Vào nội dung chính
Tạp chí xã hội

Cứu ngành bưu chính Pháp: Nhân viên phát thư phải "đa năng"

Đăng ngày:

Từ nhiều năm nay, nhân viên phát thư vẫn là một trong những người làm nghề được dân Pháp yêu quý nhất. Theo một thăm dò ý kiến do TNS Sofres thực hiện năm 2012, 54% số người được hỏi yêu quý nhân viên phát thư, chỉ sau người bán bánh mì (66%) và hơn cả lính cứu hỏa - cứu hộ (50%).

Một nhân viên phát thư bưu điện Pháp.  Ảnh chụp ngày 13/03/2018 tại Plabennec, miền tây Pháp.
Một nhân viên phát thư bưu điện Pháp. Ảnh chụp ngày 13/03/2018 tại Plabennec, miền tây Pháp. Fred TANNEAU / AFP
Quảng cáo

Trên thực tế, công tác chuyển phát thư từ là hoạt động truyền thống và trung tâm của bưu điện. Cách nay 10 năm, doanh thu từ dịch vụ chuyển phát thư từ chiếm 60% tổng doanh thu của bưu điện Pháp. Nhưng doanh thu này bắt đầu giảm từ năm 2008, và tới năm 2017 chỉ còn 11,11 tỉ euro - hơn 40% doanh thu của ngành Bưu điện Pháp.

Trong đời đại công nghệ bùng nổ, nhiều giấy tờ, thủ tục hành chính có thể được thực hiện trên mạng internet dễ dàng, nhanh gọn, thuận tiện, cùng với việc trao đổi thư điện tử hàng ngày, đã khiến lượng thư từ gửi qua bưu điện sụt giảm 7%/năm, thậm chí nhiều chuyên gia ước tính trong giai đoạn 2019-2022, lượng thư chuyển qua bưu điện sẽ giảm 8-9%/năm.

Điều đáng lo ngại, theo nhiều chuyên gia, là trong năm qua, sự suy giảm này không có dấu hiệu chậm lại cho dù nền kinh tế Pháp khởi sắc trở lại. Cho dù theo một thăm dò ý kiến, số người được hỏi vẫn coi chuyển phát thư là một hoạt động có ích và cần thiết, nhưng thực tế cho thấy « thời vàng son » của Bưu điện Pháp dường như đã qua. Internet và thư điện tử đang dần « thế chỗ » thư tay. Theo ước tính, ngành bưu điện Pháp thiệt hại tới 2,8 tỉ euro.

Để đương đầu với những khó khăn trên, bù đắp phần nào cho doanh thu, bưu điện Pháp thời gian qua tìm cách đa dạng hóa hoạt động, mở thêm các dịch vụ mới mà người thực hiện trực tiếp là nhân viên đưa thư.

Ông Philippe Dorge, phó giám đốc phục trách mảng Dịch vụ - Thư từ - Bưu phẩm của Bưu điện Pháp giải thích : « Chúng tôi có lợi thế là có mạng lưới tuyệt vời trên khắp nước Pháp, chuyển phát thư 6/7 ngày mỗi tuần. Ngoài ra, nhân viên phát thư có được lòng tin của người dân, nổi tiếng gần gũi thân thiện và luôn sẵn sàng có mặt khi cần. » Bưu điện Pháp tranh thủ lợi thế đó để mở mang hoạt động. Hiện 73.000 nhân viên phát thư chiếm 28% tổng  số nhân viên của ngành Bưu điện Pháp (253.219 người). Trước việc mở rộng dịch vụ, năm 2017, Bưu điện Pháp đã ký hợp đồng dài hạn (CDI) thêm với 4.700 người và có kế hoạch tuyển dụng thêm 3.000 nhân viên đưa thư trong năm 2018.

Giờ đây, ngoài công việc truyền thống hàng ngày là chuyển phát thư từ, bưu phẩm, nhiều nhân viên phát thư còn kiêm thêm nhiều nhiệm vụ mới, như hỗ trợ khai thuế thu nhập hàng năm, coi thi lý thuyết lấy bằng lái xe, giao thuốc tân dược hay thực phẩm tới các hộ dân, thăm nom người cao tuổi sống một mình, làm vườn, làm việc nhà, sửa điện nước, thu gom giấy đã qua sử dụng ở các công ty …

Dịch vụ thăm nom người cao tuổi

Trong số các dịch vụ mới của nhân viên đưa thư, dịch vụ được Bưu điện Pháp quảng cáo và được báo chí nói đến nhiều là dịch vụ thăm nom hỗ trợ người cao tuổi, nhất là những người già sống một mình, không có người thân, hoặc con cái ở xa, ít có thời gian trực tiếp chăm lo cho cha mẹ. Dịch vụ « Veiller sur mes parents » - Hãy chú ý để mắt tới cha mẹ tôi ! chính thức được triển khai trên toàn nước Pháp từ tháng 05/2017.

Làm công việc tiếp xúc nhiều với người dân, các nhân viên đưa thư có thể giúp người cao tuổi phần nào cảm thấy bớt cô độc. Đó là ý kiến ông Joseph Krummenacker, chủ tịch Liên đoàn quốc gia các hiệp hội người cao tuổi và gia đình họ : « Bố trí người chăm sóc những người cao tuổi sống cô độc là một ý tưởng hay. Việc này sẽ liên quan nhiều tới những người không có người thân hay gia đình thường xuyên tới thăm. Vì thế, việc này cũng liên quan tới rất nhiều người và có thể ngày càng liên quan tới nhiều người. »

Số lần thăm hỏi các cụ tăng tỉ lệ thuận với gói dịch vụ mà con cháu các cụ mua. Chẳng hạn, với phí 19,90 euro/tháng, nhân viên đưa thư tới thăm hỏi các cụ 1 lần/tuần, với phí 139 euro/tháng, số lần thăm hỏi là 6 lần/tuần. Sau mỗi lần nhân viên phát thư tới thăm các cụ, họ sẽ chuyển một tin nhắn báo cho con cháu các cụ. Hiện có gần 4.000 người sử dụng dịch vụ này. Cô Emilie Ballereau, nhân viên phát thư ở Neuvy-Saint-Sépulchre, một thành phố với 1.600 người dân, thuộc vùng Indre, được giao thêm hai hoạt động là mua thuốc tân dược theo đơn cho các cụ già và thăm nom một cụ bà tên là Jeannine gần 80 tuổi.

Cô Ballereau giải thích : « Tôi rẽ vào thăm cụ mỗi tuần một lần, kể cả khi cụ không có thư. Tôi ngồi lại chuyện trò với cụ 5-10 phút, thăm hỏi cụ xem mọi chuyện có ổn không. Nếu cụ có vấn đề gì, tôi sẽ báo cho các con của cụ, và nếu cụ có vấn đề gì nguy kịch, tôi sẽ gọi cấp cứu. Tôi đã qua 1-2 giờ tập huấn trên mạng internet để học cách ứng phó với tình huống. Chúng tôi không bị bỏ mặc phải tự xoay xở một mình. »

Cô Ballereau cũng hào hứng vì các dịch vụ mới tạo cơ hội cho các nhân viên đưa thư đa dạng hóa hoạt động và đảm bảo tương lai cho họ : « Tôi làm việc ở bưu điện đã được 10 năm nay. Chúng tôi biết rằng số lượng thư từ cần phát đã giảm. Các dịch vụ này là tương lai của chúng tôi ».

Còn cụ bà Jeannine cũng rất hài lòng với dịch vụ « Veiller sur mes parents ». Bà chia sẻ : « Tôi gặp khó khăn khi đi lại. Các con gái tôi lại ở xa, nên tôi thấy dịch vụ này rất có ích ! … Tôi gọi người đưa thư của tôi là thiên thần hộ mệnh. Cô ấy biết cách lắng nghe, và nếu tôi cần gì, cô ấy luôn có thời gian dành cho tôi ».

Tuy nhiên, không phải ai cũng ủng hộ dịch vụ mới này. Nhiều nghiệp đoàn đánh giá thời gian thăm hỏi 6 phút/lần theo hợp đồng quá ít cho một dịch vụ có giá có thể lên tới 140€/tháng. Và họ cho rằng thời gian 1-2 tiếng học trên mạng Internet cho các nhân viên đưa thư cũng là quá ít ỏi.

Ngay cả các nhân viên đưa thư, không phải ai cũng hài lòng. Họ gọi đó là « một dịch vụ gây sốc ». Nhiều người cảm thấy lòng tốt vốn có của họ bị bưu điện lợi dụng để kiếm tiền. Cô Julie là nhân viên đưa thư ở miền đông nam, cô lấy làm tiếc là giờ Bưu Điện Pháp lại quy sự quan tâm mà cô luôn dành cho mọi người khi đi đưa thư thành tiền bạc và bắt họ trả tiền cho sự quan tâm của các nhân viên đưa thư.

Cô Julie chia sẻ về sự quan tâm dành cho người dân: « Đó là điều mà chúng tôi vẫn làm trước đây. Ở tiền sảnh của các tòa nhà, khi tới bỏ thư vào hòm thư của từng hộ gia đình, chúng tôi cũng vẫn trò chuyện với mọi người và cuối cùng thì chúng tôi cũng học được cách hiểu họ. Điều làm tôi bị sốc là những việc mà chúng tôi làm một cách tự nhiên vì lòng tốt và không đòi hỏi họ trả tiền nay lại trở thành một dịch vụ có tính phí ».

Ông Pascal Frémont, nhân viên đưa thư vùng Loire-Atlantique và một thành viên của nghiệp đoàn SUD-PTT cũng chỉ trích : « Giờ đây, người ta bán một dịch vụ mà từ trước tới nay chúng tôi vẫn làm miễn phí. Mà đâu phải ai cũng có tiền để chi trả cho dịch vụ này. »

Dịch vụ mới cho doanh nghiệp và chính quyền địa phương

Các dịch vụ mới mà nhân viên bưu điện đảm nhiệm không chỉ phục vụ các cá nhân, hộ gia đình mà còn hướng tới các doanh nghiệp và chính quyền địa phương. Chẳng hạn sau khi đưa thư cho một doanh nghiệp, nhân viên đưa thư ra về và mang theo các thùng đựng giấy in và bìa carton đã qua sử dụng nhằm phục vụ công tác tái chế rác thải.

Hiện nay, tại Pháp đã có 6.000 công ty sử dụng dịch vụ của bưu điện thu gom giấy phế liệu. Hơn 50.000 tấn rác giấy đã được bưu điện thu gom. Trước thành công của dịch vụ này, bưu điện Pháp đã hợp tác với công ty môi trường Suez thành lập doanh nghiệp Recygo chuyên về thu gom và tái sử dụng rác thải để thu gom nhiều hơn, hiệu quả hơn các loại rác thải văn phòng tại các công ty lớn, từ cốc nước bằng nhựa tới giấy lộn, hộp mực in …

Trong khi đó, chính quyền các địa phương cũng có thể đăng ký dịch vụ theo đó nhân viên đưa thư chú ý quan sát, theo dõi các tuyến đường đi và chụp ảnh các đoạn đường bị hỏng, sụt lún, nhấp nhô ổ gà ổ vịt hoặc nếu có chướng ngại vật trên đường, ảnh hưởng tới giao thông. Với chiếc điện thoại thông minh, nhân viên bưu điện gửi các bức ảnh đó tới cơ quan có liên quan để họ xử lý.

Cộng đồng các thành phố Aunis Atlantique lại sử dụng dịch vụ của nhân viên đưa thư để tới tận nhà các hộ gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn để tìm hiểu về cách họ sử dụng năng lượng. Bà Karine Dupraz, phó chủ tịch phụ trách về chuyển đổi năng lượng của cộng đồng các thành phố Aunis Atlantique khấn khởi cho biết : « Chúng tôi rất hài lòng khi làm việc với bưu điện. Vì đó là các nhân viên phát thư, nên người dân mới yên tâm mở cửa cho họ vào nhà và trả lời bảng hỏi của chúng tôi. Tỉ lệ trả lời cao hơn cả mong đợi của chúng tôi. »

Tuy nhiên, đại diện nghiệp đoàn SUD-PTT lo ngại rằng các dịch vụ mới của bưu điện sẽ khiến nhân viên đưa thư phải làm việc quá tải. Nghiệp đoàn yêu cầu bưu điện phải kiểm tra về lượng công việc thực tế của nhân viên phát thư, vì nhiều nhân viên nói rằng lượng thư từ mà họ phát hàng ngày vẫn rất nhiều.

Nhưng trong khi chờ đợi, lại có thêm nhiều dịch vụ mới của bưu điện ra đời, chẳng hạn, hồi đầu tháng 05/2018, bưu điện Pháp tung ra dịch vụ theo đó nhân viên phát thư trợ giúp những người chỉ quen khai thuế thu nhập bản giấy chuyển sang khai thuế trên Internet. Ông Philippe Dorge, phó giám đốc phục trách mảng Dịch vụ - Thư từ - Bưu phẩm của Bưu điện Pháp tin tưởng : « Dịch vụ này chắc chắn sẽ thành công, vì từ năm sau, khai thuế trên mạng internet là bắt buộc đối với mọi hộ gia đình. »

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.