Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Thế Chiến I : Bảo quản di tích lịch sử thời chiến

Đăng ngày:

Ba tháng trước lễ ký kết Hòa Ước ngày 11 tháng 11 năm 1918, khép lại cuộc Đại Chiến I, Amiens đã được giải phóng. Nhà Thờ Đức Bà thành phố bị thiệt hại sau nhiều đợt dội bom và pháo kích của quân đội Đức, nhưng quần thể kiến trúc đồ sộ gần 700 năm tuổi này vẫn đứng vững. Mọi người nói tới một phép lạ.

Mặt tiền Nhà Thờ Đức Bà Amiens và lớp vỏ bọc bảo vệ trong thời Thế Chiến I. Ảnh : 1915-1918.
Mặt tiền Nhà Thờ Đức Bà Amiens và lớp vỏ bọc bảo vệ trong thời Thế Chiến I. Ảnh : 1915-1918. E. Regnaut/Kho lưu trữ Giáo Phận Amiens.
Quảng cáo

Nhờ đâu mà sau 9 đợt bị dội bom chỉ riêng trong cuộc tấn công cuối cùng mùa xuân năm 1918, hứng đến 11130 quả đại bác, một công trình đồ sộ 7700 mét vuông, lớn gấp đôi so với Nhà Thờ Đức Bà Paris, chỉ mang những thương tích "sơ sài" ? Đấy là một phép lạ hay đơn giản là công lao của giáo phận Amiens, huy động mọi phương tiện để bảo vệ Nhà Thờ Đức Bà Amiens ?

Năm 1914, ba tháng trước khi quân đội Đức tuyên chiến, Amiens là một thành phố trù phú và yên bình với 93000 dân cư. Ngày 28/04, Nhà Thờ Đức Bà mời các quan chức thành phố đến dự một buổi hòa nhạc mừng kết thúc công trình dài hơi trùng tu khu dị tích này. Dưới vòm nhà thờ cao hơn 40 mét, ánh sáng chiếu qua những tấm kính màu, dàn đồng ca cất tiếng hát, đưa những tác phẩm đẹp nhất của Bach hay Rameau đến với công chúng. Không có dấu hiệu nào báo trước cuộc sống êm ả ấy mau chóng thuộc về dĩ vãng.

Chỉ một vài ngày sau, không khí của thành phố thay đổi hẳn : 25 viên tướng cùng 230 sĩ quan của quân đội Pháp được điều về Amiens và thị trấn Péronne sát cạnh. Bước sang đầu tháng 8, sự hiện diện của quân đội Pháp trong thành phố và các vùng lân cận ngày càng "dầy đặc thêm". Khi Pháp lao vào cuộc Đại Chiến, giám mục Amiens kêu gọi giáo dân đồng lòng đứng lên bảo vệ bờ cõi, yểm trợ những người lính trẻ ra trận.

Vị trí hậu cần của quân đội đồng minh

Trong suốt hơn bốn năm chiến tranh, thành phố Amiens bị chiếm đóng đúng 11 ngày. Amiens không thực sự là một trận địa ngoại trừ cuộc tấn công sau cùng tháng 08/1918.

Nhưng Amiens nằm trên trục huyết mạch và đóng vai trò hậu cần hàng đầu, là nơi chăm sóc những người lính của quân đội đồng minh mang thương tích trở về, là nguồn tiếp viện cho những người lính trên chiến tuyến.

Trong những năm tháng khốc liệt nhất của Thế Chiến Thứ Nhất, Nhà Thờ Đức Bà Amiens là biểu tượng của hòa bình, là điểm tựa tinh thần của những người lính Pháp và ngoại quốc bị đẩy vào cuộc chiến.

Trả lời đài RFI Việt ngữ, thủ thư giáo phận Amiens, ông Aurélien André cho biết qua về những thiệt hại thành phố đã hứng chịu :

"Trong Đệ Nhất Thế Chiến, Amiens bị quân Đức chiếm đóng khoảng hơn một tuần lễ vào đầu tháng 9 năm 1914 nhưng rồi quân đội đồng minh đã đẩy được lính Đức ra xa khỏi thành phố khoảng 30 cây số. Tuy nhiên kể từ năm 1915 trở đi, Amiens nhiều lần bị pháo kích, gây nhiều thiệt hại về vật chất. Đặc biệt là năm 1918, trong đợt tấn công mùa xuân, từ tháng Tư, tháng Năm và tháng Sáu trở đi thành phố liên tục bị dội bom và bị Đức nã đại bác".

Nhà Thờ Đức Bà Amiens là lá phổi của thành phố. Các hoạt động của nhà thờ vẫn được duy trì trong tiếng đại bác và những đợt oanh kích về đêm. Hơn một tháng sau khi Pháp bị lôi vào vòng xoáy của chiến tranh, tháng 09/1914, cách thành phố Amiens chưa đầy 200 cây số về hướng đông, thánh đường Reims bị thiêu rụi sau một đợt oanh kích. Chiếc ngai vàng mà nhiều đời các nhà vua của Pháp từng bước lên trong buổi lễ đăng quang chỉ còn là một đống tro tàn.

Giám mục Amiens quyết định bảo vệ Nhà Thờ Đức Bà của thành phố bằng mọi giá. Aurélien André thủ thư giáo phận Amiens kể lại :

"Ngay từ khi cuộc chiến khơi mào, giáo phận Amiens thật sự không mấy lo ngại vì mọi người nghĩ rằng chiến tranh sẽ không kéo dài, Pháp chóng đẩy được quân ngoại xâm ra ngoài bờ cõi. Thế nhưng rồi mọi người đều mòn mỏi ngóng đợi ngày chiến thắng.

Cùng lúc, các giáo chức lo ngại trước một mối đe dọa khác, là hỏa hoạn. Thánh đường ở Reims tháng 9 năm 1914 từng bị cháy. Từ đó nẩy sinh nhu cầu bảo vệ nhà thờ Amiens. Năm 1915 bộ Văn Hóa Pháp coi đây là một ưu tiên, nhưng chỉ có thể bảo vệ quần thể kiến trúc này bằng những phương tiện thô sơ. Thí dụ như là chất các bao cát trước cửa chính vào thánh đường Amiens. Đây là nơi cánh cửa gỗ được trạm trổ rất công phu và trên tường chung quanh có rất nhiều những pho tượng điêu khắc.

Nhiều tác phẩm được thực hiện từ đầu thế kỷ thứ 16. Nhưng không thể nào che chắn cho toàn bộ nhà thờ lớn của Amiens được, bởi vì mặt tiền của công trình kiến trúc này cao 60 thước, chiều dài là 150 mét. Cần nhắc lại Nhà Thờ Đức Bà Amiens là một trong những công trình kiến trúc đồ sộ nhất của nước Pháp, có dung tích bằng 2 Nhà Thờ Đức Bà Paris !"

Dùng bao đất sét đỡ đạn

Từ cuối năm 1915 Nhà Thờ Đức Bà Amiens được trang bị vòi rồng, bể chứa nước để có thể can thiệp khẩn cấp trong trường hợp xảy ra hỏa hoạn. Nhưng làm thế nào bảo vệ hơn 700 pho tượng đá khắc trên cổng chính vào thánh đường, tránh để những băng ghế bằng gỗ với những họa tiết trạm trổ tinh vi bị hư hại ?

Aurélien André, phụ trách kho lưu trữ của giáo phận Amiens giải thích thêm :

"Cụ thể là thí dụ như để bảo vệ cổng chính của nhà thờ, người ta dựng những xà ngang bằng gỗ như để dùng trong các công trình xây dựng, bắt thêm thanh sắt theo đường dọc. Rồi chất đầy hàng ngàn bao bố đất sét lên đó. Ta hãy hình dung ra cái mai con rùa úp vào cổng chính của nhà thờ. Phương tiện thời đó chỉ đơn giản như vậy thôi".

Bao cát và đất sét bên trong Nhà Thờ Đức Bà, bảo vệ những băng ghế gỗ quý- Thế kỷ thứ 16.
Bao cát và đất sét bên trong Nhà Thờ Đức Bà, bảo vệ những băng ghế gỗ quý- Thế kỷ thứ 16. E. Regnaut/ Kho lưu trữ Giáo Phận Amiens

Trước chiến tranh, nhà máy Saint nổi tiếng trong vùng nhờ cung cấp những bao vải để chuyên chở bột mì. Với 17 nhà máy, công ty này sản xuất ngày đêm những chiếc bao bố để nhồi đất sét. Chúng được chuyển tới chiến trường, đắp chiến hào. Nhưng không ít trong số ấy được dùng làm "bia đỡ đạn" cho nhà thờ.

Khi chiến tranh kết thúc, phải mất nhiều tháng để tháo gỡ toàn bộ 16000 chiếc bao đất dựng lên bên trong và bên ngoài Nhà Thờ Đức Bà Amiens, tất cả được xếp ngay ngắn trên những chiếc xà bằng gỗ và bằng sắt. Thủ thư giáo phận Amiens Aurélien André :

"Hệ thống bảo quản đó có hiệu quả và điều đáng mừng nhất là cổng chính của thánh đường Amiens không hề bị hư hại. Đó là điều may mắn hết sức. May mắn hơn nữa là quân Đức không đốt phá nhà thờ trong lúc rất nhiều cổ vật và một phần kiến trúc của nhà thờ đều bằng gỗ. Chúng ta biết là nếu bị hỏa hoạn, gỗ hóa tro và độ nóng sẽ làm vỡ những phiên đá được dùng để xây dựng nhà thờ Amiens".

Nhiều tấm kính màu trang trí cửa số của nhà thờ bị hư hại, nhưng không ít trong số ấy đã được gỡ xuống và đem cất giấu ở những thị trấn lân cận. 3500 đường ống của chiếc đại phong cầm trong Nhà Thờ Đức Bà Amiens có từ thế kỷ thứ 15, vẫn nguyên vẹn.

Giữ gìn di sản để xoa dịu vết thương chiến tranh

Mùa xuân 1918, quân đội Đức quyết định mở một cuộc tấn công quy mô bên "sườn phía tây", điều quân từ mặt trận phía đông là Nga về Pháp, để giành lấy chiến thắng sau cùng. Phía Pháp và đồng minh – gồm Anh, Mỹ, Canada và Úc lần đầu tiên phối hợp phản công, huy động toàn lực. Sau nhiều tháng chuẩn bị, trận đánh Amiens kéo dài trong ba ngày từ 8 đến 11/08/1918. Quân Đức bị đẩy lùi đến 13 cây số, 27000 bị bắt làm tù binh.

Im tiếng súng, Amiens là một thành phố tiêu điều ; 90 % dân cư đã sơ tán ; 8000 ngôi nhà bị hư hại, 2000 bị phá hủy.

Ba tháng trước Hòa Ước, kết thúc chiến tranh, thành phố Amiens ca khúc khải hoàn. Nhà Thờ Đức Bà thành phố mang vết tích của chiến tranh nhưng vẫn nguyên vẹn. Notre – Dame d'Amiens trở thành mái nhà chung của người dân Amiens, của dân cư cả vùng Picardie, của những người lính từ những phương trời xa lạ tham chiến trên đất Pháp.

Năm 1920, Nhà Thờ Đức Bà Amiens tròn 700 năm tuổi. Hầu hết những tác phẩm điêu khắc, hội họa, những pho tượng quý và thiêng liêng trong lòng mỗi người dân chốn này đã tìm lại được vị trí cũ trước Thế Chiến Thứ Nhất.

Thủ thư giáo phận Amiens nhấn mạnh đến công lao của lớp lớp những người đi trước, đem mạng sống để giữ gìn những di sản văn hóa cho các thế hệ mai sau.

Một thế kỷ sau cuộc Đại Chiến I, cử chỉ cao đẹp ấy vẫn còn tính thời sự. Aurélien André, giáo phận Amiens cho biết :

"Bài học từ những cố gắng để bảo quản một di tích văn hóa, một nơi thờ phụng trong thời kỳ chiến tranh, là lòng can đảm của những thế hệ đi trước. Họ hy sinh tính mạng để giữ được những công trình nghệ thuật, giữ được những pho tượng .... Bởi vì mọi người ý thức rằng, những pho tượng ấy, những bức tranh trong nhà thờ, những vật dụng nội thất hàng trăm năm lịch sử ấy sẽ là những món quà an ủi cho hàng ngàn người dân Amiens sau chiến tranh, sau nhiều mất mát đau thương. Tôi nghĩ điều này vẫn còn tính thời sự, khi chúng ta thấy dân cư địa phương tại Afghanistan hay Syria can đảm và kiên trì bảo vệ những khu di tích ... Hành động ấy cũng nhằm mục đích xoa dịu vết thương cho các nạn nhân chiến tranh".

Tháng 11/1918 : Lính Pháp và Úc trước bức tường xây bằng hàng ngàn bao đất sét ở cổng vào Nhà Thờ Đức Bà Amiens.
Tháng 11/1918 : Lính Pháp và Úc trước bức tường xây bằng hàng ngàn bao đất sét ở cổng vào Nhà Thờ Đức Bà Amiens. E. Regnaut/ Kho lưu trữ Giáo Phận Amiens

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.