Vào nội dung chính
Tạp chí đặc biệt

“Thư trong tù” của cố lãnh tụ Mandela : Ngọn lửa tình yêu và hy vọng

Đăng ngày:

Ra mắt tập thư trong tù của cố lãnh tụ Nam Phi Mandela, nhà tranh đấu bất bạo động chống chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc. Nam Phi kỉ niệm 100 năm ngày sinh Mandela cùng dịp một thế kỷ kết thúc Thế chiến thứ nhất. Vụ giải cứu đội bóng Thái Lan phơi bày mặt trái của xã hội. Lính cứu hỏa Pháp đấu bóng với thanh niên ngoại ô, trước chung kết World Cup. Ba nghệ sĩ Pháp « đoạt giải Nobel nghệ thuật ». Lần đầu tiên từ gần 10 năm nay, Hội Đồng Bảo An thảo luận về khí hậu nóng lên và nguy cơ gia tăng chiến tranh. Trên đây là các chủ đề chính của tạp chí Thế Giới Đó Đây tuần này.

Trang bìa tuyển tập « Thư trong tù của Nelson Mandela ».
Trang bìa tuyển tập « Thư trong tù của Nelson Mandela ». Editions Robert Laffont
Quảng cáo

Năm 2018 là một năm đặc biệt với Nam Phi. Ít hôm nữa, ngày 18/07/2018, là dịp kỉ niệm 100 năm ngày sinh của nhà tranh đấu chống chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc Nelson Mandela và một nhà tranh đấu nổi tiếng chống apartheid khác, bà Albertina Sisulu. Đây cũng chính là dịp kỉ niệm tròn một thế kỉ Đại chiến thứ nhất kết thúc. Nhiều binh sĩ Nam Phi đã hy sinh tại Pháp trong các trận chiến dữ dội tại vùng biên giới Pháp-Bỉ. Chủ nhật tuần trước, 07/07, tại khu rừng Delville, tỉnh Somme, nơi hàng ngàn chiến binh Nam Phi nằm lại, một nghi lễ đã được tổ chức để vinh danh những con người quên mình cho tự do.

Lữ đoàn số 1 và Mandela : Hai cuộc chiến vì tự do

Phóng sự của phóng viên RFI Bruno Faure tại khu đài tưởng niệm Nam Phi, rừng Delville :

« Tiếng kèn gọi hồn tử sĩ theo nhạc điệu Nam Phi được cử lên tại đài tưởng niệm trong khu rừng Delville, nơi lữ đoàn bộ binh số một Nam Phi - chiến đấu trong hàng ngũ quân đội Anh - gần như bị xóa sổ trong trận chiến năm nào. Đại diện cho nước Pháp, ông Bernard Musset, lãnh đạo địa phương, phát biểu :

‘‘Sự hy sinh ấy gợi nên ở chúng ta lòng ngưỡng mộ và niềm biết ơn vô bờ bến. Nelson Mandela từng nói : Con người dũng cảm không phải là người không biết sợ, mà là người biết chiến thắng nỗi sợ’’.

Cũng chính ông quận trưởng đã nhận được từ đoàn Nam Phi món quà tặng, một bức tượng bán thân cố tổng thống Mandela.

Về phần mình, bộ trưởng Văn Hóa Nam Phi cũng nhấn mạnh đến mối quan hệ mật thiết giữa sự hy sinh của những người lính trong Thế chiến 1914-1918 và cuộc chiến chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Bà Marcia Olifant, bộ trưởng Văn Hóa, là thành viên của phái đoàn Nam Phi hùng hậu, đến Pháp nhân dịp này. Bà chia sẻ : ‘‘Nhớ đến những người đã hi sinh vì tự do là điều rất quan trọng. Đây cũng chính là điều mà Nelson Mandela và Albertina Sisulu đã làm.

Đài tượng niệm binh sĩ Nam Phi tại rừng Delville, tỉnh Somme, Pháp.
Đài tượng niệm binh sĩ Nam Phi tại rừng Delville, tỉnh Somme, Pháp. © Wikipedia

Cách nay 4 năm, vào lúc khởi đầu cuộc kỷ niệm Thế chiến thứ nhất tròn một thế kỉ, đương kim tổng thống Nam Phi, Cyril Ramaphosa, từng là cánh tay phải của Nelson Mandela, đã đến đây chủ trì lễ khâm liệm chiến binh Nam Phi da đen đầu tiên hy sinh tại Pháp trong Thế chiến, để nơi đây mãi mãi trở thành biểu tượng cho xứ sở Cầu Vồng ».

Tiếng lòng của con người bất khuất

Nhân dịp 100 năm ngày sinh của nhà tranh đấu chống chủ nghĩa apartheid, một sưu tập hơn 225 bức thư trong tù của Nelson Mandela, trong đó đa số lần đầu tiên ra mắt, được công bố đồng loạt trong tuần này, bằng tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Hà Lan, tiếng Ý. Bản dịch tiếng Pháp « Các bức thư trong tù » (Les Lettres de prison de Nelson Mandela), do nhà xuất bản Robert Laffont ấn hành, ra mắt hôm thứ Năm, 12/07.

Mandela qua đời đã 5 năm, nhưng công chúng còn biết rất ít về đời sống bên trong của nhà chính trị kỳ lạ này. Bộ tuyển tập này, kết quả của hơn 10 năm để làm việc của nhà nghiên cứu Sahm Venter, giúp công chúng đến với một Mandela thầm kín, với tiếng lòng của nhà tranh đấu bất khuất, ngọn hải đăng cho cuộc chiến vì nền dân chủ Nam Phi.

Trong 27 năm tù đày đằng đẵng, chính xác là 10.052 ngày, thư từ gần như là cách duy nhất để ông liên lạc với bên ngoài. Những năm đầu tiên, ông chỉ được phép gửi hoặc nhận 6 tháng một lần, mỗi bức không quá 500 chữ. Tất cả thư từ ông gửi ra đều bị kiểm duyệt chặt, rất nhiều bức bị giữ lại, không bao giờ đến tay người nhận.

Bất chấp các giới hạn ngặt nghèo, Mandela đã tận dụng những cơ hội ấy để chuyển đến gia đình, đến các con, các cháu sau đó, cho người vợ Winnie, cho bè bạn, ngọn lửa của tình yêu và niềm tin. Những lá thư của tổng thống Nam Phi tương lai ắt hẳn cũng góp phần đánh thức nhân tính của không ít con người trong bộ máy cầm quyền.

Trong lá thư gửi Winnie ngày 23/06/1969, Mandela viết : « Thứ quý giá nhất mà tôi có ở đây, đó là lá thư mà em viết cho tôi hôm 20/12/1962, ít ngày sau khi tôi bị kết án lần đầu tiên. Suốt 6 năm rưỡi sau đó, tôi đã đọc đi đọc lại nó. Với tôi, những tình cảm trong đó vẫn tha thiết và tươi mới như cái ngày tôi nhận được thư ». Khi viết lá thư này, Mandela đã trông đợi được gặp lại Winnie, sau hơn 6 tháng cách mặt, thế nhưng Winnie bất ngờ bị bắt.

Mandela cùng Winnie, người vợ thứ hai và con. Ảnh chụp trước khi ông bị bỏ tù.
Mandela cùng Winnie, người vợ thứ hai và con. Ảnh chụp trước khi ông bị bỏ tù. Ảnh chụp màn hình

Ông viết tiếp : « Phần lớn mọi người không biết là con người bằng xương bằng thịt của em với tôi không có ý nghĩa gì cả, nếu như những lý tưởng mà vì nó em đã hy sinh cuộc đời mình, không trở thành hiện thực. Tôi hiểu, sống với hy vọng là một điều tuyệt diệu. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi được chung sống cùng nhau, em thương yêu, cuộc sống của đôi ta đã luôn tràn đầy hy vọng… Trong những năm tháng kinh khủng và tàn bạo này, tôi đã càng yêu em hơn bao giờ hết… Không gì quý giá hơn là được tham gia vào cuộc vận động lịch sử của một đất nước.

Chính những hạt kim cương nằm trong bức thư ấy khiến tôi một lần nữa cảm thấy ngây ngất, sau khi đọc thư ngày 17/05 (tức ngày mà Nelson Mandela biết Winnie bị bắt)… Những giá trị bất tử của xã hội và tư tưởng không thể nào được tạo nên bởi những con người thờ ơ hay chống lại những khát vọng thực sự của một dân tộc…. Không có một thế giới mới nào có thể sinh thành, nhờ ở những người khoanh tay đứng ở bên lề, thế giới ấy chỉ xuất hiện nhờ những ai dấn thân nơi đấu trường, áo quần tơi tả vì bão tố, thân thể bầm dập vì tranh đấu ».

Trả lời RFI, nhà văn Jean Guiloineau, cũng là dịch giả tuyển tập thư trong tù Mandela nhận xét : « Chúng ta phát hiện ra một con người hoàn toàn tự do. Ông ấy hiểu rằng chân lý thuộc về ông ấy. Cuộc đời của Mandela trước khi ông vào tù đã là một cuộc sống nằm ngoài hệ thống xã hội kỳ thị chủng tộc. Trong các bức thư ông ấy viết, chúng ta nhận ra điều này. Thế giới của ông ấy gồm các nhà trí thức. Bạn bè ông ấy là các luật sư, bác sĩ, các giảng viên đại học. Một cộng đồng những con người hiện đại sống bên trong một xã hội Nam Phi lạc hậu với Lịch sử ».

27 năm tù đày đằng đẵng không khuất phục được Mandela. Thư từ đã trở thành vũ khí tranh đấu của nhà lãnh đạo tương lai. Bằng lời lẽ, người cha tương lai của quốc gia Nam Phi dân chủ đã đóng góp phần quyết định, hạ bệ chế độ apartheid, đặt nền móng cho một xã hội đa văn hóa, công bằng, mà ông hy vọng sẽ sớm ra đời.

Thái Lan : Cuộc giải cứu phơi bày số phận người « vô tổ quốc »

Cuộc giải cứu thành công đội bóng thiếu nhi Thái Lan được toàn thế giới theo dõi, sau 18 ngày bị kẹt trong một khu động ở miền cực bắc đất nước, tính mạng ngàn cân treo sợi tóc, vào lúc mùa mưa đang đến, đã trở thành dịp để toàn xã hội Thái Lan xích lại gần nhau, trong bối cảnh quốc gia này đang bị chia rẽ sâu sắc về chính trị, sau nhiều năm sống dưới chế độ độc tài quân sự. Tuy nhiên chính cuộc giải cứu phi thường này cũng phơi bày trước công luận tình cảnh của những người « vô tổ quốc » tại Thái Lan. Ba vận động viên nhí và huấn luyện viên là những người không quốc tịch, xuất thân từ các sắc tộc thiểu số ở Miến Điện.

Đặc phái viên Arnaud Dubus từ Mae Sae cho biết cụ thể :

« Chính tại vùng Mae Sai, cực bắc Thái Lan, gần sát với Miến Điện, đã diễn ra 18 ngày đầy kịch tính tại động Tham Luang. Khó mà nói nơi đây là một địa điểm phù hợp, để biểu dương niềm tự hào dân tộc của người Thái. Một phần lớn cư dân địa phương ở đây là người Miến Điện, xuất thân từ các dân tộc ít người, hay người vô tổ quốc.

Ba trong số đội tuyển thiếu nhi bị kẹt trong động và huấn luyện viên Ekapol Chanthawong là những người xuất thân từ sắc tộc thiểu số, không có quốc tịch Thái Lan. Chính Adul Sam-On, một trong ba em nhỏ nói trên, đã có vai trò quyết định trong hoạt động giải cứu.

Chính em đã giao tiếp bằng tiếng Anh với nhóm thợ lặn người Anh, đã xác định được vị trí của những người bị mắc kẹt. Em Adul Sam-On 14 tuổi sống tại Thái Lan từ 8 năm nay. Về phần mình, người huấn luyện viên đã duy trì được sự đoàn kết của đội tuyển nhí trong thời gian 10 ngày bị kẹt đầu tiên, hoàn toàn trong bóng đêm. Đặc biệt là chính anh đã dạy cho các em môn thiền định. Người huấn luyện viên này đã nhịn ăn để nhường lại phần thực phẩm ít ỏi cho các em nhỏ.

Về mặt chính trị, chính quyền quân sự Thái Lan sẽ được hưởng lợi nhờ thành công của chiến dịch giải cứu. Vấn đề còn lại là liệu chính quyền Thái có giảm nhẹ chính sách rất hà khắc đối với dân nhập cư từ các nước láng giềng hay không ?

Thái Lan là nơi cư trú của khoảng 500.000 người dân vô tổ quốc. Chính họ lại là những người có vai trò quan trọng trong nền kinh tế của vương quốc ».

Sau khi sức khỏe bình phục, các vận động viên trẻ Thái Lan ắt hẳn sẽ tiếp xúc với truyền thông quốc tế. Liệu cộng đồng quốc tế, nhân dịp này sẽ được biết nhiều hơn về cuộc sống của những người vô tổ quốc tại Thái Lan ?

Trước thềm chung kết World Cup : Lính cứu hỏa Pháp thi đấu với thanh niên ngoại ô

Vẫn về bóng đá, tại Pháp, mọi con mắt hướng về khu vực trung tâm Paris, về đại lộ Champs-Elysée, nơi dự kiến sẽ hàng trăm ngàn người đổ dồn về đây để theo dõi trận chung kết World Cup, ngày 15/07 giữa Pháp và Croatia, hứa hẹn sẽ rất kịch tính. Dịp chung kết năm nay rơi đúng vào lễ Quốc Khánh Pháp, hơn 100.000 nhân viên cảnh sát được huy động để bảo đảm an ninh trên toàn quốc, riêng tại Paris là hơn 10.000 người.

Theo AFP, tại vùng ngoại ô Paris, một số sáng kiến đã được đưa ra để, thông qua môn bóng đá đánh thức ý thức công dân, siết chặt tình liên đới giữa thanh niên ngoại ô với chính quyền, giảm nguy cơ bạo lực tại các điểm nóng trong thời điểm diễn ra trận chung kết.

Theo sáng kiến của chính quyền Aulnay-sous-Bois (Seine-Saint-Denis) (1), nhiều hiệp hội thành phố và lực lượng cấp cứu-cứu hỏa Paris, một giải bóng đá mini đã được tổ chức, với nhiều đội tuyển hỗn hợp, gồm thanh thiếu niên địa phương và nhân viên cứu hỏa.

Bên cạnh giải đấu này, ban tổ chức cũng mời những ai quan tâm nhập môn nghề cứu hỏa, cùng lúc đó gửi đến họ các thông tin về những hệ quả nguy hiểm của những hành động vô ý thức, như « street pooling », tức xả nước từ các trạm cứu hỏa. Trò đùa nghịch xảy ra vào mùa hè này trong ít năm gần đây, thường để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng (thiệt hại về lượng nước dự trữ, gây tai nạn, nước không đủ áp suất để phục vụ cứu nạn…). Sau hoạt động, nhiều thanh niên tỏ ra thiện cảm hơn với các nhân viên cứu hỏa và cảm thấy gần gũi hơn với nghề nghiệp mạo hiểm này.

Ba nghệ sĩ Pháp được trao giải « Nobel nghệ thuật »

Một tin vui với giới nghệ sĩ Pháp. Giải Praemium Imperial Nhật Bản, một giải thưởng được ví với « Nobel của nghệ thuật », vừa được trao tặng cho ba nghệ sĩ Pháp. Nữ tài tử điện ảnh Catherine Deneuve, kiến trúc sư Christian de Portzamparc và họa sĩ hai quốc tịch Pháp – Bỉ Pierre Alechinsky.

Giải thưởng Praemium Imperial được Hiệp hội Japan Art Association lập ra cách nay 30 năm, được trao hàng năm cho 5 nghệ sĩ thuộc 5 lĩnh vực nghệ thuật, bao gồm hội họa, điêu khắc, âm nhạc, kiến trúc và sân khấu – điện ảnh.

Nữ tài tử Catherine Deneuve được coi là một trong những đại thụ của nền điện ảnh Pháp. Kiến trúc sư Christian de Portzamparc, tác giả của Trung tâm Âm nhạc Paris, sứ quán Pháp tại Đức hay tòa tháp Prism Tower ở New York, được ca ngợi như là một trong các nhà cải cách kiến trúc Pháp đương đại. Còn họa sĩ Pierre Alechinsky, 91 tuổi, nổi tiếng với phong cách ấn tượng và siêu thực, hội họa Nhật Bản là nguồn cảm hứng lớn của ông.

Lễ trao giải sẽ diễn ra ngày 23/10 năm nay tại Tokyo.

Những tâm hồn đồng điệu

Giới nghệ sĩ Nhật – Pháp có nhiều duyên nợ. Nhân dịp 160 năm Pháp – Nhật thiết lập quan hệ ngoại giao, ngày thứ Nam 12/07 tuần này, Paris khởi sự năm văn hóa Nhật Bản, với tên gọi chính thức «Japonisme 2018 : Les âmes en resonnance » (tạm dịch là : « Sự tỏa sáng của văn minh và nghệ thuật Nhật 2018 : Những tâm hồn đồng điệu »).

Trong vòng 9 tháng, Paris và vùng thủ đô sẽ tổ chức nhiều hoạt động để chuyển đến công chúng những tinh hoa nghệ thuật Nhật Bản, từ kịch kabuki cổ truyền đến nghệ thuật sắp đặt kỷ nguyên tin học (của nhóm teamLab), từ các cuộc hòa tấu trống cổ đến toàn bộ sự nghiệp phim của nữ đạo diễn Naomi Kawase rất được yêu mến tại Pháp, từ di sản tranh trên giấy cuộn của họa sĩ cổ điển Ito Jakuchu đến kiến trúc Tokyo hiện đại qua thế giới tranh manga…. Cho đến tháng 2/2019, Paris sống theo nhịp đàn koto (đàn tranh) và đàn shamisen (đàn ba dây) truyền thống Nhật.

Bức "Sóng thần" của danh họa Nhật Bản Hosukai, đầu thế kỷ 19, làm mê say nhiều nghệ sĩ Pháp.
Bức "Sóng thần" của danh họa Nhật Bản Hosukai, đầu thế kỷ 19, làm mê say nhiều nghệ sĩ Pháp. Wikipedia

Giúp công chúng phát hiện lại ảnh hưởng lớn lao của nghệ thuật Nhật Bản đối với nghệ sĩ Pháp cuối thế kỷ 19, đầu 20 là một trong các mục tiêu của dịp kỉ niệm này. Cuộc cải cách Minh Trị thời đó đã mở cửa nước Nhật, giúp phương Tây nói chung và nước Pháp nói riêng tiếp cận với một nền nghệ thuật đầy bí ẩn. Các xúc tác của nền nghệ thuật đa dạng và phóng khoáng này đã tạo đà cho nghệ thuật châu Âu, đặc biệt là hội họa tại Pháp, làm nên cuộc cách mạng mang tên trường phái « Ấn Tượng », với các nghệ sĩ lớn tiêu biểu như Monet, Gauguin hay Van Gogh.

Hội Đồng Bảo An bàn về Trái đất nóng lên và nguy cơ chiến tranh

Trái đất nóng lên và các hậu quả đáng sợ của chuyện này là điều mà đông đảo mọi người giờ đây đều thừa nhận. Tuy nhiên, mối liên hệ giữa việc Trái đất bị hâm nóng với tình trạng xung đột gia tăng trên thế giới không phải là điều dễ dàng được thừa nhận ở cấp quyền lực thượng đỉnh. Chủ đề này đã được thảo luận rộng rãi tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, hôm thứ Tư 11/07 vừa qua. Đây là lần thứ ba trong lịch sử, định chế đầy quyền lực này bàn về vấn đề khí hậu và an ninh (lần thứ hai là vào năm 2011).

Theo đại sứ Thụy Điển, chỉ riêng việc tổ chức một cuộc thảo luận về vấn đề hệ trọng này tại Hội Đồng Bảo An đã là « một thành công ».

Theo Le Monde, định chế quyền lực nhất thế giới này thừa nhận đã chậm trễ trong việc tính đến nhân tố nhiệt độ Trái đất tăng cao, như một nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nguy cơ gia tăng xung đột, và làm nghiêm trọng hơn các xung đột đã có. Tuy nhiên, cách đánh giá về vai trò của Hội Đồng Bảo An là rất khác nhau.

Trong khi nhiều quốc gia, đặc biệt là Thụy Điển (chủ trì sáng kiến này, và là chủ tịch luân phiên của Hội Đồng Bảo An) hay Pháp, Hà Lan, ủng hộ việc Hội Đồng Bảo An đảm nhận vai trò này, một số nước như Nga hay Trung Quốc tỏ ra lưỡng lự. Đại sứ Nga Dmitry Polyansky, tuy thừa nhận tác động của biến đổi khí hậu, nhưng nhấn mạnh là Hội Đồng Bảo An không đủ « chuyên gia » để bàn về một vấn đề mà theo ông là « phi thực tế », và dễ tạo ra ảo tưởng là định chế này có thể « ngăn chặn được biến đổi khí hậu ».

Trái đất đang bị hâm nóng.
Trái đất đang bị hâm nóng. Reuters

Theo nhiều quốc gia nạn nhân của các hiện tượng thời tiết cực đoan, hay các nước châu Âu, trong đó có Pháp, không thể ủy thác vấn đề nhiệt độ gia tăng, đe dọa đời sống các các cộng đồng dân cư và hòa bình - an ninh trên thế giới, cho các định chế cấp thấp hơn, hay Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, một cơ quan không có thẩm quyền ra quyết định mang tính cưỡng chế.

Để hiểu đúng hơn về « thực tế mới » này, đa số các quốc gia thành viên đã yêu cầu tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres thực thi một báo cáo thường niên về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến tình trạng xung đột trên thế giới, dựa trên các tổ chức chuyên gia của Liên Hiệp Quốc như Cơ Quan Lương Nông Liên Hiệp Quốc/FAO, Chương Trình Phát Triển Liên Hiệp Quốc/UNDP, Công Ước Khung về Biến Đổi Khí Hậu/UNFCCC và nhóm chuyên gia liên chính phủ về Khí hậu GIEC.

Ghi chú

(1) Aulnay-sous-Bois là một thành phố cách trung tâm Paris khoảng 20 km, nổi tiếng với những căng thẳng giữa giới trẻ và cảnh sát. Cách nay hơn một năm, vài tháng sau vụ « Théo » (một thanh niên cáo buộc bị cảnh sát bạo hành), Aulnay-sous-Bois đã tổ chức cuộc gặp gỡ hòa giải giữa 1.500 thanh thiếu niên và 50 cảnh sát địa phương, nhằm đánh động giới trẻ ý thức về « dịch vụ công ích » (service public) với nhiều trò chơi, trong đó có trò đóng vai cảnh sát.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.