Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Pháp: 20 năm để xóa nạn nghèo khó

Đăng ngày:

Dành tám tỷ euro trong bốn năm để xóa nạn nghèo khó tại Pháp trong vòng một thế hệ. Đó là tham vọng tổng thống Emmanuel Macron đề ra khi công bố Kế Hoạch Chống Nghèo Khó hôm 13/09/2018.

Hội từ thiện Emmaus cưu mang người vô gia cư tại Pháp. Ảnh ngày 11/09/2018.
Hội từ thiện Emmaus cưu mang người vô gia cư tại Pháp. Ảnh ngày 11/09/2018. Reuters
Quảng cáo

"Đây không là một kế hoạch từ thiện, bởi nó không nhằm mục đích giúp người nghèo đỡ khổ hơn một chút. Mục tiêu đề ra ở đây là đưa người nghèo thoát khỏi cảnh bần cùng..."

Trong một bài diễn văn hơn một giờ đồng hồ tại bảo tàng Musée de l'Homme - Paris, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã trình bày cặn kẽ Kế Hoạch Chống Nghèo Khó - Plan Pauvreté 8 tỷ euro trải dài trong 4 năm với tham vọng "xóa được nạn nghèo khó trong vòng một thế hệ, tức khoảng từ 15 đến 20 năm".

Kế hoạch này có gì mới để hy vọng đưa 8 triệu dân Pháp thoát khỏi cảnh bần cùng ? Các nhà hoạt động nhân đạo, các tổ chức từ thiện tại Pháp luôn sát cánh với những người bị gạt ra ngoài lề xã hội đánh giá thế nào về Kế Hoạch Chống Nghèo Khó của ông Macron ?

Bài trừ tận gốc rễ

Người Việt có câu "con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa thì quét lá đa". Tổng thống Pháp với Kế Hoạch Chống Nghèo Khó muốn "diệt trừ những bất bình đẳng kéo dài từ thế hệ này sang thế hệ khác". Nhưng trái ngược với những chương trình của các đời tổng thống tiền nhiệm, tả cũng như hữu, Plan Pauvreté không đặt ưu tiên cho việc bơm thêm mãi lực cho người nghèo, mà chủ yếu tập trung tấn công vào mục tiêu "những mầm mống dẫn tới cảnh bần cùng".

Khoản trợ cấp rót thẳng cho người nghèo chỉ là một trong bốn điểm chính trong kế hoạch vừa được Emmanuel Macron công bố. Điện Elysée dành ba điểm còn lại vào hai vế : Một là các biện pháp "phòng ngừa", tránh để những thành phần yếu kém nhất trong xã hội bị rơi vào cái vòng luẩn quẩn của cảnh nghèo, bởi đây là một cái bẫy không dễ thoát.

Vế thứ nhì là tạo điều kiện cho người nghèo tìm được một chỗ đứng trong xã hội bằng công việc làm, bằng những đóng góp của họ cho xã hội chung quanh.Đổi lại, số này phải được có đồng lương, có mức thu nhập, từ đó vươn lên. Phần lớn số tiền 8 tỷ euro của Kế Hoạch Chống Nghèo Khó được dành để đầu tư vào "các phương tiện giúp người nghèo thoát khỏi cảnh bần cùng".

Ưu tiên cho trẻ nhỏ và thanh niên mới vào đời

Vậy những biện pháp đó gồm những gì ? Ai là những thành phần "yếu kém nhất" cần được chính phủ "kề vai sát cánh" ?

Kế Hoạch Chống Nghèo Khó chú ý đến hoàn cảnh của những "con chim non khi rời tổ" không đủ sức tự lực cánh sinh, số này rất dễ lâm vào cảnh bần cùng.

Emmanuel Macron không phải là người đầu tiên đề xuất những biện pháp hỗ trợ "hội nhập vào thị trường lao động". Trong nền Đệ Ngũ Cộng Hòa Pháp, mỗi đời tổng thống đều coi việc giúp người nghèo hội nhập và để có được việc làm là một ưu tiên. Các biện pháp đó có thể đơn thuần là những khoản trợ cấp xã hội, là những hợp đồng đặc biệt mà nhà nước gánh chịu một phần những phí tổn để khuyến khích giới chủ tuyển dụng nhân viên.

Emmanuel Macron đi xa hơn với ý tưởng, nước Pháp phải đầu tư để "diệt trừ cái nghèo từ trong trứng nước". Điểm khởi đầu đó, là từ nhà trẻ, từ trường học. Những đứa trẻ sinh ra trong cảnh bần cùng phải được nuôi dậy tử tế để hy vọng vươn lên trong nấc thang xã hội. Để đáp ứng nhu cầu đó, Pháp dự trù 100 triệu euro tài trợ các dự án phát triển trường học cho trẻ nhỏ.

Bước kế tiếp, Plan Pauvreté dành ưu tiên cho những thanh niên mới bước vào đời. Kế hoạch của ông Macron nhằm tạo điều kiện để tất cả những đứa trẻ dưới 18 tuổi thay vì 16 như hiện tại, phải được đi học, bất luận học chữ hay học nghề. Có được đào tạo, khi rời khỏi nhà trường, những thanh niên này mới có cơ hội tìm được việc làm.

Làm thế nào để "hội nhập", để vươn lên nếu không có được một mái nhà ? Ý thức được điều đó, Plan Pauvreté dự trù dành ra 125 triệu euro trong 4 năm sắp tới để đầu tư vào những chương trình nhà ở xã hội. Pháp kỳ vọng tránh cho nhiều gia đình có con nhỏ phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất, tránh để trẻ nhỏ phải đi ăn xin.

Emmaüs: "Kế hoạch Macron có nhiều điểm tích cực"

Những tổ chức, những hiệp hội hàng ngày sát cánh giúp đỡ những người nghèo khó tại Pháp đánh giá thế nào về kế hoạch đầy tham vọng mang tên Plan Pauvreté vừa được tổng thống Macron đề xuất ? RFI Pháp ngữ đặt câu hỏi với chủ tịch hội Emmaüs Hubert Trapet. Emmaüs là hội do tu sĩ Abbé Pierre sáng lập năm 1954 và trong suốt hơn 60 năm qua, tổ chức này miệt mài đấu tranh vì những kẻ bần cùng, vì những con người bị gạt ra ngoài lề xã hội.

"Emmaüs chỉ có thể tán đồng quyết tâm của tổng thống Pháp muốn diệt trừ hẳn từ tận gốc rễ nạn nghèo khó. Ngoài ra, kế hoạch nói trên bao gồm nhiều biện pháp mà lần đầu tiên không chỉ thuần túy mang tính chất tiền bạc. Tổng thống Macron tấn công vào những nguyên nhân, những yếu tố đẩy một con người vào cảnh bần cùng (chẳng hạn như nạn mù chữ, hiện tượng bất bình đẳng ngay từ những lớp mẫu giáo ...). Cũng phải nói là điện Elysée đã thảo luận trước với Emmaüs và với các hiệp hội đấu tranh vì người nghèo trong quá trình chuẩn bị kế hoạch vừa công bố hôm 13/09/2018.

Bên cạnh cái cách tiếp cận rất mới về cảnh bần cùng, câu hỏi còn lại là liệu nước Pháp có phương tiện để đạt được tham vọng xóa nạn nghèo khó trong vòng một thế hệ hay không.

Phải công nhận rằng kế hoạch này có nhiều biện pháp và nhiều khía cạnh tích cực, nhưng vẫn còn có những thiếu sót. Ngoài ra, đương nhiên, tranh cãi vẫn xoay quanh câu hỏi lấy tiền đâu ra để tài trợ cho các chương trình hỗ trợ người nghèo.

Sau cùng, tôi xin nói thêm, là nếu nhìn vào những quyết định của chính phủ Pháp từ hơn một năm nay, không thể nói là tổng thống Macron luôn đứng về phía người nghèo, khi ông cắt giảm trợ cấp về nhà ở cho những người có thu nhập rất thấp, hay biện pháp cắt ngân sách dành cho các cơ quan tiếp nhận người nghèo trong những tình huống khẩn cấp nhất".

8,8 triệu người nghèo tại Pháp

Nhưng không một kế hoạch xóa cảnh nghèo khó nào hoàn hảo và câu hỏi muôn đời vẫn là liệu nước Pháp của tổng thống Macron có phương tiện, có đủ quyết tâm để đạt được mục tiêu đầy tham vọng đã đạt ra hay không ?

Hubert Trapet chủ tịch hội Emmaüs nêu lên thí dụ của biện pháp hỗ trợ thanh niên từ 16 đến 25 tuổi mới bước vào đời. Biện pháp này do chính phủ tiền nhiệm François Hollande đề xuất, nhắm vào 100.000 ca cấp bách nhất và đã được Emmanuel Macron mở rộng ra thêm đến 500.000 hồ sơ.

"Vấn đề đặt ra với ngưỡng 18 tuổi nằm ở chỗ : hiện tại chúng ta có từ 80 ngàn đến 100 ngàn thanh niên phải rời trường học hàng năm, mà không hội nhập vào được với xã hội, không được đào tạo đến nơi đến chốn. Thậm chí có những trường hợp là vẫn không biết đọc biết viết. Ngày nào mà số này không có được một việc làm, thì họ chỉ còn biết trông vào trợ cấp xã hội.

Cách nay vài năm chính phủ trước đã có một chương trình giúp đỡ thanh niên hội nhập. Chính quyền Macron giờ đây muốn mở rộng chương trình đó cho 500.000 thanh niên. Điều này rất đáng mừng, nhưng tại Pháp có không dưới hai triệu ca cần được giúp đỡ. Tức là vẫn còn 1,5 triệu thanh niên không được giúp đỡ gì hết.

Trả lời câu hỏi: đề ra mục tiêu xóa nạn nghèo khó trong vòng một thế hệ, Pháp có đủ sức đạt được tham vọng đó hay không, tôi thật sự không biết là chúng ta có những công cụ nào trong tay, để hoàn thành nhiệm vụ ấy. Chỉ biết rằng, chương trình của tổng thống Macron vẫn có một số kẽ hở, như trong thí dụ của chính sách trợ cấp cho thanh niên từ 16 đến 25 tuổi mà tôi vừa nêu".

Hai ngày trước khi tổng thống Emmanuel Macron công bố Kế Hoạch Chống Nghèo Khó, Viện Thống Kê Quốc Gia INSEE và Cơ Quan Quan Sát Về Tình Trạng Bất Bình Đẳng L'Observatoire des Inégalités công bố báo cáo về thực trạng xã hội.

Pháp là một trong những quốc gia có tỷ lệ người nghèo thấp nhất tại Châu Âu. Tại Pháp có 8,8 triệu người sống dưới ngưỡng nghèo khó (được quy định ở mức 1.026 euro thu nhập hàng tháng) và một phần ba trong số đó là trẻ nhỏ ; 35% các hộ gia đình mà tất cả trách nhiệm trút lên một người cha, hay người mẹ thuộc diện nghèo ; 38% người thất nghiệp sống dưới ngưỡng nghèo khó và 6% dân số dưới 30 tuổi thuộc diện nghèo.

Đi sâu hơn vào chi tiết về cuộc sống của những người trong cảnh túng thiếu, hội từ thiện Secours Populaire chỉ ra rằng, 1 người Pháp trên 5 thuộc diện bữa đói, bữa no và 19% không đủ khả năng đóng tiền cho con em ăn bữa trưa ở trường.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.