Vào nội dung chính
Tạp chí văn hóa

Người Pháp ngày càng chuộng mua nông phẩm "tận gốc"

Đăng ngày:

Vì lo lắng cho sức khỏe và muốn bảo vệ môi trường, ngày càng có nhiều người Pháp quay lại truyền thống mua nông phẩm địa phương, chất lượng hơn, trực tiếp từ tay nhà sản xuất. “Mua tận gốc”, Chu trình ngắn” (“Court-circuit”, theo tiếng Pháp) có lợi cho cả người bán và người mua.

Một ngôi làng trồng nho vùng Bourgogne, Pháp. Ảnh minh họa.
Một ngôi làng trồng nho vùng Bourgogne, Pháp. Ảnh minh họa. pxhere.com
Quảng cáo

Với nhà nông, bán trực tiếp đến tay người tiêu dùng là cách “kiếm tiền thay vị trí hệ thống siêu thị”. Còn với người tiêu dùng, họ biết được xuất xứ của nông phẩm, giúp cải thiện đời sống của nông dân địa phương và góp phần làm giảm khí CO2 do các phương tiện chuyên chở đường dài thải ra.

Tự lập hiệp hội để quảng bá nông phẩm

Nhiều trang trại vừa và nhỏ ở Pháp đã biết nắm bắt công nghệ và tinh thần tập thể để thành lập hệ thống phân phối độc lập. Tính đến năm 2018, có ít nhất 20 hiệp hội trên toàn nước Pháp bán trực tiếp sản phẩm đến tay khách hàng, như Mon Panier bio, Paysans.fr, Chapeau de Paille, Locavor, MesCarottes.com, Bienvenue à la Ferme…

Bienvenue à la Ferme (tạm dịch : Chào mừng đến với Trang trại) là thương hiệu của một mạng lưới nhà nông thời công nghệ với doanh thu năm 2017 đạt 1 tỉ euro. Họ vừa quảng bá, phân phối sản phẩm của hội viên vừa tổ chức du lịch sinh thái, tham quan trang trại của các thành viên trên khắp nước Pháp.

Tại Hội chợ Nông Nghiệp Paris 2018, bà Emmanuelle Pillaert, phụ trách truyền thông của Bienvenue à la Ferme, đã giải thích với RFI tiếng Việt về hoạt động của hội :

“Bienvenue à la Ferme là một thương hiệu của các Phòng Nông Nghiệp quy tụ khoảng 8.000 nhà nông trên khắp nước Pháp, kể cả ở các lãnh thổ hải ngoại (DOM-TOM). Để người tiêu dùng chú ý đến hơn, các nhà nông chọn thương hiệu Bienvenue à la Ferme và chúng tôi có cả một mạng lưới phân phối sản phẩm.

Đó là những nông dân muốn nói về ngành nghề của họ, truyền tải kinh nghiệm. Họ cũng đón tiếp khách du lịch trong nông trang, tổ chức tham quan, nghỉ dưỡng, các hoạt động giải trí và bán nông phẩm của họ, có nghĩa là trực tiếp từ nhà sản xuất đến người tiêu thụ mà không qua trung gian. Việc này cho phép hình thành quan hệ trao đổi trực tiếp với người tiêu thụ, khách hàng và đồng thời cũng tạo điều kiện cho nhà nông có thu nhập tốt hơn, tương xứng với công việc của họ vì không phải qua trung gian”.

Mạng lưới 8.000 nhà nông thuộc hội Bienvenue à la Ferme. Triển lãm Nông Nghiệp Paris 2018.
Mạng lưới 8.000 nhà nông thuộc hội Bienvenue à la Ferme. Triển lãm Nông Nghiệp Paris 2018. RFI / Tiếng Việt

Hái rau tại vườn : Đôi bên cùng có lợi

Thú vui đi hái hoa, hái rau quả ở nông trại trở thành hoạt động giải trí cuối tuần và ngày càng quyến rũ nhiều người Pháp, đặc biệt là người dân sống ở những thành phố lớn. Vùng ngoại ô Paris có vài chục nông trại mở cửa đón khách muốn thử làm nhà nông những ngày cuối tuần.

Trước khi đi, khách hàng có thể tra trên website của mỗi trang trại danh sách nông phẩm có thể thu hoạch hôm đó. Trước cổng vào trang trại cũng thường có một tấm biển lớn, ghi tên những loại rau củ có thể thu hoạch trong ngày cùng với giá bán theo cân hoặc theo đơn vị. Mùa nào thức nấy, khách hàng có thể tự chọn, tự hái, ăn tại chỗ và mua đúng khối lượng cần thiết. Bà Emmanuelle Pillaert giải thích :

“Khi mua hàng trực tiếp từ người nông dân, người tiêu dùng sẽ được lợi hơn, có thể không phải về mặt tài chính, nhưng quan trọng hơn là họ mua đuợc sản phẩm có chất lượng, vừa được thu hoạch. Ví dụ với một cây xà lách (salade), có thể họ sẽ trả bằng giá ở siêu thị, nhưng chất lượng, độ tươi ngon được bảo đảm nên xà lách có thể giữ được lâu hơn và như vậy sẽ bớt phí phạm vì vứt đồ hỏng. Đây là một trong những điểm được chú ý trong việc bảo đảm chất lượng sản phẩm”.

Cầm những chiếc khay nhỏ trong tay, đẩy một chiếc xe kút kít, khách hàng có thể đi dọc ngang những luống rau, luồn lách dưới những rặng lê táo trĩu quả, gập mình hái dưa chuột, cà tím, nhổ một cây xà lách, bới những củ khoai tây ẩn mình trong đất… “Chiến lợi phẩm” của họ rực rỡ mầu sắc được chất đầy trên xe và được cân ngay lối ra. Tại đây, khách hàng cũng có thể mua được sản phẩm từ những nông trang gần đó, như giải thích của bà Emmanuelle Pillaert :

“Nhiều nhà nông tập trung lại với nhau hình thành một điểm bán ngay trong nông trại nên số lượng mặt hàng của họ đa dạng hơn và trao đổi trực tiếp với khách hàng. Ngoài ra, còn phải kể đến chợ và các điểm giao hàng (drive-fermier). Khách hàng đặt mua trên internet, sau đó đến lấy nông phẩm được chuẩn bị sẵn ở trang trại hoặc một điểm giao hàng gần các thành phố.

Các drive-fermier là những điểm bán không cố định, không nhất thiết là phải ở trong các cửa hàng. Đơn giản đó chỉ là một điểm tạm thời, nơi các nhà nông tập trung sản phẩm, ví dụ như vào mỗi chiều thứ Sáu, và giao hàng mà khách đặt trên internet trước đó”.

Gian hàng Bienvenue à la Ferme tại Triển lãm Nông Nghiệp Paris 2018.
Gian hàng Bienvenue à la Ferme tại Triển lãm Nông Nghiệp Paris 2018. RFI / Tiếng Việt

Đa dạng hóa hoạt động để phát triển du lịch xanh

Thay khói bụi thành phố bằng không khí trong lành, thay những tòa nhà cao tầng bằng cánh đồng mướt mắt, thay tiếng ồn xe hơi bằng tiếng gà gáy…, ngày càng có nhiều người Pháp thường tranh thủ cuối tuần về quê đổi gió. Chỉ riêng trên trang Gites de France, chuyên về các kỳ nghỉ ở nông thôn, đã có 569 phòng ở chung nhà chủ và 3.262 nhà cho thuê độc lập gần những khu nông nghiệp trên khắp nước Pháp.

Với những du khách nhí thành thị, đây còn là dịp để phân biệt, vuốt ve con gà, con heo, con dê… thay vì chỉ biết chúng bằng hình ảnh hoặc tên gọi ghi trên bao bì món ăn được chế biến sẵn và bày bán trong siêu thị :

“Đối với những khách hàng muốn đến trang trại để nghỉ dưỡng trong một ngày, hai ngày hoặc một tuần, họ sẽ được tiếp đón nồng hậu, tìm lại sức sống trong môi trường xanh và còn nhận được những lời khuyên từ chủ trang trại, những người biết rõ vùng đất của họ, về những điểm tham quan, những khu vực được thiên nhiên ưu đãi.

Chủ trang trại cũng thường đưa ra những chương trình tham khu vực khai thác nông nghiệp của họ, như làm việc như thế nào, sử dụng phương pháp thâm canh nào và cho thấy kinh nghiệm và kỹ năng chuyên môn của họ. Ví dụ, một số nhà nông đề xuất đi vắt sữa bò, trẻ em thì có thể đi nhặt trứng gà… Đó là một trải nghiệm thật sự về cuộc sống nông trang và của người nông dân”.

Thách thức lớn nhất của mỗi nhà nông, mỗi nông trang là làm thế nào để du khách biết đến họ và làm thế nào để du khách trở lại. Bà Emmanuelle Pillaert cho rằng, ngoài việc tự cải thiện cơ sở vật chất và chất lượng đón tiếp, hầu hết các nông trang trong vùng thường liên kết chặt chẽ với nhau qua hội hoặc hợp tác xã, nhờ vậy, họ có thể tiếp cận được mạng lưới khách hàng rộng rãi hơn :

“Để quảng bá đến người tiêu dùng, chúng tôi có một trang web và một trang Facebook thường xuyên được cập nhật thông tin để nói về những nông trại thành viên ở các vùng… Ngoài ra còn có biện pháp “rỉ tai truyền khẩu” rất hiệu quả vì mỗi nhà nông có riêng mạng lưới bán hàng trực tiếp. Và vì đây là một mạng lưới nhà nông nên họ thường xuyên trao đổi với nhau những địa chỉ hấp dẫn và khi bán hàng ngoài chợ, họ cung cấp thông tin cho khách hàng. Chúng tôi cũng hợp tác với các văn phòng Du Lịch địa phương, đặt các tờ rơi ghi đầy đủ thông tin về thành viên của mỗi tỉnh”.

Khoảng 70% người dân Pháp muốn tiêu thụ nhiều hơn nông phẩm địa phương theo “chu trình ngắn”. Đây là thị trường đầy hứa hẹn cho các trang trại nhỏ. Giống như các hiệp hội khác, đội ngũ cố vấn của các Phòng Nông Nghiệp, sở hữu thương hiệu Bienvenue à la Ferme, luôn đồng hành với các thành viên từ lúc lập dự án khai thác đến phân tích kết quả.

Với 5.000 điểm bán và 3 triệu người tiêu dùng tính đến năm 2018, Bienvenue à la Ferme tiếp tục nỗ lực để duy trì thành tích mạng lưới phân phối số 1 trên toàn nước Pháp.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.