Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Quản lý nhà xã hội, bài toán khó cho chính quyền Paris

Đăng ngày:

Paris là một trong những thành phố có giá nhà đắt đỏ vào bậc nhất thế giới. Đa phần người dân thuê nhà chứ không phải chủ sở hữu. Từ vài chục năm trở lại đây, nhà xã hội (nhà HLM) là điều mơ ước của những người không đủ điều kiện để thuê nhà của tư nhân theo giá thị trường. Hiện ở Paris có 200.000 căn hộ HLM, chiếm 20% số nhà ở tại thành phố này, ngoài ra phải kể tới 120.000 người đã nộp hồ sơ và đang chờ tới lượt thuê.

Một khu nhà xã hội ở Draveil - Essonne - cách Paris khoảng 20 km về phía đông nam.
Một khu nhà xã hội ở Draveil - Essonne - cách Paris khoảng 20 km về phía đông nam. (@wikipedia.com)
Quảng cáo

Trung bình, giá thuê nhà xã hội chỉ thấp bằng ½ giá thị trường. Vì thế, tiêu chí chính để được thuê nhà xã hội là mức thu nhập. Tuy nhiên, mọi chuyện không chỉ đơn giản có vậy. Thời gian chờ đợi trung bình từ khi nộp hồ sơ cho đến khi được thuê nhà xã hội là 3-3,5 năm. Thời gian chờ đợi 5-6 năm cũng không phải quá hiếm, thậm chí có người phải chờ tới gần 10 năm mà vẫn « chưa tới lượt ». Trong một số khu phố được coi là « đẹp » ở Paris, chẳng hạn ở phố Poliveau, quận V, một căn hộ nhỏ 2 phòng có tới 637 người đăng ký thuê.

Trong khi « cung không đủ cầu », thì vào đầu năm 2017, Thẩm Kế Viện (Cour des Comptes) lại nói tới tình trạng chệch hướng trong quản lý nhà xã hội. Trả lời phỏng vấn trên đài France 5, kinh tế gia Pascal Perri giải thích : « Thẩm Kế Viện đã khẳng định những điều mà chúng ta vẫn biết qua thăm dò ý kiến tại các địa phương. Đó là có nhiều người ở nhà xã hội lại có thu nhập vượt quá tiêu chuẩn dành cho người được ở nhà HLM, bởi vì thu nhập của họ đã tăng sau khi họ chuyển đến ở đó. Trên lý thuyết, hợp đồng thuê nhà xã hội là hợp đồng trọn đời, có nghĩa là một khi họ vào ở trong các khu nhà xã hội, họ sẽ ở lại đó mãi. Có nhiều người chuyển đến đó khi họ có đông con cái, rồi sau đó con cái họ lớn dần lên và chuyển đi ở nơi khác.

Trong những trường hợp đó, phải xem xét lại điều kiện của họ, phải tính đến số người sinh sống thực trong hộ gia đình đó và quy mô của căn hộ. Nhưng người ta lại không làm như vậy. Chính vì thế mà giờ chúng ta thấy có những người hơn 60 tuổi sống một mình trong những căn hộ HLM hay những nhà chỉ còn có hai vợ chồng nhưng sống trong căn hộ có tới 4-5 phòng mà họ đã sống suốt 25-30 năm qua. »

Tình trạng người ở nhà xã hội trong khi có thu nhập cao đặc biệt nhiều ở Paris : 23% số hộ ở nhà xã hội cho dù đã có thu nhập cao so với tỉ lệ 10% tên toàn nước Pháp. Chẳng hạn, cặp dân biểu đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất (La France Insoumise) Alexis Corbière và Raquel Garrido sống trong căn hộ 80m2, 4 phòng, tại một khu nhà xã hội quận 12, với giá thuê nhà chỉ có 1.200 euro/tháng. Khi thuê căn hộ này vào năm 2003, ông Alexis Corbière là giáo viên, có 2 con, thu nhập của ông là khoảng 29.000/năm, đủ tiêu chuẩn thuê nhà xã hội. Nhưng vấn đề là hiện nay thu nhập của vợ chồng ông lên tới 14.000 euro/tháng, cao gấp nhiều lần so với ngưỡng thu nhập tối đa 30.000 euro/năm để được thuê nhà xã hội.

Thực ra, để khắc phục tình trạng như của gia đình dân biểu Alexis Corbière và Raquel Garrido, chính quyền Paris đã đề ra vài biện pháp. Ông Ian Brossat, trợ lý phụ trách nhà ở cho thị trưởng Paris Anne Hidalgo, giải thích là từ nay hàng năm, những hộ ở nhà xã hội phải thông báo thu nhập cho cơ quan quản lý nhà xã hội. Nếu thu nhập cao hơn quy định 20%, ngoài tiền thuê nhà, họ phải trả thêm một khoản phí chênh lệch, nếu thu nhập vượt quá 50% so với quy định để ở nhà xã hội, họ có 18 tháng để chuyển ra khỏi các khu nhà HLM. Paris đã xác định 500 hộ ở trường hợp nói trên và yêu cầu họ chuyển đi nơi khác sống.

Nhưng ông Ian Brossat cho biết thêm là quy định này không áp dụng với những người trên 65 tuổi, cho dù thu nhập của họ có cao đến mấy đi chăng nữa. Quyết định này bị coi là bất cập, điển hình là với trường hợp của ông Jean-Pierre Chevènement, 77 tuổi, từng là bộ trưởng, dân biểu, thượng nghị sĩ và thị trưởng, ông được hưởng lương hưu rất cao, sở hữu hai căn hộ cho thuê ở ngoại ô, nhưng vẫn được tiếp tục sống trong một căn hộ HLM ở quận V, Paris với giá thuê nhà 2.000 euro so với giá 3.500 euro nếu thuê nhà tư nhân theo giá thị trường.

Do vậy, Thẩm Kế Viện Pháp đã đề nghị thay đổi quy định theo đó hợp đồng thuê nhà xã hội chỉ là « hợp đồng tạm thời », để cơ quan quản lý có thể định kỳ đánh giá lại xem người thuê nhà xã hội có đủ tiêu chuẩn ở tiếp hay không.Kinh tế gia Pascal Perri giải thích thêm : « Từ giờ, cơ quan quản lý nhà xã hội chỉ cho quý vị thuê nhà với thời hạn 5 năm sau khi đánh giá thu nhập và nhu cầu của quý vị. Và sau 5 năm nữa, họ sẽ xem xét lại. Đây là một ý rất hay, cho phép quay vòng nhà xã hội. Khi chúng tôi so sánh nhà của tư nhân cho thuê và nhà xã hội, hệ số quay vòng thay đổi từ 0-4, nhà tư nhân quay vòng rất nhanh, trong khi người thuê nhà xã hội thường ở rất lâu. Đó là một trong những lý do khiến việc thuê nhà xã hội của nhiều người có thu nhập thấp bị nghẽn lại. »

Hồi tháng 04/2018, dự luật ELAN đã được đệ trình lên Hội Đồng Bộ Trưởng Pháp. Một nội dung quan trọng của dự luật liên quan đến cải cách phương thức và quản lý cho thuê nhà xã hội. Mục tiêu là tạo điều kiện cho những người có nhu cầu cấp bách nhất được sớm thuê nhà HLM, đặc biệt là tại những khu vực « cung không đủ cầu ». Dự luật ELAN đã được Hạ Viện Pháp thông qua và hiện đang được thảo luận tại Thượng Viện.

Cũng theo dự luật ELAN, cứ sau sáu năm, hồ sơ của các hộ gia đình ở nhà xã hội sẽ được rà soát lại để tránh tình trạng người có thu nhập tăng đột xuất, cao vượt ngưỡng nhiều vẫn được ở nhà cho người có thu nhập khiêm tốn, hoặc những người mà con cái đã tách ra ở riêng vẫn được thuê những ngôi nhà có rất nhiều phòng, vượt quá nhu cầu thực tế.

Tuy nhiên, dự luật cũng vấp phải nhiều ý kiến phản đối. Nhiều người cho rằng những trường hợp đặc biệt như của vợ chồng dân biểu Alexis Corbière và Raquel Garrido hay chính trị gia Jean-Pierre Chevènement chỉ chiếm số ít. Việc xem xét định kỳ hồ sơ như vậy sẽ đẩy một số gia đình vào cảnh bấp bênh, vì cho dù thu nhập của họ vượt ngưỡng được ở nhà xã hội, nhưng nhiều khi lại không đủ cao để có thể thuê nhà tư nhân theo giá trị trường vốn thường đắt gấp đôi nhà HLM.

Một số người khác lại lập luận rằng từ trước tới nay, những người có thu nhập thấp ở nhà xã hội có một điều an ủi là họ cảm thấy an tâm khi thuê được nhà ở lâu dài, việc xét lại hồ sơ định kỳ sẽ khiến họ cảm thấy không an tâm, nhất là nhiều người đã ở nhà xã hội 35-40 năm, thậm chí suốt 50 năm qua và giờ tuổi đã cao, sắp về hưu nên thu nhập sẽ giảm nhiều.

Thêm vào đó, việc không cho người có thu nhập cao quá định mức tiếp tục thuê nhà xã hội, góp phần dẫn tới nguy cơ các khu nhà HLM trở thành các « ghetto » - « khu biệt cư » dành cho người nghèo.

Kinh tế gia Pascal Perri gợi ý thay vì đầu tư trung bình 65.000 euro để xây một căn hộ HLM thì Nhà nước nên dùng số tiền đó hỗ trợ những người có thu nhập ở mức trung bình thuê nhà tư nhân, tạo ra những không gian sống « hỗn hợp », có nghĩa là những khu nhà có cả người khá giả và người có thu nhập khiêm tốn sống chung.

Trái ngược với tình trạng người dân chờ đợi quá lâu, ông Ian Brossat, trợ lý phụ trách nhà ở cho đô trưởng Paris Anne Hidalgo cũng cho biết thêm một vấn đề khác gây khó khăn cho cơ quản lý nhà xã hội. Chỉ tính riêng năm 2017, có 3.534 người từ chối căn hộ HLM mà các cơ quan quản lý nhà xã hội ở Paris đề xuất cho dù một khi từ chối, người muốn thuê nhà sẽ bị treo hồ sơ trong vòng 1 năm.

Một số người có lý do xác đáng để từ chối căn hộ được đề xuất, nhưng cũng có nhiều người từ chối vì « kén cá, chọn canh ». Họ đưa ra những lý do « nực cười » kiểu : « Cái tủ lạnh kiểu Mỹ của tôi không đưa lọt vào bếp được », « Căn hộ này nằm bên trên một trường học. Bọn trẻ gây nhiều tiếng ồn lắm ! », « Phòng khách không được vuông vắn », « Nhà này không có sân ngoài trời » hay « Không có phòng cho mèo » …

Những lý do « trời ơi, đất hỡi » khiến các nhà quản lý nhà xã hội cũng phải « vò đầu, bứt tai », còn hàng trăm ngàn người đang ngày đêm mong chờ tới lượt mình thuê nhà cảm thấy khó hiểu và khó chịu. Một phần ba số đề nghị của cơ quan cho thuê nhà xã hội đã bị người dân Paris từ chối, một con số không hề nhỏ ! Dường như phân bổ và quản lý nhà xã hội ở Pháp, đặc biệt ở Paris vẫn còn là một bài toán khó có đáp án làm thỏa lòng tất cả mọi người.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.