Vào nội dung chính
KINH TẾ - XÃ HỘI

Giá một đời người là bao nhiêu?

Tại Pháp, giá một đời người được ước tính ở mức khoảng ba triệu euro. Làm thế nào định giá được đời một con người ? Chuyên gia kinh tế Béatrice Cherrier trên Le Monde số ra ngày 30/09/2018 cho biết các phương pháp, đồng thời khẳng định ý tưởng này lần đầu áp dụng trong không quân Mỹ thời kỳ chiến tranh lạnh.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. Pixabay
Quảng cáo

Năm 2016, Ủy ban Chiến lược và Dự báo, trong một báo cáo mang tên Các yếu tố thẩm định giá trị đời người (Elements pour une révision de la valeur de la vie humaine), ước tính giá một đời người là 3 triệu euro.

Nếu như tại Pháp, việc định giá đời người được tiến hành lần đầu vào năm 1994 bởi chuyên gia kinh tế Marcel Boiteux, thì nguồn gốc của ý tưởng này xuất phát từ không quân Mỹ trong suốt thời kỳ chiến tranh lạnh, theo như lời thuật của chuyên gia kinh tế Spencer Banzhaf (« The Cold-War origins of the Value of Statistical Life », Journal of Economic Perspective n°28/4, 2014).

Cuối những năm 1940, không lực Hoa Kỳ tìm cách tối ưu hóa các vụ không kích nhắm vào Liên Xô, nếu tiến hành, sao cho ít tổn thất nhất nhưng lại gây thiệt hại nhiều nhất cho đối phương. Không quân Mỹ đã yêu cầu sự trợ giúp của một nhóm nhà nghiên cứu thuộc RAND Corporation. Các chuyên gia này đề nghị huy động một số lượng lớn máy bay rẻ tiền để đánh lừa hệ thống phòng không Liên Xô. Đề xuất này không làm hài lòng các tướng lĩnh không quân Mỹ. Vì theo họ, các chuyên gia không tính đến cái giá phải trả cho sinh mạng phi công bị hy sinh ! RAND phải mất đến 20 năm để tìm ra lời đáp cho bài toán này.

« Giá thống kê đời người »

Đầu tiên, nhà kinh tế học Jack Hirshleifer đề xuất định giá đời một phi công theo mức chi phí đào tạo. Trong những năm 1960, người ta đề nghị nên sử dụng cách tính theo số tiền lương ròng mà một phi công nhận được trong suốt sự nghiệp. Số tiền này được cho là phản ánh lợi ích vật chất mà nghề nghiệp mang lại.

Điều đó chưa đủ. Dường như trong giá một đời người còn có một yếu tố không thể đo lường được, ngăn cản sự so sánh với giá cả vật chất. Bài toán hóc búa này đã thu hút sự chú ý của Thomas Schelling, chuyên gia về mô hình hóa kinh tế các xung đột, người từng được trao giải Nobel năm 2005 và sinh viên của ông, Jack Carlson, từng là phi công quân sự.

Dựa trên kinh nghiệm của chính mình, Jack Carlson đề nghị đưa thêm vào giá cuộc đời những chi phí của không quân Mỹ nhằm cải thiện hệ thống ghế bật thoát hiểm cho các loại máy bay B-58. Việc nâng cấp này tốn kém 80.000 đô la và cho phép gia tăng xác suất sống sót thêm vài điểm.

Cách lập luận này lúc ấy là một điểm mới : Điều đó cho phép thiết lập mối liên hệ giữa giá một cuộc đời và khái niệm rủi ro. Chính mối liên hệ này mà thuật ngữ « giá thống kê đời người » đã ra đời.

Nhưng ông Schelling còn đi xa hơn nhằm tránh cho các nhà chức trách rơi vào tình huống phải có những chọn lựa đạo đức đau đớn… Vào thời đó, các phong trào đòi thừa nhận « chủ quyền người tiêu thụ » đã nở rộ trên khắp nước Mỹ. Lấy cảm hứng từ hiện tượng này, ông Schelling đã giao phó cho chính người dân tự thẩm định giá trị cuộc đời của mình.

Người dân không thể đột nhiên định được giá cuộc đời của họ, nhưng người ta có thể mở rộng phương pháp của Carlson : Hỏi một nhóm mẫu người là họ sẵn sàng chi ra bao nhiêu để được trang bị một túi khí an toàn trên xe hơi hay có một liều thuốc chữa bệnh nhằm giảm 1% rủi ro tử vong và từ các số liệu này, tính ra giá trị mà con người cho đó là một phần trong cuộc đời của họ.

Phương pháp tính này ngày nay đang gây tranh cãi, bởi vì giá một đời người đối với xã hội bị giới hạn ở việc ước tính rủi ro tử vong của từng cá nhân. Thế nhưng, chính phương pháp này lại được sử dụng rộng rãi để ra các quyết định liên quan đến người dân.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.