ sau Quốc Hội mới hoàn trả được món nợ với Lịch Sử, phải một thế kỷ sau, chúng ta mới đặt được hai tấm biển vào chính nơi Jean Jaurès và Georges Clemenceau từng ngồi năm xưa trong ngôi nhà Quốc Hội ».

Lãnh tụ Jean Jaurès – người tìm mọi cách ngăn chặn mọi mưu toan chiến tranh giữa các nước châu Âu - bị một kẻ dân tộc chủ nghĩa sát hại ngày 31/7/1918. Jean Jaurès thường được coi là « nạn nhân đầu tiên của Đại Chiến Thứ Nhất ». Ba ngày sau khi ông qua đời, chiến tranh bùng nổ. Georges Clemenceau biệt danh « ông Hổ », từng được coi là « Người cha của chiến thắng » 1918, một anh hùng dân tộc. Trước khi chiến tranh kết thúc một năm, ông được bổ nhiệm làm thủ tướng và bộ trưởng Chiến Tranh vào lúc 77 tuổi (3). Tuy nhiên, Georges Clemenceau sau đó bị nhiều người lên án là đã tàn bạo với các cuộc bãi công của công nhân.

Thời gian trôi đi, công chúng ngày càng nhận thấy nhiều điểm tương đồng giữa hai đối thủ chính trị năm xưa. Cả hai đều theo chủ thuyết cộng hòa, đấu tranh không khoan nhượng cho các quyền tự do căn bản. Họ đứng về một phía trong cuộc chiến bảo vệ đại úy Dreyfus, người Do Thái, bị kết tội phản bội (nước Pháp gần như chia thành hai phe trong kỳ án kéo dài gần 10 năm này [1894-1906]).

Tranh vẽ Georges Clemenceau thị sát mặt trận trong Thế Chiến I.
Tranh vẽ Georges Clemenceau thị sát mặt trận trong Thế Chiến I. Ảnh : Wikipedia

Jaurès và Clemenceau cùng chung chiến tuyến trong các nỗ lực xây dựng hệ thống bảo trợ xã hội tại Pháp, trong sự ra đời của bộ luật thế tục nổi tiếng, chia tách Nhà nước với Giáo hội, cũng như chống lại chủ nghĩa thực dân. Trong những năm gần đây, nhiều người trong chính giới Pháp, cả tả cũng như hữu và có cả lãnh đạo cực hữu, tìm nguồn cảm hứng ở hai nhà lãnh đạo xuất chúng này.

Trái đất chỉ còn hơn 20% diện tích đất hoang sơ

Cùng với Trái đất bị hâm nóng, các hoạt động của con người tàn phá thiên nhiên là cội rễ của cuộc khủng hoảng toàn cầu hiện nay. Lần đầu tiên có một nghiên cứu khoa học được công bố về tình trạng các vùng đất và vùng ven biển hoang sơ còn lại của hành tinh.

Bản đồ các vùng hoang dã còn lại trên hành tinh (màu xanh)
Bản đồ các vùng hoang dã còn lại trên hành tinh (màu xanh) Capture d'écran

Bài báo được công bố trên tạp chí Nature ngày 31/10/2018, báo động về tình trạng diện tích các vùng đất đai không bị hoạt động của con người đụng đến đang ngày càng bị thu hẹp (4). Đáng ngại hơn cả là việc các di sản vô giá của tự nhiên bị xâm hại chủ yếu tập trung vào 5 quốc gia, không coi bảo vệ môi trường là ưu tiên, trong đó có Hoa Kỳ, Nga và Brazil.

Cụ thể là chỉ còn 23% diện tích đất nổi, và 13% các vùng biển ven bờ là còn được coi là chưa bị con người xâm phạm. Năm quốc gia, Hoa Kỳ, Nga, Brazil, Canada và Úc sở hữu đến 70% diện tích rừng và vùng biển hoang sơ, trên tổng số diện tích 94% vùng hoang sơ, mà 20 quốc gia trên thế giới đang có. Nước Pháp đứng thứ sáu, do quản lý nhiều vùng đặc quyền kinh tế tại Thái Bình Dương (nghiên cứu nói trên không bao gồm các vùng biển khơi - tức các vùng biển quốc tế - và Nam Cực).

Nghiên cứu của đại học Queensland và Wildlife Conservation Society khẳng định khả năng bảo tồn nguyên trạng các vùng hoang dã còn lại là nằm trong tầm tay, với điều kiện cộng đồng quốc tế phải khẩn trương thiết lập các cơ chế (5).

Vận động cho « ngân hàng đạo lý » đầu tiên tại Pháp

Khép lại Tạp chí Thế Giới Đó Đây tuần này, xin giới thiệu về NEF (Nouvelle Economie Fraternelle), một quỹ tiết kiệm và đầu tư nhỏ (6), đang nỗ lực trở thành « ngân hàng đạo lý » đầu tiên tại Pháp, tức chỉ tài trợ hoàn toàn cho các dự án có mục tiêu vì sinh thái và các dự án xã hội, đoàn kết, không bỏ tiền vào các dự án liên quan đến năng lượng hóa thạch. Hàng năm, Quỹ NEF thông báo với khách hàng một cách chi tiết và minh bạch về việc tiền gửi của họ được sử dụng như thế nào.

Trả lời RFI, giám đốc tiếp thị của NEF, ông Leo Miranda, cho biết thêm : « Nếu nhà đầu tư hiểu được về các tác động xã hội của tài chính và bằng cách hướng nguồn tài chính vào các đầu tư có mục tiêu tốt đẹp, mà chúng ta có khả năng thay đổi nền kinh tế một cách bền vững. Mục tiêu tối hậu của NEF là hỗ trợ về mặt tài chính cho các doanh nghiệp nào muốn thay đổi hoàn toàn hệ thống kinh tế của mình, theo hướng bền vững ».

Hiện tại, các đầu tư tài chính vì các mục tiêu đoàn kết chiếm khoảng 11 tỉ euro, trong số 5.000 tỉ euro tiền gửi tiết kiệm của các công dân Pháp. Hiện tại NEF huy động được 500 triệu, đặc biệt từ 2 năm nay nhờ một sổ tiết kiệm mới, cho phép người gửi và rút tiền qua mạng. Tuy nhiên, để thu hút được nhiều đầu tư hơn, NEF cần được hưởng quy chế hoạt động như một ngân hàng.

Theo đại diện NEF, « khó khăn lớn là tại Pháp, chúng tôi rất khó được cấp phép, bởi cơ sở của chúng tôi quá nhỏ bé. Để có thể làm được điều này, không có giải pháp nào hơn là phải cho thấy được có một phong trào công dân thực sự, đông đảo ở Pháp. Và như vậy chúng tôi mới có điều kiện để yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cấp phép cho chúng tôi » (NEF hy vọng được 10.000 người đăng ký tham gia trước ngày 15/12/2018 tới –theo La Tribune).

Ghi chú

1. Trang nhà của chương trình « Đi tìm gương mặt Người lính vô danh » của Bảo tàng Historial de la Grande Guerre de Péronne.

2. Trong những thập niên gần đây, cộng đồng quốc tế đã đạt được hai thỏa thuận quan trọng. Hiệp ước chống mìn cá nhân Ottawa, năm 1991, cho phép loại trừ khoảng 100 triệu mìn cá nhân khắp nơi trên thế giới. Và hiệp ước Oslo chống bom chùm 2008.

3. Tổng thống Pháp chọn năm 2018 để vinh danh Georges Clemenceau (xem thêm www.clemenceau2018.fr). Trong số các hoạt động, có Triển lãm Clemenceau, le courage de la République tại Panthéon, mở cửa từ 30/10/2018 đến 10/02/2019).

4. Báo cáo về các vùng hoang dã còn lại trên Trái đất được công bố cùng lúc với một báo khác của Quỹ Bảo Tồn Thiên Nhiên Thế Giới (WWF), cảnh báo cuộc đại diệt chủng sinh giới đang diễn ra.

5. Mời xem thêm « Pháp thúc đẩy Công Ước Môi Trường Toàn Cầu », ngày 3/8/2017.

6. NEF thành lập năm 1978, có trụ sở tại Lyon.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.