Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Pháp đẩy mạnh mô hình kinh tế tuần hoàn

Đăng ngày:

Mỗi ngày, trung bình một người trên trái đất thải ra 35 ký rác. Các bạn nghĩ gì nếu có thể biến khối lượng rác thải đó thành một nguồn nguyên liệu để phục vụ cho nhu cầu của tiêu thụ của gần 7 tỷ người trên hành tinh ? Đó là mục tiêu nhiều nước trên thế giới đã hướng tới từ nhiều năm qua. Pháp vừa nhập cuộc vào câu lạc bộ này.

Rác máy gia dụng trữ tại Ploufragan, miền tây nước Pháp. Ảnh tư liệu ngày 21/01/2013.
Rác máy gia dụng trữ tại Ploufragan, miền tây nước Pháp. Ảnh tư liệu ngày 21/01/2013. AFP/Damien Meyer
Quảng cáo

Sau nhiều tháng do dự, ngày 23/04/2018 chính phủ Pháp công bố lộ trình phát triển mô hình "kinh tế tuần hoàn", biến rác thải thành nguyên liệu phục vụ cho guồng máy sản xuất. Paris đề ra mục tiêu giảm 50 % lượng rác thải trước năm 2025, tận dụng tối đa phế phẩm phế liệu để từ đó làm ra những sản phẩm mới. Chính phủ chờ đợi trong bảy năm tới sẽ có thêm 300.000 chỗ làm được tạo ra nhờ mô hình sản xuất mới này.

Nhưng để đạt tới kịch bản lý tưởng đó, đường còn dài và lộ trình phát triển kinh tế tuần hoàn của Pháp gồm những biện pháp cụ thể nào ? Paris huy động bao nhiêu các phương tiện để đạt được mục tiêu đó ? Trước khi trả lời các câu hỏi này, giáo sư Frank Aggeri, trường Mỏ Paris trên kênh truyền hình France 24 trở lại với khái niệm một mô hình kinh tế tuần hoàn.

Giáo sư Frank Aggeri : "Để hiểu thế nào là kinh tế tuần hoàn, chúng ta cần đi từ mô hình hiện tại, tức là mô hình tuyến tính mà ở đó nền kinh tế vận hành theo một sơ đồ đơn giản. Đầu tiên là khai thác tài nguyên, từ đó sản xuất ra các vật dụng. Sau một thời gian sử dụng, những vật dụng đó bị thải thành rác. Ngược lại, trong mô hình kinh tế tuần hoàn, người ta cố gắng tìm cách để những chất liệu được dùng lại hay biến chúng thành năng lượng, có nghĩa là biến rác thải thành những nguồn nhiên liệu".

Để đạt được mục tiêu đó, thì chúng ta cần xét lại toàn bộ quy trình sản xuất tức là từ khâu thiết kế một sản phẩm, những chất liệu cần dùng cho sản phẩm đó ?

Giáo sư Frank Aggeri : "Điều này hoàn toàn đúng và rất quan trọng, bởi vì để hướng tới một mô hình kinh tế tuần hoàn, ta cần xét lại toàn bộ các quy trình sản xuất khi cung ứng một món hàng và kể cả một dịch vụ. Nếu là một vật dụng thì có nghĩa là sản phẩm phải bền, phải tạo cơ hội để người sử dụng sửa chữa thay vì vất đi khi một vật dụng bị hư hại ; rồi cũng phải để ngỏ khả năng chế biến món đồ hư hại đó thành một vật dụng khác. Thí dụ chúng ta có thể sử dụng lại một số linh kiện, dùng lại chất liệu của món hàng bị hư hại"

Nói dễ nhưng làm có dễ không ?

Giáo sư Frank Aggeri : "Bắt buộc phải có nhiều thay đổi thì mới có thể nói tới kinh tế tuần hoàn. Hiện tại, một số nhà sản xuất có hẳn chiến lược để hàng nhanh hỏng, chóng cũ và do đó kém hấp dẫn. Có như vậy mới khuyến khích được người tiêu dùng chăm mua hàng mới".

Kinh tế tuần hoàn tốt ở chỗ nào ?

Giáo sư Frank Aggeri : "Thay vì bị vất vào sọt rác, nếu chúng ta chịu khó tái chế thì khối lượng việc làm được tạo thêm tăng lên gấp 20 lần. Kinh tế tuần hoàn ban đầu dựa trên hai hứa hẹn : một là giảm tác động tàn phá đối với môi trường và hai là tạo thêm của cải cho nhân loại. Tiếc thay, cách biệt còn quá lớn giữa những hứa hẹn với thực tế".

Một thí dụ cụ thể : hãng xe Renault

Một số tập đoàn công nghiệp hàng đầu của Pháp như Suez Environnement, chuyên quản lý nước và rác thải hay hãng xe Renault đã đầu tư rất nhiều vào công nghiệp tái chế. Thí dụ như là hãng xe Renault, đã có hẳn một chi nhánh dưới tên gọi INDRA để lọc lại những khối lượng khá lớn từ nhựa đến đồng, thép, nhôm ... trong những chiếc xe bị thải ra. INDRA là nơi mỗi năm xử lý khoảng 350.000 chiếc xe cũ đã mục nát và dưới một hình thức khác, 95 % trong số này được tái sinh.

Giám đốc INDRA, Jean Philippe Hermine không khỏi tự hào khi giới thiệu về công ty ông điều hành.

Jean Philippe Hermine : "Những chiếc xe cũ được đưa vào đây thì nguyên vẹn, nhưng khi ra khỏi xưởng thì chỉ còn là những phụ tùng xe hơi rời từng mảnh. Một cách cụ thể, chúng tôi xem xét là chiếc xe đã lưu hành bao nhiêu năm, cũ và hư hại đến cỡ nào. Từ đó chúng tôi làm hai việc. Hoặc là gỡ những bộ phận nào của xe, chúng cần tân trang lại nhiều hay ít, để sửa những chiếc xe khác còn đang lưu hành. Hoặc là những bộ phận nào đã quá cũ, không thể dùng lại được thì INDRA tìm cách dùng lại những chất liệu như là nhôm, thép ... đưa những chất liệu đó trở lại vào nhà máy để sản xuất xe mới ... Thí dụ đồng, hay nhựa và cả nhôm nữa, thì được dùng lại rất nhiều mà những chất đó thì ta tìm thấy nhiều trong bất kỳ một chiếc xe hơi nào".

Vì sao hãng xe Renault lại chú ý đến kinh tế tuần hoàn ?

Jean Philippe Hermine : "Đây là cả một vấn đề bao hàm nhiều góc độ, từ xã hội đến môi trường. Chúng ta biết là nguyên và nhiên liệu chỉ có giới hạn, mà con người thì ngày càng dùng nhiều vật liệu để phục vụ sản xuất, không riêng gì ngành xe hơi, nhiều lĩnh vực công nghiệp khác cũng vậy. Khi nhu cầu tiêu thụ ngày càng lớn, mà tài nguyên cho dồi dào nhưng cũng có hạn, giải pháp tốt nhất là sử dụng lại một số các nguyên liệu. Như vậy chúng tôi bớt lệ thuộc vào các nguồn cung cấp, bớt bị ảnh hưởng mỗi khi giá cả trồi sụt thất thường. Kinh tế tuần hoàn là một giải pháp cho phép Renault phần nào tự túc về nguyên liệu. Đây thực sự là một bài toán có lợi cho môi trường, có lợi cho kinh tế và còn cho phép Renault nâng cao năng suất nữa".

Nhưng cái giá Renault đã chi ra ?

Jean Philippe Hermine : "Cần nhiều thời gian và nỗ lực. Renault đã đầu tư vào kinh tế tuần hoàn từ năm 2008. Điều thú vị ở đây là từ hai hoạt động riêng biệt đã có sẵn, một bên là khâu sản xuất xe và bên kia là khâu hủy những chiếc xe cũ rích, chúng ta có được một công việc mới, một hoạt động mới mà ở đó những chất liệu được dùng một cách tuần hoàn. Hàng phế thải lại được đưa vào quy trình sản xuất, để được tái chế".

Lộ trình phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn của Pháp bao gồm 50 biện pháp, xoay quanh hai ý chính : một là khuyến khích các nhà sản xuất cung cấp những mặt hàng có độ bền cao, từ hàng điện tử đến tủ giường ... khi hỏng dễ được sửa chữa. Điểm thứ nhì là khuyến khích các hoạt động tái chế, sử dụng lại nguyên liệu từ những món đồ trước khi chúng được thải ra bãi rác.

Theo nghiên cứu của Cơ Quan Quản Lý Môi Trường và Năng Lượng (ADEME), ở Pháp, 70 % rác trên toàn quốc do ngành xây dựng thải ra, tương đương 247 triệu tấn. Mỗi năm các hộ gia đình thải khoảng 30 triệu tấn rác, các công ty không kể ngành xây dựng là 64 tấn.

Nhưng vấn đề then chốt là chính phủ có những biện pháp nào để khuyến khích các doanh nghiệp chuyển hướng về một mô hình sản xuất ít làm tổn hại cho môi trường hơn ? Về mặt tài chính trước mắt, nội các của thủ tướng Edouard Philippe dự trù giảm đánh thuế TVA 5,5 % thay vì 20 % vào các nguyên liệu tái chế, phạt tiền các các ngành nghề không tuân thủ các chuẩn mực mới, tiếp tục thải nhiều rác làm hủy hoại môi trường.

Tuy nhiên, tiền bạc không là chìa khóa duy nhất để chuyển từ một mô hình tuyến tính sang một nền kinh tế tuần hoàn.

Paris đang tìm những phương án để khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất ra những mặt hàng càng bền càng tốt.

Bên cạnh đó, sử dụng lại nguyên liệu từ những món hàng "vất đi" đòi hỏi nhiều phương tiện cả về kỹ thuật để lọc lại rác cho tới quá trình sản xuất và kể cả cách sống của mỗi cá nhân.

Vào lúc Pháp đề ra mục tiêu đến năm 2025 giảm phân nửa lượng rác thải thì tại Thụy Điển, 99 % rác được tái chế, một nửa trong số này đã được tái chế để lại được đưa vào guồng máy sản xuất, nửa còn lại được dùng để sản xuất ra điện cho toàn dân. Stockholm thậm chí còn phải "mua lại rác" của các nước láng giềng để phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.