Vào nội dung chính
PHÁP - ĐIỂM BÁO

Vụ Benalla : Một bài học dân chủ cho tổng thống Pháp

Vụ tai tiếng Benalla dĩ nhiên tiếp tục chiếm trang nhất các nhật báo Pháp số đề ngày hôm nay, 25/07/2018. « Benalla. Áp lực gia tăng lên điện Elysée ». Đó là tít trên trang nhất của tờ Le Monde. Theo tờ báo này, vụ Benalla không đơn thuần là một sự rối loạn tổ chức trong nội bộ do cách hành xử vô trách nhiệm của một quan chức phủ tổng thống. Qua vụ này, các nghị sĩ bắt vị tổng thống trẻ trả giá đắt về thái độ của ông, cứ tưởng mình muốn làm gì thì làm bất chấp các chỉ trích, các lời khuyên. Họ không chỉ dạy cho tổng thống một bài học về dân chủ, mà còn ngăn chận cả dự án cải tổ Hiến Pháp của ông Macron. Nói cách khác, quyền lực đã sang tay.

Alexandre Benalla (T) bên cạnh ông Emmanuel Macron tại Touquet, tháng 6/2017.
Alexandre Benalla (T) bên cạnh ông Emmanuel Macron tại Touquet, tháng 6/2017. CHRISTOPHE ARCHAMBAULT / POOL / AFP
Quảng cáo

Le Figaro thì đưa hàng tựa : « Vụ Benalla : Chính phủ dưới hỏa lực của những câu hỏi ». Theo tờ báo cánh hữu, thủ tướng Edouard Philippe trước các dân biểu, cũng như bộ trưởng Nội Vụ và chánh văn phòng điện Elysée trước các ủy ban điều tra của Quốc Hội đều đã bảo vệ phủ tổng thống, nhưng họ đã không xóa tan được những vùng tối trong vụ tai tiếng này.

« Vụ Benalla. Sự thật, toàn bộ sự thật ? », Libération đặt tựa dưới dạng câu hỏi. Trong bài xã luận, tờ báo chỉ trích những lập luận bào chữa của thủ tướng Edouard Philippe cho rằng vụ Benalla là một cuộc « khủng hoảng báo chí, khủng hoảng nghị viện và khủng hoảng chính trị ». Theo Libération, trong vụ này, báo chí chỉ thi hành nhiệm vụ của quyền lực đối trọng với chính quyền, còn các nghị sĩ chỉ làm đúng vai trò của họ trong một thể chế mà hành pháp vẫn chiếm lợi thế hơn. Tờ báo này chỉ công nhận là đang có một khủng hoảng chính trị ở Pháp và hiện còn quá nhiều vùng tối trong vụ Benalla, cho nên các phóng viên và các nghị sĩ sẽ phải tiếp tục làm công việc của họ.

Benalla : Con đường thăng tiến nhanh chóng

Ngoài những thông tin mới nhất về vụ Benalla, tờ Le Monde dành một bài để nói về nhân vật có con đường thăng tiến rất nhanh chóng.

Sinh tại Evreux ( Pháp ) năm 1991, có bằng cử nhân luật và bằng thạc sĩ về « an ninh công cộng », Benalla đã có mặt trong mỗi giai đoạn đánh dấu con đường đến vinh quang của cựu bộ trưởng kinh tế Emmanuel Macron, đã nhanh chóng gạt bỏ những cận vệ của ứng cử viên tổng thống, để trở thành « giám đốc an ninh của đảng Tiến Bước », như chức danh được ghi danh thiếp của Benalla. Ngay trong đêm Macron thắng cử, tại khu Kim tự tháp bảo tàng Louvre, Benalla là người duy nhất, trong bóng đêm, dẫn bước cho tân tổng thống Pháp.

Alexandre Benalla không đơn thuần là cận vệ của tổng thống, mà còn có thẩm quyền gặp gỡ các dân biểu, các lãnh đạo doanh nghiệp, các nhà vận động hậu trường, tiếp xúc với giới tình báo, luật sư cũng như các quan chức chính quyền nước ngoài. Benalla được tín nhiệm đến mức mà, theo một nguồn tin từ điện Elysée, anh ta còn được tham gia nhóm làm việc về cải tổ bộ máy an ninh của điện Elysée, để lập ra một cơ chế duy nhất chỉ tuân theo lệnh của tổng thống.

Thương mại : Châu Âu cố thuyết phục Trump

Về thời sự quốc tế, nhật báo kinh tế Les Echos quan tâm đến chuyến đi của chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker đến Washington hôm nay để cố thuyết phục tổng thống Mỹ Donald Trump không thực thi các biện pháp bảo hộ mậu dịch.

Cụ thể, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu sẽ cố thuyết phục Donald Trump không áp những thuế mới lên xe hơi nhập khẩu vào Mỹ, thậm chí ông sẽ thuyết phục tổng thống Hoa Kỳ bãi bỏ thuế quan đánh vào thép và nhôm nhập khẩu, được ban hành tháng Sáu vừa qua. Một nhiệm vụ vô cùng nặng nề.

Theo Les Echos, tuy không được ủy nhiệm thương lượng, ông Juncker sẽ đề nghị với tổng thống Mỹ hai phương án để ra khỏi khủng hoảng. Phương án thứ nhất là ký một hiệp định thương mại về các sản phẩm công nghiệp thông qua việc giảm thuế quan giữa hai khối. Phương án thứ hai là ký riêng một hiệp định về ngành công nghiệp xe hơi. Nhưng có một điều kiện tiên quyết cho hai hiệp định này, đó là Washington phải hủy bỏ việc tăng thuế nhập khẩu lên thép và nhôm. Nếu không đạt được thỏa thuận nào, Liên Hiệp Châu Âu sẽ trả đũa việc Mỹ tăng thuế lên xe hơi nhập khẩu.

Nhưng trong khi đó, theo Les Echos, Liên Hiệp Châu Âu cũng đang nỗ lực đóng vai trò trung gian hòa giải trong cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc. Cho tới nay, Bruxelles vẫn không để bị lôi kéo về phe nào. Với chủ trương ủng hộ trao đổi mậu dịch công bằng và cân đối, Liên Hiệp Châu Âu cố gắng thuyết phục Washington và Bắc Kinh ngồi vào bàn thương lượng để cùng kiến tạo một hệ thống thương mại quốc tế mới. Đành rằng Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các quy định thương mại không còn thích hợp với thế giới hiện nay, nhưng Bruxelles cho rằng Donald Trump đã chọn một giải pháp sai lầm là bảo hộ mậu dịch và thu mình lại để đối phó với một vấn đề thật sự, đó là những hoạt động thương mại và chính sách thương mại của Trung Quốc.

Theo Les Echos, Trung Quốc ủng hộ việc cải tổ sự vận hành của WTO, nhưng chưa rõ là sẽ chấp nhận những nhân nhượng nào, còn Mỹ vẫn theo chiến lược gạt Bắc Kinh ra khỏi WTO để thành lập một tổ chức khác không có Trung Quốc, vì hệ thống kinh tế của Trung Quốc hiện nay bị xem không tương hợp với các quy tắc của kinh tế thị trường. Kẹt giữa hai lằn đạn, Liên Hiệp Châu Âu cố tìm ra đồng thuận cho hai bên. Mọi thất bại trong nỗ lực này sẽ dẫn đến một cuộc chiến tranh thương mại mà chưa ai có thể lường hết những hậu quả.

Pakistan : Bầu cử và nguy cơ bất ổn

Hôm nay cử tri Pakistan đi bầu Quốc Hội và tình hình tại quốc gia này cũng thu hút sự chú ý của một số báo Pháp, như tờ Le Figaro trong bài viết dưới hàng tựa « Pakistan trước hiểm họa bất ổn ».
Tờ báo trích lời một thẩm phán Tòa án Tối cao Islamabad hôm thứ Bảy tuần trước tiết lộ rằng cơ quan tình báo quân đội đã ra lệnh cho chánh án Tòa án Tối cao bác đơn kháng cáo của cựu thủ tướng Nawaz Sharif để ông này tiếp tục ở tù cho đến khi bầu cử. Tiết lộ của vị thẩm phán này có tác động như một quả bom chính trị, cho thấy là 10 năm sau khi Pakistan chấm dứt chế độ độc tài Musharraf và tái lập nền dân chủ nghị viện, cả bộ máy tư pháp, Quốc Hội lẫn các chính đảng đều không thể giảm bớt được ảnh hưởng của quân đội trên chính trường nước này. Và sự can thiệp của quân đội đang đè nặng lên cuộc bầu cử hôm nay.

Theo tờ Le Figaro, hiện giờ trong các cuộc thăm dò, hai đảng đang chiếm thế thượng phong : đảng PTI của cựu danh thủ cricket Imran Khan, được cho là có khả năng thắng cử, và đảng PML-N, theo sát đằng sau. Nhưng một số người tự hỏi là nếu giành chiến thắng, liệu ông Imran Khan sẽ có đủ tính chính đáng để lãnh đạo hay không, do trong thời gian qua, quân đội đã tìm đủ mọi cách để ngăn cản đảng PML-N vận động tranh cử.

Le Figaro dự báo, cho dù kết quả bầu cử như thế nào, đảng thắng cử cũng sẽ phải liên minh với các dân biểu không đảng phái để có đủ đa số ở Quốc Hội mới. Nhưng nếu có một chính phủ liên minh như vậy thì các cải tổ kinh tế sẽ ngưng trệ, trong khi Pakistan đang có nguy cơ bị vỡ nợ.

Còn tờ Libération thì ghi nhận là tại bang Pendjab, biểu tượng cho cuộc đối đầu giữa gia đình Sharif với Imran Khan, các ứng cử viên đã không hề quan tâm đến những vấn đề của người dân địa phương : Khan hiếm nước, nghèo đói, thất học…. Đặc biệt là theo dự báo thì đến năm 2025, Pakistan sẽ gặp tình trạng « khan hiếm nước tuyệt đối », với mỗi người dân có chưa tới 500 mét khối nước để xài.

Ozil : Tuyển thủ gây chia rẽ nước Đức

Tờ Le Monde hôm nay cũng chú ý đến Mesut Ozil, ngôi sao bóng đá đang gây chia rẽ nước Đức. Cầu thủ gốc Thổ Nhĩ Kỳ, biểu tượng cho sự hội nhập, đã quyết định rời khỏi đội tuyển quốc gia, để phản đối thái độ kỳ thị đối với anh.

Sau thảm bại thể thao, bây giờ đến chấn động chính trị. Gần một tháng sau khi đội tuyển Đức bị loại ngay từ vòng đầu Cúp bóng đá thế giới tại Nga, việc Mesut Ozil rời khỏi đội tuyển quốc gia đang gây ra nhiều tranh cãi.

Theo Le Monde, để hiểu được vì sao vụ này gây nhiều phản ứng như vậy, phải trở ngược về ngày 13/05 vừa qua. Hôm đó, các mạng xã hội đăng tải nhiều bức ảnh chụp hai tuyển thủ Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có Ozil, với tổng thống Erdogan, đang tặng cho nguyên thủ quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ áo của hai câu lạc bộ mà họ đang đá, Arsenal và Manchester City.

Sáu tuần trước bầu cử tổng thống và Quốc Hội Thổ Nhĩ Kỳ, không thể nào có một hình thức quảng cáo tốt hơn cho ông Erdogan bằng các bức ảnh nói trên. Nhưng tại Đức, các chính đảng đã đồng loạt lên án việc hai tuyển thủ vinh danh lãnh đạo nước ngoài của một chế độ độc đoán. Hôm Chủ nhật, Ozil cho rằng đối với anh, việc chụp hình với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ không hề mang tính chính trị, mà chỉ vì anh không muốn tỏ ra thiếu tôn trọng nguồn gốc của mình.

Theo Le Monde, trong bức thư biện minh cho việc rời khỏi đội tuyển quốc gia, Ozil đã chỉ trích chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Đức Reinhard Grindel : « Đối với ông Grindel và những người ủng hộ ông, tôi là người Đức khi chúng tôi giành chiến thắng, nhưng tôi là một người nhập cư khi chúng tôi đá thua. »

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ thì dĩ nhiên rất hả hê : Đối với bộ trưởng Tư Pháp Abduhamit Gul, việc Ozil rời khỏi đội tuyển Đức là « bàn thắng hay nhất chống virus của chủ nghĩa phát-xít ».

Djibouti : Ổ gián điệp quốc tế

Tiếp tục loạt bài về các ổ gián điệp trên thế giới, tờ Le Monde hôm nay nói về Djibouti, nơi đang trở thành sân chơi lớn của gián điệp quốc tế

Cho dù vẫn còn giữ được ảnh hưởng đáng kể ở quốc gia sa mạc chỉ có 800 ngàn dân này, Pháp không còn là nước duy nhất xem Djibouti là có tầm quan trọng chiến lược hàng đầu. Djibouti nay vừa được dùng làm căn cứ chống khủng bố Al Qaida và các đồng bọn ở Yemen và Somalia, vừa là nơi đặt bộ chỉ huy lực lượng hải quân quốc tế chống hải tặc. Hoa Kỳ đã đổ quân đến đây vào cuối năm 2001 sau các vụ tấn công khủng bố ở New York và Washington.

Sau đó lần lượt Nhật Bản, Ý và cuối cùng là Trung Quốc vào năm 2017 đến đây lập căn cứ quân sự. Không ai nghĩ là quốc gia với cái nóng như thiêu đốt này lại là nơi quy tụ mọi điệp viên của cả vùng, chứ không còn là sân sau của Pháp như thời xưa nữa. Djibouti nay là nơi duy nhất trên thế giới mà Hoa Kỳ và Trung Quốc chung sống trên cùng một lãnh thổ. Căn cứ quân sự của hai nước này chỉ cách nhau có 9 km. Vì muốn tránh xảy ra những vụ chạm giữa hai cường quốc, chính quyền Djibouti tháng Năm vừa qua đã mời hai đại sứ dự một buổi tiếp tân để họ chứng tỏ sự thân thiện giữa hai bên. Và các lãnh đạo Djibouti xem Pháp là một đồng minh giữa hai anh khổng lồ Mỹ và Trung Quốc.

Thuốc chống SIDA đã chứng tỏ hiệu quả

Về y tế, Le Figaro vui mừng loan tin là « thuốc viên chống SIDA » đã chứng tỏ được hiệu quả. Được sử dụng trước khi có một quan hệ tình dục nguy cơ cao, thuốc PrEP có thể giúp ngăn chận virus phát triển. Đây quả là một cuộc cách mạng thật sự.

Kể từ tháng Giêng năm 2016 tại Pháp, có một phương tiện ngăn ngừa hữu hiệu để không bị lây nhiễm virus SIDA.Viên thuốc thần này có tên là PrEP, dành riêng cho những người chưa lây nhiễm HIV và không phải lúc nào cũng sử dụng bao cao su, trong khi họ thuộc những giới có nguy cơ lây nhiễm cao. Theo Figaro, nếu sử dụng thuốc này đúng cách, nguy cơ lây nhiễm HIV là gần như không có.

Nhưng một số người sợ rằng các chiến dịch quảng cáo cho loại thuốc chống SIDA sẽ khiến những người có nguy cơ lây nhiễm cao lơ là việc sử dụng bao cao su. Thế mà trái với bao cao su, thuốc PrEP không bảo vệ chống các bệnh khác lây qua đường tình dục. Cho nên, giáo sư Jean-Michel Molina, trưởng khoa bệnh truyền nhiễm và bệnh nhiệt đới của bệnh viện Saint-Louis (Paris), nhắc nhở rằng bao cao su vẫn là công cụ phòng ngừa thiết yếu, còn thuốc PrEP chỉ là phương tiện phụ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.